www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Người còn lại của Phường săn hổ kể chuyện đả cọp

 Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Tiên Phước (Quảng Nam), nơi được mệnh danh là xứ đất của “Ông Ba Mươi” nên ông được “tôi luyện” sức dẻo dai, cường tráng và khí phách oai hùng của những “chiến binh” thực thụ.

 Dù đã bước qua ngưỡng tuổi 86 nhưng ông vẫn còn khỏe mạnh như thanh niên tuổi đôi mươi… Trải qua 40 năm trong nghề và không biết bao nhiêu cuộc “thập tử nhất sinh" với đám hổ dữ, ông lão không thể nào quên được trận đánh ác liệt sinh tử với cọp thành tinh. 

Ông chính là Nguyễn Nãi (trú xã Tiên Cảnh, Tiên Phước, Quảng Nam), người duy nhất còn lại của phường săn cọp triều Nguyễn, được thành lập theo chỉ dụ đặc biệt của vua Bảo Đại.
 

Dù năm đã 86 tuổi nhưng xem ra sức khỏe ông Nguyễn Nãi vẫn không thua kém những thanh niên trai tráng.
Dù đã 86 tuổi, nhưng xem ra sức khỏe ông Nguyễn Nãi vẫn minh mẫn không thua kém những trai làng.

 
Chuyện hổ dữ bắt người

Vừa ngồi nhâm nhi chén trà, ông Nãi vừa kể câu chuyện xưa: “Hồi đó vào một đêm tối, đám thanh niên làng tôi rủ nhau cùng 6 anh em trai sang làng bên chơi. Khoảng 9 giờ tối mấy anh em rủ nhau về. Đi qua đoạn đường rừng rậm rạp, dốc cua cách làng khoảng 1km thì bất ngờ một con hổ dữ trong bụi rậm nhảy vọt ra gầm gừ. Vì bất ngờ và con hổ quá to, gậy gộc dùng đi rừng trong tay của chúng tôi không thể áp đảo được con hổ. 

Lúc đó cả đám thanh niên xô nhau chạy tán loạn. Hổ dữ đã chọn anh Thành làm con mồi. Lúc đó tôi cũng cắm đầu chạy và chỉ nghe anh Thành á lên một tiếng. Theo quán tính quay đầu nhìn lại thì thấy anh đã nằm bẹp dưới chân con hổ, hàm răng trắng toát lóe lên trong đêm đang ghim vào vai anh Thành cùng tiếng gầm gừ trong cổ họng. 

Lúc đó tôi không nghĩ được gì nữa và chạy một hơi về làng báo cho dân làng biết. Khi cả làng chúng tôi kéo tới nơi anh Thành bị ông ba mươi vồ, thì lúc đó con hổ cũng chén hết thân xác anh Thành, chỉ còn vài vết máu loang và một ít phần cơ thể còn sót lại”.

Vùng này xưa kia cây cối rậm rạp, rừng cây cổ thụ bao quanh với những con suối nhỏ chảy quanh co. Đó là điều kiện thuận lợi đã thu hút bọn cọp dữ tụ tập về đây sinh sống. 

Thường những đợt mưa liên tục, sau mấy ngày ẩn nấp trong rừng sâu, lũ hổ thường tìm ra tới tận bờ suối để tìm mồi và uống nước. Có những lúc chúng kéo nhau đi mấy chục con. Những đôi mắt xanh biếc, loé sáng lên trong đêm làm cho người dân ai cũng khiếp sợ. Vết tích để lại là những dấu chân, những vết nanh cào vào nền đất đá, những mẩu thịt nhỏ của con mồi rơi lác đác vài chỗ.
  

 
Ông Nãi kể với chúng tôi một câu chuyện mà ông trải nghiệm rằng: “Dòng họ nhà ông 7 đời bốc thuốc chữa bệnh bằng nghề gia truyền, đến đời cha của ông có làm thêm nghề pháp sư nữa. Vào những lần cúng ông ba mươi trong làng thì ông đứng ra làm lễ thần. Lần đó ông cúng không chuyên tâm lắm, nên sau đó có một con hổ tìm về tới tận nhà ông. 

Nghe tiếng chó sủa ngoài hiên, cha tôi chạy ra xem thì thấy một con hổ rồi báo hiệu cho mọi người tìm chỗ nấp hết trong nhà. Con hổ với đôi mắt sáng choang, đang lừ lừ chuẩn bị vồ con chó của nhà. 

