www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Nhân cách Huỳnh Thúc Kháng

Nghèo khó không nản chí. Trong “Tự truyện” cụ Huỳnh có nói đến hoàn cảnh nhà nghèo, nghèo đến mức không đủ tiền mua sách để đọc, lại phải đi học thầy ở những nơi rất xa, nhưng không vì thế mà nản chí học tập. Mới 12 tuổi đã phải trải qua đủ mùi đắng cay” do “hoàn cảnh bách biến, gia tình ngàn mối, quỷ dịch quấy nhiễu…”, nhưng Huỳnh Hanh (tên lúc nhỏ của cụ Huỳnh) vẫn cố công đèn sách để đến năm 16 tuổi lều chõng ra Huế dự thi Hương, đỗ tú tài, khiến người đến xem “đông như kiến ổ”.

Năm 25 tuổi, với tên mới là Huỳnh Thúc Kháng, cụ đi thi Hương đỗ đầu  cử nhân, được người đương thời xếp vào “Tứ Hổ” của giới sĩ tử tỉnh nhà. Năm 29 tuổi, vào thi Hội lại đỗ đầu (Hội nguyên). Như vậy, Huỳnh Thúc Kháng đã đỗ song nguyên (Hương nguyên và Hội nguyên). Nho học ở Quảng Nam chỉ có cụ và trước đó là cụ Phạm Phú Thứ đạt được danh hiệu này. Đến khi vào thi Đình, Huỳnh Thúc Kháng đỗ tam giáp đồng tiến sĩ.

Với Huỳnh Thúc Kháng, học trước hết là để đáp ứng ý nguyện của gia nghiêm “làm người dân biết chữ trong làng”, cao hơn nữa là để đem kiến thức ra giúp ích cho đời, để “làm cho hết nghĩa vụ một người đối với nhân quần xã hội”. Cụ cảnh tỉnh cho những ai “Nếu mới cắp sách đến trường mà trong não đã mơ tưởng đến chức kia hàm nọ, thấy người ta xuống ngựa lên xe, mà cũng ước ao cho được cửa cao nhà rộng, thì cái bã hư vinh, cái mồi phú quý ấy chắc không sao nhắc ta lên cái địa vị làm một người chân chính ở đời được. Vậy ai muốn khỏi cái tiếng hư vinh thì cần phải “học để làm người” (Tiếng Dân, 17.5.1930).

Quen với cuộc sống nhà nông nghèo, phác dã thuở thiếu thời nên đến khi đã ra Huế làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ, rồi Chủ bút Báo Tiếng Dân, Huỳnh Thúc Kháng vẫn giữ cho mình cuộc sống thanh bần, chất phác. Cụ đứng ra lập Công ty Huỳnh Thúc Kháng nhưng chẳng có đồng nào góp vốn mà phải nhờ những người có nhiều cổ phần cho mượn để có điều kiện hợp pháp đứng tên trong nhóm sáng lập. Nhà cụ tại Huế đơn sơ, không sẵn giường chiếu sang, ăn uống chỉ rau muống, muối mè, nước mắm. Cụ trang phục giản dị, đến mức cộng sự của cụ là ông Anh Minh cho rằng “khi gặp ngoài đường, nếu ai không biết cụ, thấy cái vẻ lài xài, quần nhàu bấn, ống cao ống thấp, đội cái mũ dạ  cũ rích, không khỏi cho là ông lão nhà quê nào!”.

Căn nhà nơi cụ Huỳnh sống những năm cuối đời ở Quảng Ngãi. Ảnh: L.QUÂN
Căn nhà nơi cụ Huỳnh sống những ngày cuối đời ở Quảng Ngãi. 

Giàu sang không xiêu lòng

Gia sản của cụ chẳng giàu có  gì, chỉ là mấy sào ruộng và ngôi nhà tranh được người vợ tảo tần lợp lại mái ngói. Nhất là khi mới ra tù Côn Đảo về lại quê nhà, phải sống cảnh “Nửa cánh cửa tre bàn lấp bụi/ Một vuông vườn quế cỏ thành cồn” (Thi tù tùng thoại), thế mà cụ vẫn chối từ làm việc ở Viện Viễn Đông Bác Cổ với mức lương tháng khá hậu hĩnh do chính quyền thực dân đưa ra, bởi cụ nhất quyết “Giàu sang lợi lộc đừng tham/ Chông gai cay đắng cũng cam một bề”.

