Tiên Phước 100 năm vùng đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử
Tiên Phước có lịch sử hình thành lâu đời, các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh tại các xã Tiên Hà, Tiên Lãnh, Tiên Mỹ tồn tại cách đây hơn 3000 năm. Trong tiến trình mở cõi về phương Nam theo bước chân Chúa Nguyễn, nhiều dòng họ người Việt từ Thanh – Nghệ đã di cư vào vùng đất phía Nam, khai khẩn đất đai, sinh cơ lập nghiệp.
Sau cuộc chính biến Duy Tân (1908), đặc biệt sau vụ tấn công Phủ đường Tam Kỳ 1916 do Trần Huỳnh – người làng Tân Tây, Tiên Thọ làm Tổng lãnh binh, thực dân Pháp đã thực hiện việc chia để trị. Tháng 11 năm Bính Thìn 1916 (tức tháng 12 Dương lịch) nhà Nguyễn đã chính thức trích một số Tổng ở hai Phủ Thăng Bình và Tam Kỳ thành lập huyện Tiên Phước.
Là vùng đất sinh sau so với các địa danh khác trong tỉnh Quảng Nam, nhưng đất và người Tiên Phước đã đi vào lịch sử dân tộc những dấu ấn đầy tự hào. Ngay từ năm 1858, khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, nhân dân Tiên Phước đã tập trung dưới Cờ Đề đốc Phạm Gia Vĩnh đứng lên kháng Pháp. Nhiều phong trào yêu nước dấy lên mạnh mẽ trong tỉnh Quảng Nam mà Tiên Phước là chiếc nôi của những phong trào đó với những Danh nhân yêu nước, uy tín, đức độ, đầy dũng khí trong các phong trào Cần Vương, Duy Tân…
Năm 1885, Kinh thành thất thủ, Vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương, cùng với nhiều sỹ phu, văn thân lúc bấy giờ, nhân dân Tiên Phước đồng lòng phò Vua kháng Pháp. Nhiều người con Tiên Phước đã hội tụ dưới Cờ Nghĩa hội của Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu lập Đại bản doanh chống giặc như Trần Huỳnh, Lê Vĩnh Huy, Dương Bộc, Phạm Hữu Minh, Hồ Nghiễm…nhân dân ủng hộ lương thực, các nhu cầu thiết yếu cho lực lượng Nghĩa hội. Các địa danh ở Tiên Phước như Dương Đế, Dốc Miếu, Nà Lầu, Bàu ông Trấn là những cứ điểm tiền tiêu để bảo vệ sơn Phòng Dương Yên. Nhiều nghĩa sỹ của Nghĩa hội Quảng Nam đã chiến đấu và anh dũng hy sinh, thi hài của các nghĩa sỹ được chôn cất tại Nghĩa trủng Tiên Phú Tây, Tiên Mỹ - một chứng tích oanh liệt về một thời bi hùng của lịch sử dân tộc.
Tiên Phước là nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng các bậc đại khoa, các nhà chí sỹ Cách mạng hết lòng vì nước vì dân. Phó Bảng Lê Vĩnh Khanh (1819 - 1884) được xem là người mở mối khoa cử cho vùng đất Tiên Phước là vị quan chính trực thanh liêm, thương dân như con. Tiến sỹ Hán học Huỳnh Thúc Kháng, Phó Bảng Phan Châu Trinh những nhà Khoa bảng đã từ chối con đường “vinh thân phì gia” như bao kẻ sĩ lúc bấy giờ để dấn thân vào con đường cứu nước. Hai ông đã khởi xướng nhiều hoạt động nhằm “Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”. Nhiều Hội thương, Hội nông, Trường học, Phong trào cắt tóc ngắn, mặt đồ Tây, học chữ Quốc ngữ, chữ Pháp nổi lên như một làn sóng “Duy Tân” nhấn chìm mọi tư tưởng thủ cựu. Phong trào Duy Tân thực sự đã làm thay đổi căn bản trong nhận thức của nhân dân về quyền con người, về độc lập tự do của đất nước, khát khao muốn xóa bỏ áp bức bóc lột, nung nấu ý chí vươn lên thoát khỏi sự trói buộc nghìn năm phong kiến như vũ bão dâng trào trong quần chúng nhân dân mà đỉnh cao là cuộc dân biến Duy Tân 1908. Cuộc đấu tranh không một tất sắt, những yêu sách trong Phong trào chống Thuế đã làm cho thực dân Pháp không thể xem thường sức mạnh vũ bão của nông dân Tiên Phước nói riêng, nông dân cả tỉnh, cả nước nói chung.
