www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Nữ cử nhân tiếng Anh về quê làm nông nghiệp sạch

Tốt nghiệp sư phạm tiếng Anh nhưng cô gái trẻ ở Quảng Nam quyết định gắn bó với nông nghiệp và đang sở hữu hơn 10 hecta trang trại sạch.

Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo Tiên Phước, Quảng Nam, từng tốt nghiệp ngành sư phạm tiếng Anh nhưng Bùi Thị Hồng Thu (sinh năm 1981) lại chọn con đường làm nông nghiệp bền vững. Sau 9 năm vượt mọi khó khăn, giờ đây Thu đang sở hữu hơn 10 hecta nông trại sạch và hơn 15 sản phẩm chất lượng đưa ra thị trường.

Bỏ công việc ổn định nhưng nhàm chán tại Samsung về làm nông

Năm 2010, lúc đó Thu 29 tuổi đang có một công việc ổn định, thu nhập và đãi ngộ tốt tại Công ty Samsung Việt Nam. Tuy nhiên, mỗi ngày đi làm về, Thu đều mang cảm xúc bế tắc. Câu hỏi: "Lẽ nào mình cứ sống nhàm chán, buồn tẻ hoài như vầy sao?" luôn hiện lên trong đầu Thu. Cô muốn tìm cho mình một hướng đi đúng với đam mê bản thân hơn.

Một lần đọc cuốn sách có tên "Thiên nga đen" của tác giả Nassim Nicholas Taleb và bộ sách của tác giả Trịnh Xuân Thuận (Những con đường của ánh sáng, Cái vô hạn trong lòng bàn tay...), Thu đã quyết tâm thay đổi cuộc đời mình từ đấy.

Năm 2011, trong lúc về thắp hương cho ông bà ngoại ở quê, Thu hồi tưởng về thời thơ ấu cùng sống với họ. Thu ước có được cuộc sống như vậy trong hiện tại. Và rồi cô đã quyết định về nông thôn.Năm ấy, với một ít tiền để dành, Thu khởi sự làm nông bằng sản phẩm đầu tay có tên nhang Noom được sản xuất từ quế tại làng của ông bà – xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước, Quảng Nam. Ý tưởng được nhen nhóm từ mong ước mang đến cho nhiều người như Thu có được những ký ức đẹp chỉ với giá 300 đồng một bó. Thu gọi đó là mùi hương của tuổi thơ, của yêu thương.

Bùi Thị Hồng Thu

Kiên trì với nông nghiệp sạch

Những năm sau đó, Thu dấn thân sâu hơn trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững với các sản phẩm tập trung vào vấn đề sức khỏe và làm đẹp như dầu phộng ép lạnh, xà phòng hữu cơ, dầu sachi, dầu mè ép lạnh.

Khi mới bắt tay vào khởi nghiệp, Thu chỉ có vỏn vẹn 200 triệu trong tay nhờ vào tích góp và mượn của mẹ.

Do trước đó Thu từng có thời gian làm xuất khẩu và may mắn quen một vị khách hàng người Nhật. Ông là chủ của một công ty cung ứng lớn trong ngành phân bón hữu cơ.

Ông này đã nhìn thấy Thu đang thực hiện những gì bản thân ông ao ước nên khuyên cô "Cái gì người khác làm được, mình phải làm được. Cái gì người khác không làm được, mình cũng phải làm được. Chỉ cần mình làm ra sản phẩm tốt, tự khắc có khách hàng tìm đến". Cô đã tin vào lời đó và cứ thế làm mà không nghĩ ngợi gì nhiều.

Thu chọn con đường làm "nông nghiệp bền vững", khái niệm này đã có từ lâu tại các quốc gia phát triển hữu cơ tự nhiên khép kín, phương pháp canh tác Fukuoka natural farming, Syntropica - Agroforestry, Permaculture, Zero Budg, Biodynamic...

