Nhà trầm hương
Nhà ông Hoàng Văn Trưởng ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, lâu nay được nhiều người quen gọi là “nhà trầm hương”.
Những người con trong gia đình, sau khi đã trải qua những ngành nghề khác nhau, cuối cùng quay về với nghề nghiệp chính của cha mẹ, cùng dốc sức tạo nên một dây chuyền sản xuất kinh doanh dó trầm - khép kín từ vùng nguyên liệu, khu chế biến đến các cửa hàng bán sản phẩm ở nhiều nơi trong và ngoài nước.
Nhà và xưởng chế biến trầm của vợ chồng ông Trưởng nằm bên đường Nam Quảng Nam (nay là quốc lộ 40B), còn xưởng cất tinh dầu trầm, làm nhang trầm của họ ở thị trấn Tiên Kỳ huyện Tiên Phước. Những địa chỉ từ miền đất trung du xa xôi, heo hút này là nơi mở ra sự kết nối với cả một mạng lưới dó trầm và các sản phẩm của chúng ở nhiều nơi...
Anh Hoàng Nguyên Nghĩa giới thiệu sản phẩm với khách tại cửa hàng trầm mỹ nghệ, trang sức của anh tại Hà Nội. |
Đam mê nghề nghiệp của cha
Một ngày mưa lạnh cuối năm, tôi có dịp ghé thăm, thấy ông vẫn cùng với công nhân hì hục làm việc tại xưởng chưng cất tinh dầu trầm. “Mới ở xưởng trầm của Công ty Trầm hương Lào - Vân Minh tại Vientiane về hôm qua” - ông Trưởng nói - “Phải tranh thủ đặt thêm 6 nồi mới nữa để đủ 18 nồi đặng cất được nhiều tinh dầu hơn. Công việc bận lắm, bà xã phải ở lại bên đó làm với công nhân”.
Hơn hai tháng qua vợ chồng ông cùng công nhân phải lo xử lý (tạo trầm) hơn 10.000 cây dó ở Lào cho Công ty Trầm hương Lào - Vân Minh. “Bận bịu, vất vả nhưng mừng cái là công việc trôi chảy, suôn sẻ. Cây dó mình xử lý cho họ có trầm, hàng bán chạy”, vẫn ông chủ 55 tuổi này cho biết. Ngoài công việc ở công ty, ông Trưởng còn nhận xử lý tạo trầm cho một số chủ vườn dó ở các tỉnh Bắc Trung bộ.
Kết quả của việc xử lý tạo trầm cho cây dó từ công thức sinh học của ông Trưởng đã được những chủ nhân của liên doanh trên kiểm chứng - điều kiện để họ ký hợp đồng làm ăn với ông hồi đầu năm 2014. Và đến nay, kết quả từ công thức tạo trầm của ông còn được nâng cao hơn nữa. “Cây dó do tui xử lý để từ 4 năm trở lên thì một số đã cho ra trầm loại 4. Trầm đạt đến loại này là không dễ có”, ông nói thêm trong niềm vui hãnh diện.
Giữa lúc trầm tự nhiên săn tìm được ở rừng rất khan hiếm, nguồn trầm loại 4 có được qua công thức xử lý của ông Trưởng đã góp phần giải quyết việc thiếu hụt trầm cho thị trường cũng như trong chế tác các sản phẩm trang sức trầm. Thêm nữa loại trầm “tốc” (một trong ba loại trầm: kỳ, trầm, tốc) thu được từ công thức xử lý dó của ông dùng chế tác hàng mỹ nghệ, hàng trang sức đã cho ra các sản phẩm đẹp nhờ màu sắc nổi trội của loại tốc này.
Ông Trưởng hiện còn phải lo cất tinh dầu trầm, hướng dẫn cho người làm nhang trầm từ những nhà máy làm nhang mới đến hết tháng 2 Âm lịch. Tiếp đến phải đưa công nhân ra Quảng Bình, Hà Tĩnh xử lý dó cho các chủ vườn ở đó. Rồi lại sang Lào để tiếp tục xử lý, khai thác dó trầm theo hợp đồng với Công ty Trầm hương Lào - Vân Minh hàng năm.
Ông nói, làm cho công ty này ông tăng được thu nhập từ công thức tạo trầm sinh học của mình, đồng thời lại tạo được việc làm cho 60-70 người ở quê. “Công nhân qua bên đó làm lương 6,5-7 triệu đồng/tháng. Vùng dó của họ đến 15.000 héc ta nên công việc được lâu dài”, ông Trưởng cho biết.
Nhà trầm hương Hoàng Trưởng
Năng động sức trẻ của con
Người con trai lớn của vợ chồng ông Trưởng được giao phụ trách việc sản xuất các mặt hàng trầm mỹ nghệ, trang sức để chuyển qua Lào. Đó là anh Hoàng Nguyên Ân, hiện làm chủ một cửa hàng trầm mỹ nghệ, trang sức ở Đà Nẵng. Chuyện vào nghề trầm của anh bất ngờ cả với chính cha mẹ mình.
