www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Nghĩa tình công tác đền ơn đáp nghĩa trên quê hương anh hùng

Tiên Phước là địa phương giàu truyền thống cách mạng; đã đóng góp nhiều sức người, sức của và gánh chịu hậu quả nặng nề trong các cuộc kháng chiến vệ quốc trường kỳ của dân tộc. Toàn huyện có hơn 22.000 người có công và thân nhân liệt sỹ, chiếm ¼ dân số của huyện, trong đó có 2.816 liệt sỹ với trên 10.000 thân nhân, 614 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (trong đó có 22 Mẹ còn sống), hơn 1.100 thương bệnh binh; 465 người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày và người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 1.700 người hoạt động kháng chiến được tặng Huân, Huy chương; 1.200 người có công giúp đỡ cách mạng; gần 2.000 đối tượng người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp các loại.

      Xác định chăm lo, thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người có công là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị, thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với những mất mát, hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh đi trước; những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà đã không ngừng quan tâm, chăm lo, thực hiện đền ơn đáp nghĩa đối với người có công, gia đình có công với cách mạng. Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành nhiều Chỉ thị, Chương trình, Kế hoạch và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn triển khai chu đáo các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục sâu rộng ý chí cách mạng, tinh thần đấu tranh, hy sinh quả cảm của các anh hùng, liệt sỹ đến thế hệ trẻ thông qua việc tổ chức các ngày lễ, tưởng niệm, sự kiện chính trị quan trọng của quê hương, đất nước. Những năm qua, đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác gìn giữ, phục dựng, phát huy giá trị các Di tích lịch sử địa phương, tiêu biểu như di tích Cuộc đấu tranh Cây Cốc, chứng tích đồng bào đồng chí hy sinh tại Hầm heo Gò Vàng xã Tiên Sơn, Đồng Trại xã Tiên Cẩm. Công tác khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được chú trọng thực hiện. Quan tâm chăm lo, đầu tư nâng cấp, mở rộng Nghĩa trang liệt sĩ huyện, nâng cấp Nghĩa trang liệt sỹ các xã Sơn - Cẩm - Hà, Tiên Ngọc, Tiên Lãnh, Tiên Lập, Tiên Lộc với tổng kinh phí trên 13 tỷ đồng. Toàn huyện đã tập trung xác lập, thẩm định và giải quyết cho trên 5.230 hồ sơ ưu đãi người có công các loại.  


Đoàn người có công huyện Tiên Phước thăm Lăng Bác nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017)
 

Hàng năm, nhân dịp Tết, Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7, lãnh đạo huyện tổ chức chu đáo, kịp thời các hoạt động thăm hỏi, tặng quà của các cấp, ngành đến các đối tượng; đồng thời, đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho hàng trăm đối tượng người có công và thân nhân người có công có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Đặc biệt, đã tổ chức vận động, kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong ngoài huyện đóng góp quỹ Đền ơn đáp nghĩa đạt gần 1,7 tỷ đồng; vận động và tổ chức tặng gần 300 sổ tiết kiệm tình nghĩa cho các gia đình người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền gần 195 triệu đồng. Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, trong 03 năm qua, UBND huyện đã phê duyệt 948 quyết định hỗ trợ tổ chức xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công (176 nhà xây mới, 772 nhà sửa chữa) với tổng kinh phí 22,480 tỷ đồng.

Song song với việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ ưu đãi theo quy định, những năm qua, huyện nhà luôn quan tâm đến công tác chăm sóc, phục hồi sức khỏe, cải thiện đời sống tinh thần cho người có công, đã giải quyết chế độ điều dưỡng cho trên 1.800 lượt người (trong đó 650 lượt người điều dưỡng tập trung, 1.150 lượt người điều dưỡng tại gia đình); tổ chức đưa Đoàn người có công với cách mạng đi tham quan tại Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017); các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngoài huyện đã nhận phụng dưỡng, đỡ đầu 22 Bà mẹ VNAH còn sống với mức phụng dưỡng trên 1,2 triệu đồng/mẹ/tháng. Ngoài ra, phát huy bản chất anh hùng cách mạng của người có công, lãnh đạo huyện đã quan tâm hỗ trợ, khuyến khích hộ gia đình người có công có điều kiện tham gia vào các chương trình, các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn, nhất là các mô hình phát triển KTV-KTTT, chăn nuôi tập trung mang lại hiệu quả cao.

Có thể nói, việc quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với người có công; phong trào Đền ơn đáp nghĩa được phát huy mạnh mẽ và các hoạt động tri ân diễn ra sôi nổi, trang trọng, thiết thực trên địa bàn huyện trong những năm qua đã góp phần quan trọng củng cố, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước và cải thiện, nâng cao đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của người có công trên địa bàn huyện. Hầu hết người có công có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân tại cộng đồng; nhiều hộ gia đình người có công nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội, là những tấm gương tiêu biểu, điển hình về người tốt, việc tốt.

Thời gian tới, nêu cao tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, với quyết tâm đảm bảo tốt an sinh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Một là, tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, triển khai thực hiện có hiệu quả và đồng bộ Chương trình số 34-CTr/HU ngày 15-12-2017 của Huyện ủy và Kế hoạch số 24/KH-UBND ngày 12/02/2018 của UBND huyện về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng giai đoạn 2018-2020.

Hai là, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách đối với người có công, tạo điều kiện để người có công được hưởng đầy đủ chế độ chính sách của Nhà nước. Làm tốt công tác tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng những tấm gương người tốt, việc tốt, tiêu biểu, điển hình trong công tác thương binh, liệt sĩ, người có công; tạo điều kiện thuận lợi để người có công vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu, tham gia các hoạt động văn hóa - xã hội, phát triển kinh tế.

Ba là, tập trung giải quyết dứt điểm các loại hồ sơ ưu đãi người có công còn tồn sót, tồn đọng, xem xét đề xuất cắt giảm các thủ tục, giấy tờ không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho người có công khi kê khai, xác lập hồ sơ ưu đãi. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, phát động sâu rộng toàn dân chăm sóc, giúp đỡ thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ VNAH. Tổ chức huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả Quỹ đền ơn đáp nghĩa.

Bốn là, phấn đấu đến năm 2020, hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa trên 800 nhà ở người có công bị hư hỏng, xuống cấp. Tiếp tục khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ vào an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ; thực hiện tốt công tác quản lý các công trình ghi công liệt sĩ, thường xuyên chăm sóc, tu bổ, nâng cấp để đảm bảo khang trang, sạch đẹp.

Năm là, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng của đội ngũ cán bộ làm công tác Lao động - Thương binh và Xã hội; nắm vững về các chế độ chính sách, tận tâm, tận tụy phục vụ nhân dân. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực, thiếu tinh thần trách nhiệm, hoặc cố ý làm trái quy định của pháp luật để chiếm dụng, vụ lợi cá nhân,  đảm bảo các chế độ, chính sách thực hiện một cách khách quan, công khai, công bằng, và theo quy định của pháp luật. 

 Phùng Văn Huy - PCT UBND huyện Tiên Phước