Thắp sáng ngọn lửa hiếu học
Xã Tiên Cảnh (Tiên Phước) là vùng quê hiếu học với nhiều nhân tài làm rạng danh xứ sở. Đặc biệt là tấm gương hiếu học của cụ Huỳnh Thúc Kháng luôn được bao thế hệ trẻ noi theo…
Cụ Huỳnh, tấm gương hiếu học
Theo người dân Thạnh Bình xưa, xã Tiên Cảnh hôm nay, cụ Huỳnh là người rất thông minh, hiếu học nên dù gia cảnh nghèo khó nhưng cụ vẫn được thân sinh cho ăn học đến nơi đến chốn và đã trở thành tiến sĩ Hán học, nổi tiếng cả nước. Năm 1904, cụ không ra làm quan mà cùng với Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp vận động Duy tân với chủ trương “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”... Cuộc đời cụ là tấm gương sáng ngời về truyền thống vượt khó, hiếu học, về nếp sống thanh cao giản dị, không màng danh lợi, suốt một đời vì nước vì dân. Là người học rộng, tài cao, chí lớn, lúc sinh thời cụ Huỳnh luôn tâm niệm, nhắc nhở việc “phải lo giáo dục nhân tài, đúc nên tư cách mở bài phương châm”. Trong thư gửi đồng bào cả nước sau ngày cụ Huỳnh tạ thế Bác Hồ đã viết: “Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao… Cả cuộc đời cụ Huỳnh không màng danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập…”.
![]() |
Xã Tiên Cảnh luôn quan tâm đến công tác giáo dục và đào tạo. |
Tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, nêu cao gương hiếu học của cụ Huỳnh, xã Tiên Cảnh không ngừng quan tâm đến công tác giáo dục, xem giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ hàng đầu. Nếu như sau ngày đất nước được giải phóng, xã Tiên Cảnh chỉ có một trường cấp I với 11 lớp học với 421 học sinh; hiện nay địa phương có 5 trường (2 trường mẫu giáo, 2 trường tiểu học và 1 trường THCS) với hơn 1.500 học sinh. Trong năm học 2015 - 2016, Trường Tiểu học Tiên Cảnh và Trường Tiểu học Mính Viên đều có 100% học sinh khối lớp 5 hoàn thành chương trình bậc Tiểu học và có trên 99,6% học sinh hoàn thành chương trình lớp học. Riêng trường Mẫu giáo Tiên Cảnh và Tiểu học Tiên Cảnh được Sở GD&ĐT công nhận đạt kiểm định chất lượng cấp độ III. Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm có 19,8% học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi, trên 50% học sinh đạt danh hiệu học sinh khá và 100% học sinh khối lớp 9 được xét tốt nghiệp THCS. Ông Nguyễn Phước Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Cảnh nói: “Trong những năm qua, xã đã tham mưu UBND huyện, Phòng GD&ĐT huyện triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó coi trọng việc đầu tư cơ sở vật chất, phát triển hệ thống trường lớp, nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý và giáo viên các bậc học, vận động trẻ ra lớp… nhờ đó chất lượng dạy và học được nâng lên. Hiện trên địa bàn xã có 3/5 trường được công nhận là trường chuẩn quốc gia, có 4/5 trường đảm bảo đạt chuẩn về cơ sở vật chất (chiếm 80%). Riêng trường THCS Lê Thị Hồng Gấm đang được đầu tư xây dựng, sửa chữa, phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2017”.
Cùng chung lo khuyến học
Theo thống kê trong 4 năm qua (2012 – 2015) các tổ chức, mạnh thường quân và nhân dân Tiên Cảnh đã đóng góp gần 800 triệu đồng vào Quỹ khuyến học xã để trao học bổng cho học sinh xuất sắc và học sinh nghèo vượt khó học giỏi. |
Được sự quan tâm của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương, công tác xã hội hóa giáo dục ở Tiên Cảnh được nhân dân hưởng ứng tích cực, đóng góp hơn 1.000 ngày công lao động làm tường rào, cổng ngõ, tạo cảnh quan trường học thân thiện; phong trào khuyến học, khuyến tài được mở rộng khắp 8/8 thôn và 3 tộc họ (tộc Lê Văn, tộc Lê Trường, tộc Huỳnh). Hội đồng hương Tiên Cảnh ở các tỉnh phía Nam hằng năm hỗ trợ hơn 100 triệu đồng để khen thưởng động viên học sinh, sinh viên học giỏi. Ông Nguyễn Văn Trinh - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tiên Cảnh cho biết: “Hội đã phối hợp với chính quyền, các tổ chức xã hội, đoàn thể đẩy mạnh các phong trào “đưa trẻ đến trường”, phong trào “học tập suốt đời”, gây quỹ phát thưởng cho học sinh giỏi và học sinh khó khăn… nhờ vậy đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Hiện trên địa bàn xã có 19 chi hội khuyến học, mỗi năm khen thưởng, hỗ trợ hơn 400 em học sinh giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn”. Trong sự phát triển chung của ngành giáo dục xã Tiên Cảnh hôm nay không thể không kể đến những đóng góp đáng kể của gia tộc cụ Huỳnh.
Theo thống kê của Hội Khuyến học xã, gia tộc cụ Huỳnh hiện có 7 thạc sĩ, 75 cử nhân và hơn 30 người đang học tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Nhiều gia đình có 4 - 5 người con đều tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định ở trong và ngoài tỉnh. Điển hình là gia đình các ông Huỳnh Sơn Nam, Huỳnh Thế Truyền, Huỳnh Văn Thám, Huỳnh Văn Khóa, Huỳnh Văn Truyền, Huỳnh Văn… Những người con tộc Huỳnh thành đạt hàng năm đều hỗ trợ địa phương phát triển giáo dục, giúp đỡ các em học sinh giỏi, học sinh khó khăn. Điển hình như thạc sĩ Hoàng Thế Thao - giảng viên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; Hoàng Thế Nguyên - Kỹ sư xây dựng đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh; thạc sĩ Hoàng Thị Diễm Diễm - giảng viên Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang (Khánh Hòa); Huỳnh Xuân Lãm - Phó phòng GD&ĐT quận Thanh Khê (TP. Đà Nẵng)… Ông Huỳnh Sơn Nam - Trưởng ban đại diện Hội đồng gia tộc Huỳnh ở Tiên Cảnh cho biết: “Hiện gia tộc có 91 hộ với hơn 400 nhân khẩu, trong đó có gần 60 hộ đang sinh sống tại quê nhà. Điều đáng mừng và đáng tự hào là bà con trong gia tộc đã động viên giúp đỡ lẫn nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho con cháu ăn học thành tài”.
NGUYỄN HƯNG - Báo Quảng Nam