Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy các di tích LS-VH
Tiên Phước là huyện miền núi trung du nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Nam. Phía Đông giáp huyện Phú Ninh, phía Bắc giáp huyện Thăng Bình, phía Tây giáp huyện Hiệp Đức, phía Nam giáp huyện Bắc Trà My. Cách Thành phố tỉnh lỵ Tam Kỳ 25 km về hướng Đông. Diện tích tự nhiên hơn 454,55 ha, gồm 14 xã và 01 thị trấn. Dân số hiện nay trung bình khoảng 71.721 người.
Là một miền quê giàu truyền thống yêu nước, Tiên Phước đã sản sinh ra các nhà ái quốc nổi tiếng như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Cơ, Trần Huỳnh, Lê Vĩnh Huy…Trong suốt thời gian hơn 100 năm xây dựng và phát triển, trải qua những thăng trầm và biến động của lịch sử, Tiên Phước là vùng đất trung du - miền núi rất đỗi tự hào bởi những giá trị truyền thống đặc trưng được trao truyền qua nhiều thế hệ; bởi cái cốt cách, khí phách của con người mang đậm nét Quảng Nam với những tấm gương chí sĩ yêu nước, chiến sĩ cộng sản luôn xả thân vì Tổ quốc, và những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được hình thành, kết tinh nên các giá trị văn hóa rất riêng ở Tiên Phước.
Tiên Phước là huyện nằm trong một vùng đồi núi, địa hình phức tạp và có vị trí chiến lược; có bề dày truyền thống văn hóa và đấu tranh cách mạng. Chính vị trí đó, trong những năm kháng chiến huyện Tiên Phước được Tỉnh ủy, Tỉnh đội và các cơ quan của tỉnh Quảng Nam chọn đứng chân chỉ đạo phong trào cách mạng. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Tiên Phước là hậu phương vững chắc, tin cậy cho cuộc kháng chiến của cả tỉnh. Trong 21 năm chống đế quốc Mỹ, kiên cường, ác liệt và anh dũng, Tiên Phước trở thành “mảnh đất thánh” của cách mạng khu V. Chiến dịch vượt sông Tranh giải phóng 2 xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc vào tháng 10 năm 1961 đã trở thành ngọn cờ hiệu triệu toàn tỉnh đồng khởi diệt ác phá kèm, xây dựng vùng giải phóng, mở ra thời kỳ bừng sáng của cách mạng tỉnh nhà. Chiến dịch vượt sông Tiên giải phóng 3 xã Sơn - Cẩm - Hà năm 1962 và những cuộc đấu tranh quyết liệt chống chiến dịch Bình Châu - Dân Chiến của địch trong 2 năm 1963 - 1964 đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc bảo vệ khu căn cứ địa của cách mạng cả tỉnh để từ đó tiến công giải phóng các huyện Quế Sơn, Tam Kỳ, Thăng Bình. Mùa Xuân năm 1975, cùng lúc với tiếng súng tiến công mở màn chiến dịch Buôn Mê Thuột, Tiên Phước được Khu ủy V chọn là nơi mở màn chiến dịch giải phóng hoàn toàn Quảng Nam - Đà Nẵng, tiến đến giải phóng toàn Khu V, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong thời gian qua, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII (năm 1998) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; công tác quản lý, bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử - văn hóa tại Tiên Phước đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, được đông đảo nhân dân đồng ủng hộ nên đã đạt được những kết quả quan trọng. Huyện Tiên Phước đã phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch và các ngành liên quan ở tỉnh đi thực địa, khảo sát đánh giá hiện trạng ở 98 di tích lịch sử văn hóa, danh thắng, di tích kiến trúc nghệ thuật, nhà cổ ở 13/15 xã thị trấn. Kết quả đã xác định được hệ thống các di tích danh thắng đề xuất trùng tu tôn tạo, có phương án bảo vệ, chống xuống cấp ở các di tích chưa xếp hạng; đề xuất danh mục di tích lập hồ sơ đề nghị xếp hạng các cấp.
Trong những năm qua, huyện đã phối hợp với các cơ quan liên quan ở tỉnh lập hồ sơ đề nghị và đã được UBND tỉnh, Bộ Văn hóa – thể Thao và Du lịch ra quyết định xếp hạng di tích. Hiện nay, trên địa bàn huyện Tiên Phước vinh dự có 04 di tích cấp Quốc gia: Căn cứ Tỉnh ủy (Tiên Sơn), Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Cảnh), không gian làng cổ Lộc Yên (Tiên Cảnh), Địa điểm diễn ra cuộc đấu tranh Cây Cốc (Tiên Thọ) và có 14 di tích cấp tỉnh: Lò Chén Phú Lâm (Tiên Sơn), Chiến thắng Núi Ngang (Tiên Sơn), Nền trường tân học Phú Lâm (Tiên Sơn), Mộ Trần Huỳnh (Tiên Thọ), Công binh xưởng QB 150 (Tiên Cảnh), Nhà cổ Huỳnh Anh (Tiên Cảnh), Mộ Lê Vĩnh Huy (Tiên Cảnh), Mộ Lê Vĩnh Khanh (Tiên Cảnh), Chứng tích vụ thảm sát Đồng Trại (Tiên Cẩm), Chứng tích vụ thảm sát Gò Vàng (Tiên Sơn), Nghĩa Trũng Tiên Phú Tây (Tiên Mỹ), Đình Làng Hội An (Tiên Châu), Chi bộ Thạnh Bình (Tiên Cảnh); Suối Ba Cây (Tiên Lãnh). Bên cạnh đó, huyện đã lập hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận 02 di tích: danh thắng Bãi đá Lò Thung (Tiên Cảnh); chiến thắng Tiên Phước - Phước Lâm (10-3).
Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo, sưu tầm, biên soạn các công trình lịch sử địa phương, tổ chức thi tìm hiểu lịch sử địa phương, di tích, danh lam thắng cảnh bằng hình thức sân khấu hóa lồng ghép trong các chương trình văn hóa, văn nghệ của địa phương để giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trên địa bàn huyện đạt kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền bảo vệ và phát huy các giá trị di tích được chú trọng; các hoạt động ký cam kết chăm sóc di tích; tập huấn kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, bảo tồn; in ấn phát hành các ấn phẩm tuyên truyền,… bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực trong giáo dục truyền thống cách mạng, quảng bá phát triển du lịch. Tuy nhiên, vẫn còn một số di tích chưa được đầu tư tôn tạo, phục hồi xây dựng một cách quy mô, chưa có sự đầu tư lớn làm nổi bật và xứng tầm giá trị của di tích, chưa kết hợp tốt với phát triển du lịch để thu hút khách tham quan. Ngoài ra, còn nhiều di tích lịch sử cách mạng của quân khu V, của tỉnh, huyện và các di tích văn hóa khác trên địa bàn huyện đang tiếp tục nghiên cứu lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích.
Để khai thác tiềm năng và phát huy giá trị của các di tích văn hóa, lịch sử cách mạng trên địa bàn, đưa Tiên Phước trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước tìm hiểu, nghiên cứu về “Vùng đất, con người, truyền thống lịch sử - văn hóa Tiên Phước”, xin đề xuất một số giải pháp sau:
Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương; sự tham gia tích cực, hiệu quả của Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể và sự đồng tình hưởng ứng, phát huy trách nhiệm, tinh thần của nhân dân, nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn, phát huy các giá trị của di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.
Các ngành chức năng và UBND các xã, thị trấn (nơi có di tích) tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các di tích lịch sử - văn hóa. Phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có hành vi xâm phạm đến di tích để sản xuất, trồng cây nguyên liệu, san ủi xây dựng công trình hoặc lấn chiếm làm nhà ở…
Đoàn Thanh niên triển khai đăng ký đảm nhận chăm sóc, bảo vệ, trồng cây xanh tại điểm di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn, coi đây là công trình thanh niên. Định kỳ hằng năm xây dựng kế hoạch phối hợp với ngành văn hóa và Hội Cựu chiến binh để tổ chức các hoạt động về nguồn, nói chuyện truyền thống nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc đối với các thế hệ trẻ.
Ngành giáo dục đưa nội dung, hình ảnh, ý nghĩa lịch sử các di tích – văn hóa vào chương trình giảng dạy lịch sử, ngoại khóa các cấp học để học sinh tìm hiểu. Các trường học đăng ký với địa phương nơi có di tích, tổ chức cho các em học sinh tham gia phát dọn vệ sinh, trồng hoa, cây xanh tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa. Hàng năm tổ chức cho các em học sinh tham quan tìm hiểu ý nghĩa, giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa tại địa phương làm phong phú sinh động bài học trên lớp và giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương Tiên Phước anh hùng.
Ngành văn hóa phối hợp xây dựng các chuyên trang, chuyên mục phim tài liệu, phóng sự… nhằm tuyên truyền về di tích lịch sử gắn với không gian văn hóa - lịch sử, nhân vật, sự kiện lịch sử huyện Tiên Phước. Đẩy mạnh hoạt động sáng tác, quảng bá tiềm năng phát triển du lịch gắn với việc về nguồn, tham quan di tích lịch sử - văn hóa, căn cứ có trên địa bàn huyện. Thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong bảo tồn và phát huy hiệu quả các di tích; đồng thời, thông qua phát triển du lịch để phát huy giá trị các di tích. Chủ động trong công tác tham mưu, phối hợp với tỉnh trong việc quản lý, phân cấp quản lý các di tích; bố trí tổ chức hoặc cá nhân để trực tiếp quản lý các di tích và có chế độ đãi ngộ phù hợp để việc quản lý đạt kết quả.
Định kỳ hằng năm UBND huyện, ngành văn hóa xây dựng kế hoạch cân đối nguồn và đề nghị tỉnh cân đối nguồn ngân sách hợp lý để trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa. Bên cạnh đó, các hoạt động tổ chức quy hoạch, trùng tu, mở rộng, nâng cấp di tích cấp tỉnh, quốc gia ngoài phục vụ thăm quan, du lịch… phải gắn chặt với việc xây dựng khu vực phòng thủ, gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân liên hoàn, vững chắc.
Nguyễn Minh Xinh -Trưởng Ban Tuyên Giáo HU Tiên Phước