Ngày ấy đâu rồi?
Đi Tiên Phước dự đám cưới con một người bạn, khi mình vừa bước xuống xe buýt ở ngã tư đường ngang thị trấn Tiên Kỳ để tiếp tục đi xuống ngã tư bên dưới thì gặp một cô bé - áng chừng học sinh lớp bốn, lớp năm chi đó vòng tay lễ phép, cúi đầu “Chào bác ạ!”. Thật bất ngờ, mình chỉ kịp chào lại “chào cháu” rồi đi. Ôi đã lâu rồi mới nghe một câu chào của một cháu bé không quen biết. Bây giờ từ thành thị đến nông thôn thật hiếm việc ra đường có chuyện người không quen biết chào hỏi nhau hoặc người nhỏ chào người lớn như những năm 50, 60 thế kỷ trước. Thế hệ mình còn nhớ thầy giáo tiểu học sáng đầu tuần nào, dưới tên lớp… ngày… tháng… năm trên bảng cũng viết một câu cách ngôn về “giáo dục công dân”, những “gọi dạ bảo vâng”, “đi thưa về trình”, “giấy rách phải giữ lấy lề”…
Ngày ấy thầy cô, cha mẹ nói thật cặn kẽ về ý nghĩa của việc tại sao khi ra đường gặp người lớn tuổi ta phải cung kính chào hỏi như chào ông bà chú bác mình, vì sao khi gặp đám ma ta phải đứng lại ngả mũ chào. Việc thứ nhất là để tôn trọng người lớn tuổi - một nét đẹp trong văn hóa ứng xử của đồng bào ta. Việc thứ hai, đời người rồi ai cũng phải chết, ta cúi đầu trước người đã mất là để tỏ niềm thương xót một đồng loại từ giã cõi sống và đến lượt ta một ngày nào đó cũng sẽ được đồng loại xót thương, tiễn đưa như vậy. Một xã hội tử tế là một xã hội tràn đầy lòng nhân ái, con người biết sống vì nhau.
Giới văn nghệ sĩ hay kể một câu chuyện nghe có vẻ “khác người” của cố nhà văn Phan Tứ. Chuyện rằng, khi sống ở Đà Nẵng, nhà văn đi xe đạp, giữa trưa vắng khi qua một ngã tư, ông đã dừng xe đạp quan sát tứ phía một hồi lâu, chắc chắn tịnh không có một ai qua lại, ông phóc lên xe đi, lạ là khi rẽ đường, ông không quên đưa tay làm cử chỉ xin đường đàng hoàng. Sau này có người hỏi “vì răng như rứa?”, ông cười nói rằng “thói quen rèn từ nhỏ khi đi đường, không bỏ được”.
Bây giờ thì, xin lỗi các bạn trẻ của tôi, việc các bạn đi xe đạp dàn hàng ngang, thi thoảng bá vai, bá cổ nhau, nhắm mắt thả hai tay, bỏ chân lên ghi đông khi tham gia giao thông xảy ra như “cơm bữa”. Còn các bạn lớn một chút, phóng xe máy ra đường như đang “đua” xe, rú ga, nẹt pô khiến người lớn tuổi chết khiếp. Nhiều chuyện “lạ kỳ” thành mặc nhiên “có lý” như hễ xe đạp thì “có quyền vượt đèn đỏ” vì “xe đạp” thì chẳng ai thèm phạt. Khổ nhất là những nhà trong hẻm phố, hễ có đám cưới, đám ma, giỗ chạp cứ ngang nhiên dựng rạp choán hết lối đi kiểu “đường ta ta cứ đi, nhà ta ta cứ xây” với lý do “lâu lâu mới có một lần mong bà con thông cảm”.
Ra đường hôm nay đồng nghĩa với “ra trận” - nghĩa là gặp phải chuyện “tên bay đạn lạc” như chơi. Tử tế ư? Chuyện một nạn nhân giao thông đang lê thân ra khỏi gầm xe tải nhờ một người đi đường gọi giùm điện thoại cứu nạn, ai ngờ gặp phải một tay gian, hắn cầm điện thoại (đắt tiền) của nạn nhân lên bỏ túi rồi đi luôn mặc nạn nhân không còn sức mà van vỉ. Chuyện một người tốt đưa người bị nạn vô bệnh viện lại bị người nhà nạn nhân “đánh te tua” vì nếu không phải người gây ra tai nạn sao mà “tử tế” như rứa?
Cám ơn cô bé học trò ở Tiên Phước đã cho tôi cơn cớ để viết bài này.
Phùng Tấn Đông - Báo Quảng Nam