www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tiên Phước vươn mình

 Anh hùng trong chiến tranh, kiên cường vượt khó dựng xây quê hương no ấm, bình yên, vững vàng phát triển đi lên, đó chính là động lực, sức xuân tươi trẻ của Tiên Phước (Quảng Nam) hôm nay.

Vùng đất văn hóa, anh hùng 

 

      Những ngày đầu xuân 2014, chúng tôi trở lại Tiên Phước- vùng đất một thời làm nên kỳ tích trong chiến dịch Vượt sông Tiên giải phóng Sơn Cẩm Hà hơn 50 năm về trước, nơi nổ phát súng đầu tiên vào Chi khu quận lỵ (10/3/1975) mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Nam. Tỉnh lộ 616 nối Tam Kỳ với Trà My qua huyện dài gần 30 km đã trải nhựa phẳng lỳ. Những ngôi nhà ngói mới xen giữa vườn bưởi, thanh trà trĩu quả, ngan ngát hương thơm; từng thửa ruộng bậc thang, mạ non mơn mởn ngời lên trong nắng xuân.

 

       Đây sông Tiên - dòng sông chảy ngược cùng với sông Tranh như hai cánh tay ôm Tiên Phước vào lòng bồi đắp phù sa cho những vườn cây, rừng quế bạt ngàn phía hạ lưu. Vẫn là sông Tiên đấy thôi, khi hiền hòa thơ mộng êm xuôi giữa rừng đồi, lúc ào ào sóng tung ghềnh đá rồi xuôi ra Thu Bồn. Nơi đây, trầm tích của văn hóa Sa Huỳnh được phát hiện với bức tranh thời tiền sử khoảng 2.000-2.500 năm trước. Dòng sông trầm mặc là chứng nhân của bao cuộc chia ly, đoàn tụ một thời lửa đạn quân dân kiên cường bám đất giữ làng, bảo vệ căn cứ Nước Oa (Bắc Trà My), giải phóng Sơn Cẩm Hà, giữ vững hành lang quan trọng để Khu ủy và BTLQK chỉ đạo chiến trường Khu 5.

 

        Tiên Phước tự hào là mảnh đất đã sinh ra các bậc đại khoa, một Tiến sỹ, ba Phó bảng và các nhà yêu nước kiệt xuất. Trong đó, Tiến sỹ Huỳnh Thúc Kháng và Phó bảng Phan Châu Trinh đã trở thành những nhân vật lịch sử nổi tiếng với lòng yêu nước thương dân. Hôm về huyện, Xã đội phó xã Tiên Cảnh Phạm Ngọc Hậu nhiệt tình hướng dẫn tôi đi thăm Khu di tích quốc gia - Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng vừa được đầu tư nâng cấp. Quê hương, những kỷ vật của Nhà văn hóa, Chí sĩ yêu nước, Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng luôn là điểm đến của du khách tham quan, tìm hiểu về cuộc đời hoạt động và nhân cách cao đẹp, tài năng, đức độ của cụ Huỳnh.

 

       Diện mạo mới trong tiến trình phát triển

 

      Về Tiên Phước đúng dịp HĐND huyện họp phiên cuối năm, bàn giải pháp phát triển KT-XH năm 2014. Loa phóng thanh truyền trực tiếp nội dung kỳ họp khiến cả vùng cao yên tĩnh như sôi động hẳn lên. Trước thềm năm mới, ông Hoàng Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước phấn khởi cho biết: Điều kiện tự nhiên, đất đai, thời tiết, khí hậu ở đây rất thích hợp trồng các loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao như thanh trà, quế, lòn bon, tiêu, chuối, măng cụt, tre điền trúc...; riêng tiêu Tiên Phước giờ đã là thương hiệu nổi tiếng. Những năm qua, toàn huyện đoàn kết, vượt khó, tập trung đẩy mạnh phát triển KT-XH, củng cố QP-AN. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 21.500 tấn. Việc đầu tư cải tạo vườn đồi, phát triển kinh tế trang trại tạo nguồn thu đáng kể, trong năm 2013 đạt 60 tỷ đồng. Trồng rừng theo dự án WB3, 661 trên 2.700 ha, khai thác gỗ rừng trồng đạt trên 175.000 tấn, giá trị 179 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng đa dạng, sản xuất gắn với thị trường.

