Thanh trà Trà Khân trước nguy cơ “xóa sổ” ?
Cùng với cây lòn bon, tiêu, thanh trà Trà Khân (xã Tiên Hiệp) được huyện Tiên Phước chọn làm cây cao sản, và nhân ra diện rộng. Tuy nhiên, vài năm gần đây, sâu bệnh hoành hành, hàng loạt vườn cây thanh trà trơ gốc.
Cây “thoát nghèo”
Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cùng một số đại biểu ở các huyện miền núi vừa có chuyến khảo sát, tham quan vườn thanh trà của ông Cao Văn Thanh (thôn 4, xã Tiên Hiệp). Đoàn khảo sát nhận thấy giá trị thoát nghèo từ cây thanh trà Trà Khân và hy vọng sẽ tìm cách phối hợp với các cơ quan chuyên môn tìm cách nhân giống loại cây ăn trái mang hiệu quả kinh tế cao này về địa phương mình. Năm 2000, trong khi 1 nhánh thanh trà có giá 15.000 đồng thì huyện Tiên Phước đã trợ giá 10.000 đồng/nhánh nhằm khuyến khích bà con nhân rộng loại cây đặc sản này. Ngoài ra, còn hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay trong năm. Nhờ vậy, đến nay xã Tiên Hiệp có khoảng 35ha thanh trà. Tuy nhiên, hiện nông dân cũng đứng trước nỗi lo cây thanh trà tại đây sẽ bị xóa sổ.
Cây thanh trà vẫn bị nhiễm bệnh dù đã được ông Đặng Lục ra sức cứu chữa
Nỗi lo hiện hữu
Vườn thanh trà của ông Đặng Lục - một nông dân nổi tiếng với vườn thanh trà hơn 400 cây, vài năm nay dần trở nên trống trải. Một số cây bị nứt vỏ, lốm đốm trắng, dùng tay gạt nhẹ là vỏ cây bong ra, mủn bột. Đưa chúng tôi đi dạo quanh vườn, chỉ vào những cây còn sống sót nhưng đang bị bệnh, ông Lục nói: “Với tình hình này, chẳng bao lâu nữa cây sẽ thối rễ, nứt vỏ và chết dần. Năm 2007, đã xảy ra tình trạng cây thanh trà bị nhiễm bệnh và chết. Năm 2008, số lượng cây chết ngày càng nhiều hơn. Năm nay, tình hình lại tiếp tục tái diễn và có vẻ nặng nề hơn rất nhiều”. Bà Thiều Thị Một (người dân thôn Trà Khân) cho hay: “Những năm trước khi cây thanh trà chưa bị bệnh, có nhiều cây tôi thu hoạch bán được hơn 2 triệu đồng. Đến mùa, gia đình chúng tôi thu về hơn 20 triệu đồng từ vườn thanh trà, đủ trang trải đời sống gia đình. Chừ thì không trông mong, hy vọng gì nhiều”.
Nhiều người dân ở thôn 1 - Trà Khân cho rằng, trước khi thanh trà được trồng đại trà, không hề có tình trạng nhiễm bệnh. Cả thôn có hàng chục gốc thanh trà vài chục tuổi nhưng từ năm 2007, khi bệnh trên cây thanh trà xuất hiện, từ cây lâu năm đến cây mới thu hoạch vài lứa quả cũng chết dần. Cây thanh trà hơn 100 năm tuổi ở nhà ông Nguyễn Thanh Sơn cũng không còn “sức đề kháng” sau đợt nhiễm bệnh năm 2008. Cũng trong thời gian này, để tìm cách cứu cây thanh trà Trà Khân, huyện Tiên Phước đã cử cán bộ cùng với người dân tìm cách trị bệnh và phòng trừ. Trạm Bảo vệ thực vật huyện cũng đã xác định được bệnh thối rễ vàng lá do loại nấm Fusarium gây ra và bệnh nứt vỏ, xì mủ do nấm Phytophthora tấn công. “Thế nhưng, cũng chỉ được thời gian ngắn. Những cây sống sót sau năm 2008 lại tiếp tục chết dần trong những ngày gần đây” - ông Lục nói.
Ông Võ Đình Khôi, Chủ tịch UBND xã Tiên Hiệp cho biết thêm: “Trước đây, toàn xã có khoảng 8.400 cây, riêng thôn 1 Trà Khân trồng được khoảng 5.000 cây. Tuy nhiên, sau hai đợt sâu bệnh năm 2007, 2008 và đợt này nữa chắc chắn số lượng sẽ giảm đi rất nhiều. Hiện chúng tôi chưa tiến hành khảo sát, thống kê cụ thể”. Ông Nguyễn Thanh Sơn (Thôn trưởng thôn 1 - Trà Khân) cho biết, hiện nay toàn thôn chỉ còn vài vườn chưa bị thiệt hại. Khi cây thanh trà được trồng đại trà và bắt đầu bị sâu bệnh tấn công vào những năm trước, một số người có ý tưởng nhân giống thanh trà bằng phương pháp trồng hạt. Tuy nhiên, thanh trà tại Trà Khân chỉ có thể nhân giống bằng phương pháp sang chiết cành, trồng bằng hạt thì quả thanh trà sẽ không còn giữ được mùi vị đặc trưng mà chuyển sang mùi vị của bòng, bưởi. Hơn bao giờ hết, người dân rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để tìm cách cứu cây thanh trà Trà Khân thêm một lần nữa!
Cần phát hiện bệnh sớm trên cây thanh trà Theo ông Đinh Thương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước, các loại nấm bệnh ở trong đất và gây hại cho cây thanh trà. Nếu bệnh ở cây thanh trà được phát hiện sớm thì sẽ điều trị khỏi, nhưng nếu phát hiện muộn và cây thanh trà quá lâu năm thì rất khó để điều trị dứt điểm. Cũng theo ông Đinh Thương, nguyên nhân chính khiến thanh trà Trà Khân bị chết nhiều là do người trồng thanh trà chủ quan, chưa quan tâm đúng mức, chưa thật sự chủ động trong việc phòng bệnh. Khi cây bị bệnh nặng ở giai đoạn cuối mới đến báo với Phòng NN&PTNT huyện và khi cán bộ đến kiểm tra thì không thể cứu chữa kịp. Cây thanh trà những năm gần đây bị chết do nấm bệnh khiến nhiều người không còn dám mở rộng đầu tư, chăm sóc. Ông Nguyễn Đình Sưu - một dân trồng thanh trà ở thôn 4 (xã Tiên Cảnh) cho biết: “Tôi thấy trồng thanh trà có hiệu quả thật, nhưng cái khó nhất là tuổi thọ của nó không cao. Nếu mình trồng xuống mà không chăm sóc kỹ thì cây sẽ bị các loại côn trùng, nấm bệnh tấn công dẫn đến cây bị chết trước khi thu hoạch. Chưa kể khi sống và đến giai đoạn cho quả cần phải thường xuyên theo dõi, phun các loại thuốc phòng trừ kịp thời, nếu không sẽ bị sâu bọ chích gây thối rụng quả”.(NGUYỄN HƯNG) |
Chiêu Thục Anh - Báo Quảng Nam