Lúc đó tôi từ trong nhà phi ra dùng cái mác đâm nó một nhát trúng ngay dưới ngực, nhưng con hổ không chết mà chạy một hơi vào rừng. Sau lần đó, ông ba mươi kéo về làng, có lúc đi hai con, cũng có lúc lên tới 5, 6 con như đòi nợ. Nhưng nó không còn gầm rú và tinh ranh như lúc săn mồi nữa. Người dân trong làng kéo nhau tới xem ông cọp rất đông.

Nhiều lần cứ khoảng chập tối là ông ba mươi kéo nhau về làng, có khi đi thành từng đoàn. Sự lộng hành ấy khiến những bô lão trong làng Tiên Cảnh quyết định họp lại tìm kế sách đối phó. Từ đây, ý tưởng thành lập Phường săn cọp ra đời, thậm chí được tri huyện trấn Thăng Bình tấu xin chỉ dụ của vua Bảo Đại. 

Phường săn quy tụ các thanh niên trai tráng khỏe mạnh, tinh thông võ nghệ để sẵn sàng bảo vệ tính mạng dân làng. Phường săn ấy, với ông Nãi là dũng sĩ cuối cùng đến nay còn sống sót, đã trải qua bao trận đánh sinh tử, trở thành huyền thoại. Với những cuộc chiến sinh tử cùng với hổ dữ đã tạo cho ông một ý chí mãnh mẽ, tinh thần thép.

 

 
Ông kể tiếp: “Trong các cuộc chiến đó, có lần một thành viên trong Phường săn đã bị hổ vồ. Không chết nhưng vết thương rất nặng, đã mất đi một cách tay và một bàn chân phải. Thời đó cuộc sống còn khó khăn, thuốc men không có nhiều và cũng không được cứu chữa kịp thời nên người bạn đó của ông đã qua đời. Con hổ đó rất mạnh, rất hung dữ”. Giờ đã trải qua hơn 60 năm nhưng ông vẫn không thể quên được. 

Kỳ tích săn hổ

Từ khi mới 16 tuổi anh Nãi đã bắt đầu biết đi săn hổ. Để tạo cho mình được một sức khỏe chống chọi với thiên nhiên muông thú ông đã phải rèn luyện hết sức công phu, khổ cực. Dầm mình trong bùn, lặn ngụp dưới sông với dòng nước chảy xiết. Nửa đêm rét mướt ông nhảy xuống sông bơi bì bõm để luyện cho cơ thể thành "mình đồng da sắt", chịu đựng được môi trường khắc nghiệt.

Với kinh nghiệm của một người thâm niên trong nghề săn hổ, ông Nãi kể: “Chẳng khi nào tui chủ động một mình đi săn hổ. Tui chỉ đấu với những con hổ cố tình ăn thịt tui, hoặc nó quấy rầy cuộc sống bà con trong làng mà thui. Nó ở rừng sâu kệ nó, nhưng nó bắt người là tui diệt nó à”.

Ông Nãi cho biết: “Thời điểm chúng hoành hành dữ dội nhất là khoảng 3 tháng cuối năm. Đó là khoảng thời gian các động vật trong rừng bắt đầu ngủ đông. Thức ăn khan hiếm buộc chúng phải ra khỏi rừng nhằm vào các chuồng trâu bò, vật nuôi tại các gia đình để kiếm ăn. 

Nhà nào không làm chuồng trại cẩn thận, không có biện pháp canh phòng là bị hổ ăn sạch. Có người đi làm rẫy, không may gặp hổ phải bỏ mạng, khắp nơi đâu đâu cũng rộ lên chuyện hổ bắt gia súc, vồ chết người. Với sự tinh nhanh vốn có của nó, chỉ cần nghe thấy động tĩnh gì là nó tẩu thoát ngay, không dễ gì mà chúng ta có thể tiêu diệt được nó".
 

Sau khi vật ngã con hổ bằng sức lực và sự mưu trí, những ‘Chiến binh” diệt hổ xưa phải dùng những đoạn dây thừng này để buộc con hổ.
Sau khi vật ngã con hổ bằng sức lực và sự mưu trí, những ‘Chiến binh” diệt hổ xưa phải dùng những đoạn dây thừng này để buộc con hổ.

