Rộn ràng bài chòi Tiên Cảnh
Tết đến, xuân về, người dân trên địa bàn tỉnh lại háo hức tham gia các lễ hội đầu năm. Ở xã Tiên Cảnh (Tiên Phước), hô hát bài chòi do Hội Người cao tuổi xã tổ chức đã thu hút nhiều tầng lớp xã hội tham gia; trở thành điểm nhấn sinh hoạt văn hóa, gắn kết tình làng, nghĩa xóm.
Náo nức, thân thương
Một căn phòng nhỏ nhắn, 3 dãy bàn ghế tinh tươm, các thẻ bài quen thuộc, trống chầu, chị hiệu tươi vui hô hát bài chòi. Chừng đó là đủ để hàng trăm người dân khắp các thôn xóm trên địa bàn xã Tiên Cảnh rủ nhau kéo về tham gia. Không khí càng rộn rã thêm mỗi lần tiếng trống chầu vang lên ầm ĩ thúc giục.
|
Quang cảnh hội hô hát bài chòi xã Tiên Cảnh. |
Được chị hiệu xướng đúng tên quân bài "Ba gà", em Nguyễn Thị Yến ở thôn 3 vui mừng hô vang tới rồi. Phần thưởng không nhiều giá trị vật chất nhưng cô bé học trò đang theo học lớp 12 của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng tươi cười rạng rỡ như hoa xuân. "Em mê hô hát bài chòi từ nhỏ. Ký ức của em vẫn còn lưu giữ những lời ru mang âm hưởng dân ca bài chòi của bà, của mẹ thuở ấu thơ. Tham gia chơi bài chòi, em thích thú thưởng thức không khí ấm áp, không gian đầm ấm, sinh động nhưng cũng lắng sâu", Yến chia sẻ.
Ở hội hô hát bài chòi năm nay được tổ chức tại UBND xã Tiên Cảnh, chúng tôi nhận thấy hầu hết mọi giai tầng xã hội tham gia. Ở đó, người già ngồi ngay hàng thẳng lối với trẻ em. Còn đàn ông, phụ nữ, thanh niên xen kẽ ngồi trên các hàng ghế vuông góc. Gọi là bài chòi nhưng không có cái chòi nào được dựng lên. Trò chơi được tổ chức đơn sơ, gần gũi với đời sống làng quê, nhẹ nhàng chứ không tấp nập ồn ã.
Mỗi ngày, hội bài chòi Tiên Cảnh có khoảng 60 lượt chơi, diễn ra từ sáng sớm đến tối mịt. Trò chơi được người dân hưởng ứng vì đáp ứng được nhu cầu tiêu khiển đầu năm, không nặng tính thắng thua mà mang đậm tính trình diễn văn hóa. Mọi người đến với cuộc vui để đắm mình trong các làn điệu dân ca, tài ứng đối, giọng hô, tiếng hát, diễn trò của các anh hiệu, chị hiệu. Điều đặc biệt ở hội hô hát bài chòi năm nay, người dẫn dắt cuộc chơi không phải là những người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa mà là các học sinh trẻ tuổi đang theo học ở các trường trên địa bàn huyện Tiên Phước.
|
Lê Trà Quyên Thảo (giữa), chị hiệu hô hát bài chòi chụp ảnh lưu niệm với bạn mình. |
Theo quan sát của chúng tôi, thành công của hội bài chòi năm nay nằm ở chỗ diễn xướng các con bài bằng dân ca, ca dao, tục ngữ diễn ra rất linh hoạt. Khả năng ứng biến xuất khẩu thành thơ của các chị hiệu trẻ tuổi đã khiến người thưởng lãm say đắm trong lòng. Ví dụ như một tình huống diễn xuất về con "bánh ba". Cô gái hát: "Thương chồng đi biển gian nan/ Mua ba loại bánh em trao cho chồng/ Bánh xèo em để chỗ ni/ Bánh đúc mềm dẻo em kề bên hông/ Còn lại là chiếc bánh bao/ Thơm như mùi sữa, thơm ngày mới yêu". Hát đã hay, cô gái còn khéo léo múa may đôi bàn tay nhỏ nhắn, ám chỉ vào ngực mình. Mọi người đã cười ồ lên sung sướng, phản ánh đúng cái chất tục mà thanh của hô hát bài chòi.
Giữ vốn văn hóa
Theo lời kể của cụ ông Huỳnh Thế, Hội Người cao tuổi xã Tiên Cảnh, hô hát bài chòi là vốn liếng văn hóa nổi bật của người dân Tiên Cảnh từ bao đời nay. Vậy nhưng, cách đây chừng một thập kỷ, loại hình này vắng bóng trong sinh hoạt của người dân mỗi độ xuân về.
Không thể để văn hóa mai một, Hội Người cao tuổi Tiên Cảnh đã đề xuất UBND xã kiến nghị lên huyện tổ chức đưa các thanh niên, phụ nữ trẻ tuổi có năng khiếu về hô hát các làn điệu dân ca trên địa bàn đi học tập về bài chòi. Lớp học diễn ra ở TP.Hội An - địa phương đang gìn giữ rất tốt vốn văn hóa này, đã đào tạo được đội ngũ kế thừa cho Tiên Cảnh. Từ đó, người lớn tuổi truyền dạy lại cho người trẻ hơn nên loại hình này được duy trì, ổn định trong vòng 3 năm nay.
|
Hát bài chòi - thú vui ngày tết. |
Em Lê Trà Quyên Thảo ở thôn 5, đang là học sinh lớp 12 của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng lại là chị hiệu hô hát bài chòi trong những ngày đầu xuân này. Em là tầng lớp tiếp nối hô hát bài chòi của Tiên Cảnh. "Được UBND xã Tiên Cảnh khuyến khích nên khi có thời gian rảnh, em đến nhà chị Đào Thị Thuyên ở cùng thôn vốn được học tập bài bản ở TP.Hội An để học hô hát bài chòi. Chị ấy rất nhiệt tình giúp đỡ, truyền dạy chu đáo các làn điệu dân ca, hò, vè. Em thụ hưởng được và mỗi lần tết đến là Hội Người cao tuổi của xã lại liên hệ mời em ra diễn xướng, phục vụ hội bài chòi cho mọi người thưởng lãm. Em rất vui nên tham gia đều đặn trong 5 ngày diễn ra lễ hội", Quyên cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phước Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Cảnh cho biết, năm nay, địa phương muốn tạo điểm nhấn trong lễ hội vui chơi đầu xuân cho người dân trên địa bàn bằng hình thức hô hát dân ca bài chòi. Đến thời điểm này, lễ hội đã diễn ra ấm áp, tươi vui. “Chính quyền xã đã huy động các hội, đoàn thể xắn tay chung vào công việc tìm kiếm những người trẻ tuổi có tâm huyết và năng khiếu với vốn văn hóa của dân tộc. Qua đó đào tạo, truyền dạy bài bản làm đội ngũ kế thừa, phát huy vốn liếng văn hóa truyền thống, phổ biến rộng rãi để mọi người dân thưởng thức. Hô hát bài chòi là cầu nối văn hóa để mọi người dân trên toàn xã thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó, sẻ chia, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn”, ông Dương chia sẻ.
Nguyễn Quang Việt - Báo Quảng Nam