www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Theo dấu Nghĩa hội Quảng Nam

 Đi điền dã tìm hiểu về Nghĩa hội Quảng Nam, chúng tôi lần theo các địa chỉ đỏ của phong trào kháng Pháp ở xứ Quảng thời Hàm Nghi xuống hịch Cần Vương. Hơn một trăm năm đã qua, những tưởng chuyện xưa đã phai mờ, không ngờ ký ức dân gian vẫn ấp iu những câu chuyện sống động về cụ Hường Hiệu, về nghĩa quân với những địa danh, những di tích liên quan đến cuộc chiến đấu của những người dân mộ nghĩa...

         Ông Nguyễn Sừng, 94 tuổi, nhưng trông vẫn khỏe mạnh, đầu óc còn khá minh mẫn. Ông là “kho tư liệu sống” của vùng đất Tiên Thọ (Tiên Phước). Ai hỏi chuyện xưa, chính quyền xã lại dẫn tới ông. Ông bảo hồi nhỏ tính hay tò mò tìm hiểu. Chuyện về chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu, ông nghe ông nội kể lại. Rằng, hồi đánh Pháp, lập đại bản doanh ở Nà Lầu (thôn 10), ông Hường Hiệu thường cưỡi voi vì con vật này đi đường rừng khỏe hơn ngựa; Nà Nại, Nà Kháng, Nà Nên đều có nghĩa  quân đóng. Đây là những cứ điểm tiền tiêu bảo vệ Sơn phòng Dương Yên, đóng ở xã Trà Dương huyện Bắc Trà My bây giờ.

        Ông Hường Hiệu cho quân lập lò rèn tại Nà Lầu để rèn vũ khí. Dấu tích lò rèn, ông Sừng cũng đã tận mắt thấy: “Trước năm 1975, tôi sản xuất ở vùng này, còn thấy mấy đám đất đầy “cứt sắt” (xỉ sắt), bây giờ người ta trồng keo, dấu vết bị xóa hết rồi”. Người dân Tiên Thọ cũng tích cực ủng hộ lương thực, thực phẩm cho nghĩa quân. Cuối năm 1885 quân Pháp và Nam triều đánh lên phòng tuyến Suối Đá, Tam Dân, quân Nghĩa hội không chống cự nổi phải rút lui, bỏ lại cả súng thần công, sau này một người rà phế liệu đã tìm được một khẩu.

 

Khu vực di tích Sơn phòng Dương Yên.
Khu vực di tích Sơn phòng Dương Yên.

 

        Để ghi lại hình ảnh khẩu thần công, chúng tôi tìm đến Nhà truyền thống TP.Tam Kỳ. Hồ sơ hiện vật còn ghi lại câu chuyện khá hấp dẫn về khẩu súng này. Đây là khẩu súng thứ 92 trong tổng số 300 khẩu được đúc năm Minh Mạng thứ ba, tức năm Nhâm Ngọ 1822, đặt tên là Vũ công tướng quân. Ngày 29.3.1995 nó được một người rà phế liệu tên là Thái Sử, quê Tam Vinh tìm được tại cánh đồng thuộc đội 2, Hợp tác xã nông nghiệp 3 Tam Dân, sau đó bán 4 triệu đồng cho một người buôn phế liệu tại chợ Cây Sanh.

        Được tin, Công an thị xã Tam Kỳ lập tức mở chuyên án điều tra. Người phụ nữ này tiếc tiền nên trả lời quanh co, lúc nói đã bán vào Quy Nhơn, lúc nói bán cho người buôn đồ cổ ở TP. Hồ Chí Minh khiến Công an Tam Kỳ phải tung trinh sát đi khắp nơi mà chẳng thấy tăm hơi khẩu súng đâu. Cuối cùng lãnh đạo ban chuyên án nhận định hiện vật vẫn chưa bị tẩu tán và tập trung đấu tranh làm rõ sự thật. Cuối cùng khẩu súng đã được thu hồi và chuyển về lưu giữ tại Nhà truyền thống thị xã vào ngày 28.5.1995. Chiến công xuất sắc của Công an thị xã Tam Kỳ đã giúp giữ lại một hiện vật vô giá vì nó là khẩu thần công bằng đồng duy nhất được tìm thấy ở Quảng Nam cho đến nay.