Bên cạnh những nhà khoa bảng ái quốc, trung quân, đất Tiên Phước còn nuôi dưỡng và hình thành nên nhân cách lớn của các Anh hùng. Nhà thực hành Duy Tân Lê Cơ với câu nói nổi tiếng “Túng bất năng hành chi thiên hạ, do khả nghiệm nhất chi hương” (dẫu không làm nổi việc lớn cho thiên hạ, thì cũng có thể thí nghiệm trong một làng) đã biến làng Phú Lâm (Tiên Sơn) thành nơi khai thông với nhiều hoạt động thiết thực mà đỉnh cao là việc mở trường nữ học, có giáo viên nữ đầu tiên trong cả nước đầu thế kỷ XX. Năm 1916, dưới cờ khởi nghĩa của Thái Phiên, Anh hùng chân đất Trần Huỳnh – đã làm tổng lãnh binh dẫn đầu đạo quân tấn công Phủ đường Tam Kỳ san bằng các đồn bót của giặc; phá nhà tù, giải thoát cho lính tập và tù nhân; thu ấn tín, thiêu hủy giấy tờ, hạ cờ giặc và treo cờ của quân khởi nghĩa... làm cho kẻ thù khiếp sợ.
Dù bị kẻ thù đàn áp, các yếu nhân của phong trào yêu nước lúc bấy giờ đều bị thực dân Pháp bắt, đi đày, giết hại nhưng hệ quả tích cực đã làm cải biến xã hội của nó là rất lớn. Một làn sóng Cách mạng đã hình thành, lan rộng, bao trùm toàn xã hội, người nông dân đã tự cởi bỏ những tư tưởng lỗi thời, lạc hậu, cam chịu, biết vùng lên đấu tranh chống lại áp bức, bất công. Từ sau cuộc khởi nghĩa 1916, nhiều cuộc chống sưu thuế, chống quan lại tham nhũng, chiếm đoạt ruộng đất, đòi hoãn thuế, đòi chia lại ruộng đất cho dân nghèo nổ ra ở nhiều nơi, khiến nhà cầm quyền Pháp không thể ngồi yên. Mặc dù đã dùng nhiều biện pháp vũ trang để đàn áp dã man các Phong trào yêu nước, nhưng chính quyền thuộc Pháp vẫn phải tính đến biện pháp hành chính: chia để trị và đã đưa đến sự ra đời của huyện Tiên Phước cách đây tròn 100 năm vào tháng 12/1916.
Đảng cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930 đã chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối cách mạng. Tại Tiên Phước, dù chưa có hoạt động trực tiếp của Đảng bộ tỉnh, nhưng quần chúng công nông ở nhiều nơi đã nổi dậy đấu tranh chống cường hào, bất công, chống áp bức, bóc lột. Tinh thần cách mạng của người dân Tiên Phước luôn luôn được đề cao, tiết khí không chịu khuất phục các thế lực đối kháng chính là cốt cách, là bản lĩnh được đúc kết từ cuộc sống, chiến đấu, là tài sản vô giá của người Tiên Phước. Chính vì vậy ngay từ buổi đầu cách mạng, Tiên Phước được chọn làm vùng căn cứ cho lực lượng của tỉnh và cả khu V. Năm 1935, Tỉnh ủy Quảng Nam đã xây dựng Lò Chén tại Phú Lâm, Tiên Sơn một cơ sở kinh tài của Xứ ủy Trung Kỳ là nơi giữ mối thông tin liên lạc cho lực lượng của ta. Cũng trong thời gian này, các đóm lửa cộng sản đầu tiên đã được nhen nhóm tại Tiên Phước. Đầu năm 1941, Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ra đời tại làng Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh. Đến cuối năm 1941, Chi bộ Cộng sản Tài Đa, Tiên Phong ra đời. Tuy hoạt động trong một thời gian ngắn, nhưng sự ra đời và hoạt động của các cơ sở Đảng ở Thạnh Bình, Tài Đa đã giúp nhân dân Tiên Phước càng hiểu rõ hơn thế nào là Cộng sản. Ấn tượng sâu sắc về người Cộng sản, về Đảng ta trong lòng người dân Tiên Phước được nhân lên, đã thôi thúc người dân Tiên Phước đi theo Đảng nổi dậy võ trang khởi nghĩa.
