Trong chương trình này, theo tính toán của giám khảo khoa học - kỷ lục gia quốc tế Dương Anh với tốc độ đọc sách của một người Việt Nam thì phải mất 833 năm mới có thể đọc hết toàn bộ 1.000 quyển sách này. Trước khi tham gia chương trình Siêu trí tuệ Việt, Thục Nữ đã được biết đến khi tham gia hàng hoạt chương trình trí tuệ như Đường lên đỉnh Olympia, Người Đứng Vững, Không Thỏa Hiệp…
Phương pháp ghi nhớ thông tin
Sinh ra và lớn lên ở huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, từ những ngày học tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thục Nữ đã tự tìm kiếm và rèn luyện khả năng ghi nhớ bằng nhiều phương pháp khác nhau. Thục Nữ cho biết mình không hề có khả năng của "thiên tài" chỉ đọc qua một lần là nhớ, khả năng ghi thông tin của em là cả một quá trình rèn luyện bằng những phương pháp ghi nhớ phù hợp.
Trong đó, những phương pháp Thục Nữ sử dụng chủ yếu là mã hoá, sơ đồ tư duy, cộng thêm việc tự gợi lại ký ức vào những khoảng thời gian rảnh trong ngày để những thông tin đó trở thành trí nhớ dài hạn. Để đọc sách hiệu quả, mỗi người phải lựa chọn được thể loại sách mình yêu thích.
Trước khi chọn một cuốn sách để đọc, trừ những cuốn kinh điển, Thục Nữ sẽ xem sơ lược nội dung, sau đó tham khảo nhận xét của những đọc giả có cùng sở thích đọc sách với mình để lựa chọn. Có những cuốn sách Thục Nữ đọc đi đọc lại bao nhiêu lần cũng được như :Không gia đình, Harry Potter, Cô gái đến từ hôm qua…
Thục Nữ luôn cố gắng duy trì thói quen đọc sách, ít nhất là một giờ mỗi ngày. Tối đa một ngày Nữ có thể đọc 5 cuốn sách, khoảng trên dưới 1.500 trang. Mỗi năm, Nữ đọc gấp 25 lần lượng sách mà một người bình thường hay đọc.
"Sách không phải là một thứ gì đó cao siêu mà chỉ những người giỏi mới chạm đến, sách dành cho tất cả mọi người. Bạn hãy đọc sách để giỏi hơn chứ không phải đợi đến lúc giỏi rồi mới đọc sách" – Nữ chia sẻ.
Thục Nữ kể, ba mẹ chưa bao giờ ép buộc cô phải đọc sách, từ nhỏ mẹ hay mượn sách về và đọc cho Nữ nghe cho đến khi cô định hình được phong cách đọc của bản thân. Những năm cấp 1, ngày nào vào lúc buổi trưa Nữ cũng phải đọc một cuốn gì đó mới chịu được. Đến năm lớp 6, Nữ tình cờ bước chân vào thế giới của Harry Potter, rồi đến Không gia đình, Người thầy đầu tiên, Sếu đầu mùa. Lúc đó Thục Nữ nhận ra mình với sách sinh ra là để dành cho nhau.
Phá vỡ hình tượng đọc sách phải là "mọt sách", Thục Nữ có phong cách rất năng động. Ảnh: NVCC
Sách là miền kiến thức bất tận
Đối với Thục Nữ, những kiến thức trong từng cuốn sách là một điều mới mẻ để khám phá, chúng ta đóng vùng kiến thức này lại sẽ mở ra một vùng kiến thức khác. Mỗi trang sách là một điều hay ho mới, những thứ chúng ta có thể chưa từng biết đến.
Sách không chỉ mang lại kiến thức, sách còn là một thứ không thể thay thế được trong việc truyền tải những thông điệp, giá trị nhân văn, những câu chuyện, bài học trong cuộc sống. Hiện nay, các bạn trẻ có thể tìm kiếm thông tin trên Google nhưng nó chỉ giúp bạn có kiến thức, sách sẽ giúp bạn có thêm cả tâm hồn" – Nữ cho biết.
Trong việc lựa chọn sách, Thục Nữ cho hay dấu hiệu của một tác phẩm thành công là ngoài việc được đông đảo bạn đọc ủng hộ, còn phải chứa đựng những thông điệp, giá trị nhân văn có sức ảnh hưởng lớn đến mọi người. Một cuốn sách hay được tạo nên bởi rất nhiều yếu tố, từ nội dung, nhân vật cho đến nghệ thuật sử dụng ngôn từ, lối kể chuyện và cách dẫn dắt của tác giả. Tất cả đều quan trọng như nhau, nên sẽ không có tiêu chí nào là duy nhất cả.
Ngoài ra, Nữ không bao giờ đặt chỉ tiêu hoặc tạo áp lực cho bản thân trong việc đọc sách. Hãy để những cuốn sách là niềm vui, phải thoải mái mỗi khi cầm sách lên, như vậy mới tìm được ý nghĩa thật sự qua từng trang sách.
Thục Nữ tham gia nhiều dự án cộng đồng nhằm lan tỏa văn hóa đọc đến thế hệ trẻ. Ảnh:NVCC
Để lan tỏa văn hóa đọc đến với thế hệ trẻ, Thục Nữ quyết định tham gia Siêu trí tuệ Việt bởi sự hấp dẫn và những giá trị của chương trình mang lại.
Thục Nữ cũng cho biết, bên cạnh tiếp tục theo còn đường y khoa, sẽ tích cực tham gia những dự án có ý nghĩa cho cộng đồng. Hiện tại, Thục Nữ đang tham gia chương trình Tủ Sách Nhân Ái, một hoạt động rất ý nghĩa trong việc trao tặng và lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.
Nguyễn Thuận - Báo Người Lao Động