Tiên Phước đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, trang trại
Tiên Phước là huyện miền núi thấp, tổng diện tích tự nhiên 45.440ha, trong đó có trên 7.000 ha đất có khả năng đầu tư phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại (KTV,KTTT), đồng thời người dân có truyền thống kinh nghiệm làm vườn lâu đời. Với lợi thế đó, Tiên Phước đã được UBND tỉnh Quảng Nam chọn huyện điểm phát triển KTV-KTTT.
Hướng đi mới cho bài toán giảm nghèo bền vững
Trong nhiều năm qua BCH Đảng bộ huyện đã xác định kinh tế vườn và chăn nuôi là ngành kinh tế mũi nhọn. Huyện đã vận dụng nhiều cơ chế chính sách ưu đãi của tỉnh hỗ trợ thúc đẩy KTV-KTTT phát triển trở thành ngành sản xuất hàng hóa quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, quyết định rất lớn đến thu nhập và đời sống của nhân dân. Đã huy động, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tiềm năng, thế mạnh được phát huy, nhiều mô hình KTV-KTTT, chăn nuôi được đầu tư mở rộng quy mô.
Tổng diện tích vườn nhà hiện có trên địa bàn huyện 3.620 ha, trong đó trên 70% diện tích vườn được cải tạo phát huy hiệu quả. Các cây truyền thống của địa phương bước đầu đã được quy hoạch phát triển theo hướng tập trung, liên vườn, liên vùng. Phong trào trồng cây nguyên liệu trên đất lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi gia súc phát triển mạnh mẽ và rộng khắp, diện tích đất trống đồi núi trọc được khai thác sử dụng hiệu quả. Đến nay đã có trên 150 ha cây thanh trà, trong đó 80 ha đã cho thu hoạch; cây Lòn bon 280 ha; Dó bầu trên 100 ha. Riêng đối với cây Tiêu, đến nay toàn huyện có hơn 60 ha, với hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương.
Huyện đã xây dựng Dự án Phát triển cây Tiêu Tiên Phước giai đoạn 2014-2018 với cơ chế, mức hỗ trợ ưu đãi, mỗi năm được ngân sách tỉnh hỗ trợ 1 tỷ đồng. Trong 3 năm 2012-2014 đã hỗ trợ trồng mới trên 20.300 chói tiêu, trong đó có 43 mô hình từ 100 chói đến 500 chói. Số mô hình KTV-KTTT thu nhập từ 70 đến 100 triệu đồng/năm ngày càng tăng.
Thương hiệu Tiêu Tiên Phước được thị trường tiêu dùng ưa chuộng
Trên lĩnh vực chăn nuôi, chất lượng và giá trị liên tục tăng lên nhờ đầu tư cải tạo con giống và áp dụng các phương pháp chăn nuôi thâm canh; giá trị ngành chăn nuôi đạt trên 200 tỉ đồng (2014) chiếm 30,6% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Phần lớn đất ruộng một vụ kém hiệu quả được chuyển đổi trồng cỏ chăn nuôi bò; chăn nuôi heo thâm canh chất lượng cao trong nông hộ phát triển mạnh. Gà Tiên Phước được nhiều thị trường ưa chuộng, chất lượng thịt thơm, ngon, được chú trọng bảo tồn và phát triển.
Trong 5 năm qua, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, các chương trình, dự án cùng với phát huy nội lực trong nhân dân đã đầu tư trực tiếp cho KTV, KTTT trên 45 tỉ đồng. Hiện nay các trang trại tạo ra giá trị sản lượng hàng hóa hàng tỉ đồng/năm; hơn 140 gia trại trồng trọt, chăn nuôi; trên 1.400 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp từ KTV-KTTT; trong đó nhiều hộ nông dân thu nhập từ 100 đến 300 triệu đồng/năm. Giá trị thu được từ kinh tế vườn-kinh tế trang trại toàn huyện đạt 119 tỷ đồng (2014), trong đó các cây chủ lực Lòn bon, Thanh trà, Măng cụt, Tiêu chiếm trên 50%.
Bên cạnh đó, huyện Tiên Phước đã phát triển kinh tế vườn gắn với du lịch sinh thái làng quê đang được triển khai ở 2 xã Tiên Cảnh, Tiên Châu, nơi có cảnh quan, không gian làng quê, vườn nhà, ngỏ đá đặc trưng của làng quê xứ Quảng, hằng năm thu hút nhiều đoàn khách đến tham quan thưởng ngoạn phong cảnh, thưởng thức sản vật từ vườn quê.
Đạt được những thành quả trên, trước hết nhờ vận dụng đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế miền núi trên địa bàn huyện. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Mặt trận và Hội, đoàn thể, các Sở, ban ngành của tỉnh quan tâm về đầu tư lĩnh vực phát triển KTV-KTTT; đặc biệt, huyện Tiên Phước được tỉnh chọn huyện điểm về phát triển KTV-KTTT giai đoạn 2014-2018. Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã xây dựng các Nghị quyết chuyên đề, các chương trình hành động với nhiều giải pháp, lồng ghép nhiều nguồn lực ưu tiên phát triển KTV, KTTT; Sự tập trung quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã trong công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện; các cơ quan chức năng làm tốt công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Huyện đã vận dụng thực hiện có hiệu quả các dự án, chương trình đầu tư của các tổ chức phi chính phủ vào phát triển kinh tế vườn.
