www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tài nguyên thiên nhiên Tiên Phước và sự phát triển kinh tế - xã hội

Nằm cách trung tâm thành phố Tam Kỳ gần 25 km, phía Tây giáp huyện Hiệp Đức, phía Đông giáp huyện Phú Ninh, phía Nam giáp huyện Bắc Trà My, phía Bắc giáp huyện Thăng Bình; Tiên Phước là một huyện trung du có đời sống kinh tế - xã hội còn khá khó khăn. Tuy nhiên sau 40 năm nhìn lại, Tiên Phước cũng đã có những bước phát triển vượt bậc. Trong đó, công tác quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên nước và khoáng sản cùng với bảo vệ môi trường đã góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, đưa Tiên Phước sang một chặng đường mới.

       Về đất, trong những năm hòa bình mới lập lại, chính sách quốc hữu hóa đất đai được thực thi. Người dân tham gia vào một hình thức sản xuất mới: Hợp tác xã nhưng không đem lại hiệu quả cao do chính quyền địa phương chưa đủ sức và lực để thực hiện quản lý đất đai. Còn người dân thì khai thác và sử dụng đất bừa bãi. Đất đai phần lớn hoang hóa, đồi núi chỉ có cây bụi và lau lách. Năm 1986, Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI đã đề ra đường lối Đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.  

Ngày 5/4/1988, Nghị quyết 10/NQ-TW của Bộ Chính trị ra đời, đi vào đời sống và từng bước tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; “cởi trói” và giải phóng năng lượng sản xuất cho người nông dân. Đến năm 1993, khi đất đai chính thức được pháp luật công nhận là "sở hữu toàn dân, quyền sử dụng đất thuộc về người sử dụng đất" thì việc khai thác, quản lý và sử dụng đất đã thực sự bước sang một trang mới. Năm 1995, Phòng Địa chính Tiên Phước ra đời, sau này là Phòng Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện chức năng quản lý tài nguyên một cách hiệu quả, việc sử dụng đất nói riêng và tài nguyên thiên nhiên nói chung cũng đã từng bước thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước. 

 

                                  Đập Hố Quờn Tiên Kỳ

         

     Hiện nay, huyện có diện tích tự nhiên khoảng 45440 ha. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp là 37.573 ha, chiếm 82,69%. Còn lại là đất phi nông ngiệp và đất chưa sử dụng. Theo nguồn tài liệu tra khảo sát của Viện quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp thực hiện năm 1992 và chỉnh lý bổ sung năm 1995 thì đất Tiên Phước có 9 loại, chủ yếu là đất đỏ vàng trên đá sét và biến chất (chiếm 46, 25%), đất vàng đỏ trên đá Macma axit (chiếm 28,3%), đất vàng nhạt trên đá cát (11,61%). Địa hình mang đặc trưng của vùng trung, miền núi và tương đối phức tạp, đa dạng. Do những đặc thù riêng về địa hình và tính chất đất đai mà vùng Tiên Phước có tỷ lệ đất lâm nghiệp rất lớn, khoảng 29.538 ha chiếm hơn 50% đất tự nhiên, tập trung ở các xã Tiên Lãnh, Tiên Châu, Tiên Ngọc.

        Diện tích rừng sản xuất là 21.334 ha, rừng phòng hộ là 8.214 ha. Trong những năm gần đây, công tác quản lý và bảo quản rừng khá tốt, nên diện tích rừng của huyện đang từng bước được phục hồi. Độ che phủ được nâng cao đáng kể (năm 2014: 52%). Nguồn tài nguyên rừng được xem như là một thế mạnh của Tiên Phước trong phát triển kinh tế. Hiện nay, hoạt động sản xuất lâm nghiệp được chuyển dịch dần cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất nông – lâm nghiệp kết hợp, phát triển rừng nguyên liệu theo hướng hàng hóa, hứa hẹn một hướng làm giàu mới cho nền kinh tế Tiên Phước.

Hang dơi Tiên An - nơi tồn tại một trữ lượng lớn đá vôi
 

Không những thế, đặc điểm của đất còn phù hợp với cây công nghiệp lâu năm như quế, tiêu, dó bầu… Hạt tiêu Tiên Phước thơm lừng, cay nồng sánh ngang với tiêu Phú Quốc; trầm hương, trầm cảnh được tạo ra từ những cây dó bầu với kiểu dáng phong phú, độc đáo, lạ mắt. Một số cây ăn quả đặc trưng cũng rất thích hợp với loại đất nơi đây, mang những thương hiệu nổi tiếng như bòn bon Tiên Châu, dâu đất Tiên Thọ, thanh trà Tiên Hiệp…Mặt khác, Nghị quyết số 18 về một số cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế vườn – kinh tế trang trại được Hội đồng nhân dân huyện ban hành, Dự án đầu tư hỗ trợ phát triển cây Tiêu Tiên Phước giai đoạn 2014 – 2018, Hội Thủ công Mỹ nghệ Trầm hương Tiên Phước ra đời làm cơ sở vững chắc cho sự phát triển nông nghiệp – thủ công nghiệp.

