www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tiểu đoàn 70 ngày ấy bây giờ

 Tiểu đoàn 70 được thành lập ngày 3 tháng 2 năm 1962 tại xã Phước Lãnh (nay là xã Tiên Lãnh huyện Tiên Phước) là tiểu đoàn tập trung đầu tiên của Tỉnh đội Quảng Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Khung của tiểu đoàn là lúc bấy giờ là con em Khu 5 tập kết ra Bắc trở về, lực lượng còn lại là thanh niên rút từ các địa phương được bổ sung qua các thời kỳ.

         Cuối năm 1962, Tiểu đoàn 70 cùng một đơn vị của Tiểu đoàn 90 tham gia chiến dịch Vượt sông Tiên, giải phóng một khu vực liên hoàn 7 xã. Sau đó tiểu đoàn trụ lại, chiến đấu liên tục trong 6 tháng cùng với nhân dân và du kích địa phương đánh bại chiến dịch “Bình Châu” của 10 tiểu đoàn quân ngụy, giữ vững khu căn cứ Sơn - Cẩm - Hà. Cùng với sự phát triển của phong trào cách mạng, tiểu đoàn ngày một trưởng thành, liên tiếp đánh địch, hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy giành quyền làm chủ trong nhiều vùng rộng lớn ở Tam Kỳ, Tiên Phước, Thăng Bình, Quế Sơn. Đặc biệt, ngày 6 tháng 7 năm 1965, tiểu đoàn đã đánh trận xuất sắc tại Mộc Bài tiêu diệt gọn tiểu đoàn 4, trung đoàn 6, sư đoàn 2 ngụy.  

          Ba xã Phước Sơn, Phước Cẩm, Phước Hà có thế đứng chân kiềng, có thể giao lưu với đồng bằng bởi 2 con đường chiến lược quan trọng: đường 534 (đường 16) từ Thăng Bình lên Việt An qua Phước Sơn, gặp đường chiến lược 586 từ Quán Rường (Tam Kỳ) lên Cẩm Khê qua đèo Eo gió. Với thế đứng phòng ngự có tầm khống chế cả vùng đồng bằng phía nam Quảng Nam và uy hiếp các huyện miền núi tiếp giáp. Từ năm 1955, bọn Quốc dân đảng truy lùng, tát trắng lực lượng cách mạng của ta trụ bám lại trong 3 xã. Chúng giết hơn 500 cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng trung kiên, lập nên căn cứ “Nam Ngãi Bình Kỳ”. Như thế chỉ mấy năm sau khi ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, kẻ thù đã biến nơi đây thành một vùng trắng. Không có cơ sở cách mạng, nhân dân dồn vào các khu tập trung. Chúng ra sức tàn sát, trong một đêm bọn Quốc dân đảng đã sát hại tập thể 299 người bằng cách thắt cổ cho đến chết rồi xô xuống hầm bẫy heo rừng ở thôn 2 xã Phước Cẩm, chúng dùng đá hộc chôn sống tập thể 60 người dưới hầm bẫy heo rừng ở Gò Vàng xã Phước Sơn... Tình hình trên làm cho cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 70 tăng thêm lòng căm thù, nung nấu ý chí quyết tâm giải phóng 3 xã này. Những đợt sinh hoạt chính trị phát động căm thù, tố cáo tội ác của quân giặc được tổ chức trong từng trung đội.  

Tháng 9 năm 1962, phối hợp với chiến trường Quân khu, Ban chỉ huy Tỉnh đội Quảng Nam tiến hành mở chiến dịch Vượt sông Tiên, trước mắt giải phóng 3 xã Phước Sơn, Phước Cẩm, Phước Hà. Tiểu đoàn 70 được giao nhiệm vụ làm lực lượng chủ yếu trong đợt hoạt động này; vượt sông Tiên là một yêu cầu bức thiết, không chỉ có ý nghĩa đơn thuần của các trận đánh, mà nó còn có ý nghĩa mở ra thế phát triển tiến công, chọc thủng tuyến phòng thủ của địch, phá thế giằng co giữa ta và địch ở vùng này, đây là tiền đề để tiến tới giải phóng nông thôn đồng bằng.  

