Thương nhớ giếng Vừng
Tôi vừa bắt gặp những ngọt ngào thơ cũ qua hình ảnh một cái giếng đồng phủ đầy rong rêu. Một bà mẹ quê mặc đồ bà ba, đội nón cời khom mình múc nước. Cạnh bờ giếng là đôi thùng cũ kỹ. Quanh đó là ruộng lúa, bờ tre xanh ngắt đến nao lòng.
Hình ảnh quá quen thuộc của khung cảnh làng quê xưa làm tôi bỗng xôn xao nhớ, bỗng vời vợi thương. Nhớ làng. Thời tôi còn bé, làng Lộc Yên có khoảng chưa tới mười cái giếng. Vì các bậc cao niên rất thận trọng trong việc chọn nơi có long mạch. Tên giếng thường gắn với tên gia chủ, như giếng ông Tưu, giếng ông Huyền, giếng ông Gương… Duy chỉ có một cái giếng đặc biệt, từ cái tên đến vị trí của nó trong tâm hồn tôi, đó là giếng Vừng. Không biết ai đã đặt tên cho giếng. Chỉ biết rằng, giếng Vừng có nguồn nước ngon và quý nhất làng.
Minh họa - Hoàng Đặng
Giếng Vừng của nhà chú Tư Mão. Đó là một chi tiết của tổng thể kiến trúc nhà cổ gồm nhà vườn, sân gạch, ngõ đá, bờ đá dẫn ra tận giếng. Vị trí rất đắc địa chắc hẳn là ý đồ của chủ nhân mấy đời ở nhà chú Tư. Tôi không hiểu lắm về phong thủy, nhưng tôi nghĩ ai đến cũng sẽ bị mê hoặc bởi nơi này. Nhà chú có hai phía hướng ra ruộng, lưng vườn tựa vào rẫy ông Phương vững chãi, bờ vườn, bậc ngõ được chất bằng đá núi rất công phu. Cuối con ngõ sau, hướng về phía đông là cái giếng Vừng. Men theo bờ ngõ ấy là một hồ sen nhỏ, không gian trữ tình nối nhà với đồng ruộng. Giếng Vừng, vì thế, rất nên thơ. Đó là chưa kể cây dừa quỳ góc hồ, cạnh giếng. Ngày ngày bóng nắng nghiêng về phía tây, rồi ngả về phía đông như những điệu múa đều đặn, dịu dàng. Buổi trưa, bóng dừa chính là chiếc dù lớn che mát cả vùng giếng, mấy tảng đá để tắm giặt, để thùng gánh nước và một góc hồ sen.
Giếng Vừng rất đặc biệt. Tuy là một cái giếng sâu chưa đến 3m, và nằm ở bên đồng ruộng cạn, nhưng nó chưa bao giờ hết nước. Dù là vào mùa hạn hán đến nứt nẻ hết ruộng, cây cỏ héo khô, giếng vẫn đủ nước cho cả làng. Người dân làng tôi cứ tin rằng, nước giếng Vừng là nơi hội tụ của những mạch nước lành, bắt nguồn từ trên đỉnh Bằng Mây, từ Hố Chò hay đỉnh Hố Hay. Không biết làm sao tả hết cái vị thanh ngọt, trong trẻo, mát lành của giếng. Trưa trưa, các bác nông dân đi làm về, tạt ngang qua đó, vục cái đài mo xuống và xách lên uống. Cứ gọi là ừng ực mới đã cơn khát. Từng ngụm nước mới thấm thía làm sao. Mạch nước lành len lỏi tưới tắm đến từng tế bào của cơ thể. Có lẽ mỗi giọt nước là hương đất hương rừng; là hương của lúa cỏ mênh mang quyện hương sen thơm ngát. Nhưng nếu đem về đun sôi, nước sẽ giảm đi vị ngọt thanh vốn có, dù nó vẫn ngon. Nước đã sôi, ngon nhất là dùng để hãm ấm trà xanh. Thức uống dân dã mà đậm đà này nhà ai cũng sẵn. Hàng xóm cùng nhau khề khà lúc nghỉ ngơi, hay uống cho đã khát khi xuống đồng.
Nhớ những mùa hạn ròng hạn rã. Cả mấy tháng không thấy một giọt mưa. Cỏ cây khô héo hết, đất đai khô như nướng. Không gian khô khốc oi nồng. Mực nước giếng hạ xuống thấp nhất, còn cỡ vài tấc. Thế nhưng, mạch nước giếng chưa bao giờ tắt hẳn. Cả ngày lẫn đêm, dù bận rộn đến đâu, dân làng cũng tranh thủ thay phiên nhau lấy nước uống. Tiếng múc nước sột soạt từ gàu nhựa hay gàu mo cau và những gánh nước đi về khắp làng. Giếng Vừng ngày hạn thành nơi gặp gỡ của cả xóm. Vì các giếng kia đã cạn trơ đáy. Nhà tôi ở gần hơn, nên chị em tôi thường đợi đến khuya, hoặc sáng tinh mơ mới quảy đôi thùng tôn qua gánh nước. Mẹ vẫn dặn chị tôi lấy lá sen úp lên thùng nước cho sạch và thơm. Nước giếng Vừng gánh về đổ ảng, cứ thoải mái múc uống bằng gáo dừa vẫn thanh khiết và mát lạnh. Sau này đi học, anh em nhà tôi cứ băn khoăn về lời cô giáo dạy “không được uống nước lã”. Chúng tôi đã uống không biết cơ man nào là nước lã giếng Vừng. Có hề hấn gì đâu? Nên vì thế, giếng Vừng, tự bao giờ, đã thành máu thịt và thấm đẫm cảm xúc trong trẻo của cái tuổi vô tư. Cũng không biết bao nhiêu lần, lũ trẻ chúng tôi đã soi mình xuống giếng, hét thật to cho giọng mình vang vọng mà tưởng mình cũng là con hổ ngốc trong cổ tích.
Có thể nói, giếng Vừng là một thức quà đặc biệt tạo hóa dành cho làng tôi, dành cho tuổi thơ tôi. Thế nhưng, tiếc thay, bây giờ giếng Vừng không còn “huy hoàng” như ngày xưa yêu dấu. Chú Tư đã già, con cái đều đi làm xa, nên các anh chị đã khoan thêm một cái giếng sát nhà cho tiện bề sinh hoạt. Làng tôi cũng có thêm rất nhiều giếng đào, giếng khoan… Giếng Vừng bây giờ bị lãng quên. Hồ sen bên giếng cũng tàn dần vì không có người chăm sóc. Thỉnh thoảng, có dịp về quê, tôi cũng qua thăm giếng Vừng. Nhưng chính tôi cũng ngồi buồn mà “khóc tuổi thơ bay”.
Thương mạch nguồn dịu ngọt lặng lẽ âm thầm như tháng năm.
Nguyễn Thị Diệu Hiền - Báo Đà Nẵng