www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tiên Phong ngày mới

 Từng là căn cứ “lõm” phía đông của huyện Tiên Phước trong thời kỳ chống Mỹ, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, gần 40 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tiên Phong đã từng bước vượt lên khó khăn, xây dựng cuộc sống mới...

      Con đường về thôn 1 xã Tiên Phong uốn qua những khu rừng thông yên ả. Bí thư Đảng ủy xã - Võ Xuân Anh cho biết, để làm con đường bê tông rộng 3m này, ngoài nguồn đầu tư của Nhà nước, người dân nơi đây đã đóng góp 70 triệu đồng thuê xe múc san ủi mặt đường, hiến đất và không đòi hỏi bồi thường cây cối. Khi chúng tôi đến tổ 1, người dân trong tổ đang đổ bê tông những mét đường cuối cùng trong khu dân cư. “Đến nay, toàn xã Tiên Phong đã có 10km đường bê tông rộng 3 - 3,5m. Nơi khó nhất như thôn 6 còn gọi là vùng Núi Đốc cũng đã làm xong đường. Tiên Phong chỉ còn 2,5km đường nữa là hoàn thành mạng lưới giao thông liên thôn” - ông Anh cho biết.

      Do điều kiện tự nhiên, Tiên Phong thường chịu cảnh khô hạn, thiếu nước tưới, đất trồng lúa và hoa màu toàn xã chỉ có 179ha. Sản xuất lương thực bấp bênh nên trong thời gian dài cuộc sống người dân Tiên Phong hết sức khó khăn, đến năm 2000, tỷ lệ hộ đói nghèo của xã vẫn còn đến hơn 50%. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, đời sống đại bộ phận người dân Tiên Phong đã khá hơn hẳn. Bệ phóng của thành quả ấy chính là từ phát triển kinh tế rừng với việc trồng keo nguyên liệu. Các loại đất đồi, đất trồng sắn trước đây không tạo ra lợi nhuận gì lớn nay đã được đánh thức tiềm năng. Toàn xã trồng hơn 1.100ha keo, có hộ trồng đến 50ha, mỗi năm thu được 400 - 500 triệu đồng. Nổi bật là các hộ ông Nguyễn Văn Hiệp, Hồ Văn Viết, Huỳnh Bá, Nguyễn Văn Luận. Với giá nhân công 140 - 150 nghìn đồng mỗi ngày, một bộ phận dân cư khác cũng có thêm nguồn thu nhập đáng kể khi nhận chăm sóc, khai thác keo. Năm 2013, cây keo đã đem lại cho người dân Tiên Phong tổng số tiền 35 tỷ đồng.


Phát triển vườn tiêu tại vùng đất Tài Đa, xã Tiên Phong. Ảnh: DUY HIỂN
Phát triển vườn tiêu tại vùng đất Tài Đa, xã Tiên Phong. 


       Kinh tế vườn mà chủ yếu là trồng tiêu ở Tiên Phong cũng đang được đẩy mạnh. Nghị quyết 18 của HĐND huyện đã tạo nên “cú hích” cho người trồng tiêu ở Tiên Phước. Theo đó, mỗi hộ trồng từ 20 choái tiêu trở lên sẽ được hỗ trợ 50 nghìn đồng/choái. Tiên Phong  có 200 hộ trồng tiêu được hỗ  theo cơ chế này. Nguồn kinh phí trên đã giúp nhiều hộ khoan giếng, xây dựng hệ thống nước tưới khá bài bản, tiện lợi. Ngoài ra Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), tổ chức phi chính phủ của Mỹ (RAP) cũng đã triển khai các dự án hỗ trợ người trồng tiêu như cung cấp phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, tập huấn kỹ thuật; tổ chức tham quan những vùng tiêu nổi tiếng ở Quảng Trị, Phú Quốc. Tại Tiên Phong đã hình thành câu lạc bộ trồng tiêu với 40 hội viên. Ông Nguyễn Tùy - Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết: “Trước đây, do nông dân trồng nhỏ lẻ, ít hiểu biết về kỹ thuật nên khi tiêu bị bệnh là bỏ luôn. Bây giờ có câu lạc bộ, chúng tôi giúp nhau về giống, kỹ thuật trồng, phòng trừ bệnh cho cây tiêu. Chỉ khi tạo ra một sản lượng lớn thì tiêu Tiên Phước mới tạo được thương hiệu mạnh”. Ông Tùy hiện có 300 gốc tiêu, mỗi năm thu được khoảng 50 triệu đồng.

