www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Trầm cảnh Tiên Phước vào “vụ Tết”

Về xã Tiên Mỹ (H. Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) vào những ngày này, hình ảnh tất bật của các hộ làm nghề chế tác trầm cảnh từ cây dó để đưa sản phẩm ra thị trường phục vụ tết Nhâm Dần 2022 khiến người qua lại cũng háo hức theo.

 

Bàn thờ thần tài trị giá 40 triệu đồng củahộ anh Nguyễn Xuân Sơn.

Xã Tiên Mỹ được ví là "vương quốc" của cây dó và là địa phương có hộ làm nghề chế tác trầm cảnh nhiều nhất của H. Tiên Phước. Người có thâm niên nghề gần 40 năm, người ít nhất cũng ngót nghét 10 năm. Chế tác trầm cảnh được đánh giá là công việc cần phải có sự tỉ mỉ từ khâu trồng cây dó đến khâu chăm bón, cấy thuốc tạo trầm, khai thác (đào cả gốc).

Để tạo ra được một sản phẩm hoàn hảo các nghệ nhân phải nghiên cứu cắt thân cây cho hợp lý để vừa cho ra một tác phẩm nghệ thuật cao, vừa không lãng phí. Nghệ nhân phải là những người có cặp mắt tinh tường, tính thẩm mỹ cao và phải tỉ mẩn trong công việc. Sau khi cây được khai thác, cắt thân đưa về nơi chế tác các nghệ nhân dùng rìu để đẽo, tiếp theo là xổ, đem ra phơi nắng để cây khô, sau đó đem vào tỉa, làm nguội tạo thành những cây trầm cảnh có hình dạng bắt mắt và đa dạng về sản phẩm. Tuy không nặng nhọc nhưng do đặc thù công việc nên những người cao niên dần dần chuyển giao nghề cho thế hệ trẻ.

Anh Nguyễn Xuân Sơn (1991, thôn 5, xã Tiên Mỹ) cho biết, được người thân trong gia đình dìu dắt, anh vào nghề chế tác trầm cảnh từ năm 19 tuổi. Sau khi cưới vợ, dành dụm vốn liếng, mỗi năm mua một ít cây dó đã khép tán, đến nay anh sở hữu được hơn 400 cây dó, trị giá hơn 300 triệu đồng. Ngoài ra, cơ sở của anh hiện có hàng chục sản phẩm trầm cảnh, trầm nghệ thuật với tổng trị giá hơn 500 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động, thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.

Trầm cảnh thô được mang ra phơi ở nhiều nơi trên tuyến đường vào xã.

Anh Đỗ Lĩnh (1987, thôn 1, xã Tiên Mỹ) học nghề chế tác trầm cảnh từ năm 2006, hai năm sau mở cơ sở riêng. Anh Lĩnh diễn giải, hàng năm cứ vào tầm tháng 7 đến đầu năm sau là thời điểm tập trung khoan lỗ, cấy thuốc vào cây. Để tạo trầm bằng phương pháp nhân tạo đạt hiệu quả, các chủ vườn chọn những cây có từ 7 năm tuổi trở lên. Sau đó tiến hành khoan lỗ, phụ thuộc vào vị trí gốc hay ngọn mà pha cấy thuốc vào thân cây theo các lỗ khoan để gây vết thương. Cây dó sẽ phản ứng tạo kháng thể bao quanh vết thương, những kháng thể đó chính là trầm. Độ tuổi của cây dó, vị trí bơm hóa chất, nồng độ hóa chất là những yếu tố quyết định đến khả năng tạo trầm mà không làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây.

Với cách làm này, một cây dó có đường kính từ 30cm, sau khoảng 18 - 30 tháng (kể từ ngày cấy thuốc) có thể thu hoạch được trầm. Từ nguồn cây dó hiện có, cơ sở chế tác trầm hương của anh Lĩnh hàng năm cho ra thị trường 300-400 cây trầm cảnh, trầm nghệ thuật... giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 người. Riêng Đỗ Đình Luân (thôn 1, xã Tiên Mỹ) vào nghề chế tác trầm cảnh từ cây dó đã nhiều năm nhưng chủ yếu là làm công cho các cơ sở. Nhờ có việc làm thường xuyên thu nhập ổn định với mức 200.000 đồng/người/ngày đã giúp cuộc sống của gia đình anh cùng nhiều hộ khác được cải thiện, nhà cửa xây dựng khang trang.

Câu nói "Ngậm ngãi tìm trầm" có thể không còn phù hợp với thời buổi hiện nay bởi ngày xưa những người phu trầm phải đối mặt với biết bao vất vả, hiểm nguy, vượt qua biết bao sông suối núi đồi nhưng chưa hẳn đã tìm được trầm, còn ngày nay thì ngược lại! Phát huy lợi thế, cơ sở chế tác trầm cảnh từ cây dó trên địa bàn xã Tiên Mỹ nói riêng, H. Tiên Phước nói chung ngày càng phát triển, giải quyết hàng trăm lao động có việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nguyễn Điện Ngọc - Báo CA Đà Nẵng