Nữ giám đốc Trịnh Thị Hồng: Kẻ tay ngang liều lĩnh
Khi mang nước rửa chén do mình sản xuất từ rác đi kiểm định chất lượng, được yêu cầu kê thành phần gồm những chất gì, tỷ lệ ra sao, bà Hồng ngớ ra, lại mang sản phẩm về vì không trả lời được.
Vốn không có chút chuyên môn nào về công nghệ sinh học (CNSH) cũng như hóa chất, cựu công nhân may mồ côi cha mẹ từ bé này đã trải qua vô số tình huống khó khăn tương tự trước khi trở thành sếp của một công ty CNSH - tác giả một công thức chế chất tẩy rửa từ rác được nhiều nơi “đòi” mua với giá tới 5 tỷ đồng.
Dám "hão huyền, viển vông"
Trong các gương mặt nữ có sản phẩm sáng tạo tham dự buổi gặp mặt nhân kỷ niệm Ngày Thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10) tại Hà Nội mới đây, một phụ nữ nhỏ nhắn có nụ cười xởi lởi được cả hội trường chăm chú lắng nghe khi được giới thiệu là chủ nhân sản phẩm nước rửa chén và nước lau nhà từ rác thải sinh hoạt. Đó là bà Trịnh Thị Hồng - Giám đốc Công ty TNHH MTV CNSH Minh Hồng (Đà Nẵng). Nghe cách bà sử dụng các thuật ngữ CNSH, không ai tin bà chưa từng qua trường lớp gì về lĩnh vực này.
Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, 5 chị em bà Hồng lớn lên nhờ sự đùm bọc, sẻ chia của lối xóm. Thế mà bằng cách này, cách khác, bà cũng học được hết lớp 9 rồi từ quê nhà Quảng Nam ra Đà Nẵng tìm cơ hội đổi đời. Ngày làm công nhân may, tối học bổ túc văn hóa, rồi cô gái mồ côi cũng tốt nghiệp lớp 12 và tiếp tục học về tài chính - kế toán, sau đó xây dựng gia đình. Và cứ ở đâu có hoạt động của hội phụ nữ tổ, phường hay các hoạt động từ thiện là bà lại có mặt.
Trò chuyện với bà Trịnh Thị Hồng, tôi không giấu được sự tò mò, thắc mắc về chuyện một người không có chuyên môn lại làm chủ được quy trình sản xuất ra chế phẩm sinh học hoàn chỉnh cung cấp chothị trường, bởi CNSH không phải một ngành dễ.
Bà giải thích: “Tôi học qua Internet, cứ thấy có gì không hiểu là tìm kiếm để đọc. Gặp những cái quá khó, tôi tìm đến các nhà khoa học và cả các em sinh viên ngành CNSH ở Đại học Bách khoa Đà Nẵng để hỏi”.
Bà Trịnh Thị Hồng giới thiệu sản phẩm nước rửa chén từ rác hữu cơ. Ảnh: Ngọc Vũ
Quả là dân tay ngang liều lĩnh. Ý tưởng liều lĩnh biến rác thành tiền xuất hiện năm 2011 khi xe chở rác khu phố của bà bị trục trặc, 4 ngày rác không được dọn, bốc mùi khủng khiếp. Đã liều nghĩ, bà lại liều làm, nào tự tìm đọc tài liệu, mang rác về thử đủ cách hết xay rồi phơi, ép... nhưng không xong. Cười hồn hậu, bà kể: “Đến chồng tôi còn bảo đó là ý tưởng điên rồ, còn con trai thì cười rằng mẹ thật hão huyền, viển vông”. Người ngoài thì khỏi nói, không ai tin một nông dân lại nghiên cứu được sản phẩm tốt, rẻ từ rác như các giáo sư, tiến sỹ.
Duyên may đến vào năm 2012 khi bà Hồng được mời đi Philippines dự hội thảo “Phát triển cộng đồng nghèo châu Á” vì là chi hội trưởng phụ nữ phường, đang xây dựng thành công các mô hình giúp chị em thoát nghèo bằng nguồn vốn tại chỗ, vốn tình thương, giúp trẻ nghèo có học bổng, lập đội thiếu niên bảo vệ môi trường... Ở hội thảo, bà Hồng như bắt được vàng khi được nghe thuyết trình về phương pháp ủ rác thải thực vật để tạo sản phẩm sinh học bằng công nghệ enzyme.
