Tiên Phước - Vùng trọng điểm KTV-KTTT của Quảng Nam
Tiên Phước là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Tam Kỳ 25 km về phía Tây, tổng diện tích đất tự nhiên là 45.440 ha, diện tích đất nông, lâm nghiệp 37.567 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 8.005 ha chiếm 18% diện tích tự nhiên. Điều kiện thời tiết, khí hậu, đất đai phù hợp, thuận lợi với nhiều loại cây ăn quả và cây lấy gỗ. Làm vườn là nghề truyền thống lâu đời của người dân Tiên Phước, mỗi hộ có 2-3 sào, hộ nhiều thì 5-10 sào hội đủ các loại cây trồng quý như Tiêu, Lòn bon, Thanh trà, Măng cụt, Dó bầu, Chuối, Cau.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, với nhiều cơ chế chính sách ưu đãi của Trung ương, Tỉnh đã tạo điều kiện cho kinh tế vườn, kinh tế trang trại phát triển và trở thành ngành sản xuất quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, quyết định rất lớn đến thu nhập và đời sống của nhân dân. Hiện nay diện tích vườn của huyện là 7.500 ha, trong đó vườn nhà 3.414 ha, trên 80% diện tích đã được cải tạo đang phát huy hiệu quả. Các cây trồng truyền thống của địa phương bước đầu đã được quy hoạch phát triển theo hướng trồng tập trung như: vùng sản xuất Thanh trà Tiên Hiệp, Tiên Ngọc; Lòn bon Tiên Châu, Tiên Cảnh, Tiên Mỹ; Tiêu Tiên Mỹ, Tiên Phong, Tiên Thọ, Tiên Sơn; cây nguyên liệu Tiên Lãnh - Tiên Ngọc - Tiên Hiệp, Tiên Sơn - Tiên Cẩm - Tiên Hà, Dó bầu Tiên An, Tiên Mỹ. Với diện tích Tiêu 50 ha, Thanh trà 153 ha, Măng cụt 52 ha, Lòn bon 280 ha, Quế 259 ha, Dó bầu 470 ha, Cau 411 ha, Chuối 783 ha…
Nhiều cây trồng được nhân dân đầu tư cho thu nhập cao như: Thanh trà, Lòn bon, Chuối, Tiêu, cây nguyên liệu. Năm 2014, riêng cây Thanh trà ước sản lượng thu hoạch 200 tấn, giá trị thu được khoảng 2,4 tỉ đồng; Lòn bon 250 tấn, giá trị thu được khoảng 4 tỉ đồng; Tiêu 40 tấn, ước giá trị 14 tỷ đồng. Nhiều hộ thu nhập tương đối cao như ông Nguyễn Tùy xã Tiên Phong thu từ cây Tiêu trên 50 triệu đồng/năm; ông Cao Văn Thanh xã Tiên Hiệp thu từ quả Thanh trà 60 triệu đồng/năm; ông Trà Thanh Thảo xã Tiên Hiệp thu từ quả Thanh trà 30 triệu đồng/năm; ông La Vĩnh Thức, ông Nguyễn Đình Trứ, bà Nguyễn Thị Kim Anh xã Tiên Châu thu từ Lòn bon trên 60 triệu đồng/năm. Về kinh tế trang trại, đã có nhiều mô hình cho thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng/năm. Nhiều trang trại chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, tổng hợp đang được đầu tư phát triển đạt tiêu chí. Giá trị sản phẩm thu hoạch trong lĩnh vực kinh tế vườn, kinh tế trang trại không ngừng được nâng lên, năm 2005 là 42,5 tỷ đồng, đến năm 2014 là 86 tỷ đồng.
Vườn Tiêu nhà bà Võ Thị Chất, thôn 3 Tiên Thọ
Kết quả đó nhờ quá trình lao động miệt mài, sáng tạo của người dân Tiên Phước, cộng với sự đam mê, nhiệt tình học hỏi, tiếp thu các thông tin khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ tiên tiến mới vào sản xuất không ngừng tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt nhờ có đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về phát triển KT-XH miền núi; được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự giúp đỡ, hỗ trợ, hướng dẫn, hợp tác của các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể của tỉnh.
Một số cơ chế, chính sách của Trung ương, Tỉnh đã tác động mạnh đến phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại như: Nghị quyết 03 của Chính phủ về phát triển kinh tế trang trại; Nghị quyết 02 của Chính phủ về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân; Chương trình 134 về hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào thiểu số; các Nghị quyết của HĐND tỉnh và Quyết định của UBND tỉnh về hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển KTV-KTTT, Chăn nuôi, quy hoạch 3 loại rừng. “Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và các phong trào thi đua yêu nước của Mặt trận, các Hội, Đoàn thể đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại.