Cụ quan niệm sự nghiệp to lớn của một con người phải ở chỗ xem lời nói và việc làm trong đời mình có giúp ích được gì cho nhân quần xã hội hay không, mình có làm được ba cái “bất hủ” (không tiêu diệt được) là lập đức, lập công và lập ngôn với đời hay không, còn như “chỉ giàu sang suông, không phải là sự nghiệp” (Tiếng Dân, 22.2.1933).

Chính với quan niệm sống như vậy nên thời gian làm chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Tiếng Dân, nếu chấp nhận đăng những bài quảng cáo sai sự thật, hay in sổ sách giấy tờ công sở mà Tòa Khâm sứ Pháp ở Trung kỳ muốn giao cho (trong khi các nhà in khác phải qua đấu thầu) thì sẽ tăng thêm thu nhập, nhưng Huỳnh Thúc Kháng vẫn lấy cớ “nhà in không đủ sức” để khước từ. Cụ khẳng quyết nhà báo không phải nơi làm giàu. Đầu năm 1946, biết tin cụ vừa từ Huế ra Hà Nội theo lời mời tham gia Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Hải Thần liền mở tiệc mời cụ đến dự và đặt vấn đề Việt Nam Cách mạng đồng minh hội sẽ lo chỗ ở cho cụ là một biệt thự sang trọng, có người hầu hạ, nhưng liền bị cụ khước từ. Nhìn thấy Nguyễn Hải Thần với vợ Tàu, bàn đèn, thuốc phiện, cụ ngao ngán nói với người thư ký của mình: “Làm cách mạng sướng thật! thấy bàn đèn, thấy mụ vợ Tàu trẻ, tự nhiên hết tin tưởng”.

Ngược lại, khi nghe ông Nguyễn Xương Thái trình bày lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chú thưa với cụ Huỳnh, khi xưa làm quan là hưởng đỉnh chung, bây giờ chúng ta làm việc cho dân, cho nước, gọi là công bộc”, và “cụ Huỳnh đã hy sinh nhiều, xin cụ hy sinh thêm” thì cụ nói: “Từ bữa ra đây đến nay thấy công việc quá nhiều và thương Cụ Hồ quá vất vả. Đành rằng mình vẫn một lòng với cụ, chớ nhận Bộ trưởng thì Tiếng Dân sẽ ra sao?”. Ông Nguyễn Xương Thái trả lời “Tiếng Dân phải có ban quản trị mới thay cụ” thì cách mấy ngày sau cụ đồng ý giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Liên hiệp lâm thời (Hồi ký của ông Nguyễn Xương Thái), sau đó là Chính phủ Liên hiệp kháng chiến thành lập ngày 2.3.1946 tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Uy vũ không khuất phục

Bản tính cụ Huỳnh ngay thẳng, cương trực, ghét dua nịnh, không sợ cường quyền áp chế. Cái tính ngay thẳng của cụ biểu lộ ở cả những cử chỉ nhỏ nhất trong sinh hoạt hàng ngày, đến cắt một quả chanh cũng không bao giờ cắt xiên, bởi như cụ nói: “Đời tôi không biết xiên!”.

Thực dân Pháp tưởng có thể đem tù tội giam cầm ra khuất phục ý chí của Huỳnh Thúc Kháng, nhưng chúng đã thất bại. Tháng 3.1908, nhân đàn áp phong trào xin sưu khất thuế ở Quảng Nam, để phòng bất trắc Pháp cho cả một lực lượng quan quân gồm viên đề đốc tỉnh, 2 viên quan đồn binh Pháp, lại đèo theo 20 lính tập chia đường kéo đến làng Thạnh Bình bắt cụ, nhưng cụ vẫn giữ “thái độ thản nhiên, cười nói như thường” (Tự truyện).

Chính sự ngay thẳng, không sợ cường quyền áp chế của cụ Huỳnh đã làm giới cai trị Pháp ở Trung kỳ, và cả giới cai trị Pháp ở Đông Dương nhiều lúc phải nổi xung, nhưng không thể khuất phục được cụ. Viên Toàn quyền Pasquier vừa có bài diễn văn ở Paris liền bị Huỳnh Thúc Kháng cho đăng một loạt bài trên báo Tiếng Dân chỉ ra những sai lầm, sai trái của y. Tiếp sau Pasquier, Varenne, nguyên Toàn quyền Đông Dương đọc bài diễn văn tại Hạ nghị viện Pháp cũng bị Huỳnh Thúc Kháng đăng bài phản bác từng ý một. Khi viên Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp Paul Reynaud sang Đông Dương, Huỳnh Thúc Kháng liền có bức thư dài chỉ ra những cái “biến” (hay là “một cuộc rối loạn”) trong đời sống chính trị ở xứ thuộc địa này, gồm sĩ biến, nông biến, thương biến, công biến, phụ nữ biến, quý tộc biến, quan trường biến, như là một sự cảnh cáo đối với chính sách cai trị của Pháp.

