Tiên Phước gặp nhiều trở lực
Năm năm qua, huyện Tiên Phước tập trung tối đa nguồn lực cho việc xây dựng nông thôn mới (NTM). Mặc dù đã đạt được nhiều thành quả quan trọng nhưng địa phương còn gặp không ít trở lực trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia này…
Vào cuộc mạnh mẽ
Tiên Cảnh là một trong 3 xã được huyện Tiên Phước chọn làm mô hình điểm xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015. Ông Nguyễn Phước Dương – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, ngày 18.10.2011 Tiên Cảnh tổ chức lễ phát động thực hiện chương trình này. Thời điểm đó, xã chỉ đạt 2 trong tổng số 19 tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn chiếm hơn 30%, thu nhập bình quân đầu người chừng 8 triệu đồng. Trước những khó khăn ấy, cán bộ và nhân dân địa phương quyết tâm triển khai đồng bộ hàng loạt giải pháp để về đích đúng kế hoạch đặt ra. Từ năm 2011 - 2015 bằng nhiều nguồn vốn huy động Tiên Cảnh đã chi ít nhất 169 tỷ đồng cho chương trình này.
Phần lớn các mặt hàng nông sản của địa phương rất bấp bênh về đầu ra. |
Trong đó, ngân sách các cấp hơn 13 tỷ đồng, vốn tín dụng gần 136 tỷ đồng, nhân dân đóng góp xấp xỉ 7,9 tỷ đồng, vốn hợp tác xã và các kênh khác 12,5 tỷ đồng. Nhờ nỗ lực kiện toàn hệ thống chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa mới, ưu tiên nguồn lực đầu tư thi công hạ tầng nông thôn, chú trọng khâu đào tạo nghề, hỗ trợ nhân dân phát triển mạnh sản xuất… nên đến cuối năm 2015 Tiên Cảnh đã hoàn thành toàn bộ 19 tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Ông Dương chia sẻ: “Thống kê cho thấy, năm 2015 thu nhập bình quân đầu người trên toàn xã đạt hơn 23 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2011. Nếu cách đây 5 năm tỷ lệ hộ nghèo chiếm 30,3% thì hiện giờ đã giảm còn 4,9%”.
Ông Lê Trí Hiệu - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, trừ thị trấn Tiên Kỳ, toàn huyện có 14 xã triển khai xây dựng NTM. Để chương trình này mang lại thành công lớn, UBND huyện ban hành kế hoạch hành động cho từng giai đoạn, giao nhiệm vụ cụ thể cho ngành liên quan, chính quyền các địa phương trong việc thực hiện bộ 19 tiêu chí. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền, mặt trận, hội đoàn thể từ huyện đến cơ sở phát động mạnh mẽ phong trào chung sức xây dựng NTM. Nhờ lãnh đạo huyện thường xuyên đôn đốc nên hiện nay 100% số xã đã hoàn thành khâu quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết. Cạnh đó, đề án xây dựng NTM và đề án phát triển sản xuất của tất cả 14 xã cũng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Năm năm qua Tiên Phước đã đầu tư 2.540 tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM. Trong đó, phần lớn kinh phí ưu tiên thi công hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh như thủy lợi, điện, giao thông nông thôn, trạm y tế, trường học, nhà văn hóa, nước sinh hoạt…
Đồng thời hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và con vật nuôi, hình thành những mô hình kinh tế nông – lâm kết hợp mang lại giá trị cao. Đến đầu tháng 9.2016 số tiêu chí đạt chuẩn bình quân trên một xã của Tiên Phước là 11,93 tiêu chí. Ngoài xã Tiên Cảnh thì cuối năm 2015 Tiên Phước cũng có 2 xã điểm khác được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn là Tiên Phong và Tiên Sơn. Hiện nay 11 xã còn lại của huyện đã đạt 9 - 12 tiêu chí và phấn đấu đến năm 2018 có thêm 3 xã cán đích NTM gồm Tiên Cẩm, Tiên Thọ, Tiên Châu…
Còn nhiều khó khăn
Ông Lê Trí Hiệu nhìn nhận, trong giai đoạn 2011 - 2015, mặc dù Tiên Phước đạt được nhiều thành quả đáng mừng nhưng thực tế cho thấy việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia này ở hầu hết địa phương của huyện còn bộc lộ không ít bất cập. Ông Hiệu nói: “Tồn tại rõ nhất là chính quyền cấp xã rất lúng túng trong công tác quản lý đầu tư, khâu giải phóng mặt bằng phục vụ thi công hạ tầng nông thôn diễn ra chậm, nhiều công trình xây dựng dở dang, việc thanh quyết toán thực hiện không kịp thời. Cạnh đó, do suất đầu tư thấp hơn giá thực tế công trình nên huyện phải bỏ ra nguồn vốn đối ứng khá cao trong lúc ngân sách còn quá eo hẹp dẫn đến nợ đọng không dưới 7 tỷ đồng. Đặc biệt, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM chưa được phát huy tối đa và việc xã hội hóa trong huy động nguồn lực đầu tư còn rất hạn chế”.
Mới đây, tại cuộc làm việc với đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, nhiều ý kiến cho rằng muốn xây dựng thành công mô hình NTM thì vấn đề cốt lõi nhất là phải tập trung phát triển mạnh lĩnh vực kinh tế nông – lâm nghiệp nhằm giúp cư dân nông thôn nâng cao thu nhập, nhanh chóng cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, quy mô sản xuất của lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi ở địa phương vẫn còn rất nhỏ lẻ, manh mún nên chưa tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn. Phần lớn những mặt hàng nông sản có chất lượng và sức cạnh tranh thấp dẫn đến giá trị không cao. Đặc biệt, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn để tạo ra chuỗi liên kết sản xuất gặp nhiều khó khăn, trong khi đó các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn phát triển không mạnh nên chưa làm tốt vai trò hỗ trợ nông dân trong vấn đề tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Cần nói thêm, do đất canh tác lúa ở Tiên Phước chủ yếu là ruộng bậc thang nên rất khó tiến hành dồn điền đổi thửa để hình thành những mô hình cánh đồng mẫu cũng như đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu tư, tăng giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Không chỉ vậy, vì hạ tầng thủy lợi tại nhiều nơi chưa được xây dựng đồng bộ nên vụ hè thu nào cũng có ít nhất 500ha đất sản xuất lúa bỏ hoang và hàng loạt chân ruộng bị khô hạn nghiêm trọng...
Nguyễn Sự - Báo Quảng Nam