“Con sẽ làm nghề trầm” - anh kể lại lời mình nói với ba mẹ - “Nhưng con làm trầm trang sức, trầm mỹ nghệ khổ nhỏ chứ không cất tinh trầm, không làm trầm thô, trầm cảnh như ba mẹ đâu”. Ấy là lúc anh Ân 27 tuổi, năm 2015, vừa có trong tay bằng chuyên nghiệp mạ điện các thiết bị ô tô sau ba năm làm việc tại Nhật trở về; còn trước đó là làm chủ một cửa hàng thời trang nhỏ.
“Tôi đang chờ giấy phép mở cửa hàng trầm mỹ nghệ, trang sức tại Singapore. Hy vọng giữa năm 2019 sẽ vô việc được”, anh Ân nói. Làm nền cho dự án kinh doanh vốn là kỳ vọng ấp ủ của anh là những kết quả mà anh có được qua các cuộc triển lãm/bán hàng mỗi năm một lần kể từ năm 2015-2018 tại trung tâm triển lãm danh tiếng Marina Bay Sands của Singapore.
“Nhiều khách hàng ở Singapore, ở Hồng Kông, ở Trung Đông nay đã quen biết tôi. Các cuộc triển lãm tôi tham dự ở Singapore đều có họ đến mua hàng”, anh kể.
Anh Ân tiến nhanh trên lĩnh vực trầm mỹ nghệ, trang sức là nhờ ở sự năng động, nhạy bén của sức trẻ. Chàng trai này đã nghĩ ngay ở bước đầu là đưa kim loại quý (vàng, bạc), đá quý vào trầm trong chế tác đồ trang sức dành cho cả nam-nữ, cả người lớn-trẻ em. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, anh đã dùng đủ các loại trầm, từ loại 4 đến loại quý hiếm nhất là trầm loại 2, loại 1; còn tốc thì dùng loại trầm tốc có vân, có màu đẹp.
Nhưng quan trọng hơn, theo anh, là phải tìm cho được thợ thủ công mỹ nghệ, thợ kim hoàn giỏi. “Mình đưa ra mẫu, ra ý tưởng rồi cùng với họ bàn bạc về sản phẩm. Loại hàng này phải đẹp, phải độc đáo mới bán được. Còn chất lượng là chuyện đương nhiên”, anh nói.
Sự cạnh tranh của hàng trầm mỹ nghệ, trang sức cũng rất mạnh. Nhưng anh Ân đã tiến khá nhanh chỉ sau bốn năm theo nghề trầm của cha mẹ. “Mình phải có cách mới tiến được”, anh giải thích. Và “cái cách” như anh nói, là ngoài cái đẹp của món hàng, người bán hàng còn phải có sự chân thật với sản phẩm, với khách hàng của mình.
“Vàng thì người ta dễ thử, dễ biết. Nhưng trầm thì người ta khó biết hơn. Cho nên mình phải chân thật, không được làm trầm dỏm - cuối cùng rồi người ta cũng biết được, mình mất uy tín. Lúc đó thì còn làm ăn gì được nữa!”, anh nói. Điều tâm niệm của anh Ân cũng giống phương cách đã giúp cha mẹ anh vươn tới chỗ đứng vững vàng ở một công ty trầm hương lớn từ xuất phát điểm chỉ là người cõng trầm thuê và buôn quế theo kiểu cò con.
Từ thành tựu của cha mẹ và anh trai, Hoàng Nguyên Nghĩa - em trai của Ân, đang làm ăn ở Nha Trang đã ra Quảng Ninh mở cửa hàng trầm mỹ nghệ, trang sức hồi cuối năm 2016. “Lúc đầu ra nghề chỗ đất mới mình ngại lắm. Nhưng nhờ anh Ân chỉ dẫn, nhờ nguồn hàng do ảnh cung cấp nên không lâu mình đã quen việc. Lượng khách hàng ở đây cũng rất khá”, Nghĩa cho biết.
Không dừng lại ở một cửa hàng, cuối năm 2017, Nghĩa lại đến Hà Nội mở thêm một cửa hàng vì thấy được tiềm năng cho các mặt hàng của mình ở đất thủ đô. “Hàng bán được. Nhờ hàng mình đa dạng, đẹp, có chất lượng cao”, Nghĩa tự tin nói.
Trở lại với câu chuyện của người con lớn - anh Hoàng Nguyên Ân. Để sản phẩm đứng vững trên thị trường, anh đã lùng tìm các thợ thủ công mỹ nghệ giỏi, nhất là thợ kim hoàn ở nhiều nơi, tạo lập được niềm tin nơi họ để giao việc. Dây chuyền sản xuất của anh có đến trên 30 thợ trầm và thợ kim hoàn, tất cả đều làm việc tại xưởng hoặc tiệm của họ.
“Công việc Ân giao cho tui nhiều quá. Tui lại phải kêu thêm 10 thợ làm cho tui để kịp có hàng giao cho Ân. Nhờ có việc làm thường xuyên, ổn định, tui cũng như anh em đều có thu nhập khấm khá”, anh Dương Công Trí, một thợ kim hoàn ở Đà Nẵng làm cho Ân hơn ba năm nay, cho biết. Và đây cũng là niềm vui của anh Ân.
Huỳnh Văn Mỹ - Thời Báo KTSG