Vừa làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ, Huỳnh Thúc Kháng đã đưa ra yêu sách đòi quyền dân chủ, vạch trần thủ đoạn mỵ dân của Pháp, khiến cho bầu không khí giữa Viện với phía chính quyền “bảo hộ” Pháp ngày một căng thẳng. Quyền Khâm sứ Trung kỳ D’Elloy ra thông tư gửi cho Viện cấm dân biểu bàn việc chính trị, trong đó có nhiều lời mạt sát, chửi mắng, khiến cho các dân biểu rất tức giận. Lập tức y bị Huỳnh Thúc Kháng lấy tư cách Viện trưởng triệu tập một cuộc họp toàn Viện gồm 42 nghị viên đồng ký tên vào bản phản kháng, vạch từng đoạn trong thông tư, lại gửi cho các báo trong Nam ngoài Bắc đăng tải, đến mức dư luận đương thời gọi đây là vụ “D’Elloy – Huỳnh Thúc Kháng”. D’Elloy bị triệu về Pháp, viên Toàn quyền Pasquier phải mời ban trị sự của Viện đến xoa dịu. Đến năm 1928, trong phiên họp của Viện, Huỳnh Thúc Kháng lại đọc một bài diễn văn nảy lửa chỉ ra cái “khổ trạng” không thể nói hết của nhân dân Trung kỳ. Khi những yêu cầu đưa ra đều bị viên Khâm sứ Jabouille cự tuyệt, Huỳnh Thúc Kháng liền phản kháng quyết liệt bằng cách gửi đơn từ chức, một số nghị viên đồng tình với vị Viện trưởng cũng tuyên bố rời khỏi Viện. Báo chí lại một phen đưa tin về vụ “Huỳnh Thúc Kháng – Jabouille”.

Mặc dù chịu sự kiểm duyệt gắt gao của Sở Liêm phóng chính trị nhưng trên báo Tiếng Dân cụ Huỳnh vẫn viết và cho đăng những bài báo phê phán chính sách cai trị của Pháp. Đáp lại lời hăm dọa của viên khâm sứ Jabouille “Từ nay ai nói đến vấn đề lập hiến sẽ nghiêm trị”, Huỳnh Thúc Kháng liền cho đăng luôn cả 10 số trên báo Tiếng Dân về thuyết lập hiến mà mình chủ trương. Cũng trên Tiếng Dân, cụ thẳng thừng tuyên bố “Sự đắc thắng của cường quyền chỉ là tạm thời”, và vạch trần chính sách độc tài chuyên chế của chính quyền thực dân (Tiếng Dân, 18.11.1931). Với những bài bị kiểm duyệt cắt bỏ, chủ bút Huỳnh Thúc Kháng không chịu biên tập lại cho liền mạch văn hoặc viết thêm vào cho đầy cột mà yêu cầu công nhân sắp chữ  để nguyên một ô trống tương ứng trên khuôn báo nhằm tố cáo chế độ kiểm duyệt hà khắc của Sở Liêm phóng chính trị Pháp tại Trung kỳ. Giữ lấy cái quyền “không nói những điều người ta ép buộc nói”, Huỳnh Thúc Kháng tìm cách tránh không ủng hộ những chủ trương của nhà cầm quyền Pháp có hại cho nhân dân, kể cả bài soạn sẵn của Phòng Thông tin tuyên truyền Trung kỳ của Pháp gửi đến cụ cũng khước từ việc đăng tải. Cụ cũng kiên quyết không để cho bài báo của mình bị Sở Liêm phóng chính trị Trung kỳ dùng cái quyền kiểm duyệt để lợi dụng. Đỉnh điểm của sự phản kháng này là việc cụ chấp nhận để Tòa soạn bị đóng cửa chứ không chịu đăng bài viết của mình đã bị Sogny, Chánh mật thám kiêm luôn quyền trưởng phòng kiểm duyệt cắt sửa theo ý của y.

Nhân cách của Huỳnh Thúc Kháng hội đủ những phẩm chất của một người quân tử, một đại trượng phu “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Cụ Huỳnh đã để lại một bài học, một tấm gương về nhân cách sống của mỗi người, nhất là đối với kẻ sĩ.

                                             PSG-TS Ngô Văn Minh, Báo Quảng Nam