Nguy cơ sạt lở núi Rẫy Tranh Lớn lấp nhà dân
Những hộ dân sinh sống dưới chân núi Rẫy Tranh Lớn ở thôn 1, xã Tiên Cảnh (Tiên Phước) luôn sống trong tâm trạng thấp thỏm, lo lắng khi mùa mưa đến gần. Bởi trên đỉnh núi Rẫy Tranh Lớn xuất hiện nhiều vết nứt lớn, mỗi khi mưa lớn đất đá từ trên núi sạt lở xuống đe dọa cuộc sống người dân.
Thấp thỏm lo sợ
Anh Huỳnh Ngọc Liệu nhà ở ngay dưới chân núi Rẫy Tranh Lớn, cho hay: “Mỗi khi mùa mưa đến bà con nơi đây sống trong cảm giác thấp thỏm lo sợ, đất đá từ trên núi cao đổ xuống vùi lấp ruộng vườn, nhà cửa bất cứ lúc nào. Trời mưa lớn là bà con không dám ngủ ban đêm, phải thức canh chừng xem có động tĩnh gì ở trên núi không để kịp đưa con cái chạy đi nơi khác. Khổ lắm, cứ đến mùa mưa là phải di chuyển đồ đạc, con nhỏ, người già đi lánh tạm. Hiện gia đình tôi cùng với nhiều hộ dân xung quanh đây nhà ở đã bị xuống cấp, hư hỏng nhưng không dám sửa chữa, xây mới, vì nghe đâu xã, huyện có chủ trương di dời dân đến nơi ở mới”. Dưới chân núi Rẫy Tranh Lớn có nhiều hộ dân làm nhà ở dựa lưng vào núi, nếu xảy ra sạt lở đất đá đổ xuống sẽ không bảo đảm an toàn cho người và tài sản.
Theo ông Huỳnh Văn Truyền - Bí thư chi bộ thôn 1, vết nứt trên núi Rẫy Tranh Lớn xuất hiện từ trận mưa bão năm 1964. Trong những ngày mưa lớn, trên đỉnh núi nghe những tiếng nổ ì ầm, đất đá đổ xuống lấp gần như nguyên một cánh đồng khoảng 1ha. Sau trận mưa bão đó, người dân đi làm nương rẫy phát hiện những vết nứt lớn, kéo dài dọc trên đỉnh núi. Thời gian sau cây cỏ mọc um tùm, che lấp, rồi hàng năm mưa lớn đất đá trên đó vẫn trôi xuống chân núi nhưng ít hơn; đặc biệt, trận lũ lớn vào năm 1999, trên đỉnh núi lại tiếp tục xuất hiện thêm những vết nứt lớn kéo dài, bề rộng vết nứt vài mét, đất đá trên đó trôi xuống gây ảnh hưởng đến ruộng đồng, vườn cây ăn quả của người dân. Trận lũ năm 1999, núi sạt lở vùi lấp một nhà dân, rất may không gây thiệt hại về người.
Một số người dân dưới chân núi Rẫy Tranh Lớn không sửa sang nhà ở, họ chờ di dời đến nơi ở an toàn để xây nhà mới. |
“Mấy năm trở lại đây, do việc phát rừng làm nương rẫy, độ che phủ thấp nên mùa mưa năm nào núi cũng bị sạt lở đổ xuống ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của bà con. Người dân sống dưới chân núi rất lo lắng, nhà ở của họ có nguy cơ bị đổ sập vì núi lở. Việc di dời các hộ dân đi lánh nạn mỗi khi mùa mưa về gặp hết sức khó khăn và nguy hiểm. Chúng tôi mong các cấp chính quyền có hướng giải quyết để bà con nơi đây sớm an cư, lạc nghiệp” - ông Huỳnh Văn Truyền nói.
Cần xây dựng khu tái định cư
Hiện có 36 hộ dân sống dưới chân núi Rẫy Tranh Lớn có nguy cơ bị sạt lở, trong đó có 25 hộ ở trong vùng nguy hiểm cảnh báo cần được di dời khẩn cấp.
Theo ông Nguyễn Phước Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Cảnh, phần lớn các hộ dân ở đây định cư từ xưa cho đến nay, họ sinh sống dựa vào ruộng đồng và làm nương rẫy. Đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn, việc tự di dời đến nơi ở mới là không thể nên họ vẫn bám trụ ở đây, chờ chính quyền giúp đỡ. Trước thực tế đó, địa phương đã lập phương án di dời các hộ dân sinh sống có nguy cơ bị sạt lở dưới chân núi Rẫy Tranh Lớn trình lên huyện, tỉnh để xem xét sớm đưa các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. UBND huyện Tiên Phước cũng đã cử đoàn kiểm tra đi khảo sát thực tế, đánh giá mức độ nguy hiểm và trình lên tỉnh để xem xét tìm hướng giải quyết.
Ông Nguyễn Phước Dương cho biết thêm, theo Nghị quyết 12/2017/NQ-HĐND ngày 19.4.2017 của HĐND tỉnh về Phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025, HĐND tỉnh sẽ ưu tiên cho việc di dời dân nằm trong vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở đến ở phân tán, xen ghép trong khu dân cư có sẵn, còn việc san lấp mặt bằng xây dựng các khu dân cư tập trung chỉ tiến hành trong trường hợp thật cần thiết. Việc thực hiện theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh rất khó, do ngoài diện tích đất đang sinh sống, các hộ dân này không có đất ở an toàn để bố trí xây nhà phân tán, xen ghép trong khu dân cư. Còn nếu quy hoạch khu dân cư tập trung cho các hộ dân thì nguồn kinh phí khá lớn, nếu không có sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, huyện không đủ khả năng đầu tư xây dựng.
“Việc các hộ dân sinh sống dưới chân núi Rẫy Tranh Lớn tiềm ẩn nguy cơ bị sạt lở, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản. Hiện địa phương đã quy hoạch sẵn diện tích đất khoảng 2ha, nếu được tỉnh hỗ trợ kinh phí sẽ tiến hành san ủi làm khu dân cư tập trung đưa các hộ dân này sang nơi ở mới. Trước mắt, mùa mưa năm nay chúng tôi tiếp tục lên phương án cụ thể, cắt cử cán bộ túc trực trong những ngày mưa bão, sẵn sàng đưa các hộ dân nằm dưới chân núi Rẫy Tranh Lớn đến nơi ở an toàn, tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra” - ông Nguyễn Phước Dương cho biết. Thiết nghĩ, các cấp chính quyền cần có giải pháp cụ thể sớm đưa những hộ dân đến nơi ở mới an toàn, giúp mọi người yên tâm phát triển sản xuất, ổn định đời sống.
Nguyễn Hưng - Thái Bình, Báo Quảng Nam