www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Thương hiệu Trà dây Tây Nguyên

Trà dây là một trong những loại cây thuốc nam quý được chị Lê Thị Nghĩa ở phường 10, Đà Lạt (Lâm Đồng) sản xuất theo dây chuyền, tạo ra thương hiệu trà dây Tây Nguyên...

        Trà dây hay chè dây thuộc họ nho. Đây là loại cây dây leo thường mọc trong rừng, các vùng núi cao có người gọi nó là trà dây thảo mộc nhưng có người gọi nó là trà dây thảo nguyên, được người dân thu hoạch về cả thân và lá trước khi cây ra hoa, đem về rửa sạch phơi khô nấu uống hàng ngày. Chè dây có tác dụng an thần dễ ngủ, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt hơn...

       Kể về cái duyên đến với nghề sản xuất trà dây, chị Nghĩa cho biết, quê ở Tiên Hiệp, Tiên Phước, Quảng Nam, vào vùng đất Lâm Đồng năm 2006. Khi mới đặt chân đến vùng đất mới chị chọn Đam Rông để làm ăn sinh sống. Vào năm 2009  chị thấy đau bụng, đi khám mới biết mình bị loét dạ dày. Uống thuốc tây thời gian dài nhưng không hết bệnh.

         Thấy vậy, một người đồng bào dân tộc Tày làm cùng với chị chỉ cho một bụi cây bảo đem về nấu uống. Chị nghe theo. Chỉ  sau một tuần, các cơn đau dịu bớt, uống thêm một tháng chị thấy hết đau hẵn. Thấy cây thuốc hay, chị hái thử 2kg đem lên Sở Y tế Lâm Đồng và được sở này giới thiệu ra Bộ Y tế để lấy mẫu phân tích, kết quả cho biết đây là loại cây thuốc nam quý. Với mong muốn đem loại cây này đến với tất cả mọi người, chị quyết định dành toàn bộ số tiền tích cóp sau bao năm để đầu tư sản xuất trà dây lấy tên “Trà dây Tây Nguyên Anh Nghĩa”.

 

Chị Lê Thị Nghĩa - người tạo ra thương hiệu Trà dây Tây Nguyên Anh Nghĩa. Ảnh: H.Y
Chị Lê Thị Nghĩa - người tạo ra thương hiệu Trà dây Tây Nguyên Anh Nghĩa. 

 

       Chị Nghĩa chia sẻ: “Tôi dành 3 tháng trời để tìm vùng nguyên liệu ở khắp khu rừng lá rộng có độ ẩm cao. Bởi đây là loại cây thường mọc dưới tán rừng nguyên sinh. Và ở vùng Bảo Lâm loại cây này mọc khá nhiều. Sau đó tôi thuê nhà máy ở Lộc Thành (Bảo Lâm) gia công trà dây giống như quy trình sản xuất trà ô long. Ban đầu, do chưa nắm được kỹ thuật sản xuất, việc gia công trà hỏng khá nhiều, trà thường bị ương, úng do người dân thu hái không đúng kỹ thuật, bởi muốn sản xuất, lá trà phải tươi hoàn toàn, không có lá nào héo... Sau quá trình thử nghiệm tốn khá nhiều công sức và tiền bạc tôi mới cho ra mẻ trà đầu tiên thành công”.

       Trà dây của cơ sở chị Nghĩa sản xuất ra đã được Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Chiến lược phân phối trà của chị cũng khá đơn giản. Chị cho biết: “Trước tiên chị tặng cho mọi người uống thử. Thấy hiệu quả nên họ giới thiệu thêm nhiều người nữa... Sau thời gian, thị trường bán sản phẩm trà dây của chị mở rộng ở tất cả tỉnh thành trên cả nước. Sản phẩm còn được nhiều người mua gửi sang cho người thân ở Hồng Kông, Mỹ, Úc…”.

       Chúng tôi gặp chị Nguyễn Hoàng Ni (thị trấn Dran, Đơn Dương) khi tới mua trà dây. Chị Ni nói: “Tôi bị đau dạ dày khá nặng, uống thuốc tây hoài bệnh vẫn không thuyên giảm, may mắn trên chuyến xe từ Đà Lạt về Đơn Dương tôi gặp chị Nghĩa. Sau khi nghe chuyện của tôi, chị Nghĩa tặng trà dây về uống thử. Thấy bệnh tình đỡ, tôi liền tìm tới địa chỉ của chị để mua thêm về uống, sau một tháng bệnh khỏi hẳn. Hiện nay, tôi vẫn uống đều loại trà này, bởi ngoài những lợi ích tác dụng hỗ trợ chữa các chứng bệnh liên quan đến dạ dày, trà dây còn giúp an thần dễ ngủ. Người uống trà dây thường cảm thấy thèm ăn, ăn ngon miệng hơn và còn rất nhiều tác dụng khác mà loại thảo dược này mang lại. Tôi còn mua trà dây gửi cho người thân sống bên Mỹ uống”.

        Khi cơ sở sản xuất đã đi vào ổn định, hàng tuần chị Nghĩa thuê khoảng 200 lao động thu hái chè dây với định mức mỗi người 5kg/ngày, giá mỗi ký 20.000 đồng. Đây là nguồn thu nhập đáng kể cho lao động địa phương. Từ sự tình cờ, chị Lê Thị Nghĩa đã tạo ra một thương hiệu Trà dây Tây Nguyên, đem loại cây thuốc nam quý này đến cho tất cả mọi người.

                                                            Hoàng Yên - Báo Quảng Nam