www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tìm thương hiệu cho trầm cảnh Tiên Phước

 Dó trầm Tiên Phước đã có tiếng từ lâu, nghề trầm cảnh nơi đây cũng rộ lên từ hơn chục năm nay, nhưng “thương hiệu” cho sản phẩm trầm cảnh thì vẫn đang loay hoay tìm.

            Nghề mới, sản phẩm mới

         Tự mày mò hơn 10 năm, cuối cùng những người thợ săn trầm ở Tiên Phước cũng đã chế tác được trầm cảnh từ cây dó. Mấy năm nay,  Tiên Phước sôi động hẳn lên một phần cũng nhờ nghề trầm cảnh. Từ con đường ĐT 616 cho đến những hẻm làng, đều nghe tiếng đục đẽo của thợ trầm.

         Anh Nguyễn Ngọc Thảo, một chủ xưởng chuyên làm hàng cảnh từ trầm ròng, cho biết nghề làm trầm cảnh của Tiên Phước chỉ phát triển khi có được kỹ thuật xử lý tạo trầm cho cây dó trồng trong vườn nhà của một số nông dân. Thấy những đoạn trầm qua xử lý có hình dáng lồi lõm rất đẹp, khối trầm lại được kéo dài liên tục với kích cỡ lớn, nên thay vì tỉa rời thành những miếng trầm nhỏ họ bèn giữ nguyên một đoạn rồi tỉa tót, tạo hình để chào bán. “Khách rất chuộng trầm kết theo khối lớn, có nhiều hình dạng đẹp. Vậy là từ đó mình đã rộng đường nghề”, anh Thảo nói.

 

Khách mua trầm cảnh tại cơ sở Dũng Phượng

 

          Các chủ xưởng cho biết nghề trầm cảnh tiến nhanh đến mức chính họ cũng không ngờ. Dó trầm Tiên Phước khá phong phú, đa dạng, từ những sản phẩm có giá trăm triệu đồng cho đến vài nghìn đồng mỗi ký giác trắng. Cây dó bầu, nguyên liệu chính được thu mua ở nhiều nơi trên địa bàn huyện rồi thuê người xoi, xỉa để tạo thành những thân trầm cảnh có hình thù bắt mắt. Toàn bộ xác cây dó (giác trắng) được bán làm nhang với giá 5.000 - 10.000 đồng/kg, riêng các phần mắt đảo, tóc… được bán để làm giác đốt, giác cúng bán được nhiều tiền hơn.

          Để có mặt hàng cỡ lớn toàn bằng trầm ròng, những người thợ trầm phải “úp miệng”, “làm mí” (dán kín) những lỗ bơm hóa chất tạo trầm để cho hình dáng cây đẹp trông tự nhiên hơn. Và công sức của họ được đền đáp thỏa đáng, bởi nhiều khi khách mua không tính theo lượng trầm mà theo cái đẹp, cái độc đáo của sản phẩm. Hình dáng càng đẹp, càng quái thì tiền càng nhiều. Từ một cây dó thô, qua bàn tay của thợ đã trở thành những tác phẩm có hình dáng lạ mắt, độc đáo để đưa ra thị trường. Theo anh Nguyễn Ngọc Thảo, làm trầm cảnh phải trải qua 4 công đoạn gồm đẽo, đục, xổ và tỉa trầm. Việc học nghề rất đơn giản, chỉ một thời gian ngắn là có thể thạo việc nhưng để làm được một tác phẩm đẹp, chất lượng thì đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm lâu năm. Các chủ cơ sở dựa vào tay nghề của người thợ để trả công phù hợp. Bởi vậy, thu nhập từ việc xoi, xỉa một cây dó bầu cũng vô chừng.

            Tìm thương hiệu

          Hiện nay, trầm cảnh của Tiên Phước không chỉ có mặt trên thị trường nội địa (Nha Trang, TP.Hồ Chí Minh…) mà còn được đưa ra nước ngoài như Trung Quốc, Đài Loan… Bước phát triển đáng kể của làng nghề trầm cảnh Tiên Phước là việc một số cơ sở  đã đem những sản phẩm “rao” trên mạng để ai thích mẫu mã nào thì đặt hàng. Tuy nhiên, tất cả phương thức chế tác (tìm nguyên liệu, tìm đầu ra, định giá sản phẩm) đều do mỗi cơ sở tự xoay xở mà chưa có một liên kết nào cụ thể giữa các cơ sở, cũng như chưa có thương hiệu riêng. Chính vì thế, nhiều cơ sở làm ra sản phẩm nhưng mãi vẫn không có khách đến mua; có nơi lượng hàng lại không đủ đáp ứng… Có mặt tại cơ sở Dũng Phượng (thôn 1 Tiên Cảnh), một vị khách từ Đà Nẵng cho biết: “Tôi phải đi vòng vòng mấy chục cơ sở từ sáng đến giờ mới tìm được sản phẩm ưng ý. Toát hết mồ hôi, nhiều cơ sở nằm xa quá, tít trong hẻm, rất khó tìm!”.

          Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn huyện Tiên Phước, đến thời điểm này có gần trăm cơ sở làm trầm cảnh, nhưng mới chỉ có 3 cơ sở đăng ký thương hiệu là Công ty TNHH Mỹ nghệ thương mại & dịch vụ Lương Hậu, Công ty TNHH Hương Trầm, Công ty TNHH Hoàng Mỹ. Thậm chí chưa có cơ sở gia công, đánh bóng sản phẩm. “Nghề làm trầm cảnh chủ yếu làm thủ công nhưng hiện nay trên địa bàn chưa có thợ tay nghề cao để làm ra sản phẩm trầm mỹ nghệ hoàn chỉnh nên sản phẩm bán ra giá thấp.

           Bên cạnh đó, cơ sở tư thương ngày càng nhiều, sản phẩm làm ra nhiều hơn, giá cả lại không ổn định nên hay bị khách ép giá phải bán lỗ để thu hồi vốn”, bà Nguyễn Thị Nga (cơ sở Hoàng Trưởng) ngậm ngùi. Vì thế, mọi kỳ vọng đặt cả vào Hội thủ công mỹ nghệ trầm hương Tiên Phước (thành lập hồi giữa tháng 5, Báo Quảng Nam đã thông tin) với sự tham gia tự nguyện của 23 hội viên là các doanh nghiệp, cơ sở trầm hương. Ông Hoàng Văn Trưởng (Chủ tịch hội) cho biết: “Sự ra đời của hội sẽ tạo sự liên kết, hỗ trợ nhau giữa các hội viên về kinh tế - kỹ thuật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và tăng thu nhập, góp phần xây dựng và phát triển sản phẩm đặc trưng trầm hương của huyện”.

           Hiện UBND huyện Tiên Phước đang phối hợp với hội để “tuyển dụng” những thợ trẻ địa phương có niềm đam mê để gửi lên đi học nghề trầm mỹ nghệ.

                                                                                             Viết Duyên - Báo Quảng Nam

Trồng dó bầu tại huyện Tiên Phước

Xứ sở dó trầm

Tỷ phú trầm kỳ ở Tiên Phước

Trồng dó kiểng làm giàu ở Tiên Phước