Nhận nhiệm vụ trên giao, Đảng ủy - Ban chỉ huy tiểu đoàn tiến hành làm công tác chuẩn bị, cử tiểu đội trinh sát trang bị gọn nhẹ vượt sông Tiên, băng rừng, về hướng thôn 2 xã Phước Cẩm. Sau 3 tiếng hành quân, tiểu đội đến địa điểm nắm địch, một tổ 3 chiến sĩ chiếm sườn Núi Vú đặt đài quan sát theo dõi quân địch trong đồn Cẩm Y. Một tổ khác bí mật đứng ở đèo Eo Gió cảnh giới địch ở hướng Tam Kỳ. Sau khi nắm kỹ địa hình, tình hình địch, một tổ quay lại điểm xuất phát để đón đơn vị. Ngày 25 tháng 9 năm 1962, Tiểu đoàn 70 cùng với lực lượng địa phương huyện Tiên Phước tổ chức vượt sông, 2 giờ sáng ngày 26 tháng 9 năm 1962, đại đội 2 đến điểm tập kết dưới chân Núi Vú.

Theo phương án tác chiến Trung đội do đồng chí Hứa Tiến Nam chỉ huy được tăng cường một tiểu đội, tách khỏi đội hình đại đội tiến về chiếm lĩnh đồn Cẩm Y. Trung đội do đồng chí Lê Công Minh chốt chặn dốc Dàn Xây sẵn sàng chặn địch từ hướng Cẩm Khê lên. Trung đội trưởng Hồng chỉ huy một bộ phận tổng hợp gồm trinh sát, bộ binh giữ đèo Eo Gió. Chính trị viên phó đại đội Như Liễu đưa các tổ vũ trang tuyên truyền đột nhập các thôn trong xã Phước Cẩm chuẩn bị phát loa tuyên truyền. Tiểu đội còn lại của trung đội 45 do trung đội phó Vũ Thành Năm chỉ huy, làm đội dự bị sẵn sàng chi viện cho mũi tiến công đồn Cẩm Y. Đúng 3 giờ đại đội trưởng phát lệnh tiến công, lập tức các mũi thọc sâu xông lên đánh chiếm đồn Cẩm Y. Sau 20 phút trận đánh kết thúc, một trung đội dân vệ ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân đền tội. Tuy nhiên tình hình xã Phước Cẩm diễn biến phức tạp, bọn dân vệ ác ôn và mạng lưới tề điệp có nợ máu với nhân dân thoát chết chạy vào rừng đang tổ chức chống trả.

Ngày 26 tháng 9 năm 1962, các đơn vị của tiểu đoàn tiến công ấp chiến lược trung tâm ở thôn 3 Phước Sơn. Trước thế áp đảo của ta, địch chống trả thưa thớt và rút chạy ra hướng An Tráng; ta truy kích, giải phóng hoàn toàn xã Phước Sơn. Tại Phước Hà ta tấn công tiêu diệt tề ngụy ác ôn, bắt sống một số tên dân vệ, làm chủ hoàn toàn xã Phước Hà.

Chiến dịch Vượt sông Tiên, giải phóng Sơn - Cẩm - Hà thắng lợi đã gây tiếng vang lớn, làm thay đổi hẳn tình hình quân sự, chính trị trên địa bàn tỉnh; phong trào cách mạng phát triển nhanh ở Hoà Vang, vùng A, B Đại Lộc, Điện Bàn, Gò Nổi và tây Duy Xuyên, quần chúng ở nông thôn đã đứng lên đấu tranh trực diện với kẻ thù. Lực lượng vũ trang được nhân dân ủng hộ đã trừng trị nhiều tên ác ôn, địch bị tấn công liên tục trên cả 3 mặt quân sự, chính trị, binh vận; một số địa phương đã thành lập chính quyền tự quản thôn xã. Chiến lược STalay-Taylo cha đẻ của quốc sách ấp chiến lược mà Mỹ - Diệm ra sức thực hiện bị phá sản trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng miền Nam, trong đó có sự đóng góp tích cực của các lực lượng vũ trang và nhân dân Quảng Nam.