 

Nghĩa trũng Tiên Mỹ thường xuyên được chính quyền, nhân dân địa phương chăm sóc.  Ảnh: D.HIỂN
Nghĩa trũng Tiên Mỹ thường xuyên được chính quyền, nhân dân địa phương chăm sóc. 

 

         Theo dấu Nghĩa hội, chúng tôi tiếp tục lên di tích Sơn phòng Dương Yên. Thật may mắn qua hơn 100 năm với bao bận binh lửa, ngôi thành cổ này vẫn còn khá nguyên vẹn. Sơn phòng là hệ thống đồn lũy mà các triều đình phong kiến đã nối tiếp nhau xây dựng dọc các tỉnh Trung Bộ, những nơi tiếp giáp với các sắc tộc thiểu số nhằm ngăn chặn sự quấy nhiễu của họ. Nhà Nguyễn lên ngôi tiếp tục củng cố hệ thống này. Sau Hòa ước Patenôtre năm 1884, phái chủ chiến của triều đình Huế mà đứng đầu là Tôn Thất Thuyết tích cực chuẩn bị công cuộc kháng Pháp. Tiến sĩ Trần Văn Dư được phái về Quảng Nam, nhậm chức Sơn phòng sứ để lo việc khởi binh ở Tả trực kỳ (các tỉnh phía nam kinh thành Huế).

        Cụ Trần liền tâu với triều đình cho tu bổ lại hệ thống sơn phòng ở Quảng Nam, đặt bản doanh tại Sơn phòng Dương Yên. Triều đình cũng cho chuyển vào xứ Quảng 100 gánh vàng bạc, mỗi gánh hai hòm, mỗi hòm 100 thỏi để  phòng khi lâm sự. Trong cái nhìn của phái chủ chiến triều đình Huế cũng như Trần Văn Dư, Sơn phòng Dương Yên là một mắt xích trọng yếu của hệ thống sơn phòng phía Tả trực kỳ. Một khi phát động chống Pháp, hệ thống này sẽ tạo nên một thượng đạo nối các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... thành vùng căn cứ rộng lớn. Cuối năm 1885, Pháp tấn công, Sơn phòng Dương Yên thất thủ, Tiến sĩ Trần Văn Dư trên đường về Huế bị giặc bắt giết tại thành La Qua, Vĩnh Điện.

        Lão nông Nguyễn Văn Truyền người làng Dương Bình dẫn chúng tôi đi thăm di tích sơn phòng. Ngôi thành đất có chu vi 320m, mặt ngoài xây đá núi hãy còn khá nguyên vẹn. Nó được kiến trúc theo lối Vauban, bốn góc có bốn pháo đài cao, vừa là vọng gác vừa là nơi đặt súng thần công. Điều này cho thấy sơn phòng này được bố phòng khá kiên cố. Anh cán bộ văn hóa xã Trà Dương cho biết, di tích vừa mới được xếp hạng cấp tỉnh. Kể cũng lạ, một căn cứ hàng đầu của Nghĩa hội Quảng Nam, sử sách lâu nay chép đầy nhưng cho đến bây giờ mới được ra quyết định bảo vệ.

        Thời  chiến tranh chống Mỹ, B52 chà đi xát lại vùng Trà Dương thế mà không quả bom nào đụng đến di tích, thật may. Người dân ở đây cũng rất có ý thức bảo vệ thành cổ. Tuy nhiên, họ đã không biết giữ lại một số hiện vật quý. Ông Truyền kể: “Mấy năm trước, trong khi đào đất trồng keo, chúng tôi lượm được nhiều vật tròn tròn bằng gang, vừa rồi người đi rà phế liệu cũng đào được một số, thế nhưng đem bán hết. Gần đây mới biết đó là đạn súng thần công”. Thật tiếc cho những cổ vật quý giá mà tự thân nó có thể kể rất nhiều về một trang sử đau thương nhưng anh dũng của tiền nhân.

