Ngọt ngào chuối ép Tiên Phước
Cây chuối đối với người Việt Nam là một trong những loại cây gần gũi và đem lại nhiều lợi ích cho con người trong cuộc sống. Có thể nói rằng, tất cả các bộ phận của cây chuối chúng ta không “bỏ phí” một thành phần nào. Lá chuối gợi mở về sự tích bánh chưng, bánh dày.
Thân chuối lúc còn non tơ, làm gỏi gà, gỏi cá... Những ai lớn lên từ miền vườn ruộng, từ đất đồi trung du hay miền núi xứ Quảng vẫn nhớ về tuổi thơ gom tròn trái banh lá chuối khô và những cây súng làm bằng sống lá chuối. Sau khi mẹ rọc hết phần lá để gói bánh, cọng sống còn lại, được người cha thân yêu cắt gọn gàng làm súng liên thanh giả để chơi trò trẻ con. Tuổi thơ xếp mở lộp bộp chơi trò đánh giặc, thích thú reo hò. Rồi trái chuối dùng ăn sống với rau xanh, xắt mỏng kẹp thêm miếng thịt heo luộc, chấm nước mắm cái, dìu dịu ớt - tỏi - chanh - đường. Nải chuối chín vàng ươm trên bàn thờ, buồng chuối xanh xuống chợ, điểm một vài trái hườm mời mọc, chuối ép phơi khô là cả một ký ức bền lâu, quen thuộc của mỗi người.
Trong sách Đại Nam Quốc âm tự vị, ấn bản năm 1895, học giả Huỳnh Tịnh Paulus Của đã kê ra đến những 18 loại chuối. Nào là chuối cau, chuối lùn, chuối tiêu, chuối sứ, chuối ba hương... Chuối ba hương đã đi vào ca dao ngọt ngào tình mẹ: “Mẹ già như chuối ba hương/Như xôi nếp một, như đường mía lau”.
Trong những loại chuối kể trên, chỉ có chuối mốc và ở Tiên Phước gọi là chuối nai, dùng làm chuối ép mới đúng điệu, mới đúng bài bản xưa - nay, luôn luôn để lại vị ngọt ngào ấn tượng.
Làm chuối ép mang tính thuần thủ công, giản tiện. Dụng cụ đơn sơ ngoài lò đất để sấy chuối, chỉ cần một cái sịa và hai tấm ván mỏng. Trước hết phải chọn chuối già, chuối càng già càng cho nhiều mật. Ủ chuối thật chín muồi, thậm chí chỉ cần đụng nhẹ nhàng cũng đủ làm cho trái chuối rời khỏi nải. Lúc này vỏ chuối rất mỏng, ta chỉ cần bóc nhẹ vỏ, đem phơi nắng hoặc xông trên lò. Sau đấy, lăn đều cho trái chuối ra mật. Và, cứ thế, trái chuối cứ mỏng dần ra, mật chuối sánh lại một màu nâu sẫm dịu dàng. Mè được rang chín vàng thơm, chà sạch vỏ, một màu trắng "bắt mắt". Ta chấm lên đó từng lát chuối dẻo mật. Bây giờ chuối ép điểm lấm tấm những hạt mè trắng, chen chúc trên nền nâu sẫm của trái mỏng xinh thơm và mềm dẻo chất mật ngọt lịm. Chỉ nhìn thôi, đã gợi thèm hương vị chuối xứ Tiên.
Sấy chuối tuy đơn giản nhưng cũng lắm phần công phu. Lửa sấy không “non” quá, mà cũng chẳng “già” hơn. Độ nóng điều hòa sẽ cho trái chuối chín vàng đẹp mắt, không bị nám đen mà cũng không khô cứng, làm mất cái hương vị ngọt dẻo đậm đà.
Về Tiên Phước, đến thăm nhà bạn bè hoặc xóm giềng thơm thảo, đối ẩm bát nước chè đậm trung du, khách còn được mời ăn miếng chuối ngọt ngào, nhai nhai hạt chuối khô ép mỏng. Vị chát của hạt chuối vườn, thơm hương mè đất ruộng, trộn với ngọt lịm trái chuối quê nhà, như “gom” cả hương vị thiên nhiên vào từng miếng, nhấm nháp.
Mỗi chuyến đi thăm người thân, bè bạn hoặc du khách từ xa đến nơi đây, ngoài những đặc sản quế - tiêu - chè, rất ít ai quên gói theo một vài cân chuối ép, món quà duyên dáng ngào ngọt xứ Tiên.
VÕ KHOA CHÂU - Báo Quảng Nam