www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Nông dân vượt khó làm giàu

Trong ba năm qua (2014 - 2017), nhiều nông dân trên địa bàn huyện Tiên Phước đã nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu trở thành những điển hình tiêu biểu. Trang địa phương tháng 9 giới thiệu một số gương nông dân sản xuất giỏi ở vùng quê Tiên Phước...

 

 

Mô hình trồng tiêu của vợ chồng anh Nguyễn Hai - chị Thu Ba, xã Tiên Hiệp. Ảnh: H.H
Mô hình trồng tiêu của vợ chồng anh Nguyễn Hai - chị Thu Ba, xã Tiên Hiệp. Ảnh: H.H

Trồng cam, làm giàu

Ở vùng quê Sơn Cẩm Hà ai cũng biết “vườn cam ông Hội” ở thôn Tiên Tráng, xã Tiên Hà. Ông Phan Văn Hội là một cựu chiến binh từng tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường K.  Về với đời thường, ông lập gia đình, lần lượt sinh 4 người con, bên cạnh niềm vui, niềm hạnh phúc là nỗi lo cơm áo gạo tiền. Ông Hội không quản ngại một công việc gì, từ cày thuê, cuốc mướn, làm ruộng, vỡ đất hoang trồng khoai sắn để nuôi sống gia đình. Khi cái nghèo, cái đói dần được đẩy lùi cũng là lúc ông bắt tay thực hiện ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê. Qua nghiên cứu nhu cầu thị trường và học hỏi kinh nghiệm trên các phương tiện thông tin đại chúng và những người đi trước, năm 2006, ông Hội tận dụng những gốc cam còn sót lại trong vườn nhà sau chiến tranh để nhân giống phát triển loại cây trồng này trên khu đất rộng hơn 5.000m2 của gia đình. Ban đầu trồng cam với số lượng lớn, lại chưa có nhiều kinh nghiệm, nên cây cam bị sâu đục thân gây hại, phát triển kém. Không nản chí, ông đến Trạm Bảo vệ thực vật huyện nhờ “kê đơn, bốc thuốc” về cứu chữa vườn cam.

Với hơn 100 cây cam cho trái đã tạo cho gia đình ông Phan Văn Hội (xã Tiên Hà) nguồn thu gần 100 triệu đồng mỗi năm.
Với hơn 100 cây cam cho trái đã tạo cho gia đình ông Phan Văn Hội (xã Tiên Hà) nguồn thu gần 100 triệu đồng mỗi năm.

Qua thực tế chăm sóc vườn cam khi bị sâu bệnh, ông Hội tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu. Ngoài việc tìm tòi, học hỏi những kiến thức khoa học kỹ thuật mới, ông còn chú trọng sản xuất phân hữu cơ, xây dựng hệ thống nước tưới để bón chăm cho vườn cam. Nhờ vậy, vườn cam của ông phát triển ngày càng xanh tốt và cho mùa quả ngọt đầu tiên. Đến thời điểm hiện tại, ông đã có hơn 400 cây cam, trong đó hơn 100 cây đã cho quả, sản lượng đạt 3 - 5 tấn quả/năm, thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng.

Ông Hội cho biết: “Quả cam mình trồng hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu, là loại trái cây sạch nên rất được thị trường ưa chuộng, giá cả luôn ổn định ở mức hơn 20.000 đồng/kg tại vườn. Đặc biệt từ khi có chuyến xe Tiên Phước - Đà Nẵng chạy qua địa bàn xã Tiên Hà, việc tiêu thụ cam thuận lợi hơn nhiều do thị trường được mở rộng đến Tam Kỳ, Hội An, Đà Nẵng …”. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Hội còn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ người dân trong thôn cùng làm vườn trồng cam. Nhờ vậy, trên địa bàn thôn Tiên Tráng đã có thêm hàng chục hộ trồng cam tạo nguồn thu nhập ổn định. Ông Lê Hồng Phong - Chủ tịch hội nông dân xã Tiên Hà cho biết: “Từ thành công của anh Phan Văn Hội, chúng tôi khuyến khích động viên bà con nông dân xây dựng vườn nhà xanh, sạch, đẹp, hiệu quả, gắn phát triển kinh tế với phục vụ nhu cầu du lịch sinh thái, xây dựng huyện Tiên Phước mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng theo chủ trương của tỉnh, huyện”.

Gắn bó với cây tiêu

Ở tuổi 50, ngày nào ông Nguyễn Văn Trung trú tại thôn 5, xã Tiên An cũng ra vườn chăm sóc vườn tiêu của gia đình. Với lợi thế vườn rộng lại có nguồn nước tự chảy đảm bảo lượng nước tưới quanh năm, ông Trung cải tạo khu đất vườn rộng hơn 3.000m2, trồng hơn 200 choái tiêu. Ông Trung cho biết, năm 1986, ông lập gia đình, lúc mới ra riêng cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, phải bôn ba nhiều nơi làm đủ nghề để mưu sinh. Năm 2000 ông quyết định trở về quê khôi phục lại vườn tiêu, cho dù lúc đó giá tiêu Tiên Phước còn thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao.

Năm 2012, HĐND huyện Tiên Phước ban hành Nghị quyết số 18 về hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, trong đó có hỗ trợ cho những hộ trồng giống tiêu Tiên Phước. Bấy giờ, hạt tiêu khô Tiên Phước được giá trở lại nên ông Trung quyết tâm khôi phục vườn tiêu của gia đình. Với tính siêng năng, cần cù, chịu khó và có kiến thức học được từ những đợt tập huấn và qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông Trung  chăm sóc vườn tiêu lên xanh tốt. Trong số 200 choái tiêu đang phát triển, có 60 choái cho thu hoạch với sản lượng ban đầu xấp xỉ 1tạ hạt tiêu khô. Với giá hạt tiêu khô Tiên Phước dao động 600 - 650 nghìn đồng/kg, mỗi năm gia đình ông thu nhập gần 50 triệu đồng.

“So với các loại cây trồng trong vườn nhà, tôi thấy cây tiêu cho hiệu quả kinh tế cao. Chỉ 3 năm trồng và chăm sóc, cây tiêu bắt đầu ra trái, cho thu hoạch” - ông Nguyễn Văn Trung cho biết. Cùng với cây tiêu, vợ chồng ông Trung còn trồng được hơn 7ha keo, 7 sào sa nhân, thanh trà, sầu riêng, măng cụt và nuôi 6 con trâu, bò, làm 5 sào ruộng cấy giống nếp cái hương bầu. Tổng thu nhập từ các loại cây trồng, con vật nuôi khác mỗi năm hơn 150 triệu đồng. Ông Cái Văn Nễ - Chủ tịch Hội nông dân xã Tiên An, nói: “Ông Trung là một trong những hộ nông dân của xã đi tiên phong trong việc phục hồi lại giống tiêu bản địa và cho hiệu quả kinh tế cao. Hội nông dân xã sẽ tiếp tục tận dụng nguồn vốn từ Đề án 548 về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với du lịch sinh thái làng quê của huyện Tiên Phước giúp bà con nhân rộng, phát triển cây tiêu trên địa bàn”.

Đa dạng hóa mô hình

Nói đến Tiên Hiệp người ta nghĩ ngay đến cây thanh trà, nhưng những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trong xã còn chú trọng phát triển giống tiêu Tiên Phước, phát triển các loại hình dịch vụ tạo nguồn thu nhập ổn định. Vợ chồng anh chị Nguyễn Hai - Nguyễn Thị Thu Ba ở thôn 5, xã Tiên Hiệp là một trong những hộ vượt khó, vươn lên bằng mô hình trồng tiêu kết hợp trồng rừng và dịch vụ buôn bán, vận tải. Lúc mới lập gia đình, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, tay làm không đủ hàm nhai. Chị Thu Ba nhớ lại, ngày hai vợ chồng mới ra riêng, tài sản không có gì ngoài căn nhà tạm bợ. Tiền dành dụm được sau ngày cưới chỉ đủ mua một con trâu phục vụ sản xuất. Ba đứa con lần lượt ra đời khiến cuộc sống của gia đình anh chị vốn khó khăn lại càng thêm chật vật. Thế rồi với sức trẻ, tính năng động và sự chịu thương chịu khó, anh chị đã không quản ngại công việc nào. Chăn nuôi heo, mở dịch vụ xay xát, kinh doanh ăn uống, bán hàng tạp hóa đến làm đậu phụ, rồi cắt keo thuê, rồi kinh doanh dịch vụ vận tải... nhờ thế, kinh tế gia đình anh chị khấm khá dần lên.

Bây giờ vợ chồng anh chị Nguyễn Hai - Nguyễn Thị Thu Ba đã có một cuộc sống ổn định, con cái khôn lớn trưởng thành, nhà cửa xây dựng khang trang. Chồng kinh doanh dịch vụ vận tải, vợ buôn bán thực phẩm tươi sống. Công việc bộn bề nhưng anh chị vẫn dành thời gian xây dựng vườn tiêu hơn 200 choái phát triển xanh tốt.

Chị Nguyễn Thị Thu Ba tâm sự: “Thấy người ta trồng tiêu cho hiệu quả kinh tế cao, vợ chồng tôi cũng bàn tính trồng giống tiêu Tiên Phước. Do ban ngày bận rộn với công việc đồng áng, chợ búa nên hai vợ chồng tranh thủ ban đêm kéo điện ra thắp sáng để chăm sóc, bón phân, tưới nước cho vườn tiêu”. Để có được mô hình này, bên cạnh sự tự thân nỗ lực vượt khó của vợ chồng anh chị, còn có sự quan tâm, giúp đỡ kịp thời của Hội nông dân xã và chính quyền địa phương. Hội đã phát huy vai trò là cầu nối giữa nông dân với chính quyền, tạo điều kiện để vợ chồng anh chị được tham gia các lớp tập huấn  nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật, tiếp cận các cơ chế hỗ trợ của huyện để phát triển kinh tế gia đình.

Bà Phạm Thị Nghi - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Hiệp cho biết: “Trước đây, gia đình anh chị Nguyễn Hai - Nguyễn Thị Thu Ba thuộc diện khó khăn, nhưng nhờ ý chí, nghị lực, vợ chồng trẻ đã phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ổn định. Gắn bó với quê và làm giàu trên mảnh đất quê, gia đình anh chị  là tấm gương tiêu biểu để mọi người học tập, làm theo”.

                       Phạm Hoàng - Nguyễn Hưng, Báo Quảng Nam