www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Phan Châu Trinh - ánh đuốc duy tân xuyên thế kỷ

Những năm đầu thế kỉ XX báo hiệu một bước ngoặt lớn của lịch sử nước nhà về mọi mặt: chính trị, kinh tế, văn hoá-xã hội do tác động trực tiếp và sâu bền của công cuộc duy tân mà cụ Phan và các bạn đồng chí hướng cùng gây thành một phong trào quần chúng sâu rộng.

       Phong trào duy tân dấy lên sôi động trong một thời gian ngắn, từ năm 1905 đến 1908. Dù nhìn từ những góc độ nào, các nhà bình luận đều công nhận cụ Phan là lãnh tụ tiên phong của phong trào duy tân Việt Nam (chẳng hạn, ý kiến của học giả Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Văn Xuân) (1). Từ ngày cụ Phan qua đời đến nay đã 88 năm rồi mà xem chừng hậu thế vẫn chưa khép lại những lời cái quan định luận. Bao nhiêu giấy mực xem ra vẫn chưa đủ nói về một con người đã nằm xuống, bao nhiêu lời tranh luận phát xuất từ nhiều góc nhìn xem chừng vẫn chưa ngã ngũ. Các nhà bình luận có thể đồng ý với nhau đến chừng mức như vậy, sau đó thì các ý kiến có vẻ phân tán: người thì bảo rằng chủ trương của cụ Phan là không tưởng (Phạm Văn Sơn) (2), người thì cho rằng cụ Phan đã thất bại trong việc lãnh đạo phong trào duy tân đến đích sau cùng của nó là làm thay đổi đất nước sang bước ngoặt mới (Huỳnh Lý)(2).

        Xã hội Việt Nam những năm cuối thế kỉ XIX đã chứng kiến một cuộc khủng hoảng về mọi mặt: (a) về mặt chính trị, đất nước dần mất chủ quyền vào tay thực dân Pháp. Công cuộc cần vương và văn thân đã bị đàn áp và tiêu trầm; (b) về mặt kinh tế thì thực dân Pháp bắt đầu khống chế và khai thác thuộc địa; (c) về mặt văn hoá, Nho học bị mất dần vai trò ý thức hệ chủ đạo. Chính trong thời gian này, làn sóng “tân thư” từ Trung Hoa tràn qua đã góp phần thức tỉnh một số nhà nho có ý thức cấp tiến. Kết quả là tại kinh đô Huế những năm ấy đã chuyền tay nhau bản luận văn “Thiên hạ đại thế luận” do nhà nho Nguyễn Lộ Trạch biên soạn. Năm 1903, khi vào kinh nhận chức quan thừa biện bộ Lễ tại Huế, cụ Phan đã sớm được đọc và tâm đắc với những luận điểm mới mẻ của thiên đại luận này. Những tư tưởng mới do tân thư đem lại đã sớm đưa cụ Phan và những nhà nho cấp tiến cùng thế hệ dứt khoát từ bỏ quan trường của chế độ phong kiến đương thời và đề xướng con đường duy tân mà các cụ tin tưởng sẽ đem lại tương lai mới cho đất nước.

       Thế là cụ Phan và hai người bạn đồng chí hướng là hai ông nghè Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp lên đường hô hào duy tân. Cơ duyên đầu tiên để phát động phong trào là tại trường thi khảo hạch Bình Định. Ba nhà trí thức trẻ học vấn uyên thâm đã làm kinh động quan khảo hạch cùng sĩ tử trong trường thi khi được nghe đọc quyển văn gồm có bài thơ “Chí thành thông thánh” và bài phú “Danh sơn lương ngọc” do chính ba nhà khoa bảng trẻ giả dạng làm một nho sinh vào trường khảo hạch. Quyển văn của ba vị khoa bảng thác danh là Đào Mộng Giác này đã công khai hô hào cảnh tỉnh học trò sĩ tử còn mê muội với từ chương thi phú, ham công danh quên đất nước đang chìm trong vòng nô lệ. Khi chính quyền điạ phương truy lùng tác giả các bài trên thì các cụ đã rời trường thi mà tới Nha Trang trong nỗ lực tổ chức những hoạt động duy tân.