 
Quá trình săn loại động vật nguy hiểm này không phải đơn giản như săn các loại thú rừng khác. Người đi săn phải hiểu rõ những đặc tính của chúa sơn lâm. Tùy từng con sẽ có những tính cách khác nhau. Lưỡi giáo được rèn bằng loại thép pha đồng rất bén, có ngạnh nhỏ ở lưỡi. Chỗ ráp nối giữa mũi và thân giáo được đục lỗ, xỏ sợi thừng rất chắc, để lưỡi không thể tuột khỏi thân.

Ông Nãi nhớ lại: “Hồi đó vào khoảng tháng 11, người dân trong làng liên tục kêu mất chó, gà, heo, có khi mất cả trâu, bò. Biết ngay là có hổ về làng ăn thịt, nhưng chúng tinh ranh nên không ai phát hiện ra được. Thế rồi, Phường săn lên kế hoạch chia ra từng nhóm trinh sát, âm thầm theo dõi để xác định sự có mặt của hổ mà tìm cách đối phó". 

Sau nhiều ngày chờ đợi bỗng vào một đêm trăng khuyết, từ phía bìa rừng xuất hiện bóng dáng một con hổ lớn lừ lừ tiến về phía làng. Hôm đó đúng phiên ông Nãi làm trinh sát cho phường săn. Ông đoán chắc chắn đây chính là con hổ thời gian qua liên tục quấy nhiễu người dân, nhóm “trinh sát” nằm bất động theo dõi động tĩnh của con vật. 

Khi vừa tiến đến đầu làng, cách chỗ ẩn nấp của những người theo dõi khoảng 50 mét, con hổ bỗng nhiên dừng lại. Tưởng rằng đã bị phát hiện nhưng nhóm người theo dõi vẫn nín thở chờ đợi. Bỗng nhiên hổ lao tới vồ lấy con chó của nhà gần đó rồi cắp đi sâu vào rừng.

Lần theo sau dấu vết của hổ dữ. Từ làng nó đi mãi vào trong rừng sâu, lâu lâu nó lại quay ra phía sau nhìn quan sát, giống như nó đang nghi ngờ có người theo dõi nó từ phía sau. Qua 12 giờ đêm, nó dừng lại một bụi rậm rất lâu, theo dõi một chập lúc này ông Nãi nghĩ là chỗ ẩn nấp của nó nên định chạy về báo cho dân làng biết, để tìm cách phục kích bắt. 

Nhưng không ngờ nó lại tiếp tục cắp con chó và đi tiếp. Ông Nãi tiếp tục đi theo đến lúc trời bắt đầu sáng thì nó mới dừng lại trong rừng sâu. Nhìn về phía trước là một cái hang, rất hiểm trở. Có dấu chân cọp đi qua đi lại lờn cả miệng cửa hang. Ông Nãi biết chắc chắn là chỗ trú ẩn của nó.

Không ngờ lúc này con hổ dữ lại phát hiện ra ông Nãi đang theo dõi. Nên nó gầm gừ và chuẩn bị phục kích để vồ ông Nãi. Với kinh nghiệm của một người săn hổ lão luyện, ông Nãi đoán được đường đi, nước bước của nó. Nếu khi gặp người, hổ sẽ tấn công bất ngờ từ đằng sau. Do đó, khi có dấu hiệu xuất hiện hổ, không được bỏ chạy, mà phải bình tĩnh đối mặt. Giống như chó, nếu bỏ chạy nó sẽ đuổi theo cắn, nhưng nhìn thẳng vào mắt nó nó sẽ gườm lại mình. 

Người thợ săn phải dũng cảm nhìn thẳng vào mắt hổ. Khi nhìn thẳng vào nó, nó cũng sẽ gườm đối thủ, tính toán phương án tấn công. Đó chính là thời khắc quan trọng để thủ thế, chuẩn bị tinh thần đối phó với nó.

  

Những dụng cụ trước khi đi săn.
Những dụng cụ khi đi săn.

 
Hổ tuy có thân hình to lớn, nhưng di chuyển cực nhanh, mạnh. Nó có thể cắn họng một con bê, nhảy vọt qua hàng rào cao vài mét. Thợ săn lành nghề, phải thuộc lòng cách tấn công của hổ. Khi mặt đối mặt, con hổ sẽ thủ thế, lấy đà chụp mồi. Nếu nó đập đuôi bên phải, sẽ phóng về bên trái, và ngược lại. 

