Sự học trên đất Duy tân
Mảnh đất Phú Lâm (xã Tiên Sơn, Tiên Phước) là nơi sớm khai mở phong trào Tân học, sản sinh những người con ưu tú. Tiếp nối truyền thống hiếu học từ thời cha ông, con người nơi đây không cam phận mà tự biết vươn lên để khẳng định mình.
1. Nói đến sự học trên đất Duy tân, ông Lê Nguyên Đại - đích tôn của cụ Lê Cơ, hiện là thành viên trong Hội đồng quản trị của Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn, tâm sự rằng, những nơi hiểm yếu xa xôi thường mới được chọn làm địa bàn cách mạng, và Phú Lâm là một vùng đất như thế. Cũng vì địa bàn như thế nên sự học không thể phát triển thuận lợi bằng các vùng mà giao thông phát triển hay khu vực đồng bằng màu mỡ ấm no.
Cũng vì thế, làm sao đất Phú Lâm phát tích được nhiều nhân tài hoặc có khoa bảng bằng với các nơi. Kể tên họ ra thì đôi ba kỹ sư, bác sĩ tài năng đều trong diện Việt kiều hoặc vài người kiên gan bền chí vươn lên thành đạt thì có thể kể PGS-TS. Ngô Văn Minh (Học viện Chính trị khu vực III Đà Nẵng), bác sĩ Lê Văn Minh (Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng), luật sư Đặng Tấn Hướng (Phó Tổng Biên tập NXB Giáo dục Việt Nam)”. Theo ông Lê Nguyên Đại, nói đến tên tuổi thì quá ít so với các làng khác, nhưng họ đã học thì phải bứt phá, vượt qua chính bản thân mình và vượt qua mọi khắc nghiệt của số phận. Nhưng nói về bản thân mình, ông Lê Nguyên Đại lại “xin khất”. Dù vậy, ai cũng hiểu rằng ông vẫn đau đáu một nỗi niềm với quê hương xứ sở. Với quê hương, nỗi niềm canh cánh về xây dựng một bức tượng cụ Lê Cơ đặt ngay trên mảnh đất Duy tân xưa của ông Lê Nguyên Đại đã thành hiện thực, và thêm một thư viện với nhiều hơn những đầu sách được ông trao tặng.
Trên nền móng đất Tân học, ngôi trường mang tên chí sĩ Lê Cơ khang trang hơn, bề thế hơn khi đã thành ngôi trường đạt chuẩn quốc gia. Và trong ngôi trường ấy, ngày ngày khói hương vẫn được lớp lớp thế hệ cháu con thắp lên bàn thờ cụ Lê Cơ. Những gì hiện hữu hôm nay như mãi nhắc nhớ về tinh thần Tân học, về sự học phải được đưa lên hàng đầu. Với sự nghiệp giáo dục mà ông Lê Nguyên Đại vẫn cặm cụi góp thêm một chút công sức, vẫn âm thầm ấp ủ những định hướng, những cải cách ngay tại Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn cùng những người bạn tâm huyết của mình.
Đường quê Tiên Sơn. |
2. Vượt qua mọi khó khăn, học hành thành danh nhưng trong số những người con vùng đất Tân học mà ông Lê Nguyên Đại đã giới thiệu, ai cũng không muốn nói về mình. Ngay cả bác sĩ Lê Văn Minh, người bị tôi “bắt cóc” ngay sau giờ tan ca trực đêm ở Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng cũng vậy. Không thể từ chối được nữa, người bác sĩ trẻ tuổi này chỉ biết cười trừ, một nụ cười hiền hậu, chân chất như chính con người của anh. Sống giữa chốn thị thành, anh Minh luôn tự nhủ phải phấn đấu từng giờ từng phút.
Như anh đã nói rằng anh sống cho 3 cuộc đời: cuộc đời của cha mẹ anh, của anh và của con cái anh. Từ lúc lọt lòng anh đã mồ côi cha mẹ, được họ hàng, bà con ở xã Tiên Sơn (Tiên Phước) nuôi nấng nên người. Anh đã không quản ngại bất cứ việc gì miễn là được tiếp tục đi học. Vì gia cảnh quá nghèo khó, anh phải tự bươn chải, tự nuôi bản thân ăn học, phải trốn để đi học. Khi còn nhỏ ở Tiên Sơn, rồi học cấp ba ở thị trấn Tiên Kỳ, đến khi học đại học ở Huế, anh Minh đều tự nuôi mình học bằng chính đôi bàn tay cùng ý chí và nghị lực.
Tượng cụ Lê Cơ trong khuôn viên Trường THCS Lê Cơ (xã Tiên Sơn, Tiên Phước). |
Nhắc nhớ quá khứ chỉ là thêm động lực để bản thân anh Minh phải cố gắng nhiều hơn nữa. Trong quá khứ ấy, những ân nhân đã cưu mang anh như gia đình chú Trần Quang Bửu, cô Lê Thị Hoa Lý, cô Lê Thị Diệu Hiền, hay cô Phúc cùng làng đã cho anh cả gia sản là hơn một trăm nghìn đồng khi anh trốn chạy để được học. Đôi mắt hướng về xa xăm, anh Minh nói như tự nhủ: “Có khi nhờ cuộc sống quá cơ cực mà tôi có được ngày hôm nay, được sống và làm việc bằng đôi tay, khối óc của chính mình. Hiện tại tôi đã có được một căn nhà để ở, một công việc đúng chuyên môn, một phòng khám riêng để giúp đỡ bệnh nhân của mình, một gia đình êm ấm. Tôi sẽ sống phần đời còn lại để thực hiện tâm nguyện của chính bản thân, đó là được giúp đỡ phần nào cho những người nghèo khổ nhưng lại mang bệnh hiểm nghèo”. Và anh ghi rất rõ dòng chữ “Không lấy tiền khám bệnh đối với những trường hợp khó khăn” ngay trước cửa phòng khám của mình.
Là một bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, nhưng anh Minh không bỏ qua bất cứ cơ hội nào để được nâng cao tay nghề, kiến thức. Anh từng đi tu nghiệp tại Pháp, Úc và theo tàu bệnh viện của Hải quân Mỹ trong suốt 3 tháng để học hỏi kinh nghiệm về chuyên khoa tim mạch. Với anh Minh, nâng cao trình độ chuyên môn là việc suốt đời, bởi trình độ y học thế giới không ngừng phát triển, nên người bác sĩ phải vận động không ngừng, học hỏi cái mới để mang lại cho bệnh nhân của mình những trái tim khỏe mạnh hơn.
Diễm Lệ - Báo Quảng Nam