Ngăn ngừa dịch bệnh trên cây tiêu
Ảnh hưởng của đợt mưa lũ kéo dài vừa qua, nhiều vườn tiêu của người dân Tiên Phước bị vàng lá do gốc ngập úng. Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời sẽ dẫn tới cây tiêu bị chết, gây thiệt hại cho nông dân.
Tại các xã như Tiên Châu, Tiên Mỹ, Tiên Lập, nhiều khu vườn bị ngập từ hai đến ba ngày. Bà con nông dân nơi đây lo lắng bởi không chỉ cây tiêu mà các loại cây ăn trái đặc trưng khác có biểu hiện vàng úa, nguy cơ nhiễm các loại sâu bệnh. Gia đình anh Nguyễn Tấn Lực (thôn Thạch Tân, xã Tiên Châu) có hơn 100 choái tiêu đang bắt đầu ra hoa và 500 choái được trồng mới cách đây một năm.
Theo anh Lực, đợt mưa lớn kết hợp với lũ vừa qua đã làm cho hàng chục choái tiêu của gia đình bị ngập sâu trong nước. Anh Lực nói: “Tôi bất ngờ vì lâu nay vườn không bị ngập, vừa qua nước lũ ngập mấy ngày nên một số choái tiêu trong vườn bắt đầu có hiện tượng vàng lá ở gốc và thân”.
Cây tiêu là loại cây thân leo, bộ rễ rất nhạy cảm mỗi khi bị ngập úng kéo dài, gây ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng. Cuối năm 2016, nhiều choái tiêu của bà con trong vùng bị chết vì hư rễ và mắc các loại nấm gây hại do mưa lớn kéo dài nên hiện nay người dân rất lo lắng. Để kịp thời hỗ trợ bà con về kỹ thuật phòng ngừa bệnh cho cây tiêu, Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước đã cử cán bộ phối hợp với chính quyền các xã phổ biến những giải pháp để xử lý vườn tiêu sau lũ như đào mương thoát nước để tiêu úng cho cây; phun các loại thuốc hóa học, chế phẩm sinh học để dưỡng rễ, phòng trừ các loại nấm.
Cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước hướng dẫn bà con sử dụng thuốc để phun, ngăn ngừa dịch bệnh trên cây tiêu. |
Ông Tống Phước Thuần (cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước) cho biết, sau đợt mưa lớn kết hợp với lụt vừa qua là môi trường thuận lợi để các loại nấm gây hại cho cây tiêu bùng phát như nấm phytopthoraspp làm cho thân cây bị héo, chết nhanh. Các nhà vườn trồng tiêu trong huyện đang được khuyến cáo các bước xử lý nấm và kết hợp với việc bón phân cho cây nhằm tránh thiệt hại. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước Lê Trí Hiệu, địa phương có địa hình cao nhưng đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại lớn đến các vườn cây ăn trái và đặc biệt là cây tiêu. Hiện nay, huyện lên kế hoạch hỗ trợ người dân một phần thuốc bảo vệ thực vật để khẩn trương khắc phục, bảo vệ vùng trồng tiêu của huyện.
Huyện Tiên Phước có diện tích trồng tiêu khoảng 100ha, tập trung ở các xã Tiên Phong, Tiên Thọ, Tiên Châu, Tiên Hiệp… với mật độ khoảng 1.200 choái tiêu/ha. Sản lượng tiêu hằng năm của huyện ước đạt 50 tấn. Bình quân 1kg tiêu Tiên Phước giá 600 - 700 nghìn đồng, cao hơn rất nhiều so với tiêu trồng ở những vùng khác. Chính vì thế huyện Tiên Phước đang triển khai nhiều phương án đồng bộ, hỗ trợ về kỹ thuật để giúp nông dân trồng tiêu và các loại cây đặc sản khác tránh thiệt hại.
Thái Bình - Đỗ Trưởng, Báo Quảng Nam