Cách mạng tháng Tám thành công, nền độc lập dân tộc được xác lập. Sứ mệnh bảo vệ và phát huy thành quả cách mạng là hết sức cấp bách và trọng đại. Trong bối cảnh đó, nhiều cơ sở Đảng đã ra đời để làm nòng cốt và kịp thời lãnh đạo sự nghiệp cách mạng. Chi bộ Thạnh Bình, Tiên Bình, Mỹ An, Trần Khuê, Xuân Sơn, Cẩm Y, An Tráng…Đây chính là những hạt nhân cộng sản làm cơ sở để Tỉnh ủy quyết định thành lập Huyện ủy Tiên Phước vào ngày 16/6/1946 đưa đến sự hình thành các Chi bộ Đảng ở các xã. Sự ra đời của Huyện ủy Tiên Phước đánh dấu một bước trưởng thành về tổ chức cũng như uy tín của tổ chức Đảng trong quần chúng nhân dân.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp Tiên Phước trở thành hậu phương lớn của Liên khu V, của Quảng Nam và cũng là hậu cứ kháng chiến của lực lượng Cách mạng vùng Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia, cung cấp nhiều sức người, sức của cho sự nghiệp Cách mạng. Các đơn vị quân giới, tài mậu, các Trạm xá, Bệnh viện quân dân y tỉnh, Liên khu V chuyển về đóng tại Tiên Thọ, Tiên Lãnh, vùng Sơn – Cẩm – Hà. Trong phong trào “ Tiêu thổ kháng chiến” nhân dân các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Thăng Bình… tản cư lên Tiên Phước đều được bà con ở các địa phương cưu mang, đùm bọc, chở che, nhường cơm, sẻ áo.
Đặc biệt, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, hàng ngàn người dân Tiên Phước đã đi dân công hỏa tuyến, vận chuyển súng đạn, thuốc men, lương thực, thực phẩm và tải thương ở các chiến trường Hạ Lào, Tây Nguyên…đồng thời hàng ngàn thanh niên trai tráng trong huyện cũng đã tình nguyện tham gia Vệ quốc đoàn. “Ủng hộ kháng chiến”, “Ủng hộ Chính phủ cụ Hồ” luôn là khẩu hiệu được người dân Tiên Phước nhắc nhở nhau, động viên nhau cùng thi đua thực hiện. Chỉ trong một thời gian ngắn phát động phong trào “ Tuần lễ vàng”, “ Tuần lễ đồng”, nhân dân Tiên Phước đã đóng góp được hàng tấn đồng, cùng nhiều vàng bạc, châu báu, đá quý…Riêng về “ đảm phụ nuôi quân” toàn huyện đã huy động hàng ngàn con trâu bò, hàng chục ngàn tấn thóc…góp phần vào thắng lợi chung của tỉnh và cả nước đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược.
Năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Ở miền Nam chính quyền Ngô Đình Diệm được đế Quốc Mỹ hỗ trợ đắc lực đã trắng trơn phá hoại Hiệp định, điên cuồng đàn áp, khủng bố cách mạng, đảng viên trung kiên và những gia đình có người thân tham gia kháng chiến. Ngày 1/10/1954, bọn chúng đã đàn áp đẫm máu cuộc đấu tranh Cây Cốc (xã Tiên Thọ), gần 400 đồng bào, đồng chí đã hy sinh. Năm 1955, tại 3 xã Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà bọn quốc dân đảng phản động gây ra các vụ thảm sát man rợ, tàn khốc chưa từng có trong lịch sử, giết hại hơn 430 cán bộ, đảng viên trung kiên và người yêu nước.
