Sơn Cẩm Hà hôm nay
Sau 55 năm, kể từ khi Tiểu đoàn 70 (Tỉnh đội Quảng Nam) mở chiến dịch “Vượt sông Tiên giải phóng Sơn Cẩm Hà” và vùng phụ cận (25.9.1962 - 25.9.2017), vùng quê Sơn Cẩm Hà đã thực sự thay da, đổi thịt.
Đường về vùng chiến khu xưa Sơn Cẩm Hà hôm nay đã được nhựa hóa bằng phẳng, giao thương thuận lợi. Ảnh: P.HOÀNG |
Mở đường...
Tuyến đường chính dài gần 10km dẫn về trung tâm xã Tiên Hà đã được thâm nhập nhựa và cầu Tài Thành được xây dựng nối đôi bờ sông Khan. Tuyến đường Tiên Châu - Tiên Hà, Tiên Hà - Bình Sơn (Hiệp Đức) cũng được làm mới, tạo nên mạng lưới giao thông giữa Tiên Hà với trung tâm huyện và vùng phụ cận. Anh Trương Văn Lai ở tại thôn Tài Thành, xã Tiên Hà, chia sẻ: “Năm 2001, cuộc sống quá khó khăn, vợ chồng tôi phải lăn lội vào vùng “khỉ ho, cò gáy” này, để vỡ đất trồng quế, chăn nuôi bò kiếm sống, vất vả trăm bề. Khi được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng tuyến đường Tiên Châu - Tiên Hà đi ngang qua, hơn chục héc ta đất của gia đình tôi trở nên có giá nhờ đưa được cây keo vào trồng, việc đi lại học hành của con em trong thôn cũng thuận lợi hơn nhiều”. Năm 2015, Nhà nước lại tiếp tục hỗ trợ Tiên Hà xây dựng tuyến đường từ trung tâm xã đến cầu sông Khan dài gần 5km. Và mới đây, huyện cũng vừa khởi công xây dựng tuyến đường từ trung tâm xã Tiên Hà đi xã Tiên Sơn dài hơn 7 km với tổng kinh phí trên 37 tỷ đồng, tạo sự liên thông giữa ba địa phương vùng chiến khu xưa.
“Mạng lưới giao thông liên xã, liên thôn được kết nối đã tạo cho vùng quê Sơn Cẩm Hà một diện mạo mới. Nhất là xã Tiên Hà. Nơi đây đất đai trù phú, huyện có chủ trương xây dựng vùng dược liệu để đa dạng hóa cây trồng, tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân. Hàng hóa làm ra bây giờ chẳng những không còn bị ứ đọng mà còn được vận chuyển bằng xe tải đem đi tiêu thụ ở Tam Kỳ, Hội An, Đà Nẵng, Quảng Ngãi… Không ai có thể ngờ rằng, từ một xã nghèo nhất nhì huyện, khi có đường giao thông kết nối, Tiên Hà đã bứt phá vươn lên ngoạn mục, mức sống của người dân không thua gì xã Tiên Cẩm. Vì thế, huyện vừa bổ sung Tiên Hà vào diện xây dựng xã nông thôn mới với đích đến là năm 2020”. (Ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước) |
Tại 2 xã Tiên Sơn và Tiên Cẩm, tuyến ĐT 614, ĐT 615 cũng được đầu tư nâng cấp. Mặt đường đã thảm bê tông nhựa bằng phẳng, nhiều tuyến giao thông liên thôn, liên xóm được bê tông hóa tạo điều kiện đi lại thuận tiện. Từ năm 2016 đến nay, xã Tiên Cẩm đã được Nhà nước đầu tư gần 20 tỷ đồng xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học các thiết chế văn hóa, thể thao. Riêng xã Tiên Sơn, qua 7 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), từ nguồn vốn cấp trên và người dân địa phương đóng góp, xã đã huy động hơn 65 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Đến nay, hệ thống đường giao thông của xã cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân. Hiện 100% đường liên thôn và trên 80% đường dân sinh đã được cứng hóa. Trường THCS mang tên nhà chí sỹ yêu nước Lê Cơ được đầu tư xây dựng khang trang với kinh phí gần 7 tỷ đồng. Hệ thống điện, thủy lợi cũng được chú trọng đầu tư xây dựng với kinh phí hàng chục tỷ đồng đáp ứng được nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.
Giúp dân làm giàu
Ông Phan Tấn Dũng - Chủ tịch UBND xã Tiên Hà cho biết, hệ thống giao thông liên xã, liên thôn ở địa phương được xây dựng đã tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế gia đình. Chính quyền xã luôn khuyến khích người dân mạnh dạn làm vườn, trồng cây, chăn nuôi bò đàn bằng cách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, phối hợp với các ngành chuyên môn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, giúp họ phát huy nội lực đầu tư phát triển kinh tế. Điều đáng mừng là sau khi cầu Tài Thành được xây dựng đã giúp nhân dân phát huy tiềm năng đất đai rộng lớn bên kia sông Khan đưa vào trồng cây keo nguyên liệu tạo nguồn thu trên 10 tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, các loại hình thương mại, dịch vụ phát triển phong phú, đa dạng đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ chỗ hơn 50% (năm 2010) xuống dưới 15% (năm 2016).
