Phan Châu Trinh và người con trai duy nhất
Nói về quá trình hoạt động của Phan Châu Trinh suốt 14 năm trên đất Pháp (1911-1925) mà không nhắc đến Phan Châu Dật, người con trai trưởng, người đồng chí của ông là một thiếu sót!
Một góc đời tư của nhà cách mạng
Phan Châu Trinh sinh năm 1872, lập gia đình năm 24 tuổi (1896). Vợ ông là bà Lê Thị Tỵ, sinh năm 1877, người làng An Sơn, huyện Hà Đông (nay là thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước). Bà là một nông dân lam lũ suốt đời lo cho chồng con, chỉ quanh quẩn ở vùng quê Tiên Phước mặc cho ông bôn ba khắp chốn.
Năm 1910, khi Phan Châu Trinh từ Côn Đảo về đất liền, bị an trí ở Mỹ Tho, bà Tỵ được một đồng chí của ông là Trần Đình Phiên đưa vào thăm chồng một thời gian rồi lại về sống tại quê nhà. Bà bị bệnh và qua đời ngày 12 tháng 5 năm 1914, khi mới 37 tuổi.
Phan Châu Trinh và con trai. (Ảnh tư liệu trong sách Phan Châu Trinh qua những tư liệu mới) |
Khi bà mất, Phan Châu Trinh đang bị giam ở ngục Santé (Pháp) nên cả ông và người con trai đều không hay biết gì. Sau khi ra tù ông có viết hai câu đối, một cho mình để khóc vợ và một cho con trai để khóc mẹ:
Câu thứ nhất, khóc vợ: Hai mươi năm cầm sắt vắng teo, dãi gió dầm mưa, nhìn ảnh làm chồng, một mực nuôi con lau lệ nóng/ Dưới chín suối bạn bè han hỏi, dời non lấp biển có ai giúp tớ, nhìn lo mình lão múa tay không”.
Câu thứ 2, cho con trai Phan Châu Dật, khóc mẹ: “Con tưởng mẹ, mẹ ơi! Mẹ đau con chẳng biết, mẹ mất con chẳng hay, biển rộng trời cao, nghìn dặm luống trông tin mẹ mạnh/ Mẹ thương con, con rõ! Con ở mẹ nhọc lo, con đi mẹ nhọc nhớ, ơn dày nghĩa nặng, trăm năm đành để nợ con mang”.
Phan Châu Trinh có 3 người con, một trai, hai gái. Năm 1897, một năm sau ngày cưới, vợ chồng ông sinh người con trai đầu, đặt tên là Phan Châu Dật. Năm 1911, Phan Châu Dật theo cha sang Pháp và sống với ông cho đến năm 1919 thì về nước và mất năm 1921, khi chưa kịp lập gia đình.
Năm 1901, năm ông đỗ phó bảng, cô con gái lớn Phan Thị Châu Liên (tục danh là cô Đậu) chào đời. Khi mẹ mất, bà Châu Liên mới 13 tuổi. Lớn lên bà lấy ông Lê Ấm là giáo sư của các trường Quốc học Vinh, Quốc học Huế và Quốc học Quy Nhơn. Bà sống ở 72 Phan Châu Trinh Đà Nẵng (Nhà thờ Phan Châu Trinh), là người giữ nhiều di vật, di cảo của cha mình. Vợ chồng bà có 7 người con, 1 trai và 6 gái; nổi tiếng nhất là Lê Khâm, tức nhà văn Phan Tứ (1930-1995) và Lê Thị Kinh (sinh năm 1925), bút danh Phan Thị Minh, tác giả của bộ sách Phan Châu Trinh qua những tư liệu mới (NXB Đà Nẵng, 2003). Bà Châu Liên mất năm 1996.
Con gái thứ 2 là Phan Thị Châu Lan (tục danh là cô Mè), sinh năm 1905, lấy ông Nguyễn Đồng Hợi (Tham tá Công chánh). Ông Hợi và bà Lan có 6 người con, nổi tiếng nhất trong số đó là Nguyễn Thị Châu Sa, tức Nguyễn Thị Bình, từng làm Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Bình sau này là Chủ tịch của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh (vừa chấm dứt hoạt động đầu năm 2019). Bà Châu Lan mất năm 1944, khi mới 39 tuổi.