       Sau chuyến nam du ấy, các cụ Phan, Huỳnh và Trần đã liên lạc với một số nhà nho trẻ và tiến bộ tại các nơi ba vị qua, nhằm mục đích thành lập các cơ sở doanh nghiệp, mở trường học chú trọng thực nghiệp, và tổ chức các nền nếp sinh hoạt theo tinh thần mới. Cơ sở nước mắm Liên Thành ra đời tại Phan Thiết, hàng loạt các cơ sở làm kinh tế hợp tác ra đời tại Quảng Nam: các thương hội, dệt các thứ vải dày có thể may âu phục. Cụ Phan đích thân làm gương cắt may, mặc bộ đồ tây bằng vải nội, hàng vải tơ lụa nội hóa được cải tiến. Lúc đó, làng Bảo An (Ðiện Bàn) nổi tiếng dệt đẹp, có thể cạnh tranh với tơ lụa Trung HoaLần lượt các nông hội phát triển tại Yến Nê (Ðiện Bàn) rộng chừng 20 mẫu, trồng khoai, sắn, bắp, cho trồng cây dương liễu để cản gió theo hai bên bờ sông. Mỹ Sơn (Duy Xuyên) rộng khoảng 40 mẫu trồng hoa màu và cấy lúa, Bửu Sơn (Ðại Lộc) khai phá nông trường để trồng lúa.

      Các thương hội lần lượt được tổ chức có phương pháp đã đạt những thành quả tốt, như thương hội Phong Thử (Ðiện Bàn) do Phan Thúc Duyện trông coi, điạ điểm thuận lợi cho việc giao thông bằng đường thủy ghe lớn có thể cập bến được, tấp nập người đến buôn bán. Hội An thương cuộc do ông bang Kỳ Lam phụ trách bán đủ loại sĩ và lẻ các mặt hàng vải, gạo, đường, quế. Đặc biệt là các cơ sở thương nghiệp này cũng làm ăn theo cung cách mới: trên các món hàng bày bán đều có định giá rõ ràng, người bán hàng lịch sự tiếp khách… Phong trào duy tân tại Quảng Nam những năm ấy đã xây dựng được một cơ sở điển hình làm ngọn cờ đầu tại Phú Lâm (Tiên Phước) do Lê Cơ (1870-1918) tổ chức chương trình khuyến kích công thương nghiệp, chỉnh đốn cơ sở chính quyền, cơ sở giáo dục và sinh hoạt xã hội theo hướng duy tân.

      Những thành tựu đầu tiên tại Quảng Nam đã từ từ ảnh hưởng đến thay đổi sinh hoạt khắp nơi. Tại Nghệ An lúc ấy cũng đã hình thành cơ sở duy tân với những thương hội do các nhà nho cấp tiến như ông nghè Ngô Đức Kế dẫn đầu. Các nhà nho tiến bộ tại Hà Nội đứng ra khuếch trương thương nghiệp là ông Ðỗ Chân Thiết mở hiệu Ðồng Lợi Tế ở phố Mã Mây, mở tiệm thuốc Bắc Tụy Phương ở phố Hàng Cỏ, Hoàng Tăng Bí mở hiệu Ðông Thành Xương ở Hàng Gai. Tại Sài Gòn có Minh Tân Khách Sạn của ông Phủ Chiếu.

      Ngoài các cơ sở nông hội và thương nghiệp, phong trào duy tân còn là cuộc cách mạng lớn trên mọi lãnh vực đầu thế k 20. Các trường dạy thêm chương trình chữ quốc ngữ lan rộng trên khắp nẻo đường đất nước. Cao điểm của hoạt động văn hoá giáo dục duy tân là việc mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục tại Hà Nội năm 1907.