Thu cho rằng đây cũng không phải là phương pháp mới mẽ gì ở Việt Nam. Vì từ những năm 80, ông bà ngoại cô đã từng làm và nuôi sống 4 người con cùng một đàn cháu. Thời đó, ông cô là người tự tay đẽo cái bông (máy) ép dầu lạc và cũng là người đầu tiên trong làng có bông ép dầu. "Tôi có những sản phẩm dầu lạc Noom cũng cùng nguyên tắc sản xuất giống của ông, ép cơ học. Dầu tôi làm giống với cách ép dầu olive siêu đắt đỏ truyền thống của phương Tây", Thu chia sẻ.

Thu cho rằng nông nghiệp tự chủ là không phụ thuộc vào phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật. Người nông dân, người sản xuất yêu sản phẩm của mình như sinh mệnh.

Vì không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón nên việc thường xuyên bị sâu bọ tấn công là chuyện mà Thu phải đối mặt. Đó cũng là khó khăn lớn trong câu chuyện làm nông nghiệp sạch Thu đang trải qua.

"Nhìn đám mè bị phá tan nhiều lúc mình thấy xót vô cùng. Có những mùa vụ mình mất trắng. Nhưng cứ làm việc mình thích, tập trung, cố gắng hết sức sẽ có lợi thế hơn người", Thu trự trấn an mình.

Một bài toán lớn khác mà cô cần giải quyết trong quá trình khởi nghiệp của mình là nhân sự. Để tìm được những người cộng sự chấp nhận lợi nhuận ít nhưng mang lại giá trị cao cho cộng đồng không hề đơn giản. Hoặc tìm và thuyết phục người dân đi theo hướng không dùng thuốc hóa học, trừ sâu hay phân bón cũng là một bài toán nan giải.

Sản phẩm nông sản sạch của Hồng Thu.

Những thành quả đầu tiên

Nhưng với sự kiên trì, bền bỉ bước đầu đã mang lại những thành quả trong nghề nông cho Thu. Hiện cô có 6 nông trại (farm) phát triển theo mô hình nông nghiệp bền vững vườn rừng, trong đó có farm diện tích 10 hecta, có farm diện tích 1 hecta chuyên trồng đậu, mè, lúa,...cho sản phẩm tốt.

Lựa chọn cái tên Noom cho các sản phẩm của mình là cách Thu thể hiện tình yêu với đất Quảng, nơi sinh ra và lớn lên của cô. "Người ta hay nói dân Quảng Nôm, nên tôi đặt tên cho các sản phẩm của mình là Noom cho dễ gọi", cô lý giải.

Các mặt hàng Thu làm là đặc sản địa phương, có tính cạnh tranh cao về giá và chất lượng: hương nhang xông phòng khử mùi diệt khuẩn, dầu thực vật ép lạnh dùng để ăn và chăm sóc da, đường mía thô toàn phần, xà bông hữu cơ... Và đây là các đặc sản được cô nâng cấp một bậc cao theo cách đã học từ các sản phẩm của Nhật. Từ những ngày đầu tiên, mặt hàng nhang quế cô bán chỉ 200 kg mỗi năm, giờ đây đã lên đến 10 tấn một năm.

Sau 9 năm nghĩ lại con đường mình đi, Thu thấy lời của ông bạn người Nhật thuở xưa rất đúng. Khách hàng hiện tại đều tự tìm tới bằng một cách nào đó mà chính cô cũng không lý giải được. Cô chưa từng làm marketing sản phẩm của mình.

Hiện tại, Thu chỉ tập trung làm tại quê Quảng Nam và mong muốn cách làm nông nghiệp sạch của mình có sự lan toả tới những người nông dân. "Tôi muốn giúp họ loại bỏ sự phụ thuộc vào phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Trong thời gian tới, tôi sẽ tìm những người chung ý tưởng ở từng làng xã và làm việc với họ để mở farm tại các làng ấy", cô nói.

Nếu quay lại lựa chọn, cô cho biết mình vẫn chọn làm nông nghiệp sạch vì thấy có niềm vui cũng như giúp đỡ được nhiều người và khiến các chị em phụ nữ có thể tự chủ trong gia đình và bản thân họ.

Thu mong muốn thời gian tới sẽ tạo được sự thay đổi đáng kể cho ngành nông nghiệp của quê nhà nói riêng và Việt Nam nói chung.

Hạnh Nguyễn - Báo VnExpress