www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Nỗi nhớ bánh gừng

“Anh nói với em rằng Tiên Phước quê mình…” Câu hát như thủ thỉ với người xa quê lời nhắn nhủ ân tình. Người đi xa chợt bâng khuâng, nhớ lại tuổi thơ êm đềm đã được giấu kín trong miền ký ức xa xôi …

      Gần đây, kinh tế phát triển, đời sống vật chất của nhân dân được cải thiện đáng kể. Ngày lễ tết, hội hè…, cỗ bàn tràn ngập các loại bánh mứt đắt tiền khiến cảm giác no đủ càng trở nên rõ ràng hơn rất nhiều… Thế nhưng, với những người con của vùng đồi trung du Tiên Phước đã có những cái tết thấm đượm hương vị quê nhà, thì những mâm cỗ bây giờ dường như vẫn còn thiếu một cái gì đó làm nên vị nồng ấm của những mâm cỗ tết, làm mềm lòng những người con đi xa, đến ngày xuân mới được đoàn tụ cũng gia đình… Ngọn lửa làm ấm không gian ngày xuân đó chính là những khay bánh gừng được các mẹ, các chị dày công nắn nót để dâng lên Tổ tiên trong ngày Tết cổ truyền; thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tiền nhân và cũng để cho bàn thờ gia tiên trong ngày Tết thêm trang trọng dưới ánh nến lung linh. 

Những con mưa phùn những ngày sắp Tết rắc những hạt bụi nước lên muôn vật dường như khiến cho việc chuẩn bị tết của những người dân miền đồi trung du Tiên Phước thêm phần bận rộn, náo nức. Cái lạnh của thời tiết bên ngoài càng làm tăng sức hấp dẫn của những bếp lửa hồng ấm cúng, nơi nồi bánh tét đang sôi sùng sục và cả những lò nướng bánh gừng lúc nào cũng chí chóe tiếng nói cười của mấy đưa trẻ đang chen vào ngồi xem bà, mẹ, chị mình làm bánh… Đó là một phần bức tranh những ngày cận tết của Tiên Phước quê tôi cách đây vài thập kỷ.

Không phải ngẫu nhiên mà mâm bánh gừng trở thành điểm nhấn, khơi dậy tình yêu quê hương, biết ơn tổ tiên cha ông và vun đắp tình nghĩa vợ chồng của những người con Tiên Phước khi đi xa. Có lẽ không một người con nào của quê hương Tiên Phước lại không biết đến câu ca dao: 

“Tay bưng dĩa muối chén gừng

Mưa phai nắng nhạt cũng đừng bỏ nhau”

Hay thắm thiết, sâu lắng hơn:

“Muối mặn, ba năm muối hãy còn mặn

Gừng cay, chín tháng gừng hãy còn cay”.

Vị cay của gừng từ bao đời nay đã trở thành biểu tượng của sự chung thủy, nhớ về cội nguồn và là tiếng nói của sự biết ơn chân thành đối với những người đã cưu mang, giúp đỡ mình lúc hàn vi, khốn khó. Trong ý nghĩa đó, những nhánh bánh gừng công phu trong những ngày tết có một điều gì đó rất thiêng liêng và là hình ảnh đẹp khó phai trong lòng những người dân quê xứ Tiên…

Một thời nghèo khó đã qua, các loại bánh, kẹo, mứt ngày càng phong phú; nhưng có lẽ với người Tiên Phước, không loại bánh mứt nào có được vai trò như chiếc bánh gừng, bởi nó không chỉ là một loại bánh mà còn là nơi chứ đựng nhận thức, quan niệm sống và cả đạo lý làm người của cả cộng đồng cư dân chủ nhân.

Như tên gọi của mình, bánh gừng có hình dáng giống hệt những củ gừng trong tự nhiên, những nhánh gừng to, chắc và bụ bẫm của đất đồi trung du màu mỡ. Để có được những chiếc bánh nghĩa tình đó, người phụ nữ xứ Tiên phải hết sức công phu và khéo léo trong từng khâu làm bánh, từ chuẩn bị nguyên liệu, ngâm nếp, xay bột, nhào bột, nặn bánh và nhất là nướng bánh đến chín vàng.

Gạo nếp được vo đãi sạch, ngâm vài giờ cho mềm trong nước đã được cho vào một nhánh gừng giã nhỏ, trước khi xay mịn trong nước. Đem nước bột đã xay bòng lại trong lớp vải mịn, dùng cối đá thật nặng chần lên trên một đêm để vắt hết nước ra. Sau đó bột được nhồi dẻo bằng cách luộc vài vắt bột to bằng nắm tay trong nước sôi rồi bẻ ra, cho mật hoặc đường vào vừa đủ ngọt, thêm vào vài củ gừng tươi giã nhuyễn rồi dùng cối giã đạp chân nhào thật kỹ cùng với số bột nếp sống còn lại. Đậy khối bột đã nhào nhuyễn lại ủ trong một đêm cho bột nở và xốp. Bột để nắn bánh phải thật dẻo, mịn, nhưng không được quá ướt, sẽ khó tạo hình cho bánh. 

