www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Ô nhiễm môi trường do tái chế quặng vàng trái phép

Các xã Tiên Lập (Tiên Phước) và Tam Lãnh (Phú Ninh) đề ra mục tiêu chậm nhất là vào năm 2015 sẽ hoàn thành tiêu chí về môi trường trong bộ tiêu chí nông thôn mới. Tuy nhiên, tình trạng tuyển vàng trái phép tại khu dân cư gây ô nhiễm môi trường vẫn chưa được xử lý triệt để.

 

           Bộ tiêu chí về môi trường bao gồm nhiều hạng mục như nước sạch hợp vệ sinh; chất thải, nước thải được thu gom đúng quy định; các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường… Theo chính quyền các xã trên, vấn đề nan giải nhất để hoàn thành tiêu chí này là làm sao kiểm soát tới mức tối đa tình trạng người dân tái chế quặng bằng chất độc cyanua. Việc sử dụng hóa chất để tuyển vàng, rồi xả chất thải vô tội vạ diễn ra nhiều năm nay khiến môi sinh tại các địa phương này bị đe dọa nghiêm trọng. Truy quét rồi tịch thu, đập phá máy móc, song tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.


         Một cán bộ công an xã Tam Lãnh cho biết, cách ngâm quặng với cyanua rất đơn giản, nhưng độc hại. Mỗi lần đi truy quét về, anh em ai cũng mệt lã người vì hít phải chất độc. Mỗi “thòn” tuyển quặng có hai hồ, một hồ mẹ và một hồ con (theo cách gọi của người làm vàng) được dựng bằng ván và lót bạt chống thấm xung quanh. Hồ mẹ cao hơn hồ con khoảng nửa mét, chứa từ 1 - 2 khối quặng. Sau đó, dân làm vàng sẽ đổ từ 3 - 5kg cyanua vào ngâm vài ngày. Từ hồ mẹ sẽ bắt một ống nước nhỏ để vàng được lọc ra chảy trực tiếp về hồ con. Sau khi tuyển lấy vàng từ hồ con, nước hóa chất ở hồ mẹ thải trực tiếp ra môi trường, sông suối. Mỗi “thòn” như vậy nếu trúng có thể thu từ 2 - 3 chỉ vàng, ít nhất cũng hơn 1 chỉ, vì thế mà nhiều người dân bất chấp…

 

Các “lò” tuyển quặng bằng hóa chất cyanua dày đặc dọc bờ sông Quế Phương. Ảnh: VĂN HÀO
Các “lò” tuyển quặng bằng hóa chất cyanua dày đặc dọc bờ sông Quế Phương.

 

        Đi dọc sông Quế Phương, nơi giáp ranh giữa Tiên Lập và Tam Lãnh, chúng tôi ghi nhận tình trạng làm vàng trái phép ở các khu dân cư vẫn đang diễn ra rầm rộ. Những chiếc xe máy chỉ còn bộ khung, không còi, không gương, nổ lạch bạch do các thanh niên điều khiển phóng bạt mạng, chở theo sau là những bao tải quặng. Dòng sông này bị “bức tử” bởi chất thải độc hại xả trực tiếp từ việc tuyển quặng, tuy nhiên nhiều năm nay vẫn chưa được các địa phương xử lý rốt ráo. Ông Bùi Quang Minh - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh thừa nhận tiêu chí môi trường và an ninh trật tự là 2 tiêu chí mà địa phương khó đạt được nhất. “Năm nay, địa phương kiên quyết xử lý tình trạng này nhằm đạt được tiêu chí môi trường. Mới đây, chúng tôi phối hợp xử lý tại khu Ao Sen (thôn Bồng Miêu) và tịch thu 500 khối xái quặng. Thời gian tới sẽ gửi giấy mời yêu cầu các hộ tuyển vàng trái phép tại nhà lên ủy ban trực tiếp làm việc và ký cam kết thực hiện, bắt buộc thu gom tất cả xái quặng tại nhà giao cho chính quyền tìm cách xử lý” - ông Minh nói.

         Ông Huỳnh Văn Điểu - Chủ tịch UBND xã Tiên Lập cho biết người dân địa phương qua bên Tam Lãnh lấy đá quặng về xay rồi ngâm hóa chất lọc vàng, đặc biệt từ khi Công ty Vàng Bồng Miêu tạm ngừng hoạt động thì tình trạng người dân sang lấy xái quặng có chiều hướng tăng. “Cuối năm 2014, địa phương quyết tâm hoàn thành tiêu chí về môi trường. Hiện chúng tôi đang lên phương án “cứng”, đó là sẽ tập trung lực lượng tổng truy quét, phá hủy toàn bộ các hồ tuyển quặng. Nếu phát hiện hồ nào sử dụng chất cyanua thì sẽ dùng muối sống đổ vào để khử trực tiếp, tránh gây ô nhiễm môi trường” - ông Điểu nói.

          Để đạt được tiêu chí môi trường như kế hoạch, các địa phương cần đảm bảo các “tiêu chí nhỏ” khác như nước sạch, thu gom rác thải… Và trong thời gian tới, nếu tình trạng lén lút tuyển quặng tại nhà vẫn còn tiếp diễn thì các địa phương trên khó đạt được tiêu chí này theo như lộ trình. 

                                                    Văn Hào - Minh Khải, Báo Quảng Nam