Còn xã Tiên Cẩm vận động nhân dân phát huy thế mạnh của địa phương đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo. “Điển hình là hộ ông Cao Văn Thống thôn Cẩm Trung, ông Trần Minh Thiệp thôn Cẩm Lãnh, ông Trần Anh Cương thôn Cẩm Trung... Những hộ này kết hợp chăn nuôi với làm vườn, trồng lúa… đã vươn lên thoát nghèo” - bà Trần Thị Ngọc Vương - Quyền Chủ tịch UBND xã Tiên Cẩm cho hay. Cũng theo bà Vương, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của xã còn dưới 11%. Riêng Tiên Sơn được công nhận là xã nông thôn mới từ năm 2015, thu nhập bình quân đầu người trên 23 triệu đồng/năm.
Vườn tiêu trên 150 choái của anh Nguyễn Tấn Lai (xã Tiên Cẩm). Ảnh: P.H |
Năm 1992, do điều kiện giao thông cách trở, kinh tế quá khó khăn, ông Đoàn Thanh Yêm (thôn Tài Thành, xã Tiên Hà) đã phải đưa vợ và 4 con nhỏ vào Tây Nguyên kiếm kế sinh nhai. Nhưng rồi sau 4 năm bôn ba nơi đất khách, cái khó cái nghèo vẫn luôn đeo bám, ông quyết định hồi hương làm lại từ đầu. Chút vốn liếng còn lại cũng chỉ đủ để mua lại miếng đất, cất ngôi nhà tạm làm nơi tránh mưa, tránh nắng cho 8 thành viên trong gia đình. Rồi vợ chồng vỡ đất hoang trồng khoai sắn, làm ruộng giải quyết cái ăn trước mắt. Cuộc sống dần ổn định, ông tiếp tục cải tạo hơn 1ha vườn trồng cây ăn quả, khai phá hơn 10ha đất đồi trồng keo. Hiện các loại cây trồng như cam, bưởi, thanh long, lòn bon, chuối, cau, măng tre điền trúc mỗi năm đem lại cho gia đình ông nguồn thu trên 60 triệu đồng. Riêng cây keo tạo nguồn thu bình quân trên 100 triệu đồng/năm.
Tại xã Tiên Sơn, việc trồng cỏ nuôi bò đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao được nhiều nông dân triển khai khá hiệu quả. Năm 2017, 10 hộ nuôi bò lai ở thôn 5 của xã đã thành lập câu lạc bộ chăn nuôi bò thâm canh bằng phương pháp nuôi nhốt. Đây là câu lạc bộ chăn nuôi bò thâm canh đầu tiên trên địa bàn huyện, mở ra hướng phát triển mới cho nông dân trên địa bàn. Ông Đặng Tấn Minh - Bí thư đảng ủy xã Tiên Sơn cho biết: “Câu lạc bộ nuôi bò thâm canh tại thôn 5 mới thành lập nhưng đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Xã tiếp tục nhân rộng mô hình này, nhằm tạo điều kiện để thúc đẩy chăn nuôi bò đàn ở địa phương”. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, đa canh các loại cây trồng kết hợp phát triển vườn rừng, anh Nguyễn Tấn Lai ở tại thôn Cẩm Tây, xã Tiên Cẩm, đã thực hiện thành công mô hình tổng hợp này. Sau hai lần thất bại do chuyên canh cây chè, rồi quế, từ năm 2000 đến nay trên diện tích hơn 5.000m2, anh Lai đưa vào trồng nhiều loại cây khác nhau như tiêu, lòn bòn, chuối, dó bầu và các loại cây ăn quả khác, đồng thời khai phá đất gò đồi trồng trên 5ha keo. Để cải tạo đất, anh thường xuyên cuốc xới, làm cỏ trong khu vườn đồng thời tận dụng nguồn phân hữu cơ từ chăn nuôi, rơm rạ để bón cho cây trồng. Nhờ đó các loại cây trồng trong vườn nhà anh đều có điều kiện phát triển xanh tốt. Hiện bình quân mỗi năm các loại cây trồng đã đem lại cho gia đình anh nguồn thu trên 150 triệu đồng.
Ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, Tiên Sơn đã được công nhận xã nông thôn mới năm 2015. Hai xã Tiên Cẩm và Tiên Hà, cũng đã đạt được hơn 2/3 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, do đó có cơ sở để tin rằng, năm 2020, hai xã này sẽ cán đích. Thực tế đã và đang chứng minh điều đó…
Phạm Hoàng - Báo Quảng Nam