Khi phóng đến con mồi, nó sẽ dùng chân trước tát cực mạnh. Cú tát của hổ sẽ khiến cổ trâu, bò phải gẫy, chứ đừng nói con người. Do đó, thợ săn phải tránh được cú tát của hổ. Khi đó mới rảnh tay để tấn công lại nó. 

Giáp lá cà hổ cũng là lúc ông Nãi cảm thấy thấm mệt, nhưng cũng thời điểm đó, con hổ tỏ ra không còn hung hăng dữ tợn như lúc ban đầu. Dù sức kiệt nhưng ông đã lợi dùng thời cơ nhảy vào buông dây lưới ôm chặt con hổ, rồi dùng sức vật ngã, tiếp đó dùng dây thừng trói chặt con hổ lại. 

Khi đâm chết con hổ ông Nãi cũng đã kiệt sức, nhưng vì chiến thắng hào hùng nên ông thấy trong người rất phấn chấn. Cắt đầu con hổ mang về trình báo với dân dàng. Khi nhìn thấy ai cũng ngỡ ngàng về thành tích của ông Nãi vì ai cũng nghĩ ông Nãi đã bị hổ dữ ăn thịt. Dân làng kéo nhau rất đông khiêng xác con hổ về và làm lễ đánh chén ăn mừng linh đình.

Ông Nãi nhớ rất rõ lần cuối cùng mà mình được tham gia trong đội ngũ những dũng sĩ đánh hổ là vào nằm 1952. Năm đó là năm cuối cùng làng ông tổ chức lễ “vay cọp” với quy mô lớn nhất. Tại lễ có đến 5 con hổ được huy động để những thanh niên trai tráng trong làng được tham gia thử sức. Cũng lần đó, ông Nãi đã chiến thắng khi một mình vật ngã được một con hổ. Từ đó đến nay, người dân vẫn ca tụng ông là dũng sĩ săn hổ. 

Những "chiêu" bắt hổ ngoạn mục

Những ngày đầu mới thành lập, phường săn chỉ vỏn vẹn có 10 người. Những cuộc săn hổ, theo dõi chiến đấu gặp rất nhiều khó khăn. Sau này khi lũ hỗ càng ngày càng đông và làm hại người dân ngày càng nhiều thì thành viên tham gia phường săn cũng nhiều hơn.

Ông Nãi cho biết: “Chùa cọp là một loại bẫy để bắt sống được loại thú hung dữ này. Đây là dạng bẫy duy nhất ở làng Tiên Cảnh chúng tôi mới có. Chùa Cọp được làm bằng các cột chống là cây rừng có độ dẻo, độ chắc bền. Mỗi cây được đóng chéo vào cây kia với độ sâu gần 1m, cứ thế đan nhau mà tạo thành môt cái chuồng lớn, người dân ở đây quen gọi với cái tên là Chùa Cọp. Thường thì chiều dài của mỗi chùa là 4m, rộng 2m và cao khoảng 1,5 m. Trên mỗi Chùa Cọp có đặt những tảng đá lớn để Cọp khỏi hất tung Chùa”.

Trong quá trình làm bẫy chùa, những người còn lại trong phường săn sẽ chuẩn bị những dụng cụ cần thiết để săn cọp. Trong đó, dụng cụ không thể thiếu là lưới săn. Lưới bắt hổ được làm từ loại cây leo rất bền và chắc, loại cây này có hạt hơi đắng và có thể ăn được. Người Tiên Cảnh vẫn thường đi chặt cây leo này về, đập cho giập nát, đem ngâm vào hố nước vôi như cách ngâm đay. Cho tới khi thịt gỗ cây rữa ra, còn lại một loại dây gai rất dai. Người ta se những sợi này thành dây thừng to bằng ngón tay và đan thành lưới. Mắt lưới rộng bằng bàn tay. Những tấm lưới như vậy có thể sử dụng tới trăm năm mà vẫn bền.

Cách thức dựng lưới vây rất phức tạp, dựng lưới vây quanh khu vực hổ đang ẩn náu. Vòng vây lưới chỉ chừa lại một lối duy nhất chính là chỗ những thợ săn tiến vào đối mặt với mãnh thú. Ở cuối hướng chạy của hổ là lưới đơm được đóng vững, buộc cố định. Còn lại lưới vây đều có thể di động khi vòng vây khép dần lại.

