www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

OCOP: Tiên Phước tính chuyện đường dài

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP ở huyện miền núi Tiên Phước đã đạt được những thành công bước đầu, tạo tiền đề quan trọng cho những năm tới.

Kết quả bước đầu

Ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho hay, để việc triển khai Chương trình OCOP mang lại hiệu quả, lãnh đạo địa phương phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, thành viên ban điều hành và tổ giúp việc của huyện. Đồng thời bố trí cán bộ chuyên trách cấp huyện và giao các đơn vị liên quan phụ trách từng nội dung bộ tiêu chí OCOP của tỉnh để hướng dẫn, tư vấn cho các chủ thể sản xuất. Huyện cũng hướng dẫn các xã bổ sung nhiệm vụ, kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP cho ban chỉ đạo, ban quản lý và cán bộ chuyên trách xây dựng nông thôn mới cấp xã.

Tiên Phước cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt về nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình OCOP. UBND huyện đã mời PGS-TS. Trần Văn Ơn về địa phương trực tiếp hướng dẫn, phổ biến cụ thể nguyên tắc thực hiện và chu trình OCOP cho hơn 150 lãnh đạo các cấp, ngành và chủ thể sản xuất. Trong năm 2018, tại “Phiên chợ xứ Tiên” lần thứ 2, UBND huyện tổ chức trưng bày, chấm chọn được 39 sản phẩm “tiền OCOP” có tiềm năng để phát triển đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP.

Rượu lòn bon của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp – kinh doanh tổng hợp Nhật Linh được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2018. Ảnh: VĂN SỰ
Rượu lòn bon của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp – kinh doanh tổng hợp Nhật Linh được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2018. Ảnh: VĂN SỰ


Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Quảng Nam, sau khi có kế hoạch và hướng dẫn của cấp trên, UBND huyện Tiên Phước chủ động phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam tiến hành khảo sát, lựa chọn 3 chủ thể đang hoạt động sản xuất - kinh doanh để vận động, hỗ trợ xây dựng thí điểm 4 sản phẩm OCOP năm 2018, gồm: rượu lòn bon của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp - kinh doanh tổng hợp Nhật Linh; tiêu Tiên Phước của Công ty TNHH Sơn Tiến; tinh dầu sả và tinh dầu quế của Hợp tác xã Nông dược xanh Tiên Phước.

Ông Phùng Văn Huy cho biết, ngay khi được lựa chọn, trên cơ sở góp ý, định hướng của huyện và chuyên gia tư vấn OCOP, các chủ thể của 4 sản phẩm trên khẩn trương hoàn thiện kế hoạch sản xuất - kinh doanh. UBND huyện hỗ trợ gần 600 triệu đồng cho các tổ chức kinh tế này nâng cấp một phần nhà xưởng, thiết bị và thường xuyên đôn đốc các chủ thể nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, chuẩn hóa nội dung bao bì và nhãn mác cũng như thực hiện việc công bố chất lượng sản phẩm theo quy định hiện hành.

“Sau khi kiểm tra đạt yêu cầu, UBND huyện và Ban điều hành OCOP huyện chỉ đạo các ngành liên quan hướng dẫn các chủ thể xây dựng, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm để tham đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2018. Ở cấp tỉnh, cả 4 sản phẩm đều được xếp hạng và công nhận 4 sao” - ông Huy nói.

Tính chuyện đường dài

Năm 2019, huyện Tiên Phước có 15 sản phẩm (của 11 chủ thể) đăng ký tham gia thực hiện Chương trình OCOP, như nếp cái Hương Bầu, sữa chua nếp cẩm, cam giấy, tinh bột nghệ, dầu mè đen... Ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho hay, lãnh đạo huyện đã yêu cầu ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương tiến hành khảo sát thực tế, làm việc cụ thể với các chủ thể để biết họ đã có gì và đang cần gì. Trên cơ sở đó, huyện sẽ đưa ra hướng hỗ trợ phù hợp, hiệu quả nhất.

“Qua nắm bắt thông tin, hầu hết chủ thể có sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2019 của Tiên Phước cần huyện hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà xưởng và đầu tư mua sắm trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, chế biến. UBND huyện đã bố trí hơn 2 tỷ đồng hỗ trợ các chủ thể và dành khoản kinh phí không nhỏ hỗ trợ các chủ thể trong việc thiết kế, in ấn bao bì, nhãn mác. Huyện cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho những đơn vị liên quan trong việc giúp các chủ thể xây dựng thương hiệu sản phẩm, đăng ký chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... Đặc biệt, UBND huyện đã và đang xúc tiến thuê các đơn vị, chuyên gia tư vấn OCOP có uy tín về địa phương hướng dẫn, hỗ trợ 11 chủ thể thực hiện bài bản các bước trong việc xây dựng 15 sản phẩm OCOP của năm 2019” - ông Huy nói.

Để việc thực hiện Chương trình OCOP mang lại hiệu quả cao và có tính bền vững, theo ông Huy, ngoài việc tập trung chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành liên quan, cần đẩy mạnh khâu tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân, các chủ thể sản xuất hiểu biết sâu rộng về Chương trình OCOP. Hằng năm, hướng dẫn chính quyền các địa phương xác định những sản phẩm có thế mạnh để tham gia chương trình, trong đó chú trọng xây dựng sản phẩm mang tính vùng miền, đặc sản gắn với các sản phẩm kinh tế vườn, kinh tế trang trại của huyện đang thực hiện.

Bên cạnh đó, linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ và hướng dẫn các xã xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho Chương trình OCOP như đậu phụng, tiêu, quế, sả, củ sam, cây ngãi... Đặc biệt, chú trọng việc xúc tiến thương mại, kết nối thị trường tiêu thụ nhằm đảm bảo đầu ra sản phẩm cho người dân và các chủ thể sản xuất tham gia chương trình.

                                                             Văn Sự - Báo Quảng Nam