
Khá lên nhờ vốn vay ưu đãi
Khu vườn có diện tích hơn 1 ha của gia đình Võ Thị Tiên, thôn 4, xã Tiên Cảnh trước đây trồng các loại cây ăn quả. Tuy nhiên do khó khăn về nguồn vốn đầu tư nên khu vườn chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2022, gia đình được vay ưu đãi 70 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để phát triển lại vườn cây ăn quả. Có vốn trong tay, bà Tiên đầu tư cải tạo đất, mua phân bón, lắp đặt hệ thống nước tưới phục vụ cho các loại cây trồng. Nhờ chịu khó lao động và biết tiết kiệm chi tiêu nên gia đình đã nhanh chóng trả hết nợ, tích luỹ được vốn để đầu tư mở rộng các loại cây ăn quả. Hiện khu vườn có khoảng 30 cây măng cụt, 50 cây sầu riêng, 20 cây tiêu, trên 400 cây cau, gần 100 cây lòn bon và một số cây trồng ngắn ngày khác. Trong đó có khoảng 30% các loại cây trồng bắt đầu cho thu hoạch, trung bình mỗi năm đem lại nguồn thu cho gia đình trên 100 triệu đồng.
Bà Tiên bày tỏ lòng biết ơn đối với chính quyền địa phương và Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã tạo điều kiện cho vay vốn với lãi suất ưu đãi. “Nguồn vốn này không chỉ mang lại cơ hội phát triển kinh tế cho gia đình tôi mà còn giúp nhiều hộ dân trong thôn có thêm điều kiện phát triển kinh tế vườn, chăn nuôi gia súc, gia cầm cải thiện đời sống và vươn lên thoát nghèo. Nhờ có thu nhập ổn định, tôi đã tích lũy trả hết khoản vay. Dự định tới đây, gia đình tôi sẽ tiếp tục đề xuất vay thêm khoảng 100 triệu để mở rộng diện tích canh tác, trồng các loại cây ăn quả”- bà Tiên nói.
Tương tự trường hợp bà Tiên, do thiếu vốn để đầu tư mở rộng cơ sở chăn nuôi heo và nuôi gà chị Lê Thị Mai, thôn 4, xã Tiên Cảnh đã tìm hiểu và tiếp cận được nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện. Với số tiền vay 100 triệu đồng, chị Mai đã đầu tư mở rộng cơ sở chăn nuôi heo lên khoảng 500 heo thịt/ lứa và khoảng 500 con gà/lứa. Với sự nỗ lực của bản thân, cộng với học hỏi áp dụng khoa học đàn heo và đàn gà phát triển tốt. Mỗi năm, gia đình chị Mai xuất ra thị trường khoảng 1.000 con heo thịt và khoảng 2.000 con gà thịt. Với giá heo hơi và gà thịt như hiện nay trên thị trường, gia đình chị Mai thu về khoảng 1 tỷ đồng/năm sau khi trừ chi phí.
“Trước đây, gia đình cũng có đầu tư chăn nuôi heo thị, gà thịt, tuy nhiên do thiếu kinh phí nên không thể mở rộng quy mô sản xuất. Được vay vốn chính sách tín dụng của Ngân hàng CSXH huyện, gia đình đã đầu tư mở rộng cơ sở chăn nôi heo, gà mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhờ nguồn vốn ưu đãi, tôi mới có tiền đầu tư phát triển kinh tế. Hiện, gia đình tôi đã có vốn tích lũy, xây dựng nhà cửa khang trang, đầu tư cho các con đi học, đi làm ổn định”- chị Mai chia sẻ.

Tiếp tục đồng hành cùng người dân
Không chỉ gia đình bà Tiên, chị Mai trên địa bàn thôn 4, còn nhiều hộ được vay vốn từ Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế hiệu quả. Đặc biệt, nhiều hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn, sử dụng vốn đúng mục đích nên đã thoát được nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Đến nay toàn xã Tiên Cảnh có 20 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 832 hộ vay, dư nợ 52,7 tỷ đồng. Nguồn vốn vay được các hộ dân sử dụng đúng mục đích, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, thoát nghèo. Ông Đặng Sanh tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 4, xã Tiên Cảnh cho biết, hiện riêng tổ tiết kiệm và vay vốn do ông quản lý có dư nợ 2,2 tỷ đồng với 44 thành viên đang vay vốn. Trong đó, tập trung chủ yếu là chương trình cho vay giải quyết việc làm, chăn nuôi, trồng trọt và cho vay hộ nghèo, cận nghèo...
“Nguồn vốn tín dụng CSXH có ý nghĩa quan trọng đối với người dân trong việc đầu tư sản xuất, kinh doanh nên hàng năm, tổ tiết kiệm và vay vốn chúng tôi luôn phối hợp với các chi, tổ, hội ở khu dân cư rà soát các hộ có nhu cầu vay vốn. Đến khi có nguồn vốn phân bổ, chúng tôi hướng dẫn người dân làm thủ tục, hồ sơ vay vốn kịp thời. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, giám sát nên hầu hết các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích, trả lãi, gốc đúng hạn, không có nợ quá hạn, nợ xấu”- ông Đặng Sanh nói.
Tính đến tháng 5/2025 tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi đang triển khai tại Ngân hàng CSXH huyện Tiên Phước đạt trên 620 tỷ đồng, với 203 tổ tiết kiệm và vay vốn cho trên 8 nghìn khách hàng đang vay. Riêng từ đầu năm 2025 đến nay doanh số cho vay, kể cả quay vòng khoảng 100 tỷ đồng, trong đó tăng trưởng ròng hơn 37 tỷ đồng. Nguồn vốn vay tập trung hỗ trợ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế vườn, vườn rừng, chăn nuôi… Hầu hết nguồn tín dụng chính sách được triển khai hiệu quả, đến đúng đối tượng thụ hưởng và sử dụng đúng mục đích góp phần giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên phát triển sản xuất, kinh doanh...

Ông Phan Hồng Nhật - Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tiên Phước cho biết, xác định nguồn vốn tín dụng ưu đãi là trợ lực quan trọng hỗ trợ nông dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Để nguồn vốn đến tay nông dân kịp thời, đơn vị đã tích cực phối hợp các hội, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội tuyên truyền sâu rộng các chương trình cho vay ưu đãi của Chính phủ, đặc biệt là các chương trình, chính sách mới để người dân nắm được. Qua công tác kiểm tra, đánh giá cơ bản các hộ vay đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy được hiệu quả, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
“Có thể nói nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ là “cú hích” giúp nhiều hộ nông dân Tiên Phước vượt qua khó khăn mà còn trở thành “bà đỡ” để bà con đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng quê hương Tiên Phước phát triển bền vững và toàn diện trong thời kỳ mới” - ông Nhật nói.
Nguyễn Hưng - Tiên Phước Portal