www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Nghĩ dưới bóng cau

Nhiều ngày qua, khắp làng trên xóm dưới chộn rộn với cây cau. Bởi chưa bao giờ giá cau trái cao ngất ngưởng đến thế, gấp hơn 10 lần năm trước, có nơi giá một ký đến 30 nghìn đồng. Thông tin của phóng viên Nguyễn Quang Việt cho hay, cơ sở của ông Lê Minh Thuận (thôn 6, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước), thu mua khoảng 20 tấn cau tươi mỗi ngày. Và từ giữa năm đến nay, trung bình mỗi tháng cơ sở này xuất 60 tấn cau khô sang thị trường Trung Quốc.

Có lẽ chộn rộn vì cau được giá nên nhiều nơi đang tính chuyện khuyến khích trồng cau. Như ở xứ Tiên Phước, huyện đang hỗ trợ người dân trồng cau, với 2 triệu đồng/ha. Thiển nghĩ, chưa thể vội tin rằng đây là cây kinh tế hiệu quả bền vững. Thứ nhất là giá cau năm lên năm xuống, có năm giá quá bèo (nên người ta chặt bỏ cũng nhiều). Thứ hai, cau chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ai dám đảm bảo có lúc sẽ không chịu thân phận rẻ mạt như dưa hấu và nhiều thứ nông sản khác? “Thương nhau cau sáu bổ ba/ Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”, thương lái Trung Quốc đã từng có nhiều chiêu trò rất lạ, lúc thì ồ ạt thu mua, lúc thì ngoảnh mặt. Câu chuyện mua lá điều, mua đỉa, mua giun… và gần đây mua cây thốt nốt, làm cho nhiều người cứ ngờ ngợ.

Điều khả dĩ có thể nghĩ là cây cau tạo cảnh quan đẹp cho làng quê. Ý kiến của ông Nguyễn Sự, Chủ tịch HĐND Hội An rất thú vị là thành phố khuyến khích dân trồng cau để tạo cảnh quan yên bình, gần gũi, thân thiện, nhất là loại hình du lịch lưu trú tại nhà dân (homestay). Bóng cau thực sự là điểm nhấn sinh cảnh của nhà vườn Tiên Phước, Hội An cũng như nhiều làng quê khác của xứ Quảng.

“Chiếc tàu cau rơi xuống mảnh vườn xưa” lưu dấu bao ký ức mà những người con xa quê thường hoài nhớ, ngóng về. Hơn 30 năm trước, cha tôi đã đi mua và bảo tôi cùng gánh trăm cây cau con về trồng trong vườn nhà. Cha nghĩ đó là ân tình để lại cho mẹ con chúng tôi, để mẹ ăn trầu và bán lai rai kiếm ít đồng chạy chợ lúc về già. Cây cau thật nhiều hữu dụng. Nó vừa làm hàng rào với nhà hàng xóm, giữ bờ bạng. Trái để bán và biếu các bà già trầu, làm sính lễ cưới hỏi. Trái và rễ cau là vị thuốc dùng chữa bệnh. Tàu lá làm chổi, làm ngựa tàu cau cho trò chơi con trẻ. Thân cau làm cầu qua mương, làm máng xối. Mo làm quạt, làm gàu tát nước, và đặc biệt dùng để gói cơm ra đồng ủ ấm lòng trai cày trong mưa phùn gió bấc… Vì sự hữu ích, bóng cau trở thành thân thuộc, gần gũi biết bao với tâm hồn người Việt, nhất là kẻ ở thôn quê dân dã.  

Bây giờ khu vườn xưa của nhà tôi ở quê hương Điện Bàn còn bao bọc bóng cau. Qua mấy mươi năm nhiều cây cau đã già, cao dổng gần 20 mét, nhưng chen giữa hàng đã có những cây con mọc lên, trẻ trung sung mãn. Cau không chiếm nhiều đất vườn, lại che mát cho các luống rau. Khu vườn ấy mỗi khi về quê, trong đêm trăng thanh vắng, nhìn bóng cau mà lòng tôi tịnh yên như được gội rửa bụi trần.

Thời gian hằn in lên thân cau trắng phau từng bậc; chỉ trèo cau dăm bảy phút mà trẩy được buồng cho trăm năm... Những ý thơ của người bạn ở quê xưa chợt cồn cào trong nỗi nhớ khi nhắc lại vườn cau của mẹ.

                                                      Nguyễn Điện Nam - Báo Quảng Nam