Tiên Phước tăng cường nâng cao công tác biên soạn lịch sử địa phương
Kể từ khi có Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương "về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam", mặc dù là một huyện trung du miền núi còn nhiều khó khăn. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ huyện Tiên Phước, công tác này đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Nội dung công tác này được cụ thể hóa trong Nghị quyết Đại hội, Nghị quyết hàng năm của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, hằng năm xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn kinh phí đảm bảo công tác sưu tầm, biên soạn các công trình lịch sử trên địa bàn.
Ban chỉ đạo biên soạn lịch sử từ huyện đến cơ sở được thành lập, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện được triển khai nghiêm; kết quả thực hiện công tác này được đưa vào nội dung đánh giá thi đua cuối năm đối với xã, thị trấn. Bắt đầu từ năm 2010, Huyện ủy chủ trương hỗ trợ mỗi xã, thị trấn có công trình lịch sử xuất bản 50 triệu đồng/01 đơn vị.
Xử lý tư liệu sau sưu tầm đưa vào quản lý sử dụng
Đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng được chú trọng kiện toàn, công tác sưu tầm, lưu trữ hồ sơ tư liệu có nội dung liên quan về lịch sử được thực hiện tích cực; luôn chú trọng công tác phối hợp, tranh thủ ý kiến của ngành cấp trên và các chuyên gia lịch sử trong và ngoài huyện.
Và trong 10 năm qua, cơ bản đã đạt một số thành tựu nổi bật, cụ thể:
- Đã phối hợp với UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các cơ quan, ban ngành ở tỉnh tổ chức thành công các hội thảo và xuất bản sách:
+ "Thân thế và sự nghiệp cụ Huỳnh Thúc Kháng" - NXBCTQG năm 2012
+ Kỷ yếu Hội thảo "50 năm vượt sông Tiên giải phóng Sơn- Cẩm-Hà (Công ty in Quảng Nam, 2012)
+ Kỷ yêu Hội thảo "35 năm chiến thắng Tiên Phước- Phước Lâm"
+ Kỷ yếu Hội thảo "Ban chấp hành Đảng bộ huyện qua các thời kỳ"
Chuẩn bị in ấn và phát hành Lịch sử Đảng bộ huyện Tiên Phước giai đoạn 1975-2010; bổ sung, tái bản Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Tiên Phước (1858-1975); bổ sung tái bản Kỷ yếu Ban chấp hành Đảng bộ huyện Tiên Phước qua các thời kỳ.
Có 5/15 xã, thị trấn biên soạn và xuất bản Lịch sử đấu tranh cách mạng tại địa phương, các xã còn lại đã ký hợp đồng biên soạn, dự kiến xuất bản trong năm 2014.
Trong 10 năm, trên địa bàn huyện đã sưu tầm được hơn 100 tư liệu, hiện vật có giá trị, phục vụ tốt cho công tác biên soạn các công trình lịch sử và giáo dục truyền thống tại địa phương.
Việc ứng dụng, phát huy hiệu quả các công trình đã xuất bản cũng được chỉ đạo thực hiện tốt, tại các nhà trường những sự kiện, nhân vật lịch sử đấu tranh cách mạng tại địa phương được biên soạn, đưa vào giảng dạy. Phòng VH-TT, Hội CCB, Đoàn Thanh niên huyện cũng đã có nhiều hình thức như nói chuyện dưới cờ, các hoạt động du khảo về nguồn, các hội thi tìm hiểu lịch sử địa phương...đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng trong thế hệ học sinh, thanh niên, thiếu nhi.
Tuy vậy, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là nguồn kinh phí, đội ngũ chuyên gia và nguồn tư liệu ở một số xã vùng giữa của Tiên Phước (Tiên Kỳ, Tiên Mỹ, Tiên Châu, Tiên Hiệp).
Theo Tuyên Giáo Quảng Nam