Những vùng đất rộng lớn chuyên canh cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả đang dần được hiện thực hóa từng bước. Những năm gần đây, Tiên Phước đã tìm được cho một hướng phát triển kinh tế mới từ cây keo. Keo được trồng hầu hết trên địa bàn huyện, mỗi năm cho giá trị sản lượng đạt hằng trăm tỷ đồng. Từ năm 2000 đến nay, khi chính quyền địa phương triển khai các dự án trồng cây công nghiệp, đã có hàng ngàn hecta đất đồi núi hoang vu được đưa vào sử dụng, chủ yếu là trồng keo. Keo cùng với các loại cây rừng trồng khác không những phủ xanh trên hơn 16000 ha đất trên địa bàn huyện mà còn đem đến lợi ích kinh tế hiệu quả. Bộ mặt đời sống nhân dân Tiên Phước đang dần được cải thiện và nâng cao.

Về khoáng sản, theo điều tra, khảo sát của Đoàn địa chất 206 thì Pyrit có ở Tiên Lập; grafit có ở Tiên An, Tiên Hiệp, Tiên Lập. Trong đó grafit ở Tiên An có chứa uran. Ở Tiên Lãnh có mucovit; ở Tiên Lập có Pecmatit thuần Mica, Atpec với trữ lượng cao. Silimatit có ở Tiên Hiệp, Tiên An, Tiên Lập vỉa dài 8 km, rộng từ 2 km tới 3 km. Ở Hang Dơi thuộc Tiên An có đá vôi với trữ lượng lớn có thể phục vụ cho ngành xây dựng và nông nghiệp của huyện. Chạy từ Tiên Sơn đến Tam Phước (Phú Ninh) là mỏ cao lanh dùng làm chén. Không những thế, nguồn cát, sỏi nơi đây cũng rất dồi dào, phân bố hầu hết tại địa bàn các xã và thị trấn, đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu cho các công trình công cộng, dự án đầu tư phát triển kinh tế và nhu cầu xây dựng của người dân.

Đặc biệt, kết quả khảo sát cũng đã cho thấy Tiên Phước là một vùng được đánh giá là có trữ lượng vàng gốc. Các nhà nghiên cứu đã xác định được 4 điểm quặng vàng gốc tại Tiên Lập và Tiên Lãnh, Tiên An. Tuy nhiên, điều kiện địa hình Tiên Phước rất phức tạp, lớp phủ bở rời, phong hóa dày nên việc khai thác các loại khoáng sản còn nhiều hạn chế. Những năm trước, việc khai thác khoáng sản chưa được quản lý chặt chẽ, người dân tự đi khai thác, chủ yếu là vàng sa khoáng. Hiện nay, vàng Tiên Phước hiện đang được quản lý chặt chẽ hơn. Mặc dù vẫn còn tình trạng khai thác trái phép, nhưng chính quyền địa phương các cấp đã kịp thời truy quét, đẩy đuổi, cương quyết không để xảy ra tình trạng khai thác bừa bãi. Những mỏ vàng gốc được đánh giá là có trữ lượng lớn tại Tiên Lập, Tiên An, Tiên Châu đã được cấp phép khai thác.

Ngân sách địa phương không chỉ có một nguồn thu đáng kể mà việc kiểm soát những ảnh hưởng môi trường cũng được thực thi hiệu quả hơn. Đất và nước không còn bị ảnh hưởng bởi những hệ lụy của việc đào đãi vàng trái phép như trước. Việc khai thác khoáng sản không những cung cấp nguồn nguyên liệu cần thiết cho địa phương mà còn đem lại lợi ích thiết thục phục vụ các công trình xây dựng công cộng, công trình bê tông hóa giao thông nông thôn và kênh mương nội đồng. Các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản không những giải quyết việc làm cho nhân dân mà còn hỗ trợ địa phương mở đường lâm sinh, hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động văn hóa – xã hội bản địa.

Hầu hết mọi nơi trên thế giới, thực trạng tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các loại khoáng sản trong lòng đất đang diễn ra theo chiều hướng tiêu cực, ngày càng thu hẹp cả về chất lượng và số lượng. Con người đang khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên ở tốc độ nhanh hơn nhiều lần so với khả năng sản xuất ra nguồn tài nguyên của Trái đất. Thế nhưng ở Tiên Phước, khoáng sản trong lòng đất chỉ mới bắt đầu được khai thác với quy mô nhỏ. Trong tương lai, đây là tiềm năng, nguồn lực để đáp ứng cho sự phát triển kinh tế tại địa phương.

Về nước, toàn huyện có gần 100 sông suối, khe lớn nhỏ, trong đó có 03 sông chính là sông Tranh, sông Tiên và sông Khan. Lưu lượng nước thay đổi theo mùa. Nước mưa vẫn là nguồn cung cấp chủ yếu cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, đặc biệt là đối với các cây trồng lâu năm, rừng có diện tích lớn, địa hình phức tạp. Nguồn nước ngầm cũng thay đổi theo mùa, khá sạch, dễ khai thác và được sử dụng khá nhiều trong sinh hoạt đời thường của người dân. Do địa hình khá dốc nên hệ thống hồ đập được xây dựng khá nhiều. Trên địa bàn hiện có 03 kênh mương dẫn nước, 04 trạm bơm điện, 08 hồ chứa nước và 152 công trình đập ngăn đảm bảo tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt dân cư. Trong tương lai, huyện sẽ chú trọng đầu tư phát triển hệ thống kênh mương hiện đại, hỗ trợ việc sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây lương thực.

