www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Nguyễn Có xã đội trưởng can trường

 Thời chiến tranh chống Mỹ, ông Nguyễn Có là Xã đội trưởng du kích Tiên Hà (Tiên Phước) nổi tiếng gan dạ dũng cảm. Khi bị địch bắt đày ra nhà tù Phú Quốc, ông vẫn tiếp tục chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Ông vừa được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

         Trò chuyện với tôi, ông Chín Lộ cho biết: “Ông Nguyễn Có là bạn cùng trang lứa và cùng tham gia chống Mỹ, tuy nhiên tôi ở bên dân y nên không biết gì mấy về ông Nguyễn Có trong những năm tháng đầy gian nan ác liệt đó...”. Ông bảo với tôi: “Nếu anh muốn tìm hiểu cặn kẽ về ổng thì phải chịu khó đi hỏi chuyện ông Sáu Minh ở làng Trung An”.

       Qua trận chống càn giành được thắng lợi vang dội, ông Sáu Minh từ thôn đội phó được đề bạt lên làm xã đội phó, còn ông Nguyễn Có từ thôn đội trưởng được đề bạt lên làm xã đội trưởng. Theo lời ông Sáu Minh, lúc bấy giờ lực lượng du kích Tiên Hà gồm sáu mươi tay súng, biên chế thành năm tiểu đội bám trụ ở năm thôn dưới sự chỉ huy của Xã đội trưởng Bảy Có. Nguyễn Có gan dạ và là người có tài cầm quân. Mỹ ngụy càn quét vào hướng nào cũng bị du kích mai phục đánh chặn, lắm khi đánh vỗ mặt phủ đầu. Nhiều lúc bọc hậu bất ngờ tập kích. Rồi bắn tỉa, bố trí trận địa mìn tự tạo...

       Táo bạo. Xông xáo. Mưu trí. Dũng cảm. Lực lượng du kích Tiên Hà đã làm cho Mỹ ngụy hoang mang, dáo dác, mỗi khi càn quét vào thung lũng có nhánh núi ngang của dãy Trường Sơn chìa ra sát mép sông Khan trông giống hệt một cánh cung ở tư thế cài tên sẵn sàng. Bọn chúng buộc phải cho máy bay oanh tạc, gọi pháo tầm xa bắn cấp tập dọn đường rồi mới dám lò dò kéo tới. Tuy nhiên, với lối đánh xuất quỷ nhập thần, thoắt ẩn thoắt hiện, lực lượng du kích Tiên Hà đã khiến bọn chúng bao phen lâm vào tình thế lao đao khốn khó vì phải bị động đối phó. Có nhiều trận, những địa danh như Đá Sọc, Dương Bàn, Núi Ngang, Núi Vú, đồi Ông Nương... đã trở thành mồ chôn quân thù trong những năm tháng gian nan ác liệt ấy. Tháng 8.1967, kẻ thù huy động tổng lực mở cuộc càn quét Tiên Hà. Quân Mỹ từ Hiệp Đức, Quế Sơn, Thăng Bình kéo vào. Quân ngụy cũng “theo đóm ăn tàn” chia làm hai cánh bọc hậu theo hai hướng: từ vùng bị tạm chiếm Tiên Châu nống ra; từ Tam Kỳ vượt đèo Eo Gió thọc lên... Khi quân Mỹ tiến đến khu vực Ruộng Đồng, lực lượng du kích Tiên Hà dưới sự chỉ huy của ông Bảy Có đã phối hợp với bộ đội Công trường 31 mai phục và chủ động nổ súng đánh chặn quyết liệt. Hàng trăm tên địch bị tiêu diệt. Bọn chúng gọi bom pháo băm nát Ruộng Đồng và các khu vực chung quanh. Ta chia thành từng nhóm lẻ rút về phía sau. Ông Bảy Có đi ngõ Truông Ré và chẳng may rơi vào ổ phục kích của bọn Mỹ lết từ Dốc Lung tỏa xuống. Ông bị thương và bị bọn chúng bắt sống...