Kiên cường đánh giặc

Xã Tiên Phong trong chống Mỹ được biết đến là một trong những địa phương bị đánh phá ác liệt nhất ở Tiên Phước. Từ khi Mỹ đổ quân càn quét, đóng chốt, Tiên Phong dần rơi vào thế “tứ bề thọ địch”, bởi các vùng như Tiên Thọ, Tiên Mỹ, Tam Vinh đã bị giặc lần lượt kiểm soát. Tuy nhiên đây là địa bàn quan trọng, là căn cứ “lõm” phía đông của huyện Tiên Phước với nhiều cơ quan đóng chân như Ban chỉ huy tiền phương của Tỉnh đội Quảng Nam, Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Binh vận tỉnh. Do đó, Mỹ - ngụy quyết tâm chà đi xát lại để nhổ cho được “cái gai” này. Pháo bầy, phản lực, nhất là tàu rọ, tàu gáo ngày đêm lùng sục kho tàng, địa điểm đóng quân của ta, truy sát cán bộ, du kích và dân trụ bám. Chỉ từ cuối năm 1969 đến đầu năm 1970, xã Tiên Phong đã có 4 đồng chí bí thư, 2 đồng chí chủ tịch hy sinh; du kích thương vong cũng nhiều. Hơn thế, người Tiên Phong còn đội không biết bao nhiêu trận B57 thả bom tọa độ, kinh hoàng nhất là B52 rải thảm. Nhưng cán bộ, đảng viên vẫn quyết tâm bám dân, dân bám đất, người Tiên Phong vẫn kiên cường đánh giặc. Tiên Phong vẫn là địa bàn để ta tổ chức các trận tấn công ở phía đông huyên lỵ Tiên Phước. Vì thành tích chiến đấu xuất sắc, năm 1978 quân và dân Tiên Phong được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

       Ở Tiên Phong cũng đang hình thành cách làm ăn mới. Tháng 6.2013, Hợp tác xã (HTX) Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã được thành lập với 7 xã viên, vốn đăng ký 1,4 tỷ đồng, chuyên sản xuất cây con giống như tiêu, dó bầu, lúa giống năng suất cao, chăn nuôi gà, xây dựng… Về chăn nuôi, mỗi đợt 3 tháng HTX xuất khoảng 4 nghìn con gà thương phẩm, lợi nhuận đạt 25 triệu đồng. Ông Huỳnh Văn Trung - thành viên HTX cho biết: “Kiểu làm “xưa bày nay bắt chước” không còn thích hợp nữa. Chúng tôi vừa làm, vừa mày mò hướng đi mới. Cái hay của mô hình HTX kiểu mới là tính tự chủ, năng động trong sản xuất kinh doanh. Chúng tôi có thể linh hoạt di chuyển vốn từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác. Sắp tới HTX sẽ thử nghiệm mô hình nuôi gà thả vườn nhằm phát huy thương hiệu gà Tiên Phước”.

        Trên vùng đất Tài Đa, chiếc nôi cách mạng của đất Tiên Phong cũng đang hình thành một cụm công nghiệp rộng 20ha. Cơ sở hạ tầng như điện, đường đã được hoàn thành. Năm 2013, Công ty Bình An Phú 2 đã thuê 3,5ha đầu tư 15 tỷ đồng để xây dựng một xưởng chế biến dăm gỗ với công suất 1.500 tấn gỗ keo nguyên liệu/ngày đêm. Hiện nay công ty đã giải quyết việc làm cho 45 lao động là người Tiên Phong, mức lương bình quân 3,5 triệu đồng/người. Công ty Hòa Phú cũng đã thuê 2ha, đang lắp đặt nhà xưởng để chế biến dăm gỗ. Hoạt động của các doanh nghiệp này làm cho việc tiêu thụ gỗ keo trên địa bàn Tiên Phong và các vùng lân cận thêm thuận lợi.

      Tuy chưa hết khó khăn nhưng có thể nói Tiên Phong đã đi qua thời gian khổ. “Năm 2013 thu nhập bình quân của người dân Tiên Phong đạt 22,5 triệu đồng, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm chỉ còn 7%. Đấy không phải là con số chúng tôi tự đưa ra mà các ban ngành của huyện cùng xuống điều tra, khảo sát lại” - Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Phú khẳng định. Kinh tế xã hội có bước chuyển mạnh mẽ đang tạo đà để Tiên Phong - một trong những xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Tiên Phước sớm về đích trong thời gian tới.

                                                                                                           Duy Hiển - Báo Quảng Nam