Vườn Thanh trà của ông Cao Văn Thanh, Tiên Hiệp
Bên cạnh những kết quả đạt được, cho đến nay kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn huyện vẫn là ngành sản xuất quy mô nhỏ, chưa tập trung, chưa trở thành sản phẩm hàng hóa lớn cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, mức độ rủi ro lớn, chậm áp dụng tiến bộ kỹ thuật, năng suất, chất lượng, sản lượng thấp; giải quyết đầu ra cho sản xuất khó khăn, giá cả thị trường bấp bênh; dịch bệnh trên cây ăn quả, cây Tiêu, Quế, Gừng, Nghệ, đàn gia súc vẫn còn diễn biến phức tạp; cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, thuỷ lợi, công nghệ chế biến sau thu hoạch, nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp và kinh tế vườn, kinh tế trang trại chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động của huyện chưa được khai thác hiệu quả.
Diện tích đất có độ dốc dưới 15o còn nhiều, hiện đang trồng cây nguyên liệu giấy cho giá trị thấp, có khả năng chuyển đổi để trồng cây ăn quả, cây công nghiệp đặc sản của địa phương nhưng chưa được thực hiện. Một bộ phận lao động còn thiếu việc làm phải rời quê hương đi làm thuê cho các doanh nghiệp, trang trại trong và ngoài tỉnh.
Từ sau năm 2010 cho tới nay, khi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tiên Phước lần thứ XV (nhiệm kỳ 2010-2015) ra đời, chủ trương khôi phục và phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn huyện trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp với các loại cây trồng bản địa đặc sản của huyện như Tiêu Tiên Phước, Lòn bon, Thanh trà, Măng cụt…HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết số 18/2012/NQ-HĐND ngày 04/5/2012 về thực hiện một số biện pháp hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn huyện giai đoạn 2012-2016. Đến nay, UBND huyện triển khai thực hiện rộng rãi, lồng ghép với Quyết định 11/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh, được đại đa số người nông dân đồng tình hưởng ứng tích cực.
Mỗi năm có hàng chục ha cây trồng đặc sản của huyện được trồng mới, chăm sóc, phục hồi, phát triển xanh tốt, cho năng suất cao, ổn định. Năm 2013, UBND huyện Tiên Phước đã xây dựng và ban hành Đề án xây dựng huyện điểm phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại giai đoạn 2013-2016 trình UBND tỉnh và tỉnh đã chỉ đạo huyện Tiên Phước tiếp tục xây dựng các Dự án cụ thể để phát triển các loại cây trồng đặc sản của huyện. Đây là cơ sở để vận dụng những cơ chế hỗ trợ của Nhà nước cùng với phát huy nội lực của nhân dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung thâm canh an toàn và bền vững trong những năm đến.
Tuy nhiên, khi đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn những khó khăn, thách thức đang đặt ra: Tình hình hạn hán do biến đổi khí hậu; dịch bệnh, sâu hại phát triển khi tăng quy mô sản xuất; thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định; vốn cho sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ sản phẩm khó khăn. Để khắc phục khó khăn, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về đất đai, khí hậu của huyện phát triển trong những năm đến cần phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung mọi nguồn lực, đồng thời tranh thủ sự chỉ đạo giúp đỡ của Tỉnh, Trung ương tập trung thực hiện tốt những nội dung sau:
Một là, phát triển vùng sản xuất tập trung cây Thanh trà trên địa bàn xã Tiên Hiệp, Tiên Ngọc, Tiên Lãnh; cây Lòn bon tại xã Tiên Châu và mở rộng ra các xã Tiên Cảnh, Tiên Mỹ; cây Sầu riêng, Cam sành, Măng cụt tại các xã Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà; cây Tiêu, Quế, Cau vẫn tiếp tục khẳng định là những cây truyền thống cần bảo tồn và phát triển; đầu tư phát triển cây Dó bầu trở thành vùng nguyên liệu chế biến tinh dầu và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Những vùng có diện tích đất lâm nghiệp độ dốc 150 trở lên, không thuộc vùng quy hoạch rừng phòng hộ, đầu tư phát triển cây Keo nguyên liệu và một số cây lấy gỗ khác, hình thành vùng sản xuất cây nguyên liệu và cây lấy gỗ cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu; đặc biệt thực hiện trồng keo nuôi cấy mô để làm nguyên liệu sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Tập trung nuôi Heo, Gà theo mô hình trang trại, gia trại đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh. Xác định kinh tế hộ là đơn vị tự chủ về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại có sự định hướng về cây trồng vật nuôi theo quy hoạch, đồng thời cải tạo, nâng cao chất lượng và liên kết vườn, liên kết trang trại để hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản, vật nuôi đặc sản có sản lượng hàng hóa lớn, có chất lượng.