Cuối tháng 10 năm 1962, địch tập trung quân mở cuộc phản kích lớn vào 3 xã Phước Sơn, Phước Cẩm, Phước Hà. Ta hiểu rằng muốn bảo vệ địa bàn chiến lược của 3 xã Sơn - Cẩm - Hà phải kiên quyết chặn đánh, bẻ gãy ngay từ lúc đầu các mũi tiến công của địch. Ngoài ý nghĩa của quân sự đây còn là trận đánh tạo lòng tin cho nhân dân, do vậy cán bộ chiến sĩ bình tĩnh, quyết tâm cao sẵn sàng chiến đấu tốt, giành thắng lợi. Các trận đánh ở đèo Eo Gió, thôn 4 Phước Sơn, ta diệt hàng chục tên, số còn lại vứt súng chạy thoát thân, bẻ gãy các mũi tiến quân của địch, giữ vững địa bàn.

Trong khi ta chỉ có một tiểu đoàn bộ đội tỉnh và đội công tác, du kích các xã, vật chất trang bị của lực lượng ta còn thô sơ; ta phải chiến đấu trong điều kiện địch đông hơn ta gấp 10 lần, lại được trang bị hiện đại, có xe tăng, pháo binh chi viện. Nhưng Tiểu đoàn 70 và lực lượng vũ trang địa phương đã vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng; bằng nghệ thuật chiến tranh du kích, lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh, phân tán khi địch càn lớn, tập trung khi địch co cụm, quần lộn trong các xóm thôn, bám đánh liên tục từ điểm đến diện, từ phía sau ra phía trước, buộc địch rơi vào thế bị động. Ta đã gây cho địch nhiều thiệt hại về người cũng như phương tiện chiến tranh, buộc chúng phải nhụt chí. Qua đó ta đã tạo ra thanh thế rộng lớn cho phong trào cách mạng và thể hiện đầy đủ tư tưởng quân sự của Đảng ta và Bác Hồ kính yêu.

Vượt sông Tiên có thể coi là trận mở đầu cho những trận đánh lịch sử sau này của tiểu đoàn. Chiến công nối tiếp chiến công, từ Núi Thành trận đầu đánh Mỹ làm vang dội cả nước, đến một Mộc Bài, Đồng Dương rồi bao trận đánh khác đã làm nên một Tiểu đoàn 70 bách chiến, bách thắng; nỗi kinh hoàng của quân xâm lược và bè lũ tay sai bán nước trong suốt cuộc chiến tranh.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối. Quân và dân cả nước đang ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống thì biên giới tây nam của Tổ quốc có họa ngoại xâm, Tiểu đoàn 70 được lệnh chia nửa số quân lên đường ra phía trước. Sau khi sáp nhập hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Đà thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiểu đoàn 70 được xây dựng thành đơn vị cơ động của tỉnh. Ngày 08 tháng 02 năm 1976, tiểu đoàn  hành quân ra đứng ở đảo Cù Lao Chàm, làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu phòng thủ bảo vệ vùng biển, đảo của tỉnh. 

Đóng quân tại đảo Cù Lao Chàm, nơi đầu sóng ngọn gió của quê hương Quảng Nam, có diện tích gần 16km2, cách bờ biển Hội An hơn 8 hải lý... Đời sống của nhân dân trên đảo còn lắm khó khăn do điểm xuất phát thấp, thời tiết luôn chịu sự tác động khắc nghiệt của yếu tố địa lý, nên thay đổi thất thường; về mùa mưa, lúc biển động, sự cách trở trong đi lại là khó khăn lớn nhất của tiểu đoàn và nhân dân trên đảo. Mặt khác, do yêu cầu nhiệm vụ nên đội hình của tiểu đoàn phải bố trí phân tán, nhỏ lẻ, trải dài khắp đảo. Mùa hè thường phải đối mặt với những khó khăn như: thiếu nước phục vụ sinh hoạt, thời tiết hanh khô dễ xảy ra cháy rừng, gây nguy hiểm cho các kho tàng vũ khí đạn dược. Nhiều dự án du lịch đang được triển khai ngày càng thu hút khách vãng lai trong và ngoài nước đến với Cù Lao Chàm, nên không tránh khỏi những tệ nạn xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Còn về mùa đông, sự cách biệt giữa đảo với đất liền càng lớn, có thời điểm gần một tháng bộ đội không có báo chí để đọc, ti vi không xem được vì ẩm ướt và sương mù dày đặc. Những trận địa cheo leo sát biển luôn phải chịu cảnh giá lạnh trong gió bão khắc nghiệt. 