 

        Năm nay, huyện mở 22 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 700 nông dân, xây dựng nhiều mô hình trình diễn hiệu quả như sản xuất phân vi sinh, trồng ngô vụ Đông, thâm canh măng cụt... Hai nhà máy sản xuất dăm gỗ Bình An Phú (với công suất 90.000 tấn keo nguyên liệu/ năm), sản xuất gỗ Phú Hòa đi vào hoạt động giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại chỗ. Nhờ quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đô thị, cụm công nghiệp nên đến nay đường liên xã cơ bản thâm nhập nhựa, đường dân sinh đã bê tông hóa, nhiều cây cầu lớn bắc qua sông Tiên, sông Trạm, sông Khang, kết nối giao thương thuận lợi giữa các vùng. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục đẩy mạnh; chất lượng giáo dục, y tế được nâng cao; các chương trình XĐGN, xây dựng nông thôn mới góp phần cải thiện và nâng cao đời sống người dân vùng núi này.

 

         Vững vàng giữa lòng dân

 

       Chính trị viên CQQS huyện, Thượng tá Trương Công Thuận, cho biết: Những năm qua, CQQS huyện tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai toàn diện nhiệm vụ QS-QP, xây dựng thế trận QPTD vững chắc trên địa bàn cửa ngõ trọng yếu của tỉnh. Tăng cường  xây dựng công trình phòng thủ, diễn tập CH-CQ và diễn tập vận hành cơ chế cấp huyện, xã; giữ vững ANCT trên địa bàn. 100% xã, thị trấn vững mạnh về QP-AN, trong đó 73% đạt VMTD. Hoàn thành chỉ tiêu tuyển quân, chất lượng năm sau cao hơn năm trước, tỷ lệ trúng tuyển vào các trường quân đội ngày càng cao (21,42%); xây dựng DBĐV, DQTV có chuyển biến tích cực. Công tác chính sách HPQĐ và phong trào ĐƠĐN thực hiện có hiệu quả; CB - CS quyên góp 50 triệu đồng xây dựng 1 Nhà tình nghĩa tặng ĐTCS ở huyện Nga Sơn (Thanh Hóa), đóng góp quỹ tình nghĩa được 33 triệu đồng.

 

        

Thiếu tướng Nguyễn Long Cáng, PTL-TMTQK kiểm tra đơn vị SSCĐ.

 

 

Thực hiện phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, LLVT huyện giúp dân làm 5 km đường bê tông, nạo vét 5km kênh mương nội đồng; thu hoạch 4,5 ha lúa, san lấp mặt bằng giúp trường Tiểu học Tiên Cảnh; góp hàng chục triệu đồng từ Hũ gạo “Vì người nghèo” và “Nuôi heo đất vì nghĩa tình biên giới hải đảo”, hỗ trợ 40 triệu đồng cho 3 hộ gia đình ở  3 xã Tiên Sơn, Tiên Phong, Tiên Cảnh thoát nghèo bền vững; xây dựng công trình đoàn kết quân dân ở thôn 4 xã Tiên Lập kinh phí 20 triệu đồng; thăm tặng 17 sổ tiết kiệm cho ĐTCS khó khăn trong dịp lễ, tết; tìm kiếm, khảo sát, khai quật được 54 mộ liệt sĩ... LLVT huyện cùng các lực lượng giữ vững ANCT-TTATXH để nhân dân vui đón Tết Giáp Ngọ bình yên, no ấm và chuẩn bị tổ chức chu đáo trọng thể Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Tiên Phước(10/3).

 

                                                       Đỗ Kiếm - Báo Quân Khu 5