Hai là, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, điện, xây dựng đường lâm sinh. Đặc biệt là giải quyết vấn đề nước tưới để khắc phục tình trạng hạn hán kéo dài làm thiệt hại cây trồng, tạo điều kiện thâm canh tăng năng suất, chất lượng cây trồng. Để phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại theo hướng hàng hóa quy mô lớn với các loại cây trồng đặc sản của địa phương nhất thiết phải tăng đầu tư kinh phí để xây dựng các công trình thủy lợi. Thủy lợi ở đây không phải là các công trình lớn hàng chục tỷ đồng, mà là các phương tiện tưới nước đơn giản cho cây trồng như hệ thống nước tự chảy, giếng đào, giếng khoan, máy bơm, bể chứa - hệ thống tưới nước tiết kiệm,… để đảm bảo tưới cho cây trồng. Vận dụng cơ chế thủy lợi hóa đất màu để thủy lợi hóa đất vườn nhằm hỗ trợ cho nông dân từng bước giải quyết vấn đề nước tưới cho cây trồng trong vườn.
Ba là, tổ chức quản lý chặt chẽ dịch bệnh cây trồng, không để phát sinh, phát triển gây hại trên diện rộng. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, kết hợp xây dựng các mô hình ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, kỹ thuật về giống cây trồng, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh, ứng dụng công nghệ vi sinh vào sản xuất rộng rãi cho nông dân để chủ động phòng trừ sâu bệnh một cách toàn diện. Thực hện các biện pháp tác động, xử lý thích hợp để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Hỗ trợ xây dựng mô hình tưới tiết kiệm, mô hình sản xuất cho sản phẩm sớm trái vụ… vận động nhân dân ứng dụng rộng rãi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất.
Bốn là, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa thông qua chế biến, đóng gói, đồng thời tổ chức tốt công tác tiếp thị trên nhiều phương tiện tạo điều kiện cho người tiêu dùng trong nước và quốc tế biết đến sản phẩm đặc sản của địa phương. Phát triển các loại hình doanh nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển tiểu thủ công nghiệp chế biến từ nguyên liệu nông nghiệp địa phương. Nhà nước có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ để kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư các trang thiết bị, máy móc, tổ chức sơ chế, chế biến, đóng gói các loại sản phẩm từ kinh tế vườn như Tiêu, Lòn bon, Thanh trà, Chuối, Mít…để tăng giá trị sử dụng và tăng giá bán trên thị trường, giải quyết việc làm cho lao động, giảm áp lực về thời vụ thu hoạch sản phẩm. Đồng thời với cơ chế khuyến khích chế biến, đóng gói phải tổ chức tốt việc trưng bày, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm như xây dựng các quầy trưng bày sản phẩm và ký gởi hàng hóa tại các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, điểm dừng chân khách hàng trên tuyến đường quốc lộ, sân bay phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước. Vận động các doanh nghiệp xây dựng các trang Website để giới thiệu và bán hàng qua mạng Internet.
Năm là, giải quyết vốn cho sản xuất, thu mua và chế biến sản phẩm. Đầu tiên và căn bản nhất phải là vốn huy động từ nội lực nhân dân, hộ gia đình và các doanh nghiệp để sản xuất, kinh doanh một cách chủ động và bền vững. Vốn cho vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng góp phần quyết định cho việc đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh của hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ tại địa phương. Vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Nhà nước và các tổ chức giải quyết mấu chốt về chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân, tạo gắn kết giữa 4 nhà: Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học và Doanh nhiệp.
Sáu là, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của vườn Tiên Phước tiến hành quy hoạch, định hướng, hướng dẫn nhân dân đầu tư tôn tạo, xây dựng vườn sinh thái phục vụ phát triển du lịch. Xác định đây là hướng đi mới trong phát triển kinh tế vườn ở địa phương, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và du lịch của vườn. Trước hết tổ chức thực hiện Dự án bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa vườn gắn với phát triển du lịch sinh thái làng quê.
Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại là hướng đi lâu dài bền vững, hiệu quả đối với vùng đất Tiên Phước, tạo điểm nhấn và giá trị đặc trưng cho phát triển du lịch sinh thái làng quê, tạo động lực thúc đẩy các ngành khác phát triển theo như công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ và du lịch sinh thái làng quê. Vì vậy cần phải có sự tập trung đồng bộ của các Cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận, Đoàn thể từ huyện đến cơ sở cùng với sự nổ lực phấn đấu của toàn thể bà con nông dân trong huyện. Đồng thời rất cần sự chỉ đạo hỗ trợ của Tỉnh và các ngành cấp trên tạo điều kiện cho huyện phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại mang một sắc thái, diện mạo mới, góp phần xây dựng Tiên Phước trở thành huyện điểm phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại của tỉnh Quảng Nam.
Lê Văn Phụng - Trưởng phòng NN & PTNT Tiên Phước