     Sau chuyến bắc du ra Nghệ An và Hà Nội, cụ Phan đã sang Nhật qua đường dây Đông du để đích thân điều nghiên tình hình công cuộc Đông du cầu ngoại viện của cụ Phan Bội Châu. Từ chuyến Nhật du trở về, cụ Phan đã gửi một bức thư dài đề ngày 01/10/1906, gửi Toàn quyền Beau, nội dung phê phán đường lối cai trị cùa nhà đương cục. Cụ Phan nêu ra ba nguyên nhân dẫn đến tình cảnh bi đát của nước nhà buổi ấy, ấy là: (a) chính phủ Bảo hộ dung túng quan lại Việt Nam thành ra cái tệ "cô tức"; (b) chính phủ khinh rẻ dân Việt Nam thành ra cái tệ xa cách; (c) các quan lại Việt Nam nhận ra cái tệ xa cách ấy mà thành ra cái tệ hà hiếp dân. Bức thư này thường được sách vở gọi là “Đầu Pháp chính phủ thư”, đưa ra một số đề nghị cải cách lề lối cai trị theo hướng khai hoá dân trí, mở mang giáo dục và chấn chỉnh chế độ quan lại. Bức thư này có thể xem là mở đầu cho hàng loạt nỗ lực nêu cao chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” mà cụ Phan bền bỉ theo đuổi suốt đời. Bức thư năm 1906 của cụ Phan sau đó cũng được chuyền tay khắp nơi, đã gây chấn động trong công chúng cũng như giới quan lại.

      Chỉ trong một thời gian ngắn, ba năm (1905-1907), các cơ sở công thương và nông nghiệp, trường học đã dấy lên làn sóng duy tân cao độ, khiến nhà nước bảo hộ lo ngại. Khi phát khởi phong trào nông dân biểu tình kháng thuế tại Trung kì năm 1908, nhà nước bảo hộ đã nhân cơ hội này ra tay trấn áp dữ dội, bắt bớ các nhà nho bị xếp vào sổ đen những người cầm đầu phong trào dân chúng có hành vi bạo động phản kháng chính quyền bảo hộ qua cuộc biểu tình rầm rộ mà sử sách gọi là cuộc “Trung Kì Dân Biến”. Cụ Phan và hàng loạt các nhà nho lãnh đạo phong trào duy tân mới dấy khởi lần lượt bị bắt bớ, và xử án rất nặng, hoặc là đày ra Côn Đảo (cụ Phan và rất đông các vị lãnh đạo phong trào tại khắp nơi), hoặc bị xử chém (cụ nghè Trần Quý Cáp, Trần Thuyết, Ông Ích Đường...). Sau đợt bắt bớ tù đày đó là cuộc khủng bố toàn diện nhằm mục đích xoá bỏ mọi dấu vết của phong trào duy tân vừa phát khởi và còn non trẻ.

     Dầu vậy, ngọn lửa duy tân không hề tắt. Do kết quả của các vận động trong công luận Pháp thông qua các nhà trí thức hoạt động trong Hội Nhân Quyền Pháp, cụ Phan và các vị lãnh đạo phong trào duy tân lần lượt được trở về đất liền. Cụ Phan đã chọn con đường sang Pháp đấu tranh tại chính xứ sở của cuộc cách mạng dân quyền. Từ đây cụ Phan bắt đầu những ngày tháng hoạt động duy tân tại đất Pháp.

Ngay từ những buổi đầu tại Paris, cụ Phan liên kết được với một số nhà trì thức Việt Pháp để cùng hoạt động. Cụ Phan cùng Phan Văn Trường trở thành cột trụ của phong trào Việt Kiều tại Pháp trong buổi đầu. Hai vị soạn các bản điều trần gởi cho chính phủ Pháp, nêu rõ tình cảnh Việt Nam dưới chế độ bảo hộ Pháp: không có tự do, bị bắt bớ tù đày... Cụ Phan soạn “Trung Kỳ Dân Biến Thỉ Mạt Kí, Jules Roux dịch sang Pháp văn để đệ trình chính phủ Pháp nhằm kêu oan cho Trần Quý Cáp và nỗi oan ức của người Việt bị trấn áp sau đợt dân chúng biểu tình xin giảm sưu thuế tại Trung kì, gi thư phản đối chính sách bảo hộ tại Việt Nam.