Tiếp tục phát huy lợi thế
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tiên Phước lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định: Kinh tế vườn, kinh tế trang trại là thế mạnh của huyện; xây dựng “Chương trình phát triển huyện Tiên Phước thành vùng trọng điểm kinh tế vườn, kinh tế trang trại của tỉnh”. Để đạt được mục tiêu trên, huyện Tiên Phước đã và đang triển khai những hướng đi mới, phù hợp với thực tiễn, góp phần tạo đột phá cho nền kinh tế huyện nhà.
Quả Thanh trà- một đặc sản nổi tiếng của vùng quê Tiên Hiệp
Để phát huy tối đa những lợi thế của địa phương, trong những năm đến huyện Tiên Phước tập trung thực hiện những giải pháp như: đẩy mạnh bê tông hóa giao thông nông thôn và Đề án kiên cố hóa mặt đường ĐH giai đoạn 2016-2020 theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tranh thủ nguồn đầu tư xây mới và nâng cấp các công trình hồ, đập trọng điểm, cấp thiết, giải quyết vấn đề nước tưới cho cây trồng, tăng diện tích vườn chủ động nước tưới. Khai thác tối đa nguồn nước sông, suối, nước ngầm, đầu tư các công trình tưới bằng hệ thống nước tự chảy, ống dẫn nước, giếng khoan, giếng đào, bể chứa, đào ao trữ nước… để cấp nước cho kinh tế vườn kinh tế trang trại.
Đồng thời, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của vườn Tiên Phước, từng bước đầu tư tôn tạo, chỉnh trang vườn nhà xanh, sạch, đẹp để. Đây là hướng đi mới lâu dài hiệu quả nhằm khai thác toàn diện kinh tế vườn, nâng cao giá trị. Cải tạo, nâng cao chất lượng và liên kết vườn, liên kết trang trại để hình thành vùng sản xuất tập trung cây ăn quả đặc sản sạch, có sản lượng lớn, đảm bảo chất lượng. Rà soát quy hoạch chăn nuôi tập trung theo quy hoạch Nông thôn mới; vận dụng các cơ chế, chính sách mới của Trung ương, của tỉnh thu hút các doanh nghiệp hợp tác đầu tư giống, vật tư, công nghệ và bao tiêu sản phẩm; xây dựng và nhân điển hình mô hình liên kết 4 nhà: nhà nông - Nhà nước - nhà khoa học và nhà doanh nghiệp trong phát triển KTV-KTTT.
Song song với đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, bảo quản, sơ chế sau thu hoạch; hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân, nông hộ, trang trại bằng nhiều hình thức tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn. Xây dựng các mô hình sản xuất áp dụng kỹ thuật mới. Quản lý chặt chẽ dịch bệnh cây trồng.
Nâng cấp chất lượng giống, tập trung cải tạo, chọn lọc, giống cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương; đầu tư xây dựng các vườn ươm cây giống, cơ sở sản xuất con giống, quản lý tốt chất lượng đảm bảo đủ giống cung cấp cho các trang trại và các hộ dân trong huyện; mở rộng các đối tượng cây trồng, đa dạng hóa sản phẩm cây ăn quả theo từng mùa vụ. Khuyến khích phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác cùng đầu tư liên doanh, liên kết với nông dân tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tạo thuận lợi cho kinh tế hộ, các chủ trang trại tiếp cận, tham gia các chương trình, dự án hợp tác, hội chợ triển lãm.
Đặc biệt, với cơ chế mới nhằm hỗ trợ phát triển cây ăn quả đặc sản; khôi phục phát triển cây dược liệu; phát triển cây keo nguyên liệu, dó bầu, quế, khuyến khích trồng rừng thâm canh gỗ lớn để tăng giá trị sản phẩm; giai đoạn 2015-2020 ngân sách huyện sẽ tăng mức hỗ trợ KTV-KTTT gấp 2 lần so với giai đoạn 2010-2015.
Một trong những nhiệm vụ mà huyện chú trọng nữa là tăng cường tiếp cận thị trường để giải quyết đầu ra cho sản phẩm, hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư trang thiết bị, máy móc sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm để tăng giá trị sản phẩm hàng hóa. Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hạt Tiêu Tiên Phước, Lòn bon, Thanh trà...
Tin rằng với những tiềm năng, lợi thế vốn có cộng với những hướng đi đúng đắn, phù hợp và sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương, trong thời gian tới Tiên Phước sẽ có những bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội từ mô hình kinh tế vườn, kinh tế trang trại.
Thúy Hằng - VP.UBND Quảng Nam