Thần thái riêng cho dư địa chí Tiên Phước
Đã có nhiều công trình nghiên cứu về đất và người Quảng Nam nói chung và huyện Tiên Phước nói riêng hoặc có liên quan đến huyện Tiên Phước như “Tìm hiểu con người miền núi xứ Quảng” (GS. Đặng Nghiêm Vạn làm chủ biên), “Người Quảng Nam” (Lê Minh Quốc).
Bên cạnh đó, cũng có một khối lượng các công trình nghiên cứu đồ sộ về địa lý tự nhiên, khí tượng thủy văn, môi trường sinh thái... có liên quan đến vùng đất Tiên Phước và các khu vực phụ cận của các tác giả Trương Đình Hùng, Đinh Phùng Bảo, Vũ Văn Phái, Đặng Văn Bào, Cát Nguyên Hùng, Nguyễn Trường Giang. Gần đây, xuất hiện khá nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa như Văn học dân gian huyện Tiên Phước (UBND huyện Tiên Phước chủ biên), Lê Cơ và phong trào tân học (Sở VH-TT&DL), Về miền sông Tiên (Phạm Ngọc Sinh) được xuất bản...
“Tất cả những tư liệu này được xuất bản ở nhiều thời điểm khác nhau, cách tiếp cận và quy mô của mỗi công trình cũng khác nhau. Tuy nhiên, kho tư liệu rất quý giá và phong phú này vẫn chưa thể hiện một cách khái quát và bao quát toàn bộ vùng đất Tiên Phước. Nhiều ấn phẩm, tác phẩm được xuất bản và tuyên truyền cũng không toát lên được thần thái và thể hiện dấu ấn riêng của con người miền núi phía tây của tỉnh” - ông Phạm Văn Đốc, Phó Bí thư Huyện ủy Tiên Phước chia sẻ.
Những công trình nghiên cứu đa ngành, liên ngành và chuyên sâu của các lĩnh vực tự nhiên, kinh tế - xã hội… cho thấy các kết quả nghiên cứu về vùng đất Tiên Phước chưa nhiều và không có tính hệ thống. Ngoài những lý do ấy, thế hệ hôm nay của huyện Tiên Phước còn mang nỗi lo mai một những giá trị văn hóa vật thể lẫn phi vật thể của miền sơn cước. Và như vậy, sẽ có lỗi không chỉ với thế hệ mai sau mà còn với các bậc tiền nhân đã khai phá, gìn giữ vùng đất bán sơn địa này.
Góp ý về việc biên soạn dư địa chí Tiên Phước, ông Phan Xuân Quang - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nói: “Một số địa phương trong tỉnh cũng đã biên soạn dư địa chí nhưng hầu hết đều chưa khái quát được tầm vóc, giá trị của chính địa phương đó. Tiên Phước đi sau, cần rút kinh nghiệm để có được một tác phẩm hoàn hảo trên mọi bình diện. Dư địa chí phải được làm chi tiết và cung cấp đầy đủ thông tin cho người đọc”.
Nhiều ý kiến cũng tán đồng và hoan nghênh việc Tiên Phước xúc tiến thực hiện dư địa chí, khi hiện nay đang có tình trạng mất mát dần nguồn tư liệu, thư tịch, tư liệu hồi cố; nhiều giá trị văn hóa truyền thống cũng có nguy cơ mai một qua thời gian. Do đó, sự can thiệp kịp thời một cách khách quan và hệ thống khi tiến hành sưu tầm, tổng hợp các nguồn tư liệu liên quan đến nhiều lĩnh vực của vùng đất càng cấp thiết hơn bao giờ hết.
PGS-TS. Hồ Thế Hà (Đại học Khoa học Huế) cho rằng: “Tiên Phước triển khai xây dựng dư địa chí là điều rất có ý nghĩa nhưng cũng rất nặng nề khi bắt tay thực hiện. Những tác giả thực hiện công trình để đời này ngoài tài năng cần phải có cái tâm để khi tác phẩm hoàn thiện thể hiện được khát vọng vươn lên của người con Tiên Phước, thấy được đặc trưng riêng, hồn đất, hồn người nơi đây”.
Chiêu Thục Anh - Báo Quảng Nam