     Trong 14 năm hoạt động tại Pháp, cụ Phan không ngừng vận động trong giới kiều bào tại Pháp cùng dư luận bản xứ trong nỗ lực vận động duy tân cho nước nhà. Cụ Phan cùng các bạn Việt Pháp dùng phương tiện báo chí, diễn thuyết để hoạt động liên tục trong thời gian này. Lần lượt, cụ Phan và nhóm bạn kiều bào trong Hội đồng bào thân ái tại Paris đã liên tục có những hoạt động theo chủ trương duy tân. Năm 1913, c  ụ viết báo phản đối việc làm thiếu đạo đức của Khâm sứ Mahé trong việc đào lăng vua Tự Ðức tìm vàng, đi diễn thuyết trong tập thể kiều bào, kêu gọi lòng yêu nước hướng về quê hương và thường tiếp xúc với người Pháp có lòng nhân đạo bác ái, bày tỏ nguyện vọng của mình và chỉ trích chính sách cai trị tàn ác của Pháp ở Ðông Dương...

       Năm 1919, Cụ Phan và luật sư Phan Văn Trường đưa ra bản yêu sách 8 điểm gửi Hội nghị Versaillesnăm 1919 mà yêu sách thứ 3 có liên quan đến quyền tự do báo chí và tự do tư tưởng. 

Suốt đời, cụ Phan cho rằng quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận là tiền đề để thực hiện các quyền tự do căn bản khác của người dân. Ta biết rằng khi về nước diễn thuyết về “Đạo đức và luân lý Đông Tây”, cụ có nói thế này: “…chí như đời bây giờ được tự do ngôn luận, được tự do xuất bản, được tự do diễn thuyết thì những người ra lo việc nước, việc đời bên họ biết là bao nhiêu.”

       Một chi tiết khác dưới đây cũng cho thấy thêm niềm xác tín của cụ Phan về quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng: khoảng những năm 1922-1923, cụ Phan và một bạn Việt kiều tên là Trần Lê Luật có ý định thành lập một “diễn đàn“ của người Việt tại Paris. Bản kế hoạch lập “Việt kiều diễn đàn” cho rằng: “Diễn thuyết không bằng cách ‘định luận’, nghĩa là lời diễn thuyết dù phải dù chẳng (phải) không ai được cãi lại, nhưng dùng cách ‘nghịch luận’ để ai nấy được tự do biện luận cho xác lẽ phải chăng”. Điều này cho thấy cụ Phan đã đi sớm trước thời đại mình và xây dựng một quan niệm về đa nguyên tư tưởng rất phù hợp với phương pháp tư duy khoa học hiện đại.

     Nhân chuyến du hành của vua Khải Định sang Pháp dự cuộc đấu xảo tại Marseilles năm 1922, cụ Phan biện soạn một bức thư dài mà về sau được gọi là “Thư thất điều”, gửi cho vua, trong đó cụ hài ra bảy tội lớn của ông vua bù nhìn này: (1) tôn quân quyền, (2) thưởng phạt không công bình, (3) chuộng sự quỳ lạy, (4) xa xỉ vô đạo, (5) phục sức không đúng phép, (6) du hạnh vô độ, (7) sự ám muội trong việc Pháp du. Kết thư, cụ Phan cho rằng không những vua xứng đáng bị phế truất mà chính cái chế độ “quân chủ hiện tại phải truất, mà xét đến nguồn gốc nguyên nhân sâu xa, thời quân chủ các thời đã qua cũng không tránh khỏi búa rìu công luận của quốc dân vậy”.

      Bức thư dài này sẽ hô ứng rất nhịp nhàng với những luận đề chính mà cụ Phan nêu ra trong hai bài diễn thuyết tại Sài Gòn năm 1925, khi cụ về tới Sài Gòn: “Đạo đức và luân lý Đông Tây” và “Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa”.

     Trong những công trình biên soạn thời gian 14 năm tại Pháp và thời gian về tại Sài Gòn, cụ Phan đã lần lượt đưa ra những nét lớn về quan niệm đầy đủ của mình về công cuộc duy tân đất nước toàn diện và triệt để. Công cuộc ấy vẫn thuỷ chung như nhất với chủ trương ban đầu từ những năm xưa, khi vừa dấy khởi phong trào duy tân: “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.

