Oái ăm cảnh nhà bị vây bốn phía, hơn 60 tuổi phải leo hàng rào
Mua đất mà “quên” mua con đường đi khiến gia đình bà Nguyễn Thị Thới (62 tuổi, thôn 5, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước) rơi vào cảnh hết sức oái ăm: nhà bị hàng xóm bít lối đi, vây tứ cận, muốn vào nhà thì phải leo hàng rào!
Theo lời bà Nguyễn Thị Thới, trước kia gia đình bà ở khu vực đập Đá Vách, do một biến cố đau thương xảy ra với gia đình nên năm 1994 họ chuyển nhà vào tổ 6 (thôn 5) để mua đất làm nhà.
Do không có đường dân sinh hiện hữu nên gia đình bà Thới chọn cách đi phía sau nhà, tắt qua vườn của ông L.V.D. (hướng Đông Bắc - PV) để ra đường chính.
“Cách đây chừng một năm thì ông D. đổ đất xây tường rào bít hoàn toàn hướng mặt sau nhà tôi nên gia đình không có đường để đi. Tháng 3.2020, tôi có đề nghị chính quyền địa phương đến can thiệp, hòa giải nhưng ông D. không đồng ý nhượng một phần đất cho gia đình tôi mở một lối đi” – bà Thới nói.
Không còn đường đi, gia đình bà Thới đành phải đi theo hướng phía trước nhà (hướng Tây - PV), tắt qua mảnh vườn của ông N.V.C. rồi men theo ruộng để ra đường giao thông. Oái ăm thay, gần đây, ông C. lại rào nốt mảnh vườn lại, khiến nhà bà Thới không còn đường đi lại. Cùng với đó, hai mặt còn lại của mảnh đất bà Thới đều giáp với nhà dân hiện hữu nên rơi vào cảnh bị vây tứ cận.
“Từ khi ông C. dùng lưới B40 để rào vườn lại thì gia đình càng thêm bức bí, muốn ra bên ngoài phải… leo qua hàng rào. Tôi cũng lớn tuổi rồi nên lo lỡ ngã thì gãy xương. Gia đình cũng đề nghị họ bán cho ít đất để làm đường ra vô mà họ không đồng ý. Còn chuyển nơi khác sống thì hoàn cảnh khó khăn, không đủ tiền để mua đất, làm nhà” – bà Nguyễn Thị Thới thở dài.
Ông Lê Trường Hiền – Chủ tịch UBND xã Tiên Cảnh cho biết, tháng 3.2020 khi nhận đơn kiến nghị từ bà Nguyễn Thị Thới, chính quyền xã này đã tổ chức cuộc hòa giải nhưng bất thành. Chính vì vậy, xã có hướng dẫn bà Thới khiếu nại lên Tòa án huyện Tiên Phước để được giải quyết.
“Từ năm ngoái đến nay chưa thấy bà Thới gửi đơn kiến nghị lại lên xã. Đây là quan hệ dân sự nên UBND xã cũng chỉ có thể giải quyết theo hướng hòa giải, vận động hai bên thỏa thuận để hài hòa mà thôi” – ông Hiền nói.
Câu chuyện oái ăm của bà Thới chỉ được giải quyết khi tình làng nghĩa xóm được đặt lên trên hết và chính quyền địa phương quan tâm hơn trong công tác vận động, hòa giải.
D.Lệ - Đ.Đạo, Báo Quảng Nam