Thắp lửa và giữ lửa ở bậc THPT huyện Tiên Phước
Tìm hiểu những giá trị về truyền thống thắp lửa và giữ lửa thi đua dạy tốt - học tốt ở bậc Trung học phổ thông huyện Tiên Phước gần nửa thế kỷ qua là một việc làm có ý nghĩa thực tiễn và lý luận sâu sắc trong sự nghiệp "Trồng người", giúp chúng ta có dịp đánh giá những thành tựu to lớn của công tác giáo dục đồng thời nhận ra những khó khăn thách thức để rút kinh nghiệm tiếp tục thực hiện tầm nhìn chiến lược và sứ mệnh dạy học theo yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
Với tinh thần đó, ngược thời gian nhớ lại những năm đầu sau ngày giải phóng thống nhất đất nước 1975, ngoài việc ổn định đời sống phát triển giáo dục, xây dựng các Trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, đến năm 1977 trước qui mô tốc độ phát triển nhanh của bậc Trung học phổ thông, địa phương đã thành lập trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng, tạo điều kiện cho con em nhân dân Tiên Phước đến trường. Buổi đầu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng chỉ có 4 lớp : 3 lớp 10 và 1 lớp 11.
Người dũng sĩ trong trận đầu đánh Mỹ ở Núi Thành năm xưa, thầy giáo thương binh Phạm Thanh Sơn được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng. Thầy đã huy động giáo viên, học sinh ngày ngày đến từng thôn xóm mua gỗ đóng bàn ghế và xây dựng trường học. Chỉ một thời gian ngắn, ngôi trường ở thôn Hữu Lâm - Tiên kỳ được xây mới 8 phòng học để kịp ngày khai giảng trong niềm hân hoan phấn khởi của Đảng bộ chính quyền và nhân dân địa phương.
Trường Huỳnh Thúc Kháng ngày xưa
Năm học 1978 - 1979, tuy chưa thoát khỏi tình trạng đói nghèo nhưng đa phần đời sống nhân dân tạm thời ổn định, giáo dục Tiên Phước bắt đầu có bước phát triển mới đòi hỏi phải được qui hoạch, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp. Đảng bộ chính quyền địa phương và ngành Giáo dục quyết định chuyển Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng về địa điểm thôn Tiên Bình, thị trấn Tiên Kỳ hiện nay để có điều kiện xây dựng nhà trường thành trường có chất lượng cao của huyện. Năm học này, số lớp của nhà trường tăng lên 7 lớp với 315 học sinh. Lúc này thầy giáo Lương Việt Ân được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng. Đội ngũ thầy cô giáo nhà trường hầu hết ở ngoài huyện chuyển đến, nhiều người ở tận Nghệ An, Hà Tĩnh chuyển vào. Lần đầu tiên xa quê về công tác tại trường, sống trong những chật vật thường ngày với bữa cơm ít, khoai nhiều, chưa đủ ấm lòng trước khi đến lớp nhưng quí thầy cô lại được nhân dân, phụ huynh học sinh yêu thương kính trọng giúp đỡ, tạo tiềm lực tinh thần để thầy cô giáo vượt qua khó khăn, bám trường bám lớp dạy tốt – học tốt. Tháng 9 năm 1985 thầy giáo Đào Văn Đoàn, nguyên Trưởng phòng Giáo dục huyện, được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng cùng với 39 thầy cô giáo trong Hội đồng sư phạm tiếp tục tổ chức các hoạt động dạy và học cho 19 lớp với 920 học sinh. Từ năm 1989 đến năm 2005 thầy giáo Phạm Hữu Thức làm Hiệu trưởng và năm 2006 bàn giao cho thầy Nguyễn Khánh làm hiệu trưởng đến nay.
Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng là một trong những trường sẽ đầu tư để sớm đạt chuẩn
Trước sự phát triển về kinh tế xã hội nói chung, ngành Giáo dục và Đào tạo nói riêng, năm 2002 bậc học Trung học phổ thông huyện Tiên Phước được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cho phép thành lập Trường Bán công THPT Phan Châu Trinh do thầy Nguyễn Quốc Thịnh làm hiệu trưởng nâng tổng số Trường THPT của huyện lên 2 trường, giải quyết kịp thời nguyện vọng học tập của cán bộ và nhân dân địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục của huyện. Tháng 9 năm 2003 để phù hợp với điều kiện thực tế của huyện miền núi Tiên Phước, Trường THPT Bán công Phan Châu Trinh được chuyển đổi sang loại hình trường công lập. Đầu năm 2006 thầy Phạm Hữu Thức hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng được điều động về làm hiệu trưởng, đã lãnh đạo tập thể của Hội đồng sư phạm nhà trường, năng động sáng tạo, vận động sự đóng góp của xã hội xây dựng nhà trường ngày càng phát triển, cùng với Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng tạo ra những chuyển biến rõ nét về quy mô phát triển và chất lượng giáo dục, góp phần tích cực xây dựng sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo Tiên Phước phát triển đồng bộ cân đối vững chắc.