Việc nhồi bột đòi hỏi nhiều công phu, sức lực, nhưng nắn bánh mới là khâu quan trọng, đòi hỏi sự khéo léo của những người phụ nữ chịu thương, chịu khó. Từng cục bột nhỏ được lấy ra và nắn sao cho thật giống những củ gừng. Từng củ gừng như vậy được gắn lại với nhau thành một nhánh gừng lớn hoàn chỉnh, có củ cái, củ con, có củ non, củ già như một bụi gừng trong tự nhiên.

Khâu tiếp sau khi nắn bột là nướng bánh. Có lẽ ít có loại bánh nào mà khâu làm chín lại cầu kỳ và công phu như nướng bánh gừng. Đầu tiên, để chuẩn bị nướng bánh, các cô gái rủ nhau ra sông, chọn những hòn sỏi nhỏ, thật đều nhau, có kích thước bằng quả trứng chim sẻ. Sỏi được cọ rửa thật sạch ngay tại bờ sông rồi đem về phơi khô để sẵn. Thường việc nướng bánh gừng được làm đồng thời với lúc nấu bánh tét ngày tết để tận dụng được số than hồng có rất nhiều khi đó. Những cục than đỏ hồng, nóng rực được lấy ra từ bếp nấu bánh được cho vào lò nướng bánh gừng. Chiếc chảo gang dày đựng sỏi được đặt trên lò, lửa than bên dưới sẽ làm sỏi nóng dần. Khi sỏi đã thật nóng, từng nhánh bánh gừng được đặt vào sẽ chín vàng bằng sức nóng tỏa ra từ những viên sỏi được nung. Lúc này, cả không gian như ấm hẳn lên, ngào ngạt với mùi thơm của nếp, của mật hòa quyện với vị thơm nồng của gừng tươi.

Nhưng nướng bánh chưa phải là khâu cuối cùng. Để có những đĩa bánh gừng đẹp lung linh dưới ánh nến trên bàn thờ vào ngày tết, sau khi nướng chín vàng, bánh lại được làm đẹp thêm bằng những mụt non màu hồng tươi trên đầu các củ gừng, màu xanh non ở gốc bụi gừng, khiến chiếc bánh tươi rói, giống hệt một bụi gừng bụ bẫm vừa được đào lên từ vườn nhà và rửa sạch. Thoạt nhìn, khó có thể biết được đấy là chiếc bánh được các mẹ, các chị làm nên từ bột nếp.

Người Tiên Phước đã quen với vị thơm cay của củ gừng trong nhiều bài thuốc và món ăn dân gian trong cả hai mùa mưa nắng. Chính vì thế, những nhánh bánh gừng ngày tết có một cái gì đó rất đỗi thân quen, nhưng lại vô cùng thiêng liêng trong lòng mỗi người. Dường như ánh nến trên bàn thờ gia tiên thêm lung linh bân dĩa bánh gừng ân tình do những người con dâu hiếu thảo dâng lên.

Với những người con Tiên Phước đi xa, tiếng nói cười của bọn trẻ con trong không gian ấm nóng của lò nướng bánh thơm lừng, có ánh lửa hồng soi rõ những giọt mồ hôi đọng lại trên trán của bà, của mẹ, của chị mình mãi là nỗi nhớ, là lời nhắn nhủ của quê hương mỗi khi tết đến xuân về…

Mùa xuân lại đến, mời bạn một lần đến với miền đồi trung du Tiên Phước, chắc hẳn bạn sẽ thấy ấm lòng trước sự mến khách của người dân nơi đây. Trong ngôi nhà rường ẩn sau một ngõ đá nào đó, bạn sẽ được mời nhấm nháp món bánh gừng với nước chè xanh hãm kỹ, thoang thoảng hương gừng tươi trong cái se lạnh của đất trời vừa chuyển sang xuân, đâu đó khúc khích tiếng cười của những thiếu nữ đang kể cho nhau nghe những câu chuyện chỉ họ mới biết, bạn mới thấy rằng hạnh phúc thật gần chứ không phải là cái gì cao xa như bạn vẫn hằng nghĩ. Và nếu vẫn chưa có một bến đợi, biết đâu bạn sẽ chọn nơi này làm quê hương thứ hai của mình để hiểu hơn một câu hát về giòng sông nơi đây:

“Sông Tiên nước chảy ngược dòng

Ai ơi đến đó cho lòng vấn vương”  

Hồ Vũ Thanh Châu

Tập san Tiên Phước 40 năm xây dựng và phát triển