Trăn trở trước những khó khăn mang tính đặc thù ở đảo, điều mà đơn vị quan tâm đầu tiên là làm sao để cán bộ, chiến sĩ an tâm tư tưởng, kiên định vững vàng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ trên giao. Để làm được điều này, Đảng ủy - Ban chỉ huy Tiểu đoàn đã nghiên cứu, bàn bạc vận dụng linh hoạt các hình thức tổ chức sinh hoạt học tập; phân chia từng cụm, từng khu vực để vừa học tập, vừa đảm bảo được quân số trực. Tổ chức các hội thi tìm hiểu, tọa đàm, giao lưu gặp gỡ, tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ trao đổi, đối thoại và tổ chức hành quân về thăm lại chiến trường xưa để cán bộ, chiến sĩ có dịp hiểu thêm về truyền thống của đơn vị mình.

  Tiểu đoàn vinh dự được Bộ chỉ huy quân sự tỉnh giao làm điểm về xây dựng cảnh quan môi trường văn hóa. Đơn vị đã đầu tư xây dựng panô, áppích tuyên truyền bố trí đều khắp trong doanh trại, tạo hình ảnh trực quan sinh động. Nhiều địa điểm trước đây chỉ là những sườn núi đá, nay trở thành những khuôn viên sinh hoạt, vui chơi giải trí với nhiều kiểu mẫu phong phú, đẹp mắt. Để có được kết quả này là cả một quá trình thực hiện kiên trì tốn rất nhiều thời gian, mồ hôi, công sức của cán bộ, chiến sĩ. Thông qua môi trường văn hóa để định hướng tư tưởng cho bộ đội, xây dựng tình cảm, ý chí trách nhiệm của mình đối với đơn vị, với đảo như chính khẩu hiệu tiểu đoàn đã xác định “Đảo là nhà, biển cả là quê hương.

Chứng minh điều này là nhiều đồng chí khi mới về nhận nhiệm vụ ở đơn vị thường có biểu hiện lo lắng, thiếu an tâm, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã nhanh chóng hòa nhập, yêu mến đơn vị. Có đồng chí từ khi tốt nghiệp Trường sĩ quan, mang quân hàm thiếu uý ra đảo nhận công tác, đến nay đã phát triển thành cán bộ tiểu đoàn, mang quân hàm thiếu tá, nhưng vẫn an tâm tư tưởng, gắn bó với đơn vị, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chúng tôi luôn đặc biệt quan tâm phối hợp giải quyết tốt mối quan hệ đoàn kết quân dân, nhờ thực hiện có hiệu quả công tác này nên tình đoàn kết gắn bó quân dân trên đảo ngày càng thắt chặt hơn. Những việc làm như: góp sức cùng nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, di dời nhà ở, làm đường bê tông nông thôn, khám chữa bệnh cho trẻ em, người cao tuổi, giúp đỡ đối tượng chính sách gặp khó khăn..., càng tô thêm bản chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ.

Từ năm 1999 đến năm 2010, tiểu đoàn đã được Bộ Quốc phòng khen thưởng: Thành tích 10 năm thực hiện cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa, Cờ đơn vị huấn luyện giỏi, Bằng khen về công tác phòng chống lụt bão. Bộ Tư lệnh quân khu 5 tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng. Ủy ban nhân dân tỉnh tặng 6 Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua quyết thắng khối Trung tiểu đoàn, nhà trường. Bộ Tư lệnh quân khu, Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh tặng 5 Bằng khen về các mặt công tác.