Nhớ lại những ngày mới thành lập trường còn khó khăn gian khổ nhưng thầy và trò vẫn quyết tâm thi đua dạy tốt - học tốt. Trong quá trình xây dựng và phát triển, đến nay trường THPT Huỳnh Thúc Kháng và Trường THPT Phan Châu Trinh đã được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và ngành Giáo dục và Đào tạo quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản đáp ứng yêu cầu tối thiểu cho hoạt động dạy và học. Môi trường dạy học an toàn nghiêm túc kỷ cương được thiết lập. Nhà trường đã tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục vững về chính trị - giỏi về chuyên môn. Trình độ chuyên môn đạt chuẩn 100%, có hàng chục giáo viên đạt trình độ Thạc sĩ. Nhà trường đã vận động sự đóng góp có hiệu quả của phụ huynh học sinh và các lực lượng xã hội hỗ trợ tích cực các điều kiện cho hoạt động dạy học.
Có thể nói trong gần nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, bậc Trung học phổ thông của huyện, các thế hệ thầy trò đã tiếp bước truyền thống hiếu học của quê hương nhà chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng. Nhà trường là nơi "thắp lửa" và "giữ lửa" truyền thống hiếu học của người dân Tiên Phước. Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là những chiến sĩ vẻ vang hoạt động trên mặt trận thầm lặng dạy học, dù khó khăn đến đâu vẫn thắp sáng được cái tâm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng yêu thương dạy dỗ học sinh, khơi dậy được niềm tin hoài bão ước mơ trong các thế hệ học sinh, thực hiện mục tiêu giáo dục học sinh trở thành con người phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực công dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trường THPT Phan Châu Trinh lúc mới thành lập
Nhớ lại ở Tiên Phước cách đây hơn một thế kỷ, tư tưởng "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" của Cụ Huỳnh Thúc Kháng là điểm hội tụ tinh hoa nhất, nổi bật nhất trong cuộc đời hoạt động của Cụ, trở thành niềm tự hào về tinh thần hiếu học của nhân dân Tiên Phước. Ngày nay truyền thống hiếu học, vấn đề "Khai dân trí" luôn được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, coi đó là nhiệm vụ hàng đầu, là sự nghiệp của toàn Đảng toàn dân, là chìa khóa để thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Với quan điểm đó, trong những năm qua sự nghiệp giáo dục và Đào tạo nói chung, bậc Trung học phổ thông nói riêng đã được cấp ủy và chính quyền địa phương quan tâm tập trung lãnh đạo quy hoạch phát triển trường lớp, xây dựng các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt là tuyên truyền giáo dục tạo nhận thức trong cán bộ nhân dân, đề cao trách nhiệm của gia đình chăm lo việc học của con em ... Vì thế mà trong 10 năm trở lại đây, toàn huyện đã thu hút trên 1000 học sinh tốt nghiệp bậc THCS vào học ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng và Trường THPT Phan Châu Trinh. Nhà trường đã thực hiện tốt yêu cầu phát triển trường lớp đồng thời thực hiện phương châm giáo dục gắn liền giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc chăm sóc giáo dục học sinh. Nhìn chung chất lượng giáo dục Trung học phổ thông được nâng lên, mỗi năm học sinh khá giỏi tăng, học sinh lên lớp trên 90%, có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp, học sinh tốt nghiệp THPT đạt tỷ lệ 99%. Số học sinh trúng tuyển vào các Trường Đại học - Cao đẳng đạt trên 40%. Tiên Phước là một trong những huyện có chất lượng giáo dục cao của tỉnh Quảng Nam.
Bốn mươi năm qua, nhiều thế hệ học sinh học ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng và Trường THPT Phan Châu Trinh đã trưởng thành, nhiều anh chị đã trở thành những chiến sĩ dũng cảm, đi đầu trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, những lao động giỏi trong các nhà máy xí nghiệp; nhiều học sinh ưu tú đã trở thành các nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ, sĩ quan, nhà giáo, nhà báo, thầy thuốc, doanh nhân, nhà quản lý thành đạt, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng ở các ngành, các cơ quan Đảng, chính quyền từ trung ương đến địa phương. Các thế hệ học sinh dù khác nhau về môi trường công tác và hoàn cảnh sống nhưng luôn hướng về quê hương Tiên Phước, mái trường, thầy cô và bạn bè với một tình cảm trách nhiệm đáng tự hào và trân quý. Đó là nguồn nhân lực đặc biệt quan trọng phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hóa đất nước.
