www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Những đầu tàu cơ sở

Lần đầu tiên ở Tiên Phước, 220 bí thư chi bộ có dịp gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, những hoạt động hiệu quả ở cơ sở đã góp phần vào sự phát triển của quê hương.

 Trước thềm kỷ niệm 100 năm thành lập huyện (1916 - 2016) và 70 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Tiên Phước (16.6.1946 - 16.6.2016), Ban Thường vụ Huyện ủy Tiên Phước tổ chức cuộc gặp mặt 220 bí thư chi bộ thôn, khối phố và chi bộ trực thuộc các cơ quan, đơn vị. Đây là một hoạt động vô cùng ý nghĩa, bởi những Bí thư chi bộ ở cơ sở là mắt xích quan trọng giúp cho nghị quyết, chỉ thị, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đông đảo người dân.

Ban Thường vụ Huyện ủy Tiên Phước tổ chức gặp mặt 220 bí thư chi bộ thôn, khối phố và chi bộ trực thuộc các cơ quan, đơn vị. Ảnh: DIỄM LỆ
Ban Thường vụ Huyện ủy Tiên Phước tổ chức gặp mặt 220 bí thư chi bộ thôn, khối phố và chi bộ trực thuộc các cơ quan, đơn vị. 

Nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của đội ngũ bí thư chi bộ cũng chính là nắm bắt được tâm tư của nhân dân, bởi ở cơ sở, người dân có thắc mắc gì cũng tìm đến bí thư chi bộ hoặc trưởng thôn để trình bày. Như lời của Bí thư Huyện ủy Tiên Phước - Phạm Văn Đốc: “Đảng bộ Tiên Phước đã trải qua 70 năm thành lập và phát triển, trong đó có đóng góp vô cùng to lớn của các đồng chí bí thư chi bộ. Mục đích của cuộc gặp mặt vừa ghi nhận, biểu dương những đóng góp của bí thư chi bộ đối với sự phát triển vững mạnh của Đảng bộ huyện Tiên Phước, vừa để lắng nghe tâm tư, tình cảm, chia sẻ nhìn nhận về những mặt được, chưa được, góp ý cho đảng bộ vững mạnh hơn”. Hơn nữa, bí thư chi bộ là người đi đầu trong thực hiện các chính sách khi đưa vào cuộc sống, gương mẫu chấp hành và nhân dân sẽ noi gương người đứng đầu ở cơ sở.

Là người trực tiếp điều hành hoạt động của tổ chức đảng ở cơ sở, và là hạt nhân trong hệ thống chính trị, bí thư chi bộ là người có những đóng góp rất quan trọng, có vai trò đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ. Chia sẻ về hoạt động của chi bộ ở cơ sở, ông Nguyễn Lương Xu - Bí thư Chi bộ Cẩm Tây (Đảng bộ xã Tiên Cẩm) nói: “Nghị quyết của cấp ủy cấp trên khi triển khai xuống cơ sở tùy mỗi nơi mà cách làm mỗi khác, và điều này phụ thuộc vào vai trò nhạy bén của bí thư chi bộ. Khi nghị quyết được đưa về Chi bộ Cẩm Tây, chúng tôi họp bàn và ra nghị quyết chuyên đề sao cho gần dân, sát việc. Hiện tại, Tiên Cẩm đang xây dựng nông thôn mới nên Cẩm Tây ra nghị quyết chuyên đề về giao thông, tập trung vận động nhân dân chung tay hiến đất đai, cây cối và góp công xây dựng mạng lưới đường sá thôn, xóm xanh - sạch - đẹp”. Theo ông Xu, muốn gần dân thì phải nắm tình hình trong dân, và phù hợp với đặc điểm mỗi nơi. Ví như nơi nào bức xúc về giao thông thì có nghị quyết chuyên đề về giao thông; nơi nào phức tạp nạn cờ bạc, ma túy, trộm cắp, mất trật tự… thì xây dựng nghị quyết về đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Hoặc nơi nào phong trào quần chúng lắng xuống thì phải có nghị quyết chuyên đề về vận động quần chúng hoặc dân vận khéo…”.

Ông Nguyễn Văn Truyền - Bí thư Chi bộ thôn 1 (Đảng bộ xã Tiên Cảnh) chia sẻ kinh nghiệm thực tế ở chi bộ mình: “Đồng chí bí thư, đảng viên, quân dân chính trong thôn phải gương mẫu trong thực hiện chứ tuyệt nhiên không đứng chỉ tay năm ngón. Cán bộ, đảng viên phải vào cuộc làm trước để người dân làm theo. Đối với mỗi thôn có mỗi đặc điểm riêng, nên kế hoạch hành động ở mỗi thôn cũng phải khác nhau. Là người đứng đầu ở cơ sở, bí thư chi bộ phải sâu sát cơ sở, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của người dân, trên cơ sở đó có những sự phân công trách nhiệm đối với đảng viên trong chi bộ cụ thể đối với nhiệm vụ của thôn”.

Ông Truyền còn cho biết, công tác vận động quần chúng tham gia các hoạt động, đóng góp cho sự phát triển của địa phương được thôn 1 thực hiện khá hiệu quả. Ở một thôn mà điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng ông Truyền đã đứng ra vận động nhân dân trong thôn đóng góp được hơn 100 triệu đồng góp phần thực hiện một công trình dân sinh. Sự đồng lòng của nhân dân đã giúp cho những chính sách, công việc triển khai ở thôn 1 được thực hiện hiệu quả hơn.

Đối với Chi bộ thôn 6 (Đảng bộ xã Tiên Phong), ông Nguyễn Văn Việt - Bí thư chi bộ chia sẻ về việc phát triển đảng viên trẻ. Vào năm 2007 Chi bộ thôn 6 chỉ có 2 đảng viên do Đảng ủy xã cử về hoạt động, đến cuối 2015 chi bộ đã có 10 đảng viên và thành lập được chi ủy. Để phát triển đảng viên, Chi bộ thôn 6 đã chú trọng đến đội ngũ trẻ, có năng lực, qua đó theo dõi kèm cặp, bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng.

Về những đóng góp của thôn vào sự thành công trong xây dựng nông thôn mới của xã Tiên Phong, ông Việt nói: “Chi bộ luôn chú trọng đến việc vận động nhân dân tham gia công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát huy tối đa vai trò của người dân trong mọi vấn đề. Việc gì chúng tôi cũng đưa ra chi bộ bàn bạc, thảo luận công khai, dân chủ. Sau đó, vấn đề sẽ được đưa ra trước nhân dân để xin ý kiến về cách thực hiện, đồng thời vận động nhân dân đóng góp ý kiến, công sức, tiền của cùng tham gia với nhà nước. Nhờ tạo được sự đồng thuận từ đảng viên đến quần chúng nhân dân nên làm việc gì cũng dễ dàng hơn”.

                                                                Diễm Lệ - Báo Quảng Nam