        Kể ra, không ít hiện vật liên quan đến phong trào Nghĩa hội Quảng Nam được tìm thấy nhưng rồi chúng rất ít có cơ hội được lưu giữ trong bảo tàng. Hôm chúng về căn cứ Tân tỉnh ở Trung Lộc (Nông Sơn), lại nghe một câu chuyện như vậy từ bác tài xế xe ôm Lê Ngọc Đức, người Trung Phước.  Ông chở chúng tôi lên đèo Phường Rạnh ghi vài khuôn hình. Trên ngọn đèo này, những năm 1886 - 1887 cụ Hường Hiệu đã cho bố phòng các khẩu thần công và quân sĩ để bảo vệ Tân Tỉnh, ngăn quân Pháp và Nam triều tấn công cả đường bộ và đường thủy bởi sông Thu Bồn. Tương truyền, khi thất thủ nghĩa quân đã xô các khẩu thần công xuống sông nên khu vực này có tên là vực Ông Súng. Biết chúng tôi đi tìm dấu tích nghĩa hội, ông Đức chỉ tay về phía bên kia sông, kể: “Chỗ kia là hố Chuối. Năm 1985, chúng tôi đi đốn củi ở đó, buổi trưa nghỉ ăn cơm, tôi lấy rựa cạy cạy xuống đất thì phát hiện ra vật bằng sắt. Mọi người đào lên thì thấy khẩu súng thần công, khiêng về Trung Phước rồi bán cho một người buôn phế liệu quê Duy Phú. Hồi đó khó khăn, có ai nghĩ chuyện bảo tồn, bảo tàng gì đâu”.

        Hiện vật liên quan đến Nghĩa hội thì không còn nhưng các hồi ức dân gian vẫn được người dân Trung Lộc lưu truyền. Ở đây vẫn còn một khu đất mang tên là đám Lao. Nguyên khi xây dựng căn cứ Tân Tỉnh, cụ Hường Hiệu đã cho dựng ở đây một nhà lao để giam giữ, xét xử những kẻ theo giặc, phản bội và cả những người bị tình nghi. Các cụ lão thành cách mạng ở đây còn cả quyết rằng, đồng ruộng sau UBND xã Quế Lộc bây giờ là do người ta xay lúa cho nghĩa quân, đổ trấu ra mà thành.

       Lần theo sử sách, chúng tôi về xã Điện Hồng (Điện Bàn). Sông Thu Bồn đoạn chảy qua địa phương có địa danh bến đò ông Đốc. Nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy, tác giả cuốn Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam, hiện sống tại Đà Nẵng, cho rằng đó là một địa danh nhằm tưởng niệm một đốc binh họ Bùi đã hy sinh trong trận tập kích đội thủy binh Pháp tại đây. Sử liệu chép, sau trận quân Nam triều bị Nghĩa hội đánh tơi tả ở Phong Thử vào giữa năm 1887, Pháp điều thêm quân hỗ trợ cho bọn tay sai này. Chúng đưa một đội ca nô lên đóng tại Bãi Chài, Vân Ly thuộc xã Điện Hồng bây giờ. Biết tin, Nguyễn Duy Hiệu lệnh cho nghĩa quân lên kế hoạch tập kích. Nghĩa quân đã dùng các bè hom dâu chứa thuốc nổ, nhận chìm 3 ca nô Pháp. Bọn sống sót cũng bị nghĩa binh mai phục trên bờ xông ra tiêu diệt. Đây là trận đánh  mưu trí và cũng là một trong những chiến công vang dội nhất của Nghĩa hội Quảng Nam.

       Theo dấu Nghĩa hội mới nghiệm ra một điều rằng, ký ức dân gian vẫn còn ấp iu những câu chuyện đẹp về một thời kháng Pháp. Một số nơi như làng La Qua, xã Điện Phương và thôn 1 xã Tiên Mỹ, Tiên Phước vào những dịp tế xuân, chính quyền và nhân dân vẫn hương khói cho mộ phần những người đã xả thân vì nghĩa. Bằng sự hy sinh lẫm liệt của mình, tướng sĩ Nghĩa hội đã dựng những tượng đài vĩnh cửu trong lòng nhân dân xứ Quảng.

                                                  Duy Hiển - Báo Quảng Nam

Chạnh lòng bên Nghĩa trũng Nghĩa hội Quảng Nam

Nghĩa hội và địa bàn đóng quân bất hủ ở Tiên Phước

Từ Sơn phòng Dương Yên đến tỉnh thành La Qua