Đội quân sử dụng lưới phải hùng hậu với một tốp đi lùng sục để dồn hổ vào lưới. Một nhóm đứng người thủ sẵn các loại vũ khí phục kích sẵn sàng chiến đấu khi hổ muốn phá lưới, hay nhảy qua lưới. Hổ là loại tinh khôn, có khi nó nằm lỳ “giả chết” cả ngày, nên phải phát quang rừng, và tinh thần chiến đấu của đội quân phải thật bền bỉ. Hợp tác ăn ý với nhau giữa đội quân ở ngoài và đội quân ở trong.

Khi mọi việc chuẩn bị và bố trí xong xuôi, người trưởng phường săn đánh một hồi chiêng trống, hô vang mấy tiếng lớn... Lập tức chiêng vang, trống thúc ngũ liên nổi lên ba phía lưới cùng với tiếng hò reo dậy trời. Cuộc chiến vào hồi quyết liệt. Vòng vây lưới hẹp dần, đến khi áp sát gần chùa cọp đã được dựng sẵn. Chúa sơn lâm điên cuồng lao hết chỗ lưới này đến chỗ lưới khác hòng thoát thân. 

Có lần, một con hổ chọn vị trí hiểm yếu nhất của dãy lưới mà liên tục lao tới nhưng đều bị Ông Nãi và hai thợ săn đứng đó tấn công bằng đinh ba, giáo mác từ phía ngoài nên không tài nào thoát ra được. 

“Để làm cho hổ lùi bước không phải là vấn đề dễ dàng, qua những kinh nghiệm trước đây mà tôi có được thì cần phải tìm những điểm yếu của hổ mà tấn công lại. Lúc đó chúa sơn lâm gầm thét điên cuồng rồi lao tới chỗ 3 người chúng tôi. Tôi nhanh người né tránh sang một bên rồi phản công vào mạn sườn, nơi duy nhất hổ để lộ ra khi tấn công con mồi liên tục như thế nhiều lần đến khi hổ không còn lao tới nữa mà cứ chạy quanh vòng vây”.

Ông Nãi kể lại, cuộc “phong tỏa” bằng lưới kéo dài hàng tuần lễ, sau nhiều ngày không được ăn uống, hổ mệt vì đói cuối cùng cũng lao đầu vào chùa đã dựng chờ sẵn. Cửa chùa sập xuống. Tiếng hò reo dậy lên. Hổ bị bắt điên đảo gầm thét. Từ trong chùa cọp, hổ bị ép vào cái cũi bằng gỗ cứng gọi là rọ kẹp. Trưởng phường săn chỉ tuyên bố cuộc săn thắng lợi. Các tráng đinh Tiên Cảnh khiêng hổ bị trói về làng, theo sau là các thợ săn mặt mày rạng rỡ, chiêng trống tưng bừng. 

Cả làng mở hội ăn mừng, giết bò heo và gà giò làm lễ hạ vong tạ ơn trời đất đã phù hộ dân làng tóm gọn ác thú. Theo ông Nãi, nghệ thuật bắt hổ ở Tiên Cảnh là danh bất hư truyền, những câu chuyện bắt hổ tương tự như vậy có kể ngày này sang ngày khác cũng không hết. Cho đến nay dường như đâu đó vẫn vọng về từ quá khứ tiếng reo hò dậy đất của những người dân vùng Tiên Cảnh mỗi lần bắt sống hổ...
 

Hiện nay, phường săn hổ chỉ còn duy nhất có một mình ông Nguyễn Nải còn sống. Ông trở thành một huyền thoại, một “bảo tàng sống” vô giá sống với những người cùng thời. Thông qua ông, thế hệ hôm nay sẽ biết thêm về lịch sử dân tộc qua những câu chuyện huyền bí về người “chiến binh” hổ cuối cùng triều Nguyễn. 

Thời ấy, để được triều đình nhà Nguyễn tiến cử vào “Phường săn hổ” hoàng cung phải là những thanh niên trai tráng, khỏe mạnh, cường tráng và phải trải qua nhiều khâu tuyển chọn nghiêm ngặt. Hết kiểm tra về sức khỏe rồi đến tài thao lược binh võ, cả sự dũng cảm, mưu trí của những “chiến binh” khi xung trận. 

                Hà Kiều - Báo Dân Việt

Hội vây cọp ở Tiên Phước quê tôi

Bẫy... cọp ở Tiên Phước xưa

Người kể chuyện săn cọp ở Tiên Phước