www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Nên hiểu “khai Dân trí, chấn Dân khí, hậu Dân sinh” của Phan Châu Trinh như thế nào?

Phan Châu Trinh (1872-1926) là một nhà cách mạng kiệt xuất, người tiên phong cổ vũ Dân chủ ở Việt Nam, người đã đề xướng đường lối cứu nước bất hủ: “khai Dân trí, chấn Dân khí, hậu Dân sinh”.


Nói một cách vắn tắt thì “khai Dân trí, chấn Dân khí, hậu Dân sinh” là mở mang nhận thức, tri thức của Dân; chấn hưng ý chí, chí khí, khí phách của Dân; làm cho đời sống của Dân được đầy đủ, hùng hậu.


1. Mở mang nhận thức, tri thức của Dân: Mất nước không phải vì thực dân mạnh mà vì ta yếu. Mà cái yếu nhất của Dân ta chính là nhận thức, tri thức, trình độ văn hóa, trình độ khoa học – kĩ thuật của Dân ta quá thấp kém, quá lạc hậu, quá lỗi thời. Muốn cứu nước, phải dựa vào Dân. Do đó, phải mở mang tri thức, nhận thức của Dân. Cụ thể là phải mở mang hiểu biết của Dân về lịch sử, về địa lí, về quyền và nhiệm vụ của Công Dân, về khoa học – kĩ thuật, về công nghệ và phải xóa bỏ những hủ tục, những mê tín dị đoan. Trường học, các cơ sở dạy nghề có vị trí hàng đầu trong công cuộc “khai Dân trí”.


2. Chấn hưng ý chí, chí khí, khí phách của Dân: Trước sức mạnh vật chất áp đảo của thực dân, một bộ phận Dân chúng đã mất tự tin, đã trở nên bạc nhược, ươn hèn, cam chịu. Vì vậy, khơi dậy ý chí, chí khí, khí phách của Dân là cực kì quan trọng. Sức mạnh tinh thần càng quan trọng hơn khi phải “lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều”. Trước hết, phải làm cho Dân thấy rõ lẽ phải, chính nghĩa của mình, thấy rõ truyền thống anh hùng – bất khuất của Dân tộc. Trên cơ sở đó, Dân sẽ tự tin, tự hào, dũng cảm đương dầu với mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì lẽ phải, vì chính nghĩa của Dân tộc, của Tổ quốc!


3. Làm cho đời sống của Dân được đầy đủ, hùng hậu: Ông bà ta thường hay nói: “Có thực mới vực được đạo” (Tục ngữ). Công cuộc “khai Dân trí, chấn Dân khí” chỉ có kết quả vững chắc khi biết làm cho đời sống của Dân được đầy đủ, hùng hậu. Cụ thể là phải làm cho Người Dân có ăn, có mặc, có cuộc sống vật chất ngày càng đầy đủ hơn, hùng hậu hơn. Muốn được vậy thì phải phát triển sản xuất, cải tiến kĩ thuật, không ngừng tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Các trường dạy nghề, các cơ sở sản xuất đã được thành lập ở Quảng Nam và các nơi khác chính là để “hậu Dân sinh”.


Trong hoàn cảnh đất nước ta hiện nay, khi Người Dân còn khá mơ hồ về quyền và nhiệm vụ của mình, khi khoa học – kĩ thuật còn lạc hậu, khi mê tín dị đoan còn tác oai tác quái, khi không ít người e sợ bọn bành trướng và bá quyền Bắc Kinh, khi đời sống của đại bộ phận Dân chúng còn khó khăn, vất vả thì chủ trương “khai Dân trí, chấn Dân khí, hậu Dân sinh” của nhà cách mạng Phan Châu Trinh vẫn còn phù hợp, vẫn còn đúng đắn, vẫn còn cần thiết, vẫn còn mới mẻ.


Phan Châu Trinh, từ hơn 100 năm trước, đã “lấy Dân làm gốc”, đã cổ vũ Dân chủ, Dân quyền, đã vạch ra đường lối cứu nước bằng chủ trương “khai Dân trí, chấn Dân khí, hậu Dân sinh”. Đó là một đường lối cứu nước đúng đắn, mẫu mực!


Phan Thành Khương - Ninh Thuận