        Ông Nguyễn Văn Tính, quê xã Tiên Sơn, vốn là lính huyện đội hồi chiến tranh. Năm 1970, ông bị Mỹ bắt trong một trận chống càn ở Núi Ngang, đem đày ra nhà tù Phú Quốc. “Lúc tôi đến đảo thì ông Bảy Có đã hy sinh trước đó gần một năm. Tiếng tăm ông ấy nổi như cồn! Bởi kẻ thù sử dụng những hình thức cực kỳ man rợ, buộc ông phải khai ra những ai lãnh đạo “tù binh Việt Cộng” đấu tranh chống sự hà khắc ở nơi “địa ngục trần gian”, nhưng bọn chúng đành bất lực trước tấm lòng trung kiên bất khuất của ông ấy!”. Ông Tính cho biết như thế và bảo rằng: “Muốn biết rõ về ông Bảy Có khi ở nhà tù Phú Quốc thì phải đi hỏi ông Lưu Phước Tấn! Ông ấy ở phân khu mà trước đây bọn địch đã từng giam giữ ông Bảy Có! Hơn nữa, ông ấy công tác bên ngành an ninh nên có trí nhớ tuyệt vời...”.

         Dẫu bị đày ra nhà tù Phú Quốc sau khi ông Bảy Có hy sinh, nhưng nhờ được tiếp xúc với những đồng chí đồng đội là “tù binh Việt Cộng” đã từng sống với ông Bảy Có nên ông Lưu Phước Tấn biết khá tường tận về người đồng hương can trường dũng cảm...

         Tháng 8.1967, ông Bảy Có bị giặc bắt. Hơn mười mấy tháng trời Mỹ-ngụy đưa ông đi giam cầm tại các trại khai thác tù binh ở Chu Lai, Non Nước... với dã tâm đánh gục ý chí sắt đá của người cộng sản trung kiên này. Nhưng thực tế lại không như thế! Để trừng trị, bọn chúng đày ông ra nhà tù Phú Quốc, giam giữ tại Phân khu A4 vào đầu năm 1969. Lúc bấy giờ, tình hình chiến trường miền Nam đã có sự thay đổi lớn. Mỹ ngụy lâm vào thế bị động. Ta tiến công đồng loạt và liên tục trên các mặt trận. Quân ngụy bị tiêu hao sinh lực ngày càng nặng nề. Để có lực lượng bổ sung, lấp chỗ trống quá lớn, ngày 8.3.1969, tên Nguyễn Văn Vỹ - Tổng trưởng Quốc phòng ngụy ra Huấn thị 979, yêu cầu “nhà tù Trung ương Phú Quốc” gấp rút phân loại và bằng mọi giá phải chuyển hướng cho được tư tưởng của “tù binh Việt Cộng” nhằm huy động nguồn lực “phụng sự quốc gia”. Và chưa đầy mười ngày sau, tên Nguyễn Văn Vỹ lại ra tiếp Huấn thị 1130, cho phép quân cảnh, điều hành viên... ở các trại giam của “nhà tù Trung ương Phú Quốc” được sử dụng biện pháp cứng rắn là bắn giết tù binh hàng loạt để răn đe, khủng bố nhằm thực hiện ý đồ chuyển hướng tư tưởng “tù binh Việt Cộng”. Ông Bảy Có bị đày ra đảo vào thời điểm đó...

         Dụ dỗ, lôi kéo “tù binh Việt Cộng” thông qua “Trại tân sinh hoạt” cũng là một ngón đòn nham hiểm của kẻ thù. Ai chấp nhận sang “Trại tân sinh hoạt” sẽ được đối xử tử tế, cơm ăn nước uống ngày ba bữa có người lo. Theo lời anh em ở Phân khu A4 kể lại, ông Bảy Có chẳng những không nao núng tinh thần mà còn dũng cảm vạch trần âm mưu thâm độc “dùng quân cộng sản làm bia đỡ đạn để đánh cộng sản” của những kẻ vỗ ngực xưng danh “chính phủ quốc gia”. Ngọt nhạt không xong, bọn chúng liền trở mặt trấn áp ông Bảy Có bằng những biện pháp cứng rắn. Đốt đây kẽm cháy đỏ xỏ vào thịt da. Lấy kiềm rút móng tay, móng chân. Dùng dao rạch miệng, đục răng... Theo bảng liệt kê những hình thức tra tấn “tù binh Việt Cộng” tại nhà tù Phú Quốc có đến hai mươi lăm ngón đòn cực kỳ hiểm ác dành cho những “phần tử cứng đầu” như ông Bảy Có. Bọn chúng tra tấn tám ngày đêm liên tục nhưng vẫn không khuất phục được ông. Cuối cùng, bọn chúng dùng những chiếc đinh mười đóng vào hai đầu gối, hai bả vai và đỉnh đầu để ông Bảy Có chết từ từ trong vật vã đớn đau... Và ông đã hy sinh nhưng vẫn giữ tròn khí tiết của người chiến sĩ cách mạng.

            Nguyễn Tam Mỹ - Báo Quảng Nam