Những hy sinh, mất mác, đau thương trong cuộc đấu tranh Cây Cốc, vụ thảm sát Sơn - Cẩm - Hà đã thổi bùng ngọn lửa đấu tranh của quân và dân Tiên Phước trong 21 năm chống Mỹ cứu nước. Tiên Phước trở thành mảnh “Đất Thánh” của Cách mạng Quảng Nam và Khu V. Quân và dân Tiên Phước đã mở đầu Phong trào đấu tranh vũ trang diệt ấp, phá kèm ngay những ngày đầu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cùng với sự hỗ trợ của các lực lượng vũ trang, quân và dân Tiên Phước đã mở các Chiến dịch giải phóng vùng Tiên Lãnh-Tiên Ngọc năm 1961, xây dựng Căn cứ địa cách mạng.
Năm 1962, Bộ đội huyện phối hợp với Bộ đội tỉnh mở Chiến dịch vượt sông Tiên giải phóng vùng Tiên Sơn-Tiên Cẩm-Tiên Hà. Từ đây 6 xã miền núi phía Tây của huyện được hoàn toàn giải phóng. Đây là thắng lợi lớn của phong trào Cách mạng ở Quảng Nam. Lần đầu tiên Cách mạng Quảng Nam và Khu V đứng chân được ở vùng Trung du tiếp giáp với Đồng bằng để phát triển ra các huyện Quế Sơn, Hiệp Đức, Thăng Bình, Tam Kỳ. Quân và dân Tiên Phước đã làm thất bại các Chiến dịch “Bình Châu”, “Dân Chiến”, “Tố Cộng”, “Diệt Cộng” của Địch, bảo vệ Đảng, chính quyền và mở rộng vùng căn cứ Cách mạng. Năm 1975 cũng trên mảnh đất này, cùng với Buôn-Mê –Thuột, quân và dân Tiên Phước phối hợp với các lực lượng vũ trang mở màn cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn Quảng Nam-Đà Nẵng, các tỉnh Duyên hải miền Trung, tạo tiền đề cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng 30/4/1975.
Cùng với Buôn-Mê –Thuột, Tiên Phước là địa phương đầu tiên trong cả nước được giải phóng tạo tiền đề cho thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975
Trải qua 2 cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, những khó khăn, thách thức, hậu quả nặng nề của chiến tranh tưởng chừng khó vượt qua, nhưng với quyết tâm và sức mạnh của những con người được làm chủ quê hương, phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, tinh thần tự lực tự cường, lao động cần cù, sáng tạo, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Tiên Phước đã đoàn kết một lòng vượt qua khó khăn thách thức, chung tay góp sức, xây dựng quê hương, từng ngày khởi sắc, đặc biệt là giai đoạn 30 năm đổi mới.
Dưới ánh sáng các Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh huyện đã bám sát yêu cầu thực tiễn, đề ra chiến lược, phương hướng, mục tiêu, khai thác tiềm năng, lợi thế từng vùng, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Chuyển đổi từ môt nền kinh tế tự cung tự cấp sang kinh tế hàng hóa thị trường. Phát triển nền nông nghiệp toàn diện, mủi nhọn kinh tế vườn, kinh tế trang trại, chăn nuôi, trồng rừng kinh tế. Hình thành nhiều gia trại, trang trại, vùng cây ăn trái, cây nguyên liệu tập trung quy mô lớn. Ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo đột phá phát triển, nhất là giao thông, điện, thủy lợi, nước sạch, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và hạ tầng đô thị. Hệ thống giao thông được xây dựng, nâng cấp đồng bộ, các trục giao thông đối ngoại từng bước đấu nối thông suốt vào các trục đường chiến lược trong tỉnh như: ĐT614, ĐT615, Quốc lộ 40B, Quốc lộ 1A, Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Nam - Quảng Ngãi. Mở ra cơ hội mới phát triển mạnh mẽ các ngành nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch của huyện trong phạm vi giao lưu kinh tế toàn tỉnh, toàn vùng.