So với yêu cầu phát triển của sự nghiệp giáo dục, những kết quả nêu trên còn khiêm tốn nhưng có hiểu hết hoàn cảnh lịch sử, những khó khăn của địa phương và nhà trường mới hình dung được sự cố gắng lớn lao của Đảng bộ chính quyền nhân dân địa phương, thấy được sự đoàn kết thống nhất ý chí, phấn đấu không mệt mỏi của nhà giáo cán bộ quản lý nhà trường và tinh thần hiếu học của nhân dân địa phương luôn được thắp lửa và giữ lửa truyền thống hiếu học, xây dựng bậc học Trung học phổ thông của huyện.
Bên cạnh những thành tựu đạt được hết sức đáng trân trọng, do đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, điều kiện phát triển kinh tế xã hội ở địa phương chưa được thuận lợi, mặt trái của cơ chế thị trường thời hội nhập mở cửa đã tác động sâu sắc đến quá trình giáo dục nên bậc học Trung học phổ thông còn nhiều khó khăn và thách thức. Đó là môi trường dạy học chưa được cải thiện nhiều, cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học còn thiếu, một bộ phận phụ huynh học sinh chưa có điều kiện quan tâm kiểm tra việc học của con em, một bộ phận giáo viên chậm đổi mới về phương pháp giáo dục, còn nhiều học sinh thiếu động cơ phương pháp học tập, có biểu hiện học lệch học tủ, thiếu độc lập suy nghĩ, khả năng tư duy sáng tạo còn kém, nhà trường và gia đình chưa có điều kiện tập trung hướng dẫn kỹ năng sống cho các em, một số học sinh bỏ học gây khó khăn cho việc thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục trung học, tác hại tiêu cực của xã hội đã và đang có nguy cơ xâm hại vào đời sống trường học, thành nỗi lo, sự trăn trở của nhà trường và xã hội.
Tập thể cán bộ, giáo viên trường THPT Phan Châu Trinh
Nhận thức được những khó khăn thách thức và tồn tại nêu trên, trong những năm đến thực hiện Chương trình hành động của Đảng bộ chính quyền địa phương về đổi mới căn bản và toàn diện sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 khóa XI của Đảng, nhà trường phải tiếp tục thực hiện tôt chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33/2006 /CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực trong thi cử, khắc phục bệnh thành tích trong dạy học, tập trung thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục toàn diện, trước hết là giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống động cơ thái độ phương pháp học tập cho học sinh. Công việc này luôn đòi hỏi mỗi người thầy giáo, cô giáo và quí bậc phụ huynh cần nhận thức đầy đủ hơn trách nhiệm của mình, thường xuyên phối hợp giáo dục kiểm tra, nhắc nhở các em tu dưỡng rèn luyện đạo đức tốt. Coi đây là nhiệm vụ cốt tử của giáo dục. Bởi vì không xây dựng được cái gốc của đạo đức lối sống, cái rễ của động cơ thái độ, cái thân của phương pháp học tập thì sẽ không có kết quả chất lượng giáo dục toàn diện. Nhà trường phải xây dựng tầm nhìn chiến lược "Tạo dựng nhà trường thành một môi trường dạy học nghiêm túc, tích cực, kỉ cương, tình thương, an toàn và thân thiện" trở thành trường có chất lượng cao của địa phương, nơi giáo viên và học sinh luôn có khát vọng vươn tới tương lai. Mỗi thầy cô giáo cần thực hiện tốt sứ mệnh "Thầy chủ đạo đổi mới sáng tạo giảng dạy, trò chủ động say mê tự học chiếm lĩnh tri thức, tạo điều kiện để mỗi học sinh đều có cơ hội học tập rèn luyện, phát triển tối đa năng lực tư duy của bản thân để lập thân lập nghiệp".
Với xu thế toàn cầu hóa thời mở cửa và hội nhập, các trường THPT của huyện luôn phải tự khẳng định mình là nhân tố góp phần trực tiếp quyêt định chất lượng giáo dục, tiếp tục thắp lửa truyền truyền thống hiếu học, xây dựng môi trường giáo dục an toàn thân thiện tiên tiến và hiện đại, ra sức thi đua dạy thật tốt - học thật tốt, để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương trao gởi, xứng đáng với truyền thống hiếu học trên quê hương Tiên Phước anh hùng.
Nguyễn Khánh - Hiệu trưởng trường THPT Huỳnh Thúc Kháng