Người con trai duy nhất
Phan Châu Dật là con trai độc nhất của Phan Châu Trinh, sinh năm 1897 tại làng Tây Lộc, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình (nay là xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh).
Khi Phan Châu Trinh sang Pháp vào tháng 4-1911, ông đã dẫn Phan Châu Dật theo. Đến Pháp, lúc đầu Phan Châu Dật cùng cha được bố trí ở tại ký túc xá đại học ở số 32 đường Vouillé, quận 15 Paris sau đó chuyển đến trọ tại số 78 đường Assas và theo học tại trường làng Montparnasse.
Là người thông minh, chăm chỉ lại được một đồng chí thân tín và tài năng của cha là Luật sư Phan Văn Trường tận tình bồi dưỡng về tiếng Pháp và phương pháp học tập thông minh nên Phan Châu Dật từ một cậu bé quê mùa ở làng Tây Lộc đã đạt được những kết quả học tập kỳ diệu, làm cho tất cả các thầy giáo đến các quan chức thuộc địa đều khen ngợi…
Tác giả Thu Trang trong cuốn Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp (NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2000, trang 50) dẫn lại 2 thư của Chủ sự giáo dục Đông Dương là Fourès viết gửi Toàn quyền Albert Sarraut vào hai ngày 30-12-1911 và 23-3-1912: “Dật chăm chỉ ngoan ngoãn và vui vẻ được sự thiện cảm của thầy và bạn… Khi trao bảng điểm cho thấy 6 tháng qua Dật liên tục đứng đầu một lớp 46 học sinh. Hiệu trưởng của trường nhận xét: Cậu bé này có nhiều đức tính tốt đặc biệt được mến yêu và trên mọi khía cạnh thật sự đáng được quan tâm chăm sóc. Chỉ sau 6 tháng cậu đã bắt đầu dạy cho cha học tiếng Pháp và dịch những vấn đề thông thường cho ông”.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng thì sau này Phan Châu Dật thi đỗ tú tài nhưng không rõ vào năm nào.
Phan Châu Dật cũng giúp đỡ cho Phan Châu Trinh và Luật sư Phan Văn Trường rất nhiều, nhất là khi hai ông bị người Pháp bắt giam suốt 11 tháng (Phan Châu Trinh bị giam ở ngục Santé, còn Phan Văn Trường ở ngục Cherchemidi) vì bị vu cho tội thông đồng với Đức trong Thế chiến thứ nhất.
Phan Châu Dật phải vừa lo học hành, thi cử, làm thêm để kiếm sống, lại mỗi tuần 2 lần vượt mấy chục cây số đến thăm cha, kể cả những ngày đông giá rét. Phan Châu Dật lại còn phải dịch các đơn thư kêu kiện và đem đến tận nơi cho các nhân vật có khả năng cứu Phan Châu Trinh. TS Thu Trang trong tác phẩm đã dẫn cho rằng Phan Châu Dật đã thực sự góp phần quan trọng vào việc đưa cha ra khỏi lao tù để tiếp tục con đường cách mạng của mình. Chính vì thế khi nói về cuộc đấu tranh cách mạng của Phan Châu Trinh suốt 14 năm trên đất Pháp (1911-1925) mà không nhắc đến người con trai của ông là một thiếu sót lớn.
Cuộc sống kham khổ, mùa đông khắc nghiệt lại phải làm việc quá sức nên Phan Châu Dật bị bệnh lao. Sau một thời gian chữa không khỏi, Phan Châu Dật phải về nước vào ngày 27-9-1919. Hơn một năm sau, ngày 14-2-1921 người con trai duy nhất của nhà cách mạng Phan Châu Trinh qua đời tại Huế, hưởng dương 30 tuổi, thi hài được đưa về an táng bên mộ mẹ và ông bà nội tại làng Tây Lộc!...
Lê Thí - Báo Đà Nẵng