Cùng với phát triển kinh tế, tập trung chăm lo giải quyết các vấn đề văn hóa, xã hội. Sự nghiệp giáo dục phát triển vượt bậc về số lượng và chất lượng, 60% số trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Phát huy truyền thống hiếu học, hàng ngàn học sinh Tiên Phước theo học các trường Đại học lớn trong nước, đạt thành tích xuất sắc, có học hàm, học vị Giáo sư, Thạc sỹ, Tiến sỹ góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng quê hương. Xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm đạt kết quả đáng trân trọng. Thế trận Quốc phòng toàn dân, thế trận An ninh nhân dân, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững.
Ngược dòng lịch sử, hơn 1 thế kỷ trước, vùng đất Tiên Phước đã bắt đầu phát triển nông nghiệp hàng hóa, giao lưu buôn bán, khai mở thương nghiệp. Điều kiện tự nhiên có những thuận lợi, đất đai rộng lớn, nhiều tiểu vùng sinh thái đa dạng, phù hợp nhiều cây trồng, vật nuôi có giá trị. Bằng tinh thần lao động lao động cần cù, sáng tạo của những con người tiên phong đi mở đất, lập nghiệp, người dân nơi đây đã biết trồng trọt, chăn nuôi tạo ra ngày càng nhiều sản vật, của cải vật chất. Các trang trại, hội buôn, chợ… được thành lập để tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông nghiệp.
Tiên Phước được biết đến là thủ phủ của nhiều sản vật nổi tiếng được trao đổi, mua bán ra bên ngoài với khối lượng lớn, đặc biệt là các mặt hàng Tiêu, Quế, Chè. Hoạt động giao thương giữa các hội buôn Tiên Phước, hội buôn Hội An diễn ra ngày càng tấp nập, thông qua thương cảng Hội An hàng hóa Tiên Phước đã đến nhiều nước Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đồ Nha, Anh, Pháp và các nước khu vực Đông Nam Á. Xuất phát từ quan hệ kinh tế trong thời gian dài đã hình thành phát triển quan hệ giao lưu văn hóa rất sớm giữa hai địa phương. Ngày nay, truyền thống, văn hóa, phong tục, tập quán của vùng đất và con người Tiên Phước hàm chứa những giá trị văn hóa tương đồng của vùng đất và con người Hội An. Điều đó chứng minh mối quan hệ thương mại và văn hóa mật thiết giữa hai địa phương Tiên Phước – Hội An trong suốt tiến trình hình thành và phát triển.
Tiên Phước trên đà hội nhập và phát triển
Hơn 500 năm mở đất và 100 năm thành lập huyện, các thế hệ người Tiên Phước đã liên tục đấu tranh chinh phục thiên nhiên để sinh tồn, phát triển, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh giai cấp, chống giặc ngoại xâm. Thế hệ người Tiên Phước hôm nay mãi mãi trân trọng, ghi nhớ công ơn tổ tiên, cha ông đã tạo dựng nên mảnh đất này, mãi mãi tôn vinh và tri ân các Anh hùng, Liệt sỹ, đồng bào, đồng chí đã chiến đấu Anh dũng, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì quê hương Tiên Phước thân yêu. Tri ân các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, cán bộ lão thành Cách mạng, các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân qua các thời kỳ lịch sử đã có những đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng quê hương.
Tiên Phước tự hào về truyền thống văn hiến, tự cường, yêu nước, cách mạng, tự hào về những giá trị, bản sắc riêng có của quê hương. Nơi sinh thành, tôi luyện nhiều bậc hiền tài, danh nhân, nhà yêu nước lỗi lạc, nhiều chiến sỹ Cách mạng kiên trung, bất khuất, nhiều lãnh đạo cao cấp của Nhà nước, nhiều tấm gương Anh hùng trong chiến đấu, lao động, sản xuất đã đóng góp công sức, trí tuệ, giữ gìn, phát huy truyền thống, cốt cách trong xây dựng và phát triển quê hương. Truyền thống vẻ vang của quê hương chính là hành trang, nền tảng vững chắc, động lực to lớn cho huyện nhà trong tiến trình phát triển hội nhập cùng cả tỉnh, cả nước.
Hường Văn Minh - Chủ Tịch UBND Tiên Phước