      Thật vậy, nếu trong những năm đầu khi mới phát động duy tân ở quê nhà, cụ Phan chỉ mới kịp đưa ra những tuyên cáo cùng quốc dân về những tệ trạng của đất nước trong chế độ bảo hộ thuộc địa Pháp, và hô hào duy tân cải cách để phế bỏ nguyên do đầu tiên và cuối cùng của tệ trạng ấy (là văn hoá ngu dân nấp dưới vỏ Nho học suy đồi, chế độ quan trường hủ lậu), thì trong thời gian 14 năm tại Pháp, cụ Phan đã có nhiều dịp khai triển rõ thêm những quan niệm chủ trương lớn, làm nên một cương lĩnh chính trị mà cụ theo đuổi cho đến cuối đời. Bàng bạc trong một loạt các công trình biên soạn trong thời gian này, gồm có “Tỉnh quốc hồn ca” (bài 2), Yêu sách 8 điểm gửi hội nghị Versailles, “Thư thất điều”, “Pháp Việt liên hợp hậu chi Tân Việt Nam”, “Đông dương chính trị luận”, “Đạo đức và luân lý Đông Tây” và “Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa”, có thể nói cụ Phan đã đề ra những chủ trương lớn cho một khung chính trị tương lai cho một nước Việt Nam thời duy tân. Trong một nỗ lực nhận diện bước đầu,một nhà hoạt động dân quyền thời hiện đại đã nêu lên những nét chính của cương lĩnh chính trị duy tân này (3). Đáng chú ý là những nét lớn về một cương lĩnh chính trị như kể trên, đặt vào thời điểm những thập niên đầu thế kỉ XX, khi mà cả nước đang chìm đắm trong màn đêm phong kiến & thuộc địa, có thể nhận ra tính chất cách mạng của chủ trương chính trị duy tân do cụ Phan đề ra. Rồi đây, khi cụ Phan qua đời, những trí thức trẻ về sau như Nguyễn An Ninh và Phan Khôi... tiếp tục cổ vũ trên các diễn đàn báo chí trong Nam do các vị này bỉnh bút.

      Chúng ta cũng lại biết rằng, bánh xe lịch sử đã ngăn trở việc thực hiện rốt ráo những chủ trương chính trị duy tân. Khi đất nước giành lại được độc lập từ tay Pháp, năm 1945, nhà nước dân chủ cộng hoà đã thiết lập một chế độ chính trị khác với giấc mơ duy tân Việt Nam mà cụ Phan và các bạn đồng chí đề ra từ những năm đầu thế kỉ.

Theo quan điểm của nhà nước dân chủ nhân dân tại miền Bắc trong giai đoạn 1945 trở về sau, quan điểm duy tân của cụ Phan và các nhà nho cấp tiến đầu thế kỉ XX bị xem là chủ trương chính trị ảo tưởng (vì muốn đòi được tự trị trong tay thực dân Pháp), cải lương nửa vời theo chủ nghĩa dân chủ tư sản dân quyền Pháp trong khi thời đại đã tiến qua kỉ nguyên dân chủ vô sản (4). Tại miền Nam, trong thời kì chia cắt 1954-1975 cũng có những nhà phê bình cho rằng chủ trương chính trị của cụ Phan là không tưởng (2).

      Tuy nhiên, lí luận dù được mệnh danh là khoa học đến đâu thì cũng không qua được thực tiễn cuộc sống. Kể từ khi phong trào duy tân dấy khởi đến nay đã hơm 100 năm, đất nước chúng ta đã trải qua bao nhiêu biến chuyển. Các chế độ cộng hoà nối tiếp nhau trên đất nước ta từ 1945 đến nay không những đã không tạo lập được những chế độ xã hội theo ước nguyện của thế hệ những nhà nho duy tân, mà ngược lại, có thể nói không ngoa rằng cho đến ngày nay, đất nước chúng ta vẫn nguyên vẹn là một xã hội chìm đắm trong đêm trước của một cuộc duy tân đúng nghĩa. 