Với nhiệm vụ, trọng trách được giao là tổ chức huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng biển đảo tiền tiêu của tỉnh, đơn vị luôn  nâng cao cảnh giác, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống. Mặc dù hệ thống thao trường bãi tập chưa cơ bản, một số trang bị chưa đầy đủ, nhưng đơn vị luôn tổ chức điều hành chặt chẽ và đã hoàn thành tốt nội dung, nhiệm vụ huấn luyện cho các đối tượng. Tổ chức diễn tập đạt kết quả cao, nhiều phân đội đạt giỏi. Phối hợp với các lực lượng trên đảo tổ chức tuần tra canh gác, giữ vững thế trận quốc phòng - an ninh trên địa bàn đóng quân.

Ngoài ra, đơn vị đã thực hiện tốt nội dung xây dựng nền nếp chính quy, làm chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành kỷ luật của bộ đội. Nhiều năm liền đơn vị không có quân nhân đào bỏ ngũ, vi phạm kỷ luật phải xử lý. Đến nay, doanh trại tuy chưa được xây dựng khang trang, hiện đại, nhưng nơi ăn, ở, sinh hoạt của bộ đội thể hiện sự thống nhất, mẫu mực, chính quy.

Được quân đội giao cho đơn vị quản lý một số lượng tương đối lớn vũ khí trang bị; trong điều kiện thời tiết khí hậu ở đảo nồng độ nhiễm mặn cao, mùa mưa thì thường xuyên ẩm ướt; sáng đưa ra sử dụng chiều đã thấy rét rỉ. Hơn ai hết, chúng tôi ý thức được rằng đó là tài sản vô giá, nên cán bộ, chiến sĩ luôn chú trọng bảo quản, giữ gìn. Nếu không làm tốt việc bảo quản, bảo dưỡng thì chắc chắn vũ khí trang bị sẽ hư hỏng, xuống cấp nhanh, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi.

Mặc dù đơn vị đóng quân ở đảo, nhưng đơn vị thường xuyên quán triệt, nhắc nhở cho cán bộ, chiến sĩ khi vào đất liền phải chấp hành nghiêm quy định của trên về an toàn khi tham gia giao thông.

Hưởng ứng cuộc vận động “Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, chúng tôi đã khai thác triệt để lợi thế sẵn có của đơn vị để thực hiện công tác bảo đảm hậu cần tại chỗ một cách linh hoạt, sát với điều kiện ở đảo. Thay vì phải ra chợ mua thực phẩm đắt đỏ trong những ngày mưa bão, đơn vị đã phát động phong trào tăng gia sản xuất, chăn nuôi gia súc gia cầm cải thiện đời sống cho bộ đội.

Với tinh thần vượt khó vươn lên, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 70 đã đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực tập trung xây dựng đơn vị ngày một lớn mạnh, luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với thành tích đạt được, dù rất khiêm tốn, nhưng chúng tôi có quyền tự hào rằng: Những gì mà đơn vị đã làm được thật đáng cổ vũ, khuyến khích, xứng đáng với truyền thống Tiểu đoàn Anh hùng và lòng mong mỏi, tin yêu của các thế hệ cha anh, của lãnh đạo, chỉ huy các cấp đối với đơn vị.  

Trong những năm đến, dù còn gặp nhiều khó khăn chi phối, nhưng với kinh nghiệm và truyền thống của đơn vị; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, các ngành và địa phương, chắc chắn rằng Tiểu đoàn 70 sẽ đạt nhiều thành tích cao hơn nữa, hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng thủ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc vùng biển đảo thân yêu của quê nhà. Để xứng đáng với Bức trướng mà Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam tặng cho đơn vị nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập tiểu đoàn và 37 năm ngày chiến thắng Núi Thành: “Núi Thành oanh liệt, quyết chiến lập công, tiếp bước cha anh xứng danh Bộ đội Cụ Hồ .

                                                  Ban chỉ huy Tiểu đoàn hỗn hợp 70