Về tổng quan, Tiên Phước có nguồn khoáng sản tiềm năng khá đa dạng, hơn 500 loại dược liệu thuộc 135 loài thực vật, có nhiều loại cây trồng đặc sản, cây nguyên liệu thích hợp cấu tạo đất miền trung du với giá trị kinh tế cao; tài nguyên nước khá ổn định. Tài nguyên thiên nhiên nơi đây đã tạo nên những cảnh quan như Lò Thung, thác Ồ Ồ, hang Dơi…có giá trị trong khai thác du lịch. Đây chính là những tiềm năng tạo nên thế mạnh cho nông nghiệp, công nghiệp phát triển, là cơ sở quan trọng để ngành tài nguyên và môi trường huyện hoạch định kế hoạch, chính sách phát triển và quản lý phù hợp. Những năm qua, được sự quan tâm của cấp trên và Huyện ủy, huyện Tiên Phước đã thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện theo hướng hiệu quả, bền vững. Để phù hợp với tình hình thực tế, UBND huyện ban hành nhiều quyết định, chỉ thị, văn bản... đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện tốt Luật Đất đai. Nhờ vậy, trên địa bàn huyện đã giải quyết được những vấn đề cơ bản công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này.

 

Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt, trong 10 năm trở lại đây, UBND huyện đã tiến hành cấp 7477 Giấy CNQSD đất cho hộ gia đình, cá nhân với hơn 3616 ha; chuyển mục đích 314 hồ sơ với diện tích 278 ha; giao đất 233 hồ sơ với diện tích 242 ha nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ và sử dụng đất có hiệu quả. Thời gian tới, huyện Tiên Phước giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp Giấy CNQSD đất lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện, đặc biệt là đất ở và cấp Giấy CNQSD đất cho cá nhân và hộ gia đình dân tộc Cor tại xã Tiên An, Tiên Lập. Hướng dẫn cấp xã xây dựng phương án sử dụng đất nhằm giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp tạo điều kiện cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất.

 

Đối với khoáng sản, đây là nguồn tài nguyên khoáng sản có vai trò quan trọng thúc đẩy các ngành công nghiệp của huyện phát triển, vì vậy công tác quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản cũng được chú trọng, đi vào nền nếp. Hoạt động cấp phép khai thác khoáng sản đi theo quy trình chặt chẽ, việc quản lý các tổ chức khai thác khoáng sản cũng được thực hiện sát sao, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc cấp giấy phép khai thác. Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, tiềm năng khoáng sản có hạn, vì vậy khai thác phải đúng quy hoạch, tiết kiệm và hợp lý; khai thác khoáng sản phải đi đôi với việc bảo vệ môi trường. Có như thế, thế hệ mai sau mới còn nhận được sự ưu đãi của Tài nguyên khoáng sản.

 

           Để quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trong những giai đoạn sắp tới, trước mắt ngành đã tập trung nhiều giải pháp, như:  Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm và hành động thực tiễn của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng về sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Tiếp tục công bố, công khai rộng rãi và kịp thời các quy hoạch về TN&MT trên trang thông tin điện tử UBND huyện; tạo điều kiện cho cộng đồng tiếp cận dễ dàng, thuận tiện các thông tin về tài nguyên và môi trường để phục vụ cho việc đầu tư, khai thác sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên.

          Tiến hành điều tra, kiểm kê, đánh giá tiềm năng về đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản làm cơ sở để xây dựng quy hoạch, kế hoạch khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Thực hiện việc đồng bộ hóa các quy hoạch ngành, lĩnh vực với quy hoạch sử dụng đất; lồng ghép các yếu tố bảo vệ môi trường vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính; phấn đấu giải quyết hồ sơ đúng và trước hạn đạt trên 90%.

          Nâng cao chất lượng điều tra, xây dựng và công bố bảng giá đất hàng năm sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường, bảo đảm việc áp dụng giá đất công bằng, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất. Tăng cường thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề nổi cộm, kiểm tra sau thanh tra; kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm các sai phạm, tạo sự nghiêm minh trong thi hành pháp luật; qua thanh tra, kiểm tra đề xuất được các biện pháp để quản lý có hiệu quả việc khai thác sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Rừng nguyên sinh trên địa bàn huyện

       Việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường có vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, bảo đảm phát triển kinh tế nhanh và bền vững, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà.  

       Bốn mươi năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể và sự hưởng ứng của nhân dân trong toàn huyện, Tiên Phước đang từng ngày khơi dậy những tiềm năng, đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự phát triển của tỉnh Quảng Nam và khu vực; hứa hẹn về một miền quê xanh tươi và trù phú trong một tương lai gần.

                Nguyễn Huy Điện - Trưởng phòng TN & MT Tiên Phước