www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tiên Phước nỗ lực khôi phục vườn cây trái

Nông dân Tiên Phước đang nỗ lực phục hồi những vườn cây ăn trái bị hư hại sau bão số 9. Ngành nông nghiệp huyện cùng chung tay hỗ trợ người dân.

 

Nông dân Tiên Phước đang nỗ lực cứu các choái tiêu bị ngã đổ do bão số 9. Ảnh: D.L
Nông dân Tiên Phước đang nỗ lực cứu các choái tiêu bị ngã đổ do bão số 9. Ảnh: D.L 

Từ thôn Mỹ Thượng Tây đổ qua thôn Trà Lai (xã Tiên Mỹ), người dân đang cố gắng khôi phục những vườn cây trái bị hư hại sau bão. Măng cụt, sầu riêng, tiêu... được dựng lại, chằng chống, vun gốc để phục hồi sự sống. Cả 40 gốc măng cụt từ 15 năm tuổi trở lên của ông Đồng Thanh Cường (thôn Mỹ Thượng Tây, xã Tiên Mỹ) sau trận bão số 9 vừa rồi nhiều cây nghiêng ngã, cây còn trụ được thì cũng gãy cành nhánh. 

“Công sức chăm bón bấy lâu, chừ cây nào cũng bị lay gốc. Cây nào chống được thì chống lên rồi, nhưng sợ nó bị lay gốc bởi gió, rễ đã đứt thì rất khó, nhưng phải cố cứu. Từ mùa này xem như bỏ, đến 3 năm sau nếu cây còn xanh thì mới hy vọng đơm bông kết trái lại được” - ông Cường chia sẻ.

Ở thôn Trà Lai, ông Nguyễn Thành Tâm cũng đang ra sức chăm sóc với hy vọng hồi phục những choái tiêu. Cả vườn ông có 210 choái tiêu từ 3 năm tuổi trở lên đã cho thu hoạch, giờ bão quật choái bị ngã nằm trên đất, choái thì xiêu vẹo đổ tựa vào nhau. Như lời ông Tâm thì tiêu là loại khó chăm nhất, nên khi đã bị lay gốc thì trước sau gì nó cũng bị vàng lá và chết.

“Vườn tiêu của tôi bị lay gốc toàn bộ. Tôi đang cố cứu được chừng nào hay chừng đó. Giờ nó nằm xuống rồi thì để nó nằm im, không dám động vào, chờ vài tháng tới nếu dây tiêu vẫn xanh thì hẳn dựng lên lại, nhưng không được động vào gốc. Chắc cũng vài năm sau vườn tiêu mới ra trái lại, nếu nó sống được” - ông Tâm nói.

Hơn nửa tháng qua, anh Nguyễn Hữu Dân (thôn Hội Lâm, xã Tiên Châu) quần quật với vườn chuối 3ha và 100 gốc sầu riêng đã được một năm tuổi. “Những cây chuối lớn bị ngã rạp tôi đã chặt bỏ, chỉ giữ lại cây con để chăm cho nó lên lại. Sầu riêng thì trước bão tôi đã chặt tỉa ngọn nên ít ngã đổ, cây nào bị gió lay gốc thì giờ chăm lại, cứu sống được chừng nào tốt chừng đó” - anh Dân cho biết.

Anh Dân cho hay, tổng vốn đầu tư ban đầu cho vườn chuối và sầu riêng khoảng 300 triệu đồng. Chuối đã cho thu hoạch trong vài tháng gần đây, mỗi ngày được 1 triệu đồng. Nay đã hư toàn bộ nên phải chăm lại từ đầu, nhưng anh Dân không nản chí, vẫn tiếp tục ra công chăm sóc cho vườn cây trái với hy vọng sẽ xanh tốt trở lại.

Ông Trầm Quế Hương - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, huyện đã thực hiện các biện pháp, phương án hỗ trợ nông dân phục hồi các vườn cây ăn quả. Trước mắt, Phòng NN&PTNT huyện đã cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân chăm sóc lại các vườn cây bị ngã đổ. Trong đó hỗ trợ và hướng dẫn cho người dân các biện pháp kỹ thuật dựng lại cây bị ngã đổ sao cho không bị đứt rễ; phổ biến cách thức sử dụng các loại phân bón, keo dán giúp cây liền sẹo, không bị vi khuẩn, sâu bệnh xâm nhập.

Với những loại cây đã cho trái, việc chăm sóc phải kéo dài 2 - 3 năm sau mới có thể cho thu hoạch trở lại. Cây mới trồng 1 - 3 năm, tiêu bị ngã đổ cần dọn tỉa bớt tán lá, bấm nhánh cành để cho cây tập trung sức nuôi rễ bám vào đất trở lại; dùng chế phẩm sinh học phòng trừ dịch bệnh. Toàn bộ nhánh, cành, lá bị chặt tỉa sẽ tập trung lại, dùng chế phẩm vi sinh ủ thành phân hữu cơ vi sinh bón khi cây tái sinh. 

Ngoài nguồn hỗ trợ từ Đề án 548 về phát triển kinh tế vườn, trang trại, UBND huyện Tiên Phước đã có kiến nghị với UBND tỉnh cũng như Sở NN&PTNT hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả thiên tai nói chung và phục hồi vườn cây trái nói riêng. Khi tỉnh có chính sách hỗ trợ về kinh phí, cây con giống, phân bón..., huyện sẽ triển khai phân bổ ngay cho người dân phục hồi, trồng mới vườn cây ăn quả.

Diễm Lệ - Báo Quảng Nam