      Nói như nhà văn Nguyên Ngọc khi dẫn lại một nhận định của một nhà sử học Pháp, những nan đề xã hội Việt Nam vẫn như còn nguyên vẹn sau hơn trăm năm nay (5). Có thể thay nhóm từ nói về chế độ quân chủ hủ bại và chế độ thực dân thuộc địa Pháp trong các tác phẩm của cụ Phan bằng các từ ngữ liên quan đến xã hội hiện tại, chúng ta có thể vẫn nhận ra những nét tương đồng khá lớn của xã hội Việt Nam cách nhau hàng trăm năm. Vẫn là xã hội nhiều tệ nạn, giới cầm quyền ham mê quyền chức mà không vì dân vì nước, vẫn là một nền giáo dục giáo điều, nhồi nhét xa rời thực tiễn...

      Sau những năm tháng dài sống trong chế độ toàn trị, ngày hôm nay, thế hệ thanh niên sinh viên Việt Nam đã và đang trui rèn để vượt qua nỗi sợ mà giúp nhau chấn dân khí trong thời đại mới. Nhưng như thế vẫn chưa nói đủ bức tranh duy tân của thời đại hôm nay, nếu chúng ta dừng lại ở đấy. Không, cụ Phan đã một đời dấn thân hoạt động nhiều mặt, từ viết sách, diễn thuyết, vận động chính trị, xây dựng tổ chức hoạt động chính trị duy tân bất bạo động. Chính cụ đã không ngần ngại tự nhận mình là một “nhà hoạt động chính trị ở vương quốc An Nam”. Cuộc vận động chính trị duy tân ngày hôm nay đang diễn ra dưới dạng thức cập nhật của thời đại. Cũng vẫn là chủ trương khai dân trí và chấn dân khí, các nhóm bạn blogger, những hội quần chúng tại khắp nơi nơi đang xây đắp nền móng cho hoạt động xã hội dân sự. Thế hệ hôm nay đang học tập để vận dụng những sách lược đấu tranh đa dạng mà thế hệ cụ Phan đã từng vận dụng, để thích ứng với hoàn cảnh đất nước hiện tại. Nhà nước toàn trị hiện nay cũng như chính phủ bảo hộ trăm năm trước, ra sức trấn áp hoạt động xã hội dân sự, cũng vì họ rất lo ngại tầm ảnh hưởng của những “diễn biến hoà bình” theo tinh thần duy tân mà cụ Phan đề xướng từ trăm năm trước.

     Xem vậy thì những gì cụ Phan ấp ủ trăm năm trước đến nay vẫn còn tính cách rất mới, rất bức thiết, đòi hỏi quốc dân phải suy ngẫm lại để tiếp tục con đường duy tân ngõ hầu đưa đất nước đi đến phồn vinh và văn minh thật sự. Ngày nay, trên khắp vùng đất nước cũng như tại hải ngoại, phương tiện truyền thông hiện đại đang góp phần của nó trong việc phát huy chủ trương khai dân trí và chấn dân khí, giúp cho thế hệ trẻ tuổi nắm bắt đúng mạch đập của thời đại để nhận ra những gì cụ Phan và thế hệ duy tân đầu tiên đưa ra đến nay vẫn còn nguyên vẹn tính thời sự của nó. Đây chính là những dấu hiệu đáng mừng cho công cuộc duy tân dở dang mà cụ Phan còn để lại cho thế hệ chúng ta.

                                                   Đoàn Xuân Kiên - Hội AH PCT Đà Nẵng

(1)  Nguyễn Hiến Lê, Đông Kinh Nghĩa Thục. Nxb. Lá Bối, 1967; Nguyễn Văn Xuân,  Phong           trào duy tân. Nxb. Lá Bối, 1971

(2)   Xem: Huỳnh Lý, mục từ Phan Châu Trinh trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004; Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên (Q. 5, tập Trung). Tác giả tự xuất bản, 1963.

(3)   Trần Văn Giàu, Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, tập 2, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1975, trang 120.

(4)   Xem: Mai Thái Lĩnh, “Cương lĩnh chính trị của Phan Châu Trinh”, Talawas, 02/11/2010