Trở về, bà nhờ PGS-TS Lê Diệu Ánh ở Quỹ Phát triển cộng đồng dịch tài liệu, nhưng công thức trong đó rất chung chung. Quyết không chịu thua, bà bỏ ra 1 năm nghiên cứu, thử nghiệm nhiều mẫu khác nhau và cuối cùng cũng ra được chế phẩm và quy trình.
Người phụ nữ gan góc
Khi đem sản phẩm đi kiểm định ở cơ quan quản lý đo lường - chất lượng, được yêu cầu ghi rõ thành phần gồm những chất gì, tỷ lệ bao nhiêu, bà cứ ngớ ra, không trả lời được chính xác, thế là lại mang về.
“May một lần có nhà báo tìm đến, hỏi khó khăn lớn nhất tôi cần giúp tháo gỡ là gì. Tôi nói chỉ muốn kiểm định chất lượng và bảo hộ nhãn hiệu. Sau đó Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đến gặp tôi, rồi Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, UBND quận Liên Chiểu về thăm và tìm hiểu chế phẩm tôi làm. Sở KH&CN được chỉ đạo hỗ trợ làm logo để đưa sản phẩm ra thị trường sau khi kiểm định” - bà Hồng kể.
Nhưng thực tế lại một lần nữa thử thách sự kiên trì của người phụ nữ nhỏ bé. Sản phẩm của bà dù được chứng nhận là an toàn, không làm khô ráp da tay nhưng độ pH còn quá thấp. Bà phải tìm tài liệu, nghiên cứu hệ thống lọc dung dịch để độ pH đạt yêu cầu. Khi dùng thử sản phẩm, ai cũng công nhận là sạch, không hại da tay nhưng dùng hao vì quá loãng. Bà lại mày mò tìm ra cách bổ sung bột dừa để tạo độ sánh.
Nhớ lại những gian truân đã qua, bà Hồng tiết lộ, chính thời điểm bà đang vùi đầu vào các thử nghiệm là lúc phát hiện bị ung thư vú. Bà chiến đấu với bệnh tật đúng theo cách chinh phục các thử thách trong công việc - đã vạch ra mục tiêu thì không hoang mang nao núng, cứ thế gan lì vượt qua mọi vật cản đến đích: “Lúc đầu tôi hụt hẫng lắm, nhưng rồi nghĩ không ai lột da sống đời cả nên thấy thoải mái hơn. Tôi tuân thủ phác đồ, xạ trị đều 2 năm, mỗi năm 4 lần. Đến nay khối u ác tính ấy đã không phát triển nữa”.
Đã trải qua đủ cực nhọc mưu sinh nên bà Hồng luôn ao ước giúp những phụ nữ khó khăn. Bà chia sẻ với họ cách làm chế phẩm sinh học từ rác và bao tiêu sản phẩm cho họ. “Tôi giữ quan điểm không cho không người nghèo mà giúp họ một công việc ổn định, có trách nhiệm với cộng đồng hơn. Để mỗi hộ có thu nhập đều đặn 5 triệu đồng/tháng, tôi thu mua từ mỗi người không quá 2.000 lít/tháng, như vậy để nhiều người được hưởng lợi” - bà tâm sự, đồng thời tiết lộ đã nhiều lần từ chối bán công thức dù giá lên đến 5 tỷ đồng, vì nếu bán sẽ không giúp được bà con nghèo nữa.
Cuối tháng 10 này, bà Hồng sẽ về Hưng Yên hướng dẫn phụ nữ ở đây cách làm chế phẩm từ rác. Bà khẳng khái: “Tôi không sợ mất bản quyền mà mong giúp được nhiều người hơn. Khi đó, họ thì có thêm thu nhập, còn môi trường thì sạch”.
Bà Trịnh Thị Hồng sinh năm 1965 tại xã Tiên Lãnh, Tiên Phước, Quảng Nam, hiện là Phó Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận Hòa Phú 5, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. Bà từng được nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của quận Liên Chiểu, UBND thành phố Đà Nẵng trong nhiều năm liền và bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương vào năm 2013.
Tại cuộc thi sáng tạo Haich fair 2016, qua 3 vòng thi, mô hình dự án của bà đã vượt qua 400 dự án khác để giành quyền dự cuộc thi thế giới tại Phần Lan trong hơn 2 tuần.
Phương Nguyên - Báo KH&PT