Nhiều nông dân phấn khởi vì lòn bon được mùa, được giá
Thời điểm này, nhiều địa phương miền núi Quảng Nam đang vào mùa thu hoạch quả lòn bon. Năm nay, lòn bon vừa được mùa vừa được giá khiến bà con rất phấn khởi.
Ghi nhận của báo Lao Động, trong khu vườn của bà Trần Thị Hường (xã Tiên Châu), lòn bon đang vào mùa chín rộ, đợi tiểu thương tới mua.
Bà Hường cho biết: “Năm nay, thời tiết thuận lợi, từ tháng 6, cây bắt đầu ra hoa, đến nay cho thu hoạch rộ. Tôi bán đợt này là đợt thứ hai, đợt đầu bán với giá 30 nghìn đồng/kg, thu được 15 triệu đồng. Nếu bán hết cả vườn 50 cây này thu được khoảng 30 triệu đồng”.
Người dân miền núi Quảng Nam phấn khởi vì năm nay lòn bon được mùa được giá. Ảnh Hoàng Bin/báo Lao Động.
Cũng như bà Hường, hàng trăm hộ dân ở các xã Tiên Châu, Tiên Cảnh, Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước… đang háo hức thu hoạch lòn bon vụ chính. Những ngày này, khắp chợ quê Tiên Phước, cảnh kẻ bán người mua lòn bon rất nhộn nhịp.
Chị Nguyễn Thị Thuyền, một tiểu thương cho biết: “Mỗi ngày, cơ sở của chị thu mua từ 1 - 2 tấn lòn bon để chuyển đi các mối tại Tam Kỳ, Đà Nẵng, một phần để lại ở nhà bán. Đây là loại đặc sản một năm chỉ có một lần nên khách rất ưa chuộng, giá bán năm nay cao hơn mọi năm từ 10.000 – 15.000 nghìn đồng/kg.
Năm nay nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Nam Giang có thu nhập khá nhờ trồng lòn bon. Ảnh: báo Quảng Nam
Tại huyện miền núi Nam Giang, nhiều năm nay, cây lòn bon được người dân chọn để trồng xen kẽ với nhiều loại cây ăn quả khác trong vườn, nhằm đa dạng mô hình thâm canh trồng trọt.
Vườn đồi nhà anh Blúp Yêu ở thôn Vinh, xã Tà Pơơ (Nam Giang) có hơn 50 cây lòn bon đang vào mùa thu hoạch. Gia đình anh trồng cây lòn bon xen kẽ với nhiều loại cây ăn quả khác trong vườn.
Theo anh Blúp Yêu, lòn bon thích hợp những nơi có bóng râm, nhất là lúc ra hoa, kết quả cây cần sự mát mẻ và ít gió, vì vậy lâu nay dân bản địa luôn để cây phát triển trong môi trường tự nhiên. Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tà Pơơ có thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng dù đang đầu mùa thu hoạch lòn bon.
Kề sát vườn cây ăn quả của Blúp Yêu, là vườn lòn bon hơn 20 năm tuổi với khoảng 300 cây của bà Alung Ích, đang vào mùa thu hoạch, trái chín trĩu cành. Khu vườn lòn bon này chỉ cách nhà bà Ích vài phút đi bộ.
Lòn bon còn có tên gọi rất đẹp: "Nam trân" (ngọc quý phương Nam). Ảnh: báo Lao Động
Bà Alung Ích nói, việc trồng lòn bon ngay tại vườn đồi của gia đình rất thuận tiện cho chăm sóc và thu hoạch. Bình quân mỗi cây cho năng suất hơn 50kg quả, với giá mua tại chỗ dao động 25 đến 30.000 đồng/kg. Mới vào mùa, nhưng gia đình bà Ích thu được vài chục triệu đồng.
"Trước đây tôi là hộ nghèo của thôn, nhưng từ khi phát triển mô hình trồng cây lòn bon kết hợp với mô hình chăn nuôi, gia đình tôi đã đăng ký thoát nghèo và hiện nay không còn hộ nghèo nữa", bà Alung Ích vui vẻ nói.
Trao đổi với báo Quảng Nam, ông Zơ Râm Thực, Chủ tịch UBND xã Tà Pơơ cho biết, hiện trên địa bàn xã có hơn 150 hộ trồng cây lòn bon, với diện tích ước hơn 40ha. Những năm qua, địa phương tích cực vận động nhân dân phát triển cây lòn bon - loại cây dễ trồng, sinh trưởng tốt, đặc biệt phù hợp với thổ nhưỡng miền núi.
"Trái lòn bon của địa phương có vị ngon và ngọt hơn ở các vùng khác nên được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Thu nhập bình quân hằng năm của người dân từ quả lòn bon từ 10 đến 15 triệu đồng, có hộ từ 50 đến 70 triệu đồng như hộ chị Coor Đới, Bhơ Nướch Nhao - thôn Pà Tôíh, chị Zuông Năm, Đinh Thị So - thôn Vinh...", ông Zơ Râm Thực chia sẻ.
Theo Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Tiên Phước, lòn bon là loại cây dễ trồng, ít tốn kém công chăm sóc, chi phí đầu tư, chỉ sau một thời gian trồng cho sản lượng trái khá lớn, đem lại giá trị kinh tế cao.
Với gần 120ha cây lòn bon cho quả, hàng năm, nếu trúng mùa lòn bon, toàn huyện có thể cho sản lượng khoảng 600 tấn, mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp nhiều hộ dân miền núi giảm nghèo bền vững. Trong thời gian tới, huyện sẽ nhân rộng mô hình trồng cây lòn bon, kết hợp với phát triển du lịch sinh thái.
Minh Hoa - Báo Người Đưa Tin