www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tương lai nào cho cây quế Tiên Phước ?

 Đã từ lâu cây quế luôn gắn liền với hình ảnh cuộc sống của nhân dân các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam.Tiên Phước cùng với Trà My là 2 địa phương trồng quế nhiều nhất tỉnh và đã khẳng định được thương hiệu của mình. Nhưng hiện nay, cây quế Tiên Phước đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”.

Vào những năm 80-90, khi giá quế đang ở trong thời kỳ hoàng kim nó đã đưa nhiều gia đình thoát khỏi cảnh đói nghèo và vươn lên làm giàu. Vào thời điểm đó, một cây quế có thân đường kính khoảng 25cm có giá trên dưới một cây vàng. Tuy nhiên hiện nay, quế rớt giá một cách thê thảm.Với cây quế tương đương như vậy hiện nay có giá khoảng vài trăm nghìn đồng. Và cũng thành lẽ tất yếu, người dân Tiên Phước đã dần không còn mặn mà đối với cây quế nữa.

Đến thăm vườn quế rộng 2 ha của anh Lê Văn Trị ở thôn Thanh Tân, xã Tiên Châu, anh Trị cho biết: “Vườn quế nhà tui đã đến tuổi khai thác nhưng chưa thể bán được vì nếu với giá như bây giờ thì trừ chi phí 15 năm chăm sóc ra còn chẳng được bao nhiêu đồng. Tui cũng muốn giải quyết cho xong để trồng cây khác chứ để mãi thế này chẳng trồng cây gì được”. Anh Trị cũng cho biết vì anh còn hi vọng giá quế sẽ tăng lên nên còn kiên nhẫn giữ vườn quế chứ nhiều hộ khác đã bán tháo quế để lấy đất trồng cây khác.

  
              
                                 Chế biến quế thời đắt đỏ ngày trước

  
Bây giờ ở Tiên Phước chẳng còn ai ươm quế giống nữa vì giờ có cho không cây giống cũng chẳng ai lấy. Còn với những vườn quế mới trồng còn nhỏ chưa thể khai thác được người ta chặt bỏ một cách không thương tiếc để trồng cây khác mà chủ yếu là cây keo. Nhìn những vườn quế bị chặt, bị đốt bỏ khiến những người tâm huyết với cây quế không khỏi đau lòng.
 
Có nhiều nguyên nhân khiến người dân “quay mặt” với cây quế. Thứ nhất, do giá quế quá thấp so với trước kia trong khi thời gian cho khai thác lâu, người dân không chủ động về khâu đầu ra cho sản phẩm, phải phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Thứ hai, do thời gian gần đây cây keo lại được giá và thời gian cho khai thác chỉ ngắn bằng một nửa so với cây quế nên người ta phá quế để trồng keo.
 
Cây quế đã từng đóng vai trò rất quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Sự “thất sủng” của cây quế hôm nay không phải là do cây quế không còn giá trị mà có lẽ do thiếu một định hướng phát triển và một đầu ra ổn định cho sản phẩm từ cây quế.

Thiết nghĩ nếu tình trạng này cứ tiếp tục diễn ra mà không có các biện pháp tháo dỡ khó khăn cho cây quế từ các cơ quan chức năng thì trong một tương lai không xa cây quế sẽ biến mất khỏi các mảnh vườn của người nông dân Tiên Phước.

 Văn Chuyên