Trồng cây quí để trả nợ "thần rừng"
Anh sắp chết vì mắc bệnh ung thư gan, nhưng điều kỳ diệu đã đến. Trong một lần vào rừng sâu tìm nấm lim xanh để tự cứu mạng và anh đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Để trả nợ - anh đã phủ xanh lại khu rừng.
Đến xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước, Quảng Nam hỏi Hoa “nấm lim xanh” ai cũng biết. Anh Nguyễn Đình Hoa vốn mang trong mình căn bệnh ung thư gan giai đoạn cuối, cuộc sống với anh chỉ tính bằng ngày. Chưa hết, anh còn phải chăm sóc nuôi mẹ già. Ấy vậy, tình cờ một chuyến đi vào rừng sâu để tìm bài thuốc tự cứu chữa cho mình, điều kỳ diệu đã đến: Hoa đã tìm được vị thuốc nấm lim xanh.
Nguyễn Đình Hoa bên rừng lim hơn 3 năm tuổi trong vườn.
Tính mạng tính từng ngày
Đôi mắt nhìn xa xăm về phía đầu rừng, Hoa kể, đầu năm 2008, từ một người khỏe mạnh bình thường, bỗng dưng anh bị sút cân từ 63kg xuống còn 55kg, bụng phì, da vàng phù, người nổi mẩn ngứa, lở loét. Sau khi siêu âm, xét nghiệm máu, bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho biết kết quả: Anh bị mắc bệnh viêm gan B, xơ gan cổ trướng. Dù đã tốn nhiều tiền điều trị tại các bệnh viện lớn ở Đà Nẵng, Huế, nhưng bệnh tình anh không hề thuyên giảm. Nhẵn túi, anh đành ngậm ngùi “mang bệnh” về nhà chờ chết.
Giữa cơn tuyệt vọng, anh Hoa được một ông cụ người dân địa phương mách là: Cách đây khoảng 50 năm, có một người ở xã Tiên Hiệp cũng bị chứng xơ gan cổ trướng, nhưng vào rừng lấy một loại nấm mọc trên thân cây lim xanh đã mục về sắc uống mà bệnh khỏi hẳn.
Nghĩ “còn nước còn tát” và nhà nghèo không có điều kiện tiếp tục đến bệnh viện chữa trị nên anh Hoa đùm cơm, khoác ba lô xuyên rừng sâu tìm nấm chữa bệnh. Gần một tháng trời lăn lộn khắp chốn thâm sơn cùng cốc, cuối cùng Hoa đã tìm được hơn 12kg nấm mọc trên thân cây lim xanh về sắc lấy nước uống. Sau một thời gian bền bỉ chữa bệnh bằng nấm lạ, Hoa thấy người khỏe, da hồng hào trở lại và bụng xẹp hẳn, không trướng lên như trước đây. Tháng 4/2009, anh tới Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng để kiểm tra sức khỏe được biết đã khỏi bệnh.
Theo GS-TS. Đỗ Tất Lợi viết trong cuốn sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” thì dược liệu nấm lim xanh có thể khắc chế quá trình phát triển của một số bệnh ung thư. Và, Hoa nói về công dụng của nấm lim xanh như một nhà nghiên cứu thực thục về loài thảo dược này: “Ở xứ Tiên Phước, một số vùng, người dân có thói quen sắc nấm làm nước uống hằng ngày. Ngay cả nước có vị đắng mà anh đang uống đây cũng từ nấm lim xanh. Nhờ nó, mà từ người mắc viêm gan B, bây giờ da mình đỏ au, xét nghiệm không còn virut dương tính nữa”.
Theo TS. Ngô Anh, công tác tại Khoa sinh học, Trường Đại học Khoa học Huế, nấm cổ linh chi (tên thường gọi là nấm chi đa niên) thường mọc trên thân cây gỗ lim xanh đã mục. Đây là một loại nấm rất quý hiếm, có giá trị dược liệu cao. Nhưng không chỉ có nấm này mà cây gỗ lim xanh trong tự nhiên còn có rất nhiều loại nấm khác mọc. Vì vậy để dùng nấm chữa bệnh thì người dân nên đặc biệt cân nhắc, và phân biệt kỹ từng loại nấm.
Theo kinh nghiệm của Hoa, hễ chỗ nào có hạt giống, hay cây con, anh đều mang về trồng thử nghiệm trong vườn. Nấm lim xanh không bao giờ mọc trên những cây lim xanh còn sống mà nó chỉ mọc trên những cây lim đã chết, cho nên việc đi tìm càng vất vả.
“Nhiều đêm ngủ trong rừng, giấc mơ đưa cây lim xanh về vườn cứ đeo đuổi. Thế là, mình khăn gói vào Sơn Hà đặt hàng mua hơn 20 nghìn cây giống về trồng, chấm dứt chuỗi ngày vất vả vận chuyển lẻ tẻ dăm ba cây con từ rừng về nhà”, Hoa nói.
Trồng cây trả nợ rừng xanh
Thấy rừng lim xanh đang mất dần, nghĩ mình “đang nợ rừng xanh” và anh bỏ ra hàng trăm triệu đồng để mua hơn 20 nghìn cây lim con từ Quảng Ngãi về trồng trên gần 8ha đất trong vườn. Thấy anh làm vậy ai cũng xầm xì nói "thằng ấy điên nặng". Mặc cho thiên hạ bàn tán, Hoa quyết tâm nuôi chí lớn. Cuối cùng đất không phụ tình người, rừng cây dần dà xanh tươi trở lại.
Cây lim xanh do anh Hoa trồng đang sinh trưởng tốt.
Đưa tôi đi vào “vương quốc lim xanh” mơn mởn trong gió chiều, Hoa bộc bạch: “Quả đồi Tiên Hương rộng gần 8ha này, mình đã phủ xanh chỉ duy nhất mỗi loài cây lim. Thổ nhưỡng và khí hậu tại đây rất “ưa” với loại cây này. Hai mươi năm sau, cây sẽ khai thác bán gỗ, cấy nấm, mình sẽ không còn vất vả lên rừng tìm nấm cứu người”.
Rồi Hoa bảo: “Bằng tấm lòng và niềm tin, mình mong người dân ở xứ Tiên sớm nhân rộng mô hình trồng lim xanh. Lý do đơn giản là để bảo tồn, giữ gìn được loài dược liệu quý và còn có giá trị kinh tế cao khi bán gỗ”.
Với anh, hạnh phúc chính là được “trả ơn rừng”, được làm những việc theo tiếng gọi của trái tim. Giấc mơ về một “vương quốc lim xanh” của Hoa không phải muốn thành tỷ phú mà là có nguồn dược liệu nấm quý hiếm cứu giúp mọi người.
Theo Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, hiện những rừng lim trồng quy mô lớn theo kiểu hộ gia đình như anh Nguyễn Đình Hoa rất hiếm hoi. Thổ nhưỡng, khí hậu ở vùng tây Tiên Phước và một số địa phương miền núi, hoàn toàn có thể trồng được cây lim xanh. Cây lim sống ở rừng tự nhiên, thời gian qua bị tàn phá nghiêm trọng, nên cần cơ chế khuyến khích người dân tham gia trồng.
Bích Hạnh - Báo Petro Times