www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tiên Phước kỷ niệm 60 năm vượt sông Tiên giải phóng Sơn - Cẩm - Hà

Sáng nay 23.9.2022, Huyện ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tiên Phước long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến dịch vượt sông Tiên giải phóng Sơn - Cẩm - Hà (25.9.1962 - 25.9.2022).

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: D.L
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: D.L 

Dự lễ kỷ niệm có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân; Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Huỳnh Thị Thùy Dung; Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Lan; Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng - Giám đốc Công an tỉnh; Đại tá Nguyễn Quốc Hưng - Phó Tham mưu trưởng Quân khu 5 cùng các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ chiến sĩ và nhân dân từng tham gia chiến dịch.

Tại lễ kỷ niệm, ông Trầm Quế Hương - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước ôn lại chiến thắng vang vọng của Chiến dịch vượt sông Tiên giải phóng Sơn - Cẩm - Hà. Theo đó, vào ngày 25.9.1962, các đơn vị bộ đội chủ lực của Quân khu 5 phối hợp Tỉnh đội Quảng Nam và các đội công tác của huyện Tiên Phước mở Chiến dịch vượt sông Tiên giải phóng 3 xã Tiên Sơn - Tiên Cẩm - Tiên Hà, tạo điều kiện để xây dựng căn cứ địa cách mạng quan trọng của tỉnh Quảng Nam, làm bàn đạp tiến xuống đồng bằng và bảo vệ vùng hậu cứ rộng lớn phía tây của tỉnh; bổ sung nhân lực, vật lực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Quang cảnh lễ kỷ niệm 60 năm chiến dịch Vượt sông Tiên giải phóng Sơn - Cẩm - Hà. Ảnh: D.L
Quang cảnh Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến dịch vượt sông Tiên giải phóng Sơn - Cẩm - Hà. Ảnh: D.L 

Quán triệt chủ trương của Khu ủy 5 trong đợt hoạt động Thu Đông năm 1962 là “Tập trung mọi lực lượng và khả năng vào chống phá ấp chiến lược”, Tỉnh ủy Quảng Nam chủ trương “Đẩy mạnh hoạt động vũ trang và chính trị nhằm phá ấp chiến lược, phát động quần chúng phá thế kèm kẹp ở đồng bằng, phát triển du kích chiến tranh, tạo điều kiện xây dựng căn cứ ở đồng bằng nối liền với miền núi, phát triển xuống vùng sâu giải quyết các vấn đề khó khăn về nhân tài vật lực để đưa phong trào toàn tỉnh tiến lên mạnh mẽ, kịp thời phối hợp với chiến trường chung”. Trong đó, xác định vùng Sơn - Cẩm - Hà là địa bàn trọng điểm để mở ra vùng nông thôn, đồng bằng của tỉnh.

Thực hiện chủ trương của Khu ủy 5 và của Tỉnh ủy, từ cuối tháng 8 đầu tháng 9.1962, các đơn vị tập trung của lực lượng vũ trang tỉnh tiến hành huấn luyện bổ sung, tăng gia sản xuất tự túc, chuẩn bị chiến trường; đồng thời mở các đợt tiến công ở các hướng Duy Xuyên, Quế Sơn, Đại Lộc nhằm kéo giãn lực lượng địch. Tiểu đoàn 70 của tỉnh là lực lượng chính tham gia chiến dịch. Các đội công tác và nhân dân Tiên Phước tăng cường xây dựng lực lượng, tăng thêm quân số.

Tỉnh cũng tăng cường cho huyện Tiên Phước nhiều cán bộ, chiến sĩ bổ sung cho các đội công tác làm nòng cốt phát động nhân dân đứng dậy phối hợp với lực lượng vũ trang giành quyền làm chủ. Với vị trí quan trọng trong việc thực hiện chủ trương chung nên Khu ủy 5 đã cử các đồng chí Nguyễn Xuân Hữu, Nguyễn Xuân Nhĩ và Huỳnh Hữu Anh tham gia trong chiến dịch này.

Một tiết mục văn nghệ tại lễ kỷ niệm. Ảnh: D.L
Một tiết mục văn nghệ tại lễ kỷ niệm. Ảnh: D.L 

Qua thời gian chuẩn bị khâu hậu cần và học tập chỉnh huấn xây dựng quyết tâm cho cán bộ và lực lượng vũ trang với khẩu hiệu “Vượt sông Tiên chỉ tiến không lùi”, ngày 25.9.1962, Đại đội 3, Tiểu đoàn 70 phối hợp với các đội công tác huyện Tiên Phước quyết định vượt sông, tiếp cận mục tiêu.

Được lệnh, các mũi thọc sâu nổ súng tiến công đánh chiếm các cơ quan hội đồng xã Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà, diệt một đại đội bảo an và một tổng đoàn. Bọn dân vệ và ngụy quyền bỏ chạy xuống Tam Kỳ và chạy dạt vào núi để lánh né. Tiếp theo là trận đánh tao ngộ tại Dốc Xoài (thôn 4 Tiên Sơn), tiêu diệt 37 tên địch, đánh tan 2 đại đội ngụy. Các đơn vị phát triển đánh chiếm từng khu vực, truy quét địch cả ngày, bảo vệ tài sản của nhân dân.

Các đơn vị chiếm lĩnh và chốt giữ những vị trí quan trọng, phát động quần chúng phá ấp, truy quét ác ôn, kêu gọi binh lính địch ra hàng. Các chiến sĩ xuống từng gia đình tuyên truyền, giải thích chủ trương, chính sách của Đảng, phát động quần chúng, thành lập chính quyền cách mạng, ổn định đời sống nhân dân, triển khai công tác bố phòng chống địch và vận động thanh niên gia nhập bộ đội.

Vừa triển khai kế hoạch đánh địch phản kích, vừa phát triển tấn công ra phía trước mở rộng địa bàn, Tiểu đoàn 70 sử dụng một đại đội đánh ấp chiến lược ngã ba An Tráng, phát triển ra Hội Trường, Phú Cốc, Phú Thủy đến Việt An, Cao Ngạn, đường 16 thuộc 2 xã Thăng Phước và Bình Lâm (lúc bấy giờ thuộc huyện Thăng Bình).

Nhân dân các xã Tiên Sơn - Tiên Cẩm - Tiên Hà phát triển kinh tế vườn hiệu quả. Ảnh: D.L
Ngày nay nhân dân các xã Tiên Sơn - Tiên Cẩm - Tiên Hà chú trọng phát triển kinh tế vườn. Ảnh: D.L 

Hiện nay, vùng Sơn - Cẩm - Hà đã có nhiều đổi thay bằng các chính sách đầu tư hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, xóa nghèo, phát triển kinh tế... Nhân dân các xã Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà đã xây dựng thành công nông thôn mới. Tháng 12.2021, tỷ lệ hộ nghèo xã Tiên Cẩm còn 5,73%, Tiên Sơn 4,84%, Tiên Hà 5,33%. Các xã đang từng bước phấn đấu, xây dựng đời sống nhân dân phát triển hơn, tiến đến xây dựng nông thôn mới nâng cao, góp phần vào thành công của huyện Tiên Phước trong xây dựng huyện nông thôn mới.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân khẳng định, đây là dịp để cán bộ và nhân dân huyện Tiên Phước ôn lại truyền thống hào hùng của cha ông, tạo thế và lực xây dựng quê hương Tiên Phước ngày càng phát triển hơn.

Phó Chủ tịch Trần Văn Tân đề nghị huyện Tiên Phước phát huy tinh thần trên, xây dựng thành công huyện nông thôn mới. Tiếp tục quan tâm giúp đỡ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình có công cách mạng, nhân dân vùng cách mạng; phